Muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô

trước hết cần trở lại với Người

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô trước hết cần trở lại với Người.

(Bài chia sẻ của LM Nguyễn Ngọc Sơn nhân dịp Ðại Hội truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006 tại Chang Mai, Thái Lan).

 

I. Xuất phát từ Ðức Kitô.

Nhập đề

Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: "Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Ðức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo Á Châu?".

Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này và cảm thấy hoạt động tích cực truyền giáo của họ bị xem thường. Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các vị ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở Việt Nam cũng như ở châu Á và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình.

Những con số chất vấn

1. Nhìn vào Giáo hội Việt Nam trong suốt 45 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7.17%, cuối năm 2005 chỉ còn 7.04%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 40 năm khi mà dân số Công giáo vẫn chỉ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 140 triệu người trong số gần 3.5 tỷ dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1 tỷ 071 triệu người vào cuối năm 2003 (x. Thống kê Toà Thánh 2005). Mỗi năm có khoảng 2.5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17.99% dân số thế giới, đến năm 2002 chỉ còn 17.2%.

Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Ðức Kitô đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.

2. Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Hội thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400,000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 1,200,000 vào năm 2005, nghĩa là tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 năm. Trong Hội nghị Hợp nhất Kitô hữu mới tổ chức vào tháng 7-2006, tại Seoul Hàn Quốc của Hội đồng Giáo hoàng về hợp nhất Kitô hữu do Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc tổ chức, các tham dự viên được nghe báo cáo về sự phát triển vượt bậc của phái Ngũ Tuần. Từ một vài người cách đây 100 năm giáo hội Ngũ Tuần đã phát triển tới con số 600 triệu người hiện nay, trong đó có 165 triệu đang sống tại châu Á. Nếu so sánh hơn hai ngàn năm truyền giáo tại châu Á, Giáo hội Công giáo đang có 140 triệu người, trong khi anh em phái Ngũ Tuần chỉ mất 100 năm để có 165 triệu người, thì chúng ta phải tự hỏi về kết quả truyền giáo và động lực truyền giáo của cả đôi bên.

Ði tìm câu trả lời cơ bản

3. Ðã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực. Vậy chúng ta phải làm gì? Hy vọng Ðại hội Truyền giáo châu Á tổ chức ở Chang Mai, Thái Lan từ ngày 18 đến 22-10-2006, có thể giới thiệu một đường hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 6-11-1999 là một bản tổng kết những định hướng cơ bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại lục địa mênh mông này. Tông huấn ấy đã mở ra những chân trời bao la thuộc mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và cả đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tại Á Châu sau khi nhấn mạnh đến việc kết hợp với Chúa Ba Ngôi và hợp nhất với Giáo Hội. Tuy nhiên, điểm cơ bản mà chúng tôi muốn nhắc đến là Ðức Thánh Cha mời gọi từng người chúng ta phải phát xuất lại từ Ðức Giêsu Kitô vì Người là món quà quý giá nhất mà Chúa Cha gửi tặng cho châu Á (x. ÐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội châu Á, số 10).

4. Thực trạng sống đạo như mời gọi ta phải trở lại với Ðức Giêsu Kitô và xuất phát lại từ Người.

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Ðời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín, cảm nghiệm bên trong. Nhiều người có trách nhiệm trong cộng đồng như linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân ưu tuyển chưa được đào tạo để suy tư một cách có hệ thống về Ðức Giêsu Kitô qua bộ môn Kitô học, chưa có cảm nghiệm sống động và mạnh mẽ về Ðức Kitô để dấn thân làm chứng cho Ngài, chưa dám chết đi cho những tham vọng và dục vọng của chính mình để sống hoàn toàn cho Ðức Kitô trong một châu Á có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.

Dân chúng Thái Lan và nhiều nước theo Phật giáo vẫn dành nhiều thiện cảm cho các nhà sư với chiếc đầu cạo trọc, bộ áo cà sa giản dị và chiếc bình bát mộc mạc, bình thản đón nhận những đồ cúng dường, xem họ như là biểu tượng của tinh thần xả kỷ hy sinh hơn các linh mục, tu sĩ Công giáo. Dân chúng Nam Á và Ðông Nam Á với gần 1 tỷ người theo Hồi giáo lại cảm thấy được trợ lực bởi những giờ kinh đều đặn nhiều lần mỗi ngày của cả cộng đồng dù ở bất cứ nơi nào. Rồi qua lời kinh cầu nguyện, anh em Hồi giáo càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc sống. Ðây là nét đẹp rất cuốn hút trong một xã hội châu Á đã từng bị các thế lực ngoại xâm áp dụng chính sách "chia để trị" khiến người ta luôn nghi ngờ và đóng kín với nhau, trong khi rất nhiều cộng đồng Công giáo vẫn giữ tinh thần cục bộ bè phái để chỉ biết có phe nhóm, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo miền của mình. Hơn 1 tỷ người Trung Quốc và hàng trăm triệu người Nhật Bản dưới ảnh hưởng của Thần giáo lại cảm thấy những lời dạy của Ðức Giêsu chưa đủ mức khôn ngoan và sâu sắc nếu so sánh với lời dạy của đức Khổng Tử, Lão Tử và nhiều bậc thánh hiền trong văn hoá Ðông Phương. Họ chưa nhận ra lời Người có giá trị tuyệt đối vì Người là lời cứu độ của Thiên Chúa, có sức đưa họ vào cuộc sống vĩnh hằng và chia sẻ cho họ thần tính của Thiên Chúa.

Châu Á có rất nhiều người trẻ, hơn 50% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ này đang say mê học hỏi khoa học kỹ thuật để tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, con người cũng như xã hội. Nhưng hình như Giáo hội Công giáo, qua trình độ học vấn của các bậc chức sắc, và thái độ ít dấn thân của họ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chưa thuyết phục được người trẻ hiểu rằng Ðức Giêsu chính là con đường dẫn tới sự thật và sự sống, là nguồn của sự khôn ngoan và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để con người hiểu biết những sự thật mầu nhiệm ẩn chứa trong con người và vạn vật. Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với những cầu thủ, diễn viên, người mẫu, văn nghệ sĩ, với thời trang, âm nhạc... Nhưng hình như Giáo hội Công giáo lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp mà lại hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó và quên giới thiệu cho họ một Ðức Giêsu hoà mình vào đám đông dân chúng, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, khám phá ra cái đẹp trong từng nhánh cỏ, bông hoa của đồng nội cũng như giới thiệu tinh thần nghèo khó thật sự là gì.

Muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô trước hết cần trở lại với Người

5. Trở lại với Ðức Kitô là chúng ta tìm lại cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Ðức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Ðức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để có mối tương quan mật thiết với Người. Ðể hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một trong nhau "để tôi sống không còn phải là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (x. Gl 2,20).

Sống trong một đất nước có nhiều tính cách đối nghịch vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động của quỷ ma ta cần phải trở lại với Ðức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Ðó cũng là một trong những chìa khoá thành công của anh em Giáo hội Ngũ Tuần khi họ gắn bó với Ðức Kitô và thở được Thần Khí của Người.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Ðức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Ðấng Cứu Ðộ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Ðức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CÐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15,18). Học lại thái độ khoan dung của Ðức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

Trở lại với Ðức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Ðức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, dù có vẻ nhơ bẩn như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa.

Trở lại với Ðức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Ðức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.

Lời dạy của Ðức Giêsu: "Con người làm chủ ngày Sabbat" như mời gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Ðức Kitô ở đó. Những buổi lễ phụng vụ dài lê thê, với hàng chục ngàn tín hữu tham dự, ngồi bó gối bất động hay đứng chật như nêm cối giữa trời nắng chan chan hay mưa phùn gió bấc để đón tiếp một vị chức sắc quan trọng nào đó, có thể làm cho người chưa tin đạo cảm thấy sợ hãi trong cách diễn tả lòng sùng kính, tôn thờ. Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Ðức Mẹ La Vang, Lộ Ðức, Tà Pao, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi học sinh vẫn còn thiếu lớp, thiếu trường, trong khi nhiều bệnh nhân chưa cầm được bát cháo giúp đỡ như anh em Phật giáo Hoà Hảo ở Long Xuyên thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Ðức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn hơn chăng?

Lời kết

Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng của Ðức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Ðức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu, của chân thiện mỹ là chính Ðức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.

 

II. Tôi đã gặp Ðức Kitô như thế nào trong đời tôi?

- Truyện kể về Ðức Giêsu qua sứ điệp loài hoa

Sứ điệp loài hoa là tên cuốn sách nhỏ, dày 48 trang. Mỗi trang chỉ có vài chục dòng kể về những bông hoa và sứ điệp của chúng gửi cho con người. Nhưng đối với riêng tôi, tập sách còn ẩn giấu câu chuyện về tình yêu và quyền năng mà Ðức Giêsu muốn chia sẻ mỗi khi tôi gặp thử thách trong đời.

Vào tháng 8 năm 1990, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bảo tôi phải làm cái gì cho giới trẻ. Tôi hứa với ngài sẽ viết một tập sách nhỏ về các loài hoa. Tháng Giêng năm 1993, cuốn sách ra mắt lần đầu tiên và được các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận. 15,000 cuốn bán hết ngay trong tháng và tiếp tục in thêm 20,000 cuốn trong lần tái bản I. Ðức Tổng Phaolô rất vui và ngài đã viết thư xin Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM cho phép tái bản lần II. Tuy nhiên, dù Ðức Tổng Phaolô đã viết thư đến lần thứ ba để xin phép tái bản nhưng Sở Văn hoá Thông tin đã không trả lời.. Mãi sau này tôi mới hiểu, do bài viết về loài hoa bất tử nên tập sách đã bị liệt vào loại sách cấm.

Hè năm 1993, tôi gặp bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâu, giảng viên Ðại học Y Dược TP.HCM. Bà mời tôi đến gặp người em rể tại một căn biệt thự ở đường Tú Xương. Ông bị tê liệt và đi lại rất khó khăn. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau khoảng 1 giờ. Trước khi ra về, ông tha thiết mời tôi trở lại vào 9 giờ sáng hôm sau, dù 15 giờ chiều ông phải đáp máy bay sang Canada. Hôm đó là ngày 12-6-1994.

Tôi trở lại thăm ông cùng với bà Lâu, dành 15 phút để xoa bóp cánh tay ông và xin phép được cầu nguyện cho ông. Sau vài lời kinh tôi nói với ông:

- Xin ông giơ tay lên.

- Ông ngạc nhiên nhìn tôi và nói: Cánh tay tôi đã chết từ 4 năm nay rồi. Tôi đã đi chữa ở hầu hết các nước XHCN và thậm chí ở vài nước tư bản, nhưng các bác sĩ đều bảo cánh tay tôi chết rồi.

- Tôi vẫn tha thiết xin ông giơ cánh tay lên.

Bỗng nhiên, ông giơ cánh tay lên khỏi đầu và làm đi làm lại mấy lần, đôi mắt mở to vì ngạc nhiên pha lẫn vui sướng. Rồi ông hỏi tôi:

- Tôi có thể làm gì cho linh mục?

- Thưa bác, tôi đến đây chỉ để cầu nguyện cho bác và không xin gì cả.

Ông quay sang hỏi bà Lâu:

- Tôi có thể giúp gì cho linh mục này?

Bà Lâu nói với ông rằng tôi phải lo in các sách cho toà tổng giám mục TP.HCM và từ mấy năm nay không được phép in cuốn sách nào, ngay cả việc tái bản cuốn Sứ điệp Loài hoa.

- Chị có cuốn sách đó ở đây không? Ông hỏi.

- Bà Lâu vẫn giữ cuốn sách nhỏ của tôi trong ví nên lấy ra đưa cho ông xem. Ông lật qua lật lại mấy trang, rồi bước tới bàn làm việc, cầm lấy điện thoại và gọi đến vài nơi. Ít phút sau ông nói với tôi:

- Xin linh mục cứ yên tâm. Chừng một tháng nữa khi ở Canada về, tôi hy vọng linh mục đã có phép in các sách như thế này.

Quả thật, hơn một tháng sau tất cả 30 cuốn sách trong kế hoạch in ấn năm 1994 của Toà Tổng Giám mục đã được cấp giấy phép xuất bản, trong đó cuốn Sứ điệp Loài hoa được tái bản với số lượng 20,000 cuốn và 10,000 cuốn song ngữ Anh-Việt (GP số 18-11/CXB, cấp ngày 16-01-1995).

Với sự can thiệp này, tập sách không còn bị liệt vào loại sách cấm và được phép tái bản nhiều lần sau đó. Chỉ riêng Toà Tổng Giám mục đã tái bản tới 5 lần và số lượng đạt 145,000 cuốn, không kể số sách in lậu của các nơi khác. Năm 2006, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giáo phận Ðà Lạt, xứ sở của loài hoa đã nhờ anh Nguyễn Ngọc Hiệp làm cho tôi băng hình Sứ điệp Loài hoa với giọng đọc Anh-Việt của các nhân viên đài Chân lý Á Châu (Veritas in Asia - Philipphines) để các bạn trẻ vừa có những hình ảnh sống động của các loài hoa đẹp, vừa nghe được sứ điệp mà Ðức Giêsu muốn chuyển đến qua đàn em thụ tạo của Người. Ðây là quà tặng quý giá mà tôi không bao giờ ngờ tới trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Tác động của Ðức Giêsu đối với tập sách nhỏ bé này như muốn thôi thúc tôi loan báo sứ điệp của Người không phải chỉ trên những loài hoa mà còn trong cuộc đời của mỗi người đang sống quanh tôi. Chính nhờ lời yêu thương và quyền năng Người đã tạo thành ta, cứu độ ta, thì cũng nhờ lời ấy, Người sẽ cho ta được tham dự vào thần tính của Người để ta thành loài hoa đẹp trong cánh đồng trần thế hôm nay.

 

III. Bạn nghĩ gì về những người theo các tôn giáo khác trong nước bạn?

- Niềm Vui của sự liên đới

Nước tôi có 6 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hoà Hảo, Cao Ðài, các hệ phái Tin Lành và Hồi giáo. Ngoài ra, rất nhiều người theo đạo ông bà thờ cúng tổ tiên và cũng có nhiều người vô thần kể từ khi người cộng sản lãnh đạo cuộc chiến và nắm chính quyền ở miền Bắc vào năm 1954 và miền Nam 1975 đến nay. Phật giáo có khoảng gần 10 triệu người trên tổng số 84 triệu dân, chiếm khoảng 12% dân số. Người Công giáo chúng tôi có gần 6 triệu người, chiếm khoảng 7% dân số. Trong dòng lịch sử dân tộc, các thế lực ngoại xâm suốt gần 12 thế kỷ đã dùng chính sách chia để trị tìm mọi cách chia rẽ đồng bào các tôn giáo vì sợ họ hợp nhất thành một lực lượng chống đối chính quyền, khiến cho đồng bào theo các tôn giáo có cái nhìn không mấy thiện cảm về nhau và hầu như rất ít khi cộng tác với nhau trong hoạt động từ thiện, bác ái xã hội.

Theo lời dạy của Công đồng Vatican II, nhiều vị mục tử Công giáo ở nước tôi trong những năm gần đây đã tìm cách đối thoại và cộng tác với các anh em tôn giáo bạn, nhất là trong lĩnh vực cứu trợ những nạn nhân thiên tai, giúp đỡ những người nghèo khổ yếu kém trong xã hội. Khi cùng làm việc bên nhau, chúng tôi chẳng còn để ý đến những khác biệt về màu áo, về quan điểm tôn giáo hay chính trị của nhau mà chỉ còn chăm chú nhìn vào những con người khốn khổ để nhận ra rằng tất cả đều là anh em trong đại gia đình nhân loại.

Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chúng tôi hằng năm thường tổ chức các khoá đào tạo các nhân viên xã hội để phục vụ những người khuyết tật, và chúng tôi gửi giấy mời tới các vị tăng ni Phật giáo để đào tạo cho họ về lĩnh vực này. Chúng tôi đến thăm các cơ sở khuyết tật của các anh em Phật giáo, cùng trao đổi kinh nghiệm săn sóc những người khuyết tật, cùng vui chơi và ăn uống chung với họ trong khoá học. Sự cộng tác này giúp chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi đang cùng đi chung với nhau trên con đường sự thật và sự sống dù mỗi bên chúng tôi gọi con đường ấy bằng những tên khác nhau. Rồi nếu chúng tôi cứ tiếp tục tiến bước theo con đường này với lòng khoan dung thì cuối cùng tất cả chúng tôi cũng sẽ gặp được Ðức Kitô vì Người chính là đường, là sự thật và là sự sống.

Bạn hãy nhìn nụ cười rạng rỡ của Thượng toạ Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II, Giám đốc một trung tâm trẻ khuyết tật của đồng bào Phật giáo khi trao cho chúng tôi Chuỗi Bồ Ðề và đeo lên mình tràn Chuỗi Mân Côi. Nụ cười ấy như khuyến khích chúng tôi cần phải cộng tác với nhau nhiều hơn nữa để niềm vui lan toả cho tất cả mọi người.

 

IV. Trong nền văn hoá dân tộc, những tập tục và truyền thống nào diễn tả Tin Mừng của Chúa Giêsu?

- Sự hiện diện của người đã khuất

Trong nền văn hoá của dân tộc Việt Nam cũng như của các nước châu Á, nhiều phong tục đối với người đã khuất là dịp để chúng ta suy nghĩ về cách diễn tả Tin Mừng của Ðức Giêsu.

Nếu bạn đến thăm một gia đình Việt Nam, bạn sẽ thấy ngay bàn thờ gia tiên thường được đặt ở gian chính của ngôi nhà hay ở một nơi trang trọng trong những căn hộ chật hẹp ở thành phố. Trên đó người ta bày ra những bài vị của cha mẹ, ông bà hay tổ tiên từ năm đời trở xuống. Sự hiện diện linh thiêng của người đã khuất như nhắc bảo con cháu phải sống tốt đẹp, xứng đáng với lòng tin tưởng và uỷ thác của các ngài. Nếu người đã khuất mới qua đời từ một đến ba năm thì ngoài bảng tên, người ta còn bày thêm hình ảnh để sự tưởng nhớ gần gũi và mật thiết hơn. Trong những ngày giỗ, Tết, người sống sẽ thắp hương, chưng hoa, đèn, và làm mâm cỗ để cùng chia sẻ với người chết. Người ta có thể kéo màn che bàn thờ, chờ cho cây nhang tàn để cho người chết thông thả hưởng dùng rồi mới lấy mâm cỗ xuống chia cho con cháu.

Nếu bạn đi trên đường trường, nhất là ở những đoạn nguy hiểm đã từng xảy ra tai nạn chết người, sẽ thấy những trang thờ là những nhà nhỏ bằng gỗ hay bằng xi-măng do người thân hay do dân chúng địa phương đặt lên để tưởng nhớ người đã khuất. Vào những ngày giỗ, Tết, hay vào bất cứ ngày nào, người ta cũng có thể cắm một vài nén hương, đặt vào một vài trái cây để tưởng nhớ người xấu số. Việc tưởng nhớ này không phải chỉ thể hiện trong dịp lễ Vu Lan, vào ngày rằm tháng bảy mà chúng ta gặp thấy ở hầu hết các nước theo ảnh hưởng của Phật giáo.

Sự hiện diện của người chết còn thể hiện qua việc lưu giữ tro tàn sau khi hoả táng ngay tại gia đình trong một thời gian nào đó như để người chết và người sống có thời gian hiệp thông với nhau trước khi gửi hũ cốt người thân vào ngôi chùa hay thánh đường nào đó. Xác thân con người đã từng gắn bó với linh hồn nên luôn luôn là vật linh thiêng mà bất cứ ai cũng phải tôn trọng, dù trong thời đại tôn sùng khoa học kỹ thuật như hiện nay. Có những bà mẹ bị hư thai nhưng vẫn cố gắng xin chôn cất bào thai với đầy đủ nghi lễ và cũng lập bàn thờ tưởng nhớ như một người trọn vẹn.

Những tập tục tưởng nhớ người đã khuất trên đây chuẩn bị cho đồng bào chúng tôi cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa và tiếp nhận Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng hằng sống đã ban sự sống cho mọi người, nên tất cả chúng ta, dù đã chết hay đang sống, vẫn luôn hiện diện trong Chúa. Sự hiện diện của ông bà tổ tiên như nhắc nhở chúng ta về nguồn sống là chính Thiên Chúa để chúng ta sống xứng đáng với Ngài và tốt đẹp với nhau. Hơn nữa, một khi tin Ðức Giêsu là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11,25), là thẩm phán của người sống và kẻ chết, chúng ta được mời gọi để chuyển cầu cho những người đã khuất, nhất là những người không còn người thân tưởng nhớ đến mình. Cuối cùng, "Ðức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một" luôn mời gọi ta tôn trọng sự sống của bất cứ con người nào, dù đó chỉ là bào thai bé nhỏ hay người già bệnh tật không còn làm được bất cứ việc gì.

Nhiều tập tục tương tự trong nền văn hoá dân tộc cũng đang mời gọi chúng ta suy nghĩ và khám phá lại dưới ánh sáng Tin Mừng.

 

LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page