Chủ Ðề Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu 2006:

Câu Chuyện Chúa Giêsu ở Châu Á

Một Cử Hành Ðức Tin và Cuộc Sống

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

"Câu Chuyện Chúa Giêsu ở Châu Á: Một Cử Hành Ðức Tin và Cuộc Sống"

Chủ đề của Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu tại Chiang Mai, Thái Lan, 2006

Cha Saturnimo Dias

 

"Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo" (AG 2). Khi nhận được lệnh truyền từ Chúa Phục Sinh, Giáo Hội "xác quyết rằng tất cả mọi người nam cũnh như nữ có quyền gặp Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế qua sứ vụ của Giáo Hội". Mệnh lệnh truyền giáo mang tính phổ quát - Các Tông Ðồ được sai đến "tất cả các dân tộc" (Mt 28, 19; Lc 24, 47; "đến tất cả thế giới và tới mọi tạo vật" (Mc 16, 15); "đến tận cùng thế giới" (Cv 1, 8). Các Tông Ðồ sẽ không phải một mình hoàn thành trách vụ đó, họ sẽ nhận được sức mạnh và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sự trợ giúp của Chúa Giêsu (RM 23).

"Sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội phát xuất từ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô như được diễn tả trong lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi... Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội chỉ có thể hiểu và xây dựng trong đức tin" (RM 4). Ðức tin là sự đáp trả của con người với Lời Thiên Chúa.

Yếu tố nền tảng của mệnh lệnh truyền giáo là rao giảng Lời Thiên Chúa. Thực vậy, các Tông Ðồ đã coi việc phục vụ Lời Chúa là việc quan trọng nhất trong các hoạt động tông đồ (Cv 6, 2-4). Sứ mệnh ad gentes được đánh giá như là công việc rao giảng Ðức Kitô và Tin Mừng của Người, nghĩa là xây dựng Giáo Hội địa phương và đẩy mạnh các giá trị Nước Trời.

Cũng trong ánh sáng đức tin, lệnh truyền độc đáo của Chúa Giêsu - hãy yêu thương nhau - cũng mang tính rất truyền giáo. Môn đệ của Người phải sống trong yêu thương và hiệp nhất, để thế giới tin vào Người (Ga 17. 21-23). Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho con người chia sẻ trong sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con để thế giới có thể nhận biết và tin (Ga 17, 21-23). Vì thế, "chúng ta là những thừa sai trước hết qua chính bản thân mình, với tư cách là chi thể của Giáo Hội sống sự hiệp nhất trong tình yêu một cách sâu xa, hơn là qua lời chúng ta nói hoặc việc chúng ta làm" (RM 23). Do đó cộng đoàn được Chúa Giêsu sai đi để làm chứng cho Người qua tinh thần hiệp thông của họ, ngay cả khi Người sống hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thực ra, trong Giáo Hội tiên khởi, sự hiệp thông bên trong dẫn đến sự phát triển bên ngoài (Cv 2, 45-47). Vì vậy, chứng ta cuộc sống là thành tố nòng cốt của việc loan báo Tin Mừng.

Lệnh truyền loan báo Tin Mừng của Ðức Kitô phải được thực hiện trong và qua các Giáo Hội địa phương trong sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội địa phương là chủ thể tích cực và sống động của sứ mệnh ad gentes. Giáo Hội địa phương là toàn thể cộng đồng Kitô hữu của một bối cảnh văn hóa xã hội và tín ngưỡng - Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Nói một cách cụ thể, đó là một giáo phận với từng giáo xứ, đoàn thể và dòng tu được mời gọi để thực hiện lệnh truyền loan báo Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ngoài những đóng góp bằng lời cầu nguyện, công quỹ cho những người hoạt động thực sự trong lãnh vực truyền giáo cho lương dân, Chủ Nhật truyền giáo mà hàng năm chúng ta cử hành cho chúng ta cơ hội để lặp lại lời cam kết và sự dấn thân của chúng ta cho động lực truyền giáo.

Năm nay có thêm nhiều lý do để chúng ta không những lặp lại lời cam kết của chúng ta mà còn để ôn lại và lặp lại lời cam kết cho sứ vụ truyền giáo ở mọi cấp bậc: Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân, Hội Ðoàn, Phong trào và Dòng Tu.

Năm nay, chúng ta mừng kỷ niệm 500 năm sinh nhật của thánh Phanxicô, Quan Thầy của công cuộc truyền giáo và của các nhà truyền giáo là những khí cụ rao truyền đức tin trong khắp mọi quốc gia ở Châu Á. Chúng ta cũng mừng kỷ niệm 300 năm Dòng Giảng Thuyết Thánh Philiphê Nêri ở Goa được phê chuẩn, một Hiệp Hội đời sống tông đồ đầu tiên mang sắc thái bản xứ Châu Á, được thành lập do Thánh Joseph Vaz, nhà truyền giáo mẫu mực cho Châu Á cuả Châu Á, và là vị Tông Ðồ của Sri Lanka và bắc Kanara.

Một lý do quan trọng khác và cũng là động lực thúc đẩy, đó là Ðại Hội truyền Giáo Châu Á I sẽ được Văn Phòng Truyền Bá Tin Mừng của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tổ chức tại Chiang Mai Thái Lan từ ngày 18 đếân 22 tháng 10 năm 2006 với chủ đề: Câu Chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á: Một Cử hành Ðức Tin và Cuộc sống.

Mục đích tổng quát của Ðại Hội Truyền Giáo ở cấp lục địa là làm nẩy sinh ý thức truyền giáo giữa các Kitô hữu bằng cách giúp họ đào sâu đức tin, nhận ra quyền lợi và bổn phận của mình cho công cuộc truyền giáo và phát sinh ý thức nhu cầu truyền giáo. Ðây cũng là cơ hội để làm chứng đức tin Kitô giáo và rao giảng Ðức Kitô cho thế giới chung quanh.

Theo gương các môn đệ đầu tiên, các cộng đồng Kitô hữu ở Châu Á được mời gọi tiếp tục kể lại câu chuyện Chúa Giêsu với một "bộ mặt Châu Á" (EA 20). Ðây là "ân huệ lớn nhất mà Giáo Hội có thể ban tặng cho Châu Á" (EA 10). Ngay cả khi sống giữa các cuộc bách hại, các Giáo Hội Châu Á vẫn tiếp tục làm chứng tá. Việc canh tân cuộc sống mà Ðức Giêsu đem đến đã ảnh hưởng và làm xáo trộn một số tiêu chuẩn phán đoán, định giá và lối sống (EA 19). Vì thế, sứ vụ Kitô hữu đã đóng góp rất nhiều vào việc thăng tiến các bộ tộc, văn hóa và địa vị của phụ nữ, chăm sóc những người bị bỏ rơi, đặc biệt là anh em mắc bệnh phong cùi và SIDA (AIDS).

Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã nhiều năm suy tư về sứ vụ ưu tiên này. Bối cảnh Châu Á đưa ra một đường lối mang tính Á Châu về việc chia sẻ Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô được thực hiện qua đối thoại yêu thương, khiêm nhường và liên tục với người nghèo của Châu Á, với những nét văn hóa địa phương và với các truyền thống văn hóa khác. Thừa nhận sự cao đẹp giữa các dân tộc, văn hóa, tôn giáo và thế giới quan, với "sự nhạy bén với sự hiện diện của Thiên Chúa trong các nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác, và làm chứng cho các giá trị Nước Trời qua sự hiện diện, liên đới, chia sẻ và lời nói (Rosales Gaudencio & Arevalo C.G., SJ (eds), For all Peoples of Asia, Vol. 1, Claretian Publications, Quezon Coty, Philippines, 1992, p. 280, 3.1.2).

"Một Giáo Hội mà đứng về phía anh chị em của những niềm tin khác trong vấn đề đối phó với sự sống và sự chết cần được biến đổi dần dần. Nói cách khác, việc hội nhập văn hóa không chỉ có những thay đổi về nghi thức và biểu tượng mà còn đi xa hơn thế nữa" (EA 21-22). Giáo Hội tại Châu Á cần nỗ lực để hiểu biết, hòa đồng và sống theo tiêu chuẩn tương hợp của văn hóa Á Châu: trong cuộc sống hằng ngày, trong phụng vụ và giải trí.

Trong bối cảnh Á Châu, con người bị thuyết phục bởi chứng tá đời sống hơn là bởi tranh luận thông thái (EA 42). Họ tìm kiếm sự biến đổi cuộc sống của những người rao giảng Ðức Giêsu, cũng như mẹ Têrêsa: Kinh nghiệm cá nhân và sự từ bỏ. Người Á Châu cũng được mời gọi để làm chứng cho Ðức Kitô cả trong những tình trạng cư trú, hoặc trong hoặc ngoài Châu Á. Chúng ta phải khuyến khích các Kitô hữu di trú mà vẫn trung thành vớiù đức tin của mình trong những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, văn hóa và luân lý (EA 7).

Các cộng đồng Kitô hữu trong hầu hết các nước Châu Á là "đàn chiên nhỏ bé". Cho dù bị bắt bớ và chống đối, họ không thu mình vào những khu biệt lập, nhưng biết đương đầu để trở thành men, thành muối cho xã hội.

Giống như hai môn đệ sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Emmaus, họ phải "thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh" (Lc 24,35). Cũng sẽ có những người được Chúa Giêsu nói "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người thương anh như thế nào" (Mc 5,19). Chúng ta cần lắng nghe chứng tá của họ mà cùng nhau cử hành đức tin và cuộc sống của chúng ta trong Ðức Kitô.

Chúng ta thật vui mừng ghi nhận rằng, Giáo Hội Thái Lan, mặc dù số người công giáo rất ít (0,45% dân số), đã dốc hết năng lực, nhân sự, cơ sở và công quỹ để chuẩn bị cho biến cố quan trọng này trong đời sống của Giáo Hội tại Châu Á, tổ chức Ðại Hội Truyền Giáo Quốc Gia từ ngày 11 đến 12 tháng 8 năm 2006 để tập trung vào Ðại Hội Truyền Giáo Châu Á từ ngày 18 đến 22 tháng 10 năm 2006.

Ðây là một thách thức cho toàn thể Giáo Hội tại Châu Á để thi đua với nhiệt tình và cam kết của Giáo Hội đàn chị này và cũng sẽ làm như vậy trong mỗi quốc gia ở Châu Á, như là một sự chuẩn bị và bước theo Ðại Hội Truyền Giáo Châu Á.

 

Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html

Chuyển ngữ: Sr. Therese Trần, MTG-Ðàlạt

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page