Các Kitô hữu Hồng Kông
truyền giáo bằng bánh Trung Thu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Các Kitô hữu Hồng Kông truyền giáo bằng "bánh Trung Thu".
Hồng Kông (UCAN - HK01205.1413 Ngày 5-10-2006) -- Nhiều Công ty của người Kitô giáo bán "bánh Trung Thu truyền giáo" nhân dịp Tết Trung Thu.
Người Trung Quốc tổ chức lễ hội này vào ngày 15-8 âm lịch, nhằm ngày 6-10-2006 năm nay. "Bánh trung thu" là một trong những nét đặc trưng của lễ hội này.
Ice Lam Siu-bing, trưởng phòng thiết kế của công ty Truyền thông Thiết kế Bezalel của Tin lành, nói với UCA News hôm 3-10-2006 rằng bán bánh trung thu đóng gói kèm theo các thông điệp truyền giáo là một phần trong "Sứ mệnh C+C" của công ty bà. Hai chữ C này tượng trưng cho Chinese Culture (văn hóa Trung Hoa) và Christian (Kitô hữu).
C+C Mission là một sáng kiến chung của Bezalel và hai công ty thiết kế khác của Tin lành, nhằm kết hợp văn hóa Trung Hoa với các yếu tố Kitô khi rao giảng Tin Mừng.
Theo bà Lam, họ lấy lời tiên tri giải thoát Israel từ sách Sôphônia, nói về tình thương của Thiên Chúa và giây phút hoan hỉ khi những người lưu đày trở về với Thiên Chúa, để thực hiện dự án bánh trung thu.
Một số câu trích từ lời tiên tri này được in bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì cùng với câu "Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy", được in bằng tiếng Anh, vốn kết hợp giữa Gioan 14:3 và Khải Huyền 22:12.
Bà Lam nói: "Chúng ta nên luôn nhớ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta kết hiệp với Ngài".
Theo bà, đây là lần đầu tiên C+C Mission bán bánh trung thu, được chia thành ba loại dành cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em. Trên gói bánh dành cho trẻ em có một khẩu hiệu truyền giáo được tạo vần theo một bài thơ phổ biến của Trung Quốc để thêm vui nhộn và hấp dẫn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Immanuel của Tin lành, một đại lý văn phòng phẩm, đồ lưu niệm và quà tặng, cũng là công ty bán bánh trung thu lần đầu tiên.
Mann Chow Man-chi, phụ trách kinh doanh bánh trung thu của công ty, nói với UCA News hôm 3-10-2006 rằng ý tưởng này nảy sinh khi công ty ông muốn biếu quà cho các đối tác kinh doanh để kỷ niệm ngày thành lập công ty.
Tặng quà cho đối tác kinh doanh nhân dịp các lễ hội của Trung Quốc là một tục lệ phổ biến ở địa phương. Ông cho biết, vì ngày kỷ niệm công ty trùng với Tết Trung Thu nên họ quyết định làm bánh trung thu kết hợp với các yếu tố truyền giáo.
Người làm bánh thường in thương hiệu tiệm bánh trên mặt bánh trung thu và xếp bốn bánh vào một hộp. Tuy nhiên, công ty của Chow chỉ bỏ ba bánh trong một hộp và in các từ tiếng Hoa mang nghĩa Tin Cậy Mến ("đức tin", "hy vọng" và "tình yêu") trên bánh trung thu, với nhân hạt sen nghiền nát và lòng đỏ trứng muối. Chow giải thích: "Số 'ba' rất có ý nghĩa trong đức tin của chúng tôi".
Ngoài ra, chiếc bánh trung thu ghi chữ "tình yêu" có hình trái tim và lớn hơn hai chiếc bánh tròn còn lại. Chow nói thêm, "tình yêu" là giá trị quan trọng nhất trong các giá trị của Kitô giáo.
Công ty ông đang bán bánh trung thu với giá 140 đôla Hồng Kông (18 Mỹ kim) một hộp, cao hơn giá thị trường một chút, vì thế ông cho rằng hơn 1,000 đơn đặt hàng ông nhận được là "thỏa đáng" trong nỗ lực lần đầu.
Năm nay, người Hồng Kông cũng có thể ăn bánh trung thu do những người bị bệnh tâm thần đã bình phục làm. Caritas-Hồng Kông, tổ chức dịch vụ xã hội của Giáo hội Công giáo địa phương, quản lý Hãng Bánh Lavie bán loại bánh này.
Hãng bánh do Trung tâm Phục hồi Jockey Club Lai King Caritas, sản xuất bánh trung thu cho các giáo xứ, viện dưỡng lão và trường mẫu giáo gần đó.
Trợ lý giám đốc trung tâm là Lo Chi-fai nói với UCA News hôm 4-10-2006 rằng hãng dự định sản xuất 300 hộp bánh trung thu truyền thống, một số bánh ít đường dành cho người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, hãng đã nhận đơn đặt hàng tổng cộng là 700 hộp.
Theo Lo, có hai thợ làm bánh đang làm việc với bốn bệnh nhân học nghề làm bánh trung thu. Bốn người học nghề này còn làm công việc đóng hộp và giao hàng.
Người Trung Quốc coi trăng rằm là sáng nhất và đẹp nhất vào Tết Trung Thu. Trăng rằm tượng trưng cho sự viên mãn và trọn vẹn.
UCAN