Giáo Hội Á Châu Ngày Nay

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Giáo Hội Á Châu Ngày Nay.

 

Hiện Trạng, Ðịa lý và Dân số.

Ðại lục Châu Á trải dài từ các nước vùng Tây Á và vùng vịnh cho tới các nước vùng Ðông Á. Phía nam gồm Nam Á, Ðông Nam Châu Á và Ðông Á. Phía Bắc, gồm các quốc gia Cộng Hoà Trung Á và Phía Ðông bắc có Siberia và Mongolia. Tại vùng đất rộng lớn này, những khoảng cách thật xa vời bị cách đoạn bởi nhiều sắc dân, tôn giáo và văn hoá.

Ba phần tư dân số thế giới nằm tại Châu Á, trong đó, giới trẻ chiếm con số đáng kể. Với tỷ lệ này, Á Châu rất giàu mạnh về nhân lực và tiềm năng con người.

Ở Á châu, những tương phản về tổ chức xã hội, đời sống chính trị, hình thức kinh tế và mức sống, đang đến một mức độ ngang nhau trong các quốc gia của Á Châu và giữa các quốc gia với nhau. Mọi đáp ứng đều hướng tới mục đích: nơi đâu có sự sống con người, ở đó có sự hiện diện của Giáo Hội dưới nhiều hình thức và tìm cách đẩy mạnh sự hiện diện đó để đáp lại sứ mạng loan truyền Tin Mừng sự sống.

 

Tôn giáo, Văn hoá, và các nền Văn minh cổ xưa.

Á Châu là nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Giáo, Phật Giáo, Do thái Giáo, và Hồi Giáo. Nó cũng là nơi sinh của các truyền thống tôn giáo khác như Lão Giáo, Khổng Giáo, Bái Hoả Giáo, Sic Giáo, đạo Shinto, v.v... Hầu hết mang đặc tính cứu độ và trình bày về Ðấng Tuyệt Ðối, vũ trụ, con người và sự sinh tồn của nó cũng như sự dữ và những phương cách giải phóng. Chính trong bối cảnh tôn giáo này mà Giáo Hội tại Châu Á sống và làm chứng cho Ðức Giêsu Kitô.

Sự phân tích những thực tại Á Châu không thể hoàn chỉnh nếu không đề cập đến cái mà ngày nay gọi là Tôn Giáo Chính hay Tôn Giáo Truyền Thống. Xuyên suốt Á Châu có hàng triệu người theo Tôn Giáo Truyền Thống hoặc các Tôn Giáo lớn khác. Một số đón nhận đức tin Kitô Giáo.

Các tôn giáo tại Á Châu đã hình thành cuộc sống và văn hoá của dân tộc Á Châu hàng thiên niên kỷ nay và ngày nay vẫn tiếp tục mang lại ý nghĩa và định hướng cho cuộc sống của họ. Với ý nghĩa này, nhiều phản ảnh cho rằng tôn giáo ở Á Châu thực sự là những tôn giáo sống động, thấm nhập mọi khía cạnh cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội. Tính chất đạo đức sâu xa là một trong những đặc tính chính yếu của dân tộc Á Châu, được diễn tả bằng nhiều cách trong đời sống gia đình và xã hội tại những thời điểm quan trọng qua nghi thức giai đoạn như sinh, cưới và tử. Những thời điểm như vậy được gắn liền với kinh nguyện, nghi lễ, hy sinh, bài đọc Kinh Thánh, chay tịnh, hành hương và bố thí. Những yếu tố tích cực của tôn giáo ở Á Châu này đã dẫn đưa con người tới sứ điệp cứu rỗi của Ðức Giêsu Kitô.

 

Những Cá biệt và Hiện Trạng

Kinh tế-xã hội

Có nhiều khác biệt tương phản về dân tộc, văn hoá, hoàn cảnh và tình tiết của cuộc sống giữa quốc gia này với quốc gia kia, và ngay cả trong chính các quốc gia.

Tại Á Châu, tuy một vài quốc gia có những phát triển về kinh tế đáng kể, cái nghèo bất nhân và đánh mất giá trị, cùng với những bất bình đẳng ở nhiều nơi, có lẽ là một trong những hiện tượng buồn thảm và rõ ràng nhất của lục địa này. Mặc dầu cái nghèo ngày nay đôi khi có thể đã bắt nguồn từ hàng thế kỷ trước, ngay cả đến thiên niên kỷ, nhưng những bất công và các tệ nạn khác dường như vẫn kéo dài tình huống này. Một vài phản ứng đề nghị như sau: Sự phân phối tài nguyên bất công, cơ hội không đồng đều, không muốn thực hiện cải cách đất đai, phong trào thiếu văn hoá, tập trung của cải trong tay một số người, chủ nghĩa xã hội quốc gia không thể tránh khỏi tham nhũng, lãng phí kinh tế và điều hành kém cỏi.

Mặc dù một vài quốc gia của Châu Á có tiến bộ và phát triển kinh tế rất nhanh, nhưng cái nghèo vẫn là số phận của toàn thể dân chúng. Một vài quốc gia tại Châu Á nằm trong cái biến chuyển thật nực cười: mức sống thì tăng cao trong khi giá trị văn hoá lại dần dần bị sói mòn, dẫn đến chủ nghĩa vị kỷ và phá đổ tương quan gia đình và xã hội.

Kỹ nghệ hoá và đô thị hoá cũng khá nổi bật trong tình trạng này. Kỹ nghệ hoá tốc độ, thiếu cải cách đất đai, giảm dần những triển vọng sinh kế ở vùng ngoại ô, hấp dẫn của thành phố lớn và những nguyên nhân khác tương tự đang thay đổi viễn cảnh kinh tế và nhân số của nhiều thành thị Á Châu. Việc trục xuất áp đảo dân vùng ngoại ô để nhường chỗ cho các kỹ nghệ và dự án lớn. Chính sách tài chánh và kinh tế đứng về phía giới thượng lưu thành thị, bỏ qua quyền lợi của dân nghèo. Ðô thị hoá vô kế hoạch đang biến một số thành phố của Á Châu thành những khu ổ chuột to lớn, nơi mà nhân phẩm thường bị đánh mất.

Vấn đề lao động trả nợ và lao động trẻ em cũng nằm trong hiện trạng kinh tế này. Nhiều nơi ở Á Châu có những điển hình về hàng triệu công nhân lao động để trả nợ, nghĩa là những công nhân bị ép buộc làm việc có khi cả đời để trả nợ quá khứ. Lao động trả nợ được thấy nhiều trong các kỷ nghệ đúc gạch, đẽo đá, kỹ nghệ thuốc lá, kỹ nghệ thảm, v.v... bất kể luật lệ quốc gia và quốc tế, và sức ép thương mại và chính trị, những vấn đề liên quan tới tình trạng kinh tế xã hội của nhiều quốc gia ở Á Châu vẫn không thay đổi, và trong một vài trường hợp, nó lại càng tệ hơn nữa. Hiện trạng này đã chín mùi cho sứ mạng tình yêu và phục vụ cuộc sống của Giáo Hội, với sứ điệp nhân phẩm con người không được phép xúc phạm.

Văn hoá

Một số phản ảnh cho rằng hiện trạng kinh tế đang có những hậu quả phụ. Những dạng văn hoá mới xuất hiện do truyền thông, sách vở, báo chí, âm nhạc, phim ảnh, và các loại giải trí khác. Mặc dù truyền thông có tiềm năng trở thành sức mạnh lâu dài, nhiều phản ứng đưa ra rằng những gì có vẻ đang đi vào thị trường Á Châu, có kết quả trái ngược. Những hình ảnh bạo động, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân vô cương và chủ nghĩa vật chất đang đánh vào trọng tâm các nền văn hoá Á Châu, tích chất đạo đức của dân chúng, gia đình và toàn thể xã hội. Nhiều phản ứng tỏ ra xót xa về sự kiện sự thánh thiêng của hôn nhân, ổn định gia đình, và các giá tri truyền thống khác đang bị đe doạ bởi tryền thông và kỹ ngệ giải trí trên lục địa Châu Á. Một hiện trạng như vậy đang đưa ra những thách thức nghiêm trọng cho sứ điệp của Giáo Hội.

Những ảnh hưởng từ bên ngoài Châu Á là kết quả của việc di chuyển của con người với nhìều lý do. Thí dụ, du lịch là một kỹ nghệ hợp pháp và có những giá trị giáo dục và văn hoá riêng của nó. Tuy nhiên, ở một vài quốc gia, tình trạng này đang có ảnh hưởng suy đồi về viễn ảnh luân lý và sinh lý đánh mất danh giá thiếu nữ, lạm dụng và mại dâm trẻ em.

Tương tự, cũng có những phản ảnh rằng sự di dân trong các quốc gia, giữa các quốc gia Á Châu, và đi sang lục địa khác cho thấy sự gia tăng những vấn đề nhân bản và mục vụ. Nghèo đói, nội chiến, xung đột tôn giáo và yếu tố kinh tế là những nguyên nhân của sự di trú. Di dân, tị nạn và những người đi tìm chỗ an toàn thường bị đẩy vào tình trạng đối xử khắc nghiệt cũng như bị tước đoạt kinh tế và luân lý. Những công nhân ngoại quốc di trú thường bị trả lương bất công và đôi khi bị bắt làm việc trong những điều kiện thiếu nhân bản. Họ thường bị đưa vào tình trạng nguy hiểm về sức khoẻ và thường ra đi mà không được pháp luật bảo vệ. Nhìều người kêu gọi Giáo Hội hãy nhảy cảm đến những nỗi đau và thảm kịch nhân bản gây ra bởi việc di trú trong và ngoài Châu Á.

Nhiều nơi ở Á Châu, những người thuộc những nhóm tộc như các bộ lạc, dân bản xứ và thiểu số sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, v.v... là nạn nhân của bất công và phân biệt chủng tộc. Hàng thế kỷ qua, ở một số quốc gia, việc thực hành đẳng cấp đã cách biệt mọi tầng lớp nhân dân, để lại một khủng hoảng về văn hoá, kinh tế, tâm lý, và về lương tâm xã hội. Một vài phản ảnh cho thấy sự quan tâm về những vấn đề bị gây nên do kỳ thị chống lại phụ nữ, thiếu nữ và trẻ em. Mặc dầu những nỗ lực gần đây từ nhiều nguồn nhằm giảm bớt vấn đề này, nhưng những thái độ như vậy vẫn lan tràn, ảnh hưởng đến cơ hội học hành, nghề nghiệp và lương lậu cho phụ nữ. Trong những trường hợp như thế, Giáo Hội, tuy rất nhỏ so với địa thế, được nhìn như một khí cụ mang sứ điệp cứu độ của Ðức Kitô bằng lời nói và việc làm để có thể dẫn người ta tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về nhân phẩm của mỗi con người và vì thế đạt được một nền công lý cao cả và hài hoà hơn giữa con người.

Có những đe doạ về sự sống và khuynh hướng phá huỷ khác ở Á Châu. Một sự thiếu sót đang lớn dần về sự tôn trọng nhân quyền và chính sự sống con người - phá thai, buôn bán ma tuý, nghiện ngập đủ loại, lan tràn AIDS (SIDA), tội phạm chính trị, dùng bạo lực để dàn xếp những cuộc tranh chấp, làm cạn tài nguyên thiên nhiên, không quan tâm đến thăng bằng sinh thái, không có phục vụ y tế cơ bản, thuyết cơ bản dưới nhiều hình thức, v.v...

 

Dấu Chỉ Hy Vọng ở Á Châu

Khắp nơi tại Á Châu đang có ý thức mới và rõ ràng trong việc chuyển hướng người Á Châu để giải phóng họ thoát khỏi những di sản của truyền thống tiêu cực, tệ nạn xã hội và những tình trạng liên kết với quá khứ. Những nền văn hoá cổ truyền, các tôn giáo và sự khôn ngoan tập thể tạo thành nền móng vững chắc để xây dựng Á Châu tương lai.

Nhiều quốc gia Á Châu đang lấy lại ý thức tự tin. Có ý thức dần dần về nhân phẩm con người, mặc dù một vài nơi gặp thất bại. Con người đang lớn dần trong sự tôn trọng nhân quyền và họ muốn đòi quyền lợi của họ nơi chính phủ và các cơ quan quyền bính cấp quốc gia hay quốc tế. Sự hợp tác giữa các miền đang trên đà tiến triển, đặc biệt với những hiệp hội cấp lục địa như Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Hiệp Hội Hợp Tác Vùng Nam Á (SAARC). Những tranh chấp giữa các quốc gia càng ngày càng được dàn xếp bằng những cuộc thương lượng hơn là bằng xung đột vũ trang. Hợp tác song phương và đầu tư xuyên quốc gia giữa các nước Á Châu đang phát triển. Những sự kiện này và những trường hợp tương tự đem nhiều hy vọng cho Á Châu, và do đó cũng cho Giáo Hội.

 

Những Thực Tại Giáo Hội ở Á Châu

Nhiều Giáo Hội

Nhìn vào sự phong phú của các Giáo Hội, người ta co thể nhận thấy tình trạng Giáo Hội của Á Châu rất đa dạng và chuyên biệt như những thực tại trần thế của nó. Các Giáo Hội theo nghi lễ Antioch miền Syria, miền Giêrusalem và miền Maronita cũng như Giáo Hội nghi lễ La-tinh miền Giêrusalem cũng được đặc biệt kể đến trong số những Giáo Hội ở Tây Á. Cũng có những Giáo Hội nghi lễ Can-đê miền Babylon và Giáo Hội nghi lễ Armenia. Ngày nay hầu hết các Giáo Hội này đang sống giữa các dân tộc và văn hoá Hồi Giáo và Do-thái Giáo ưu thế để phục vụ các tín hữu, là những người đang tiếp nối sự hiện diện của Kitô Giáo đã có mặt trong các quốc gia này từ những thế kỷ đầu, và làm chứng cho Ðức Giêsu Kitô giữa các tôn giáo khác.

Hoạt động truyền giáo của họ được dành cho những công việc bác ái và làm chứng cho Kitô giáo nơi học đường, bệnh viện, và các hoạt động tông đồ khác. Họ cố gắng đưa ra hình ảnh của một Giáo Hội đầy tớ. Trong khi các Giáo Hội này đang hội nhập vào văn hóa Hồi Giáo và ngôn ngữ Ả-rập, và vì vậy chuẩn bị rất chu đáo cho việc đối thoại với Hồi Giáo, thì đồng thời họ cũng đang ở trong một miền của xung đột và bị đe doạ bởi thuyết cơ bản tôn giáo.

Giáo Hội Tông truyền phát xuất từ truyền thống Syria cũng có mặt ở Ấn Ðộ, chẳng hạn như Giáo Hội Malabar và Giáo Hội Malanka theo nghi lể Syria. Nhiều phản ảnh cho thấy rằng những Giáo Hội này ăn rễ sâu trong vùng đất Ấn-độ và trổ sinh rất đông ơn gọi linh mục và tu sĩ. Sự hiện diện của họ rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục, công tác xã hội và y tế và truyền thông đại chúng. Số đông tín hữu của những Giáo Hội này di trú đến nhiều nơi của Ấn-độ, các nước vùnh vịnh, Âu Châu, Gia-nã-đại và Hoa-kỳ. Tuy nhiên, cũng gặp phải những vấn đề liên quan tới truyền thống phụng vụ, nghi lễ, và các hội nghị tổ chức.

Giáo Hội La-tinh lan rộng khắp lục địa qua nhiều giai đoạn phát triển. Phần đông, sự hiện diện của Giáo Hội này tuỳ thuộc vào nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội được thực hiện trong 500 năm vừa qua. Hoạt động của các nhà truyền giáo được nhìn nhận rất thành công trong suốt dòng lịch sử. Gần đây, Ðức Thánh Cha đã thiết lập 3 miền truyền giáo tự trị (Sui Iuris) ở các nước cộng hoà Trung Á: Tadjikistan, Turkmenistan and Uzbekistan. Ở Siberia Giáo Hội rất vui mừng khám phá ra những cộng đồng vẫn đang giữ vững đức tin rất sống động cho dù các tình huống không thuận lợi do chế độ cộng sản trong qua khứ đã gây ra.

Ða dạng về môi trường sống

Ngoài con số đông đảo, cũng có rất nhiều hoàn cảnh mà đòi hỏi những các Giáo Hội Ðông Phương tại Á Châu phải sống.

Ở một vài nơi tại Á Châu, Giáo Hội sống ngay trong những nơi thuộc Ấn Giáo ưu thế, gây ra những thách thức về triết học, thần học và sư phạm cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu. Trong khi đó, những nhà cải cách Ấn giáo thời đại lại là những người ngưỡng mộ con người Ðức Giêsu Kitô. Trong một vài trường hợp, các nhà thần học ở Ấn Ðộ đã nỗ lực để trình bày Ðức Giêsu Kitô theo triết lý Ấn Ðộ vượt trổi. Vài phản ảnh cho thấy rằng trong trường hợp này hoặc các tình huống tương tự, Giáo Hội cần đi vào một cuộc đối thoại lành mạnh và ra sức áp dụng các nguyên tắc hội nhập văn hoá vào những nỗ lực loan báo Tin Mừng.

Ngoại trừ Nam Dương, sự hiện diện của Giáo Hội trong các nước Hồi Giáo rất là nhỏ bé; một vài trường hợp, các cộng đồng phải chạm trán với việc phân biệt chủng tộc và thành kiến. Một số cộng đồng thường phải sống trong những tình huống khó khăn nơi mà chỉ có một mẫu duy nhất truyền giáo có thể thực hiện đó là làm chứng ta đức tin thường ngày và hoạt động bác ái. Tại một số quốc gia, các phần tử của Giáo Hội đang thực sự bị thử thách.

Tại các quốc gia Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo chiếm ưu thế, Giáo Hội đa phần thuộc về thiểu số. Một vài phản ảnh nhận định rằng vài thập niên gần đây các cộng đồng đang phải sống dưới sự hạn chế về tự do thờ phượng, hoạt động truyền giáo, sự di chuyển và ngay cả sự bách hại. Mặc dù với những khó khăn rõ ràng này, tại một vài quốc gia cũng có những dấu hiệu phát triển trong công cuộc truyền giáo và phát triển nhân bản. Trong nhiều trường hợp, việc đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân và tầng lớp bị gạt ra ngoài xã hội cũng như gương mẫu của giáo dân trong đời sống thường ngày của Giáo Hội đã đóng góp cho hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hội trong xã hội.

Giáo Hội tại Philipines, Quốc Gia Công Giáo ưu thế duy nhất ở Á Châu có một lịch sử độc đáo về truyền giáo và phát triển qua những thời kỳ khác nhau của lịch sử 500 năm; Sự kiện này diễn ra do nhiều ảnh hưởng văn hóa. Các biến cố trong thập niên này đã phục vụ để giúp Giáo Hội trong biến chuyển tiến đến việc canh tân. Kết quả là Giáo Hội có một sự hiểu biết sâu xa hơn về truyền giáo hướng nội và hướng ngoại (ad intra and ad extra), với những chiều kích thiêng liêng và xã hội. Ðặc tính Công Giáo của Philippines là một yếu tố quan trọng trong công cuộc truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội trên châu lục Á Châu.

Chỉ mới gần đây các nước Cộng Hoà Trung Á, Siberia và Mongolia, bắt đầu để ý đến phạm vi quốc tế, đặc biệt sau sự tan rã của Liên Bang Sô Viết. Ðiều này cũng đúng đối với Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo đã khởi sự trong các quốc gia này. Một vài phản ảnh cho thấy rằng biến cố Hội Nghị Ðặc Biệt cho Á Châu là một cơ hội để có nhiều quan tâm hơn tới miền này và tới những hoạt động cho việc truyền giáo trong các quốc gia này, nơi mà sự hiện diện của Kitô Giáo rất giới hạn.

Ở một vài quốc gia Giáo Hội sống giữa những cuộc nội chiến do những xung đột về sắc tộc, cộng đồng hoặc ý thức hệ. Giáo Hội, một cộng đồng hiệp thông, hài hoà và hoà giải, có sứ mạng truyền giáo cho dân chúng trong những hoàn cảnh xung đột, chình những hoàn cảnh này đã cung cấp nhiều cơ hội cho Giáo Hội để rao giảng sứ điệp phục vụ sự sống của mình bằng hành động.

Hậu quả phe phái và các phong trào tôn giáo đang càng ngày càng có mặt và rất hoạt động tại Á Châu; những sự kiện này đã tạo ra một tình huống đặc biệt cho Giáo Hội. Như trong một vài nơi trên thế giới, một vài mô hình xã hội và biến chuyển đang làm cho con người, đặc biệt là những người trẻ, bắt đầu đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của họ; thường khi nhìn vào các đảng phái, và các phong trào tôn giáo, họ có một trực giác sung mãn, cộng đồng, và tình bằng hữu. Nhiều phản ảnh cho thấy nhu cầu lớn lao của Giáo Hội đã đáp ứng với tình trạng này, đặc biệt trong việc hồi sinh trách nhiệm mục vụ cho những nhu cầu thiêng liêng của con người, làm vững mạnh tình bằng hữu Kitô giáo và giáo dục, cầu nguyện và sử dụng Kinh Thánh.

 

Hình Ảnh của Giáo Hội tại Á Châu

Trong công tác loan báo Tin Mừng, Giáo Hội tại Á Châu ý thức được hình ảnh mình có giữa các tín đồ của các tôn giáo khác và những người vô tín ngưỡng. Trong khi Giáo Hội được ca ngợi về những công tác y tế, giáo dục, quản lý, tổ chức và những hoạt động về phát triển, thì những người này thường không nhìn ra Giáo Hội hoàn toàn mang tính Á Châu, không chỉ vì những giúp đỡ tài chánh đến từ các nước Tây Phương, nhưng cũng do tính Tây Phương của Giáo Hội trong thần học, kiến trúc, nghệ thuật, v.v... và sự liên kết của Giáo Hội với lịch sử quá khứ ở một vài nơi của Á Châu.

Trừ một vài trường hợp, Giáo Hội tại Châu Á được nhìn như một cơ cấu giáo sĩ, chẳng hạn như trong việc điều hành, phụng vụ, đào tạo, v.v... Nhiều phản ảnh cho thấy rằng giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ rất muốn tham gia cách tích cực hơn vào những lãnh vực của Giáo Hội địa phương. Họ cũng ước ao tham gia những chương trình giáo lý và thường huấn để có thể thực hiện vai trò của họ trong việc truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu. Cần phải đi tìm một sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các giới trong Giáo Hội để sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có thể có hiệu quả hơn.

 

Sứ Mạng Kitô Giáo và các Tôn Giáo Á Châu

Ngoại trừ trường hợp của Ricci và Valignano ở Trung Hoa và Nhật Bản, và De Nobili và Beschi ở Ấn Ðộ, cách thức truyền giáo của Kitô giáo Tây Phương đối với các tôn giáo Á Châu thường không trân trọng đủ sự sùng kính và tu đức bình dân. Và cũng thường không quan tâm đủ đến văn hoá Á Châu. Mặc dù nỗ lực của các nhà truyền giáo có nhiều thành công, thiết nghĩ rằng nếu có sự hiểu biết đúng về các yếu tố này trong công cuộc loan báo Tin Mừng, hẳn đã có một sự đón nhận đức tin rộng lớn hơn nơi người dân Á Châu. Sự trân trọng các tôn giáo và văn hoá khác mà Giáo Hội khám phá ra cần phải được biểu lộ hơn trong cách truyền giáo của Giáo Hội.

 

Yếu Tố tích cực và những Dấu Hy Vọng

Chứng tá giáo dân

Có nhiều yếu tố tích cực trong các Giáo Hội địa phương tại Châu Á. Ða số các tín hữu được gọi là "người Công Giáo thực hành", hầu như họ dành ưu tiên cho đời sống đạo đức và bí tích. Sự kiện người Á Châu tự bản chất rất đạo đức dường như rất hữu ích cho mối quan tâm này. Nhiều nơi tại Á Châu, tổ chức cầu nguyện tại gia, đọc kinh thánh và những việc đạo đức trong gia đình nuôi dưỡng đời sống đạo đức của người tín hữu. Bằng phương cách đặc biệt, người Công Giáo đem đức tin vào thực hành trong những khi gặp thiên tai và cãi vã cộng đồng.

Sự xuất hiện và lớn mạnh của các Cộng Ðồng Kitô hữu cơ bản, phong trào đặc sủng và Cộng Ðồng nhân loại cơ sở cũng là những yếu tố rất tích cực trong các Giáo Hội địa phương. Một vài hoạt động được hỗ trợ do các phong trào đặc sủng, như những ngày tĩnh tâm, buổi cầu nguyện và những cuộc gặp gỡ cho việc canh tân đời sống thiêng liêng đã lấy được sự thu hút trong nước, có cả hàng ngàn tín đồ các tôn giáo khác tham dự.

Các phong trào Giáo Hội cũng tạo một cơ hội cho nhiều người để đi vào đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác. Các Kitô hữu di trú trong và ngoài Á Châu giúp đỡ việc truyền bá đức tin qua việc thực hành đạo đức kiên trì của họ. Hơn nữa, các nữ tu, nam tu và linh mục truyền giáo từ Á Châu được sai đi để phục vụ những người này và các Giáo Hội địa phương ở một số nơi trên thế giới, như Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, Châu Ðại Dương, v.v... Ðây là công việc truyền giáo được hoan nghênh nhất tại Á Châu. Ước tính rằng hàng ngàn linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đang hoạt động như những nhà truyền giáo trong các quốc gia không phải quốc gia của họ ở Á Châu và những nơi khác.

Ở một số Giáo Hội địa phương tại Châu Á, giáo dân càng ngày càng thực hành vai trò của họ trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, thí dụ các hiệp hội giáo dân ở Nhật Bản và Philippines. Ở một vài quốc gia, người giáo dân đóng một vai trò quan trọng cấp quốc gia trong lãnh vực chính trị, giáo dục, y tế, v.v... Có những cơ cấu thường trực tại nhiều quốc gia của Á Châu để đào tạo giáo dân về thần học, tu đức và những môn liên quan khác. Cũng có những trung tâm cho giáo dân, giáo sĩ, và Giám Mục đến để thực hiện công tác và hoạch định mục vụ. Ðây là những sáng kiến đầy hứa hẹn cho tương lai của Giáo Hội tại Á Châu.

Chứng Tá Ðời Tu

Một vài nơi của Giáo Hội tại Châu Á đã cho thấy sự gia tăng đều đặn con số ơn gọi trong những thập niên vừa qua. Trong khi có nhiều ơn gọi đi vào các Hội Dòng và tu hội truyền thống có nguồn gốc Tây Phương, thì những năm vừa qua một số dòng tu địa phương mới đã mọc lên tại Á Châu. Nói chung, phần trăm ơn gọi linh mục, tu sĩ, những hình thức đời sống thánh hiến khác và những tu hội truyền giáo thì cao hơn so với các nơi khác của Giáo Hội hoàn vũ.

Chứng tá tình yêu và phục vụ của Kitô giáo cho người nghèo được biểu lộ nơi Mẹ Therese và các nữ tu Truyền Giáo Bác Ái của Mẹ cũng như nơi nhìều nam nữ tu sĩ đã đóng góp rất nhiều để tỏ bày cho các dân tộc Á Châu khuôn mặt đích thực của Ðức Giêsu Kitô và bản chất thật của Giáo Hội. Sự hiện diện của Giáo Hội rất được đón nhận và trân trọng trong các nơi dành cho người tàn tật, mồ côi, phong cùi, trạm phát thuốc ngoại ô và trong các phong trào đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người bị đẩy ra ngoài lề.

Trong nhiều trường hợp, sự phục vụ được thực hiện bởi các nhà truyền giáo đã dẫn đến cái chết vì đạo. Chứng tá của các ngài trong lịch sử truyền giáo đã làm phong phú sự sống của Giáo Hội tại Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều quốc gia khác tại Á Châu. Chứng tá của các Thánh Tử Ðạo trong quá khứ và hiện tại là phương tiện vĩ đại của việc loan báo Tin Mừng.

Chứng tá tại Á Châu cũng phát xuất từ rất nhiều đan tu và dòng tu trong Giáo Hội, nơi mà đã đóng góp rất nhiều cho việc trưởng thành của các Giáo Hội địa phương tại Á Châu trong năm trăm năm truyền giáo vừa qua. Hàng chục ngàn nam nữ tu sĩ với tình yêu và phục vụ không vị kỷ cho những người phải chịu cảnh nghèo khổ dưới nhiều hình thức, đã đóng góp để nuôi dưỡng đức tin cho nhiều người trong Giáo Hội tại Á Châu. Một số những người này cống hiến một sự phục vụ vô cùng cao quý cho các Giáo Hội địa phương bằng việc thiết lập những trường đào tạo, đặc biệt là các chủng viện. Họ có thể bày tỏ khuôn mặt nhân hậu, yêu thương và chăm sóc của Chúa Giêsu cho các dân tộc Á Châu. Các thầy dòng đã cống hiến sự phục vụ nổi bật cho công việc đào tạo phổ thông, hướng nghiệp, giáo dục kỹ thuật và công tác phát triển. Các đan sỹ cũng đã có những đóng góp độc đáo cho sứ mạng Kitô giáo tại Á Châu bằng đời sống cầu nguyện và chứng tá tận hiến hoàn toàn cho đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.

Các cơ sở truyền giáo của hàng giáo sỹ giáo phận cũng đóng góp rất nhiều cho công tác truyền giáo tại Á Châu. Mốt số vị gửi hàng ngàn nhà truyền giáo tới Á Châu trong 400 năm qua. Ngày nay một vài cơ sở truyền giáo của Á Châu cũng theo dấu vết của họ. Rất đông linh mục triều tình nguyện cho công tác truyền giáo tại các quốc giá khác. Một vài chủng viện đầu tiên cho giáo sĩ địa phương tại Châu Á được các ngài thiết lập.

 

Cơ Sở Giáo Hội

Giáo Hội tại Châu Á có mạng lưới các tổ chức rất lớn, mặc dù tại một vài nơi Kitô hữu chỉ là thiểu số của dân số. Ở một vài quốc gia mà Kitô hữu chỉ khoảng 2% dân số, nhưng tỷ lệ phần trăm các cơ sở thuộc về Giáo Hội lên tới 30% của các tổ chức không thuộc về chính phủ và những tổ chức tình nguyện hoạt động trong các lãnh vực công tác xã hội.

Giáo Hội có trong tay một khí cụ tuyệt vời để làm chứng cho lòng thương xót, tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa cho người nghèo ở Á Châu. Có lẽ trong những tổ chức này thì các cơ sở ngành giáo dục là đáng kể nhất, chẳng hạn các trường tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Giáo Hội cũng có các cơ sở y tế, như bệnh viện, trường y, trạm xá và các trung tâm y tế khác. Có nhà cho người già lão, khuyết tật, người mù và người câm điếc. Ngoài ra Giáo Hội còn có rất nhiều trung tâm phát hành sách, luận báo, báo chí, tuần báo và tạp chí phổ thông.

 

Kết Luận

Lục địa Á Châu nổi bật về đa dạng tôn giáo, văn hoá và dân tộc cũng như về thực tại Giáo Hội. Việc cùng nhau tham dự Thượng Hội Ðồng tự nó là một hồng ân và mẫu mực cho các dân tộc Á Châu có thể phục vụ cho hạnh phúc và thăng tiến của lục địa và cho tất cả mọi dân tộc của nó. Chính trong lục địa này mà Thiên Chúa đã kêu gọi các Kitô hữu hợp lại với nhau trong Ðức Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Chính trong bối cảnh thực tại của kinh tế xã hội, lịch sử chính trị và hiện trạng của nó, và trong bối cảnh của truyền thống đa tôn giáo mà bầy chiên nhỏ bé của Chúa Giêsu Kitô phải sống và thực hiện sứ mạng cứu độ.

 

Trích: www.ewtn.com

Sơ Terêsa Trần Kim, MTG Ðàlạt chuyển ngữ

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page