Kể Cho Thế Giới Về Tình Yêu Thiên Chúa

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Kể Cho Thế Giới Về Tình Yêu Thiên Chúa

James H. Kroeger, M.M.

 

Truyền giáo có nghĩa là " Nói về Chúa". Sự suy tư này trung tâm của Ðại Hội Truyền Giáo Châu Á I được tổ chức tại Chiang Mai Thái Lan. Cuộc Ðại Hội năm ngày tròn (từ 18 đến 22-10-2006) sẽ chú trọng về các khía cạnh của chủ đề "kể về Chúa Giêsu ở Châu Á".

Hoạt động truyền giáo có nghĩa là một khi ta được nghe Tin Mừng "Câu chuyện Chúa Giêsu", ta suy niệm về những điều quan trọng, tổng hợp các sứ điệp vào trong đời sống của ta, và rồi say mê muốn kể lại cho người khác, kể cho thế giới về tình yêu của Ðức Giêsu, vê tình yêu Thiên Chúa nhập thể trong Ðức Giêsu. Tất cả các nhà truyền giáo có thể chứng minh rằng, đây là câu chuyện từ đầu đến cuối nói về lòng thương xót và sự nhân lành vĩ đại, một câu chuyện về ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ðại Hội Truyền Giáo này sẽ triển khai trong 4 khía cạnh của chủ đề. Khía cạnh thứ nhất sẽ được trình bày trong câu chuyện Chúa Giêsu nơi các dân tộc Châu Á (trong gia đình, giới trẻ, phụ nữ, di dân). Thứ hai qua câu chuyện Chúa Giêsu trong các tôn giáo của Châu Á (Phật Giáo, Hồi Giáo, các tôn giáo truyền thống). Thứ ba là trong các nền văn hóa của Châu Á có liên quan tới Ðức Giêsu (văn hóa bản xứ, đương thời, truyền thông). Cuối cùng là câu chuyện về cách thức Con Thiên Chúa hướng dẫn đời sống Giáo Hội tại Châu Á (các Thánh người Châu Á, sự thánh thiện, Ðức Maria). Các thành viên của Ðại Hội sẽ cử hành đức tin và cuộc sống trong tất cả chiều kích then chốt này của câu chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á.

Lý do tại sao lại trân trọng phương pháp kể chuyện với suy tư đức tin được chọn làm phương pháp hài hòa của Ðại Hội Truyền Giáo, đó là người ta có thể rút ra được những lợi ích từ các khía cạnh cơ bản của các câu chuyện này. Nói tắt, những câu chuyện này cho chúng ta biết chúng ta là ai; giúp chúng ta duy trì và đào sâu căn tính của chúng ta; liên kết chúng ta lại với nhau. Các câu chuyện này còn tiếp tục khám phá chiều kích sâu xa của cuộc sống chúng ta, khai sáng các khía cạnh của huyền nhiệm con người chúng ta. Chuyện kể có sức tác động đức tin và cuộc sống.

Hơn nữa, chuyện kể giúp xác định và nâng đỡ cá nhân, gia đình, cộng đồng và đặc biệt là quốc gia. Chuyện kể giới thiệu cánh cửa, qua đó chúng ta có thể nhìn ra thế giới, nhận ra được ý nghĩa và có được sự hiểu biết. Chuyện kể nắm bắt được kinh nghiệm của con người, cảm nghiệm được lòng thương xót, hoán cải, tha thứ, ân sủng, niềm vui, nhân từ, an bình, hòa giải và hiệp nhất. Chúng dò xét lòng trí con người, cái bí nhiệm của cuộc sống, tương quan của con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Ðặc biệt hơn nữa, các câu chuyện phát sinh từ mảnh đất Châu Á có thể dọi chiếu ánh sáng cho cuộc lữ hành thiêng liêng chung của con người (bất kể Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, hay Kitô Giáo); tất cả cùng nhau trên một cuộc lữ hành thiêng liêng.

Không chút nghi ngờ, sau khi quên hết những từ ngữ trừu tượng, người ta sẽ nhớ mãi những câu chuyện kể. Rõ ràng Ðức Giêsu đã thu hút và thách thức người nghe với những câu chuyện. Là bậc thầy dạy dỗ bằng dụ ngôn, Ðức Giêsu không ngừng đưa ra các câu chuyện với những khả năng mới trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với anh em. Là người kể chuyện, Ðức Giêsu thu tập các kinh nghiệm và giai thoại từ cuộc sống thường ngày, Người biến thành những cánh cửa, qua đó các môn đệ của Người có thể thoáng nhìn thấy Nước Trời. Người kêu gọi con người nhìn cuộc sống với nhãn quan mới, để ôm ấp các giá trị khác với những giá trị mà văn hóa công nhận.

Thường khi Chúa Giêsu gặp một câu hỏi có vẻ lý thuyết, "Ai là người thân cận của tôi?" Người trả lời bằng một câu chuyện giống như Người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 30-37). Chúa Giêsu muốn làm cho những người Biệt Phái nhìn Thiên Chúa với cái nhìn mới mẻ, Ngài đã dùng dụ ngôn Người con phung phá (Lc 15,11-32).

Ðoạn Kinh Thánh ghi trên biểu tượng của Ðại Hội Truyền Giáo trích từ lời Chúa Giêsu nói với người bị quỷ ám đã được Người chữa lành: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người thương anh như thế nào" (Mc 5,19). Các thành viên đại Hội được mong đợi mang trong mình khi trở về cộng đoàn những hiểu biết mới về câu chuyện của Chúa Giêsu, nhất là tính chất Châu Á của câu chuyện. Các nhà truyền giáo khi trở về quê hương luôn mang theo trong mình những câu chuyện sống động và ấn tượng để khơi dậy lửa nhiệt thành truyền giáo trong tâm hồn các bạn trẻ.

Hãy nhớ lại sự kiện thánh Phêrô kể lại cuộc gặp gỡ của Ngài với Corneliô tại Công Ðồng Giêrusalem. Trong suốt hành trình viếng thăm Giêrusalem, Thánh Phaolô đã kể lại những câu chuyện về cách dân ngoại đã đón nhận đức tin như thế nào. Thánh Phanxicô Xaviê ước muốn rảo qua khắp các đại học Âu Châu để kể lại việc Ngài gặp được Châu Á và hàng triệu người ở đó chờ đợi lãnh nhận đức tin cứu thoát của Ðức Kitô. Các bậc Ðại Thánh, các nhà truyền giáo và những người loan báo Tin Mừng đã nhận ra chân lý của lời khẳng định: "Bạn không thể nói cho người ta cái gì phải làm. Bạn chỉ có thể kể các dụ ngôn."

Là một Hội Nghị Truyền Giáo Châu Á, Ðại Hội này nhắm mục tiêu dùng những lối tiếp cận mang tính Á Châu để truyền thông đức tin Kitô giáo. Tông Huấn Ecclesia in Asia của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận cách rõ ràng: "Một cách chung chung, phương pháp kể chuyện gần gũi với văn hóa Châu Á phải được ưu tiên hơn. Thực vậy, việc rao giảng Ðức Giêsu Kitô được thực hiện hữu hiệu nhất bằng phương pháp kể lại cuộc đời của Người như Phúc Âm đã làm. Giáo Hội phải mở ra với những cách thế mới và làm ngạc nhiên hơn để bộ mặt của Ðức Giêsu có thể được giới thiệu tại Châu Á (EA 20).

Ðức Thánh Cha nói tiếp: cần có một phương pháp rao giảng Tin Mừng đánh động tính cảm nhận của các dân tộc Châu Á"; Rất cần có những Giáo Hội địa phương ở Châu Á để giới thiệu Mầu Nhiệm Ðức Kitô cho các dân tộc Châu Á hợp với văn hóa và lối suy nghĩ của họ" (EA 20).

"Kể chuyện trong niềm tin" nói lên được viễn ảnh và luận pháp hòa hợp cho Ðại Hội Truyền Giáo, nói theo ngôn ngữ kinh điển hơn, đó là "Truyền giáo học kể chuyện" "narrative missiology". Phương pháp này nhằm truyền thông, gợi hứng, chia vui, khích lệ suy tư, củng cố đức tin, khơi lên sự cam kết truyền giáo. Ðại Hội nhằm mục đích tạo cơ hội cho các nhà loan báo Tin Mừng Á Châu chia sẻ các câu chuyện và khúc ca của mình để rồi lại vang lên với những câu chuyện và khúc nhạc của toàn thể dân Chúa tại Châu Á.

 

Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html

Chuyển ngữ: Sr. Therese Trần, MTG-Ðàlạt

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page