Hội Nghị Thượng Hội Ðồng Châu Á

Về Vấn Ðề "Các Dân Tộc Bản Xứ"

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hội Nghị Thượng Hội Ðồng Châu Á

Về Vấn Ðề "Các Dân Tộc Bản Xứ"

Thái Lan, 3-8/9/1995

 

Một hội nghị Á châu về "vấn đề các dân tộc bản xứ" đã được diễn ra tại Hua-tin, Thái Lan từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 9 năm 1995. Hội nghị do Văn phòng Phúc-âm-hóa của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) tổ chức. 45 thành viên từ 10 quốc gia châu Á đã đến tham dự phiên họp. Khoảng 15 người trong số các thành viên là thuộc về các nhóm "bản xứ".

Hội nghị đã định nghĩa từ ngữ "dân tộc bản xứ" như là những người địa phương sống trên mảnh đất của họ ngay trước cả những "kẻ mới đến", từ nhiều nơi khác đặt chân lên xứ sở họ; và những người mới đến này đã "trở thành nhóm thống trị sau khi đã chinh phục, chiếm giữ lãnh thổ, hay đơn giản chỉ đến để định cư tại chỗ". Qua Hội nghị, các tham dự viên đã lọai trừ các từ ngữ "bộ lạc", "thổ dân". Những từ ngữ này tạo ra một cảm tưởng là những ai thốt ra chúng dường như có mang một thái độ trịch thượng, kẻ cả nào đó. Các thành viên đã chuộng từ ngữ "các dân tộc bản xứ" hơn, vì từ ngữ này cho thấy thực chất của họ hơn. Từ ngữ "adivasi" có nghĩa là "những người đã ở đó từ muôn thuở" dường như đối với họ là thích hợp hơn cả.

Vào cuối phiên họp, nhiều điều nhắn nhủ đã được thực hiện nhằm giúp đỡ các Giáo Hội địa phương của lục địa châu Á. Ðược yêu cầu thành lập một niên giám liệt kê danh sách các Giám mục, linh mục, tu sĩ và những người đứng đầu giáo dân thuộc nhiều quốc gia khác nhau nhằm phục vụ các cộng đồng ấy. các tham dự viên Hội nghị cũng ao ước thêm là vào phiên họp sắp tới của Thượng Hội Ðồng Châu Á, quyền ưu tiên sẽ được tặng cho "các dân tộc bản xứ". Họ cũng đề nghị Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) nên đặt ra một văn phòng đặc biệt cho nhóm người này.

Các thành viên Hội nghị cũng đưa ra nhận xét là Giáo Hội đã đi vào đối thoại với các tôn giáo lớn ở Á Châu như Phật giáo, Ấn-độ giáo, Hồi giáo như thế nào thì cũng phải đối thoại như thế ấy với các tôn giáo truyền thống của các "dân tộc bản xứ" Á châu. Một thái độ như thế sẽ giúp nhìn nhận phẩm giá của họ. và thái độ ấy cũng có thể khuyến khích các kitô-hữu quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề như môi trường học, đời sống cộng đòan và những nghi thức biểu tỏ niềm vui, nỗi buồn, cuộc sống.

Hội nghị cũng nhấn mạnh việc người kitô-hữu cần thiết không những phải rao giảng Tin Mừng cho các "dân tộc bản xứ", mà còn phải lắng nghe họ rao giảng. Khi sống đời sống giao ước Kitô-giáo ngay trong môi trường văn hóa của mình, các "dân tộc bản xứ" sẽ trở thành những tác nhân hoạt động chứ không chỉ thuần là những đối tượng bị động của việc rao giảng Tin Mừng. Vai trò của các bậc cha mẹ, nhất là các hiền mẫu trong gia đình, đã được đặc biệt đưa lên hàng đầu: các bà mẹ phải ghi tạc những giá trị Kitô-giáo nơi con cái họ mà vẫn bảo toàn sự đồng nhất văn hóa, ngôn ngữ, niềm tự hào dân tộc thiểu số cùng cách sống truyền thống của họ. Trong Hội nghị, nhiều người còn đi tới chỗ nói rằng: "Tương lai của Giáo Hội ở châu Á tùy thuộc các "dân tộc bản xứ" và tương lai của các dân tộc bản xứ tùy thuộc Giáo Hội".

Trên một bình diện tiêu cực hơn, trong khi nhắc lại việc các dân tộc bản xứ thường bị đặt ra bên lề hoặc bị cư xử dưới một cái nhìn của kẻ hạ cố - ngay cả trong chính Giáo Hội - một vài thành viên của Hội nghị đã yêu cầu những người có trách nhiệm trong Giáo Hội nói lên lời xin lỗi của mình.

Nhiều việc nghiên cứu trình bày qua phiên họp đã làm dấy lên những vấn đề đồng nhất, ngôn ngữ, văn hóa và cả vấn đề công bình. Chẳng hạn, Hội nghị đã nhắc lại là các dân tộc bản xứ thường xuyên mất mát đất đai của tổ tiên họ, vì lợi ích của các tổ chức công nghiệp to lớn hoặc của các tổ chức nào khác. Và nếu họ có được công ăn việc làm cho các tổ chức đó thì tiền lương của họ cũng thường xuyên thấp kém so với tiền lương của các công nhân khác. Việc tàn phá các khu rừng và các vùng đánh cá ở biển cũng không kém phần đe dọa đến đời sống của các cộng đoàn bản xứ. dẫu sao, cũng vì tất cả những xâm phạm tàn phá đó mà đời sống của họ cộng sinh vào với thiên nhiên đang trên đà biến mất.

Trong một số quốc gia, các "dân tộc bản xứ" được xem như là những công dân của một vùng đất thứ yếu. Họ rất khó được tiếp cận vào lãnh vực cần lao, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tương giao giữa họ với những người "không phải thổ dân" thường được đánh dấu bằng một sự ngờ vực lẫn nhau.

Những nghi thức, những tin tưởng cổ truyền của các "dân tộc bản xứ" vẫn còn như chưa được biết đến bao nhiêu. Mà nếu chúng được biết đến thì một công việc hội nhập văn hóa thật sự có thể xảy ra.

 

Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page