Các đại diện Ấn Ðộ sẽ chia sẻ kinh nghiệm
tại Hội nghị Truyền giáo ở Thái Lan (18-22/10/2006)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Các đại diện Ấn Ðộ sẽ chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Truyền giáo ở Thái Lan (18-22/10/2006).
Bangalore, Ấn Ðộ (UCAN - IA01130.1411 Ngày 21-9-2006) -- Các nhân viên Giáo hội Ấn Ðộ tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu (từ ngày 18 đến 22 tháng 10 năm 2006) sẽ nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn trong việc giới thiệu Ðức Kitô ở châu Á, theo các nhân viên Giáo hội địa phương.
Cha Siluvai Ignaci, điều phối viên của các đại diện Ấn Ðộ tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu, cho biết: "Giáo hội Ấn Ðộ là một cộng đoàn láng giềng, luôn tham gia đối thoại với các cộng đoàn và tôn giáo khác".
Các đại diện của nghi lễ Latin và hai nghi lễ Ðông phương của Ấn Ðộ sẽ tham dự hội nghị từ ngày 18 đến 22 tháng 10 năm 2006 với chủ đề "Kể câu chuyện về Chúa Giêsu ở châu Á". Khoảng 1,000 người đến từ châu Á sẽ tham dự sự kiện này do Văn phòng Truyền giáo của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC-OE) tổ chức ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan.
Cha Ignaci nói với UCA News hôm 13-9-2006 rằng sẽ có 40 vị đại diện Giáo hội Latin, nghi lễ lớn nhất trong ba nghi lễ, trong khi các Giáo hội Syro-Malabar và Syro-Malankara sẽ có khoảng 10 đại diện.
Hai Giáo hội nghi lễ Ðông phương này đặt trụ sở trong bang Kerala, miền nam Ấn Ðộ, có nguồn gốc từ Thánh Tôma Tông đồ và theo các truyền thống Giáo hội Syria. Hai nghi lễ này và nghi lễ Latin, phần lớn là do các thừa sai châu Âu nỗ lực truyền bá ở thế kỷ 16, hình thành nên Giáo hội Công giáo Ấn Ðộ.
Cha Vijay Shantiraj, thư ký ủy ban rao giảng của hội đồng giám mục nghi lễ Latin, nói với UCA News hôm 13-9-2006 rằng phái đoàn Ấn Ðộ sẽ trình bày kinh nghiệm và quan tâm của Giáo hội mình thông qua các chương trình văn hóa, chia sẻ và suy niệm, cũng như thông qua thuyết trình.
Cha Saturnino Dias, thư ký điều hành của FABC-OE, đặt trụ sở ở Goa, miền tây Ấn Ðộ, cho biết hội nghị nỗ lực tìm cách trình bày và đào sâu đức tin. Ngài nói với UCA News: "Ðây là cách sống lại niềm vui trở thành Kitô hữu và cùng nhau chia sẻ niềm tin này với nhau và với thế giới".
Các tham dự viên sẽ làm chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của các gia đình, giới trẻ, người cao tuổi, người di dân và người nghèo. Ngoài ra, những người theo các tôn giáo khác sẽ chia sẻ việc họ nhận biết Chúa Giêsu như thế nào và biết được Chúa Giêsu đã làm phong phú đời sống của họ ra sao, cha Dias cho biết.
Ngài nói thêm, các hội thảo trong suốt ba ngày diễn ra hội nghị, ngày 19, 20 và 21/10/2006, được dành để xoáy sâu vào trọng tâm của chủ đề mỗi ngày và để cho các đại diện có thể suy nghĩ và chia sẻ niềm vui đức tin của họ. Hội thảo thứ nhất sẽ thảo luận về "Câu chuyện về Chúa Giêsu nơi các Dân tộc Á châu", hội thảo thứ hai sẽ xem xét "Câu chuyện về Chúa Giêsu nơi các Tôn giáo ở châu Á", và hội thảo cuối cùng sẽ giúp tham dự viên suy nghĩ về "Câu chuyện về Chúa Giêsu nơi các Văn hóa châu Á".
Theo cha Ignaci, ngoài các đại diện chính thức ra, sẽ còn có khoảng 25 người nữa từ Ấn Ðộ đến tham dự hội nghị. Những người này là chuyên gia về truyền giáo học, giới quan sát và một đoàn múa.
Ðoàn múa đến từ Trung tâm Kinh Thánh, Giáo lý và Phụng vụ Quốc gia, có trụ sở ở Bangalore, miền nam Ấn Ðộ, sẽ sử dụng vũ điệu cổ điển của Ấn Ðộ để trình diễn một tiết mục kịch-múa nói về truyền giáo ở châu Á.
Cha Thomas D'Sa, giám đốc trung tâm, nói với UCA News rằng tiết mục này sẽ trình bày làm thế nào để có thể giới thiệu Ðức Giêsu trong xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa của châu Á, nơi hình thành các tôn giáo lớn trên thế giới.
Tiết mục này đã được diễn thử trước một nhóm khán giả đặc biệt hôm 13-9-2006. Nó miêu tả 16 biến cố trong cuộc đời của Ðức Kitô và những ảnh hưởng của các biến cố này trong bối cảnh hiện nay. Về chủ nghĩa khủng bố, một trong các vấn đề vở kịch đề cập, vở kịch-múa này miêu tả Chúa Giêsu là nhà cách mạng chống đối những chuyện bất công bằng phi bạo lực.
Cha D'Sa sẽ đi cùng đội múa gồm sáu thành viên đến tham dự hội nghị giải thích, "Ðây là chuyện kể về cuộc chạm trán giữa Phúc âm và văn hóa, vốn nói về xây dựng các cộng đồng tình yêu".
Trong khi đó, một số nhân viên Giáo hội nghi lễ Latin không hài lòng về thành phần trong phái đoàn tham dự đại hội của họ.
Cha X.D. Selvaraj, thư ký Ủy ban Giáo dân của các giám mục Latin, nói rằng phái đoàn này không "đại diện đủ" cho giáo dân. Ngài nói với UCA News rằng ngài lấy làm tiếc là Giáo hội "ít coi trọng giáo dân trong những dịp quan trọng". Ngài cho biết chỉ có sáu nam và một nữ giáo dân trong 40 đại diện. Số còn lại là giám mục, linh mục và hai nữ tu.
Cha John Noronha, cựu giám đốc Caritas Ấn Ðộ, tổ chức dịch vụ xã hội cấp quốc gia của Giáo hội, cũng cho biết chỉ có ba phụ nữ trong số các đại diện. Ngài nói với UCA News rằng thật "vô lý và đáng tiếc khi trong hàng giáo phẩm lại có sự phân biệt đối xử với phụ nữ như thế". Vị linh mục than phiền rằng phụ nữ "đã đóng góp nhiều cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội Ấn Ðộ" nhưng lại không có được "đại diện xứng đáng".
Cha Ignaci giải thích, ban điều phối không có phân biệt đối xử giới tính. Theo ngài, ban điều phối của ngài đã yêu cầu mỗi hội đồng trong 12 hội đồng giám mục khu vực trong quốc gia chọn ba đại diện, và số đại diện nam nữ "được lấy từ đó".
UCAN