Câu Chuyện Chúa Giêsu Tại Á Châu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Câu Chuyện Chúa Giêsu Tại Á Châu

Cha Julian Saldana

 

1. Bối cảnh Châu Á:

1.1. Những câu hỏi tối thượng:

Một người quen thuộc với khung cảnh Châu Á có thể nhận định, như Thánh Phaolô đã từng nói với dân Athen rằng: "Thưa quý vị vùng Châu Á, về mọi mặt, tôi thấy quý vị là những người rất sùng đạo" (Cv17,22). Người ấy cũng nhận ra rằng họ quen chịu cực và sống thiếu thốn. Như thế tại đây, từ thời cổ xưa, các bậc thầy dậy đạo, các nhà tu khổ hạnh và các ngôn sứ đã tìm lối giải thích ý nghĩa cuộc sống nhân linh, để trả lời cho những câu hỏi không ngừng dằn vặt tâm can con người: Con người là ai? Thế nào la thiện là ác : điều gì làm con người thành bất hạnh và tại sao? Ðâu là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thật? Ðâu là sự thật về cái chết, phán xét và thưởng phạt đàng sau nấm mồ? Và sau cùng, đâu là mầu nhiệm tối thượng không lời diễn tả đang trói buộc hiện hữu nhân linh, từ đá chúng ta xuất phát và chúng ta sẽ đi về đâu: quả là cuộc hành trình quá dài, trong đối thoại với cái mầu nhiệm tối thượng không lời diễn tả" đó đã biến Châu Á thành nơi chôn nhau cắt rốn của các tôn giáo trên thế giới.

1.2. Kinh nghiệm Emmaus

Trên đường lữ hành, người dân Châu Á được một người bạn linh thiêng cùng đi, như hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35). Thoạt đầu, "mắt họ còn bị ngăn cản, họ không nhận ra người" (16), trong khi họ nói chuyện và tranh luận vớ nhau. Nhưng sau đó, "mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người" (31), Dần dần họ đã nhận ra và thấy Người hững góc cạnh khác nhau, như là "Thày dạy sự khôn ngoan, Ðấng Chữa Lành, Ðấng giải Phóng, Vị Hướng Dẫn Tinh Thần, Ðấng Thông Sáng, Người bạn biết cảm phục" (EA 20). Hơn thế nữa, có nhiều người còn nhận ra Người là Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa thật và người "Ðấng Cứu Thế đem lại ý nghĩa cho những nỗi thống khổ và đớn đau không lời diễn tả," giữa muôn cảnh cùng khốn người dân Châu Á từn gánh chịu. Họ tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, và trở thành môn đệ của Người. Họ làm chứng, "lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta?" (32). Như thế, những cộng đoàn môn đệ Ðức Kitô đã được hình thành. Có cộng đoàn đã sinh ra ngay từ những thế kỷ đầu sau công nguyên ở Kerala; rồi sau đó, là ở Trung Á. Và sau cùng, công cuộc truyền giáo vĩ đại, khởi đi từ thế kỷ 16 đã làm phát sinh rất nhiều cộng đoàn như thế, trên khắp mọi miền Á Châu. Dầu sao, câu chuyện của Chúa Giêsu ở đây còn có những tầng rễ sâu hơn nhiều.

 

2. Thời Kỳ tiền sử của câu chuyện:

Người ta có thể bàn đến giai đoạn tiền thân của câu chuyện Chúa Giêsu, khi mà người ta chỉ có thể nhận biết Người qua các danh xưng. Người ta nhắc đến sự hiện diện của Lời và Thần Khí từ buổi bình minh của lịch sử. Như gió, Thần Khí hoạt động ở mọi nơi: gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8). Thần Khí tuôn đổ trên ông Cornelius và gia đình, cho dầu họ chưa nhận Phép Rửa, để thấy rằng "Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai" (Cv 10,34). Như vậy, chẳng lạ gì khi chúng ta nhận ra hoa trái của Thần Khí (Gl 5, 22-23) trong cuộc sống của vô số môn đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau, "nhờ Thần Khí mà diệt trừ những hành vi của thân xác" (Rm 8,13). Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II kết luận: "Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí không chỉ tác động trên các cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo nữa" (RM 28). Cả Lời cũng soi sáng mỗi người ngay từ thuở ban đầu (Ga 1,9), cho đến "thời sau hết này, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1,2). Thật vậy, Lời và Thần Khí chẳng khác gì hai bàn tay của Thiên Chúa Cha, luôn làm việc để muôn vật được hiệp nhất và giao hòa.

Nếu Lời đã hiệp thông với loài người ngay từ thuở ban đầu, ta dễ hiểu được là khi Ngôi Lời trở thành người, hiện diện giữa họ, tự nhiên họ sẽ "nhìn ra" và cảm nhận nơi Người sự đáp ứng thỏa đáng cho những khát vọng thâm sâu nhất của họ. Nhận định này được củng cố bở thái độ tích cực nơi tín hữu các tôn giáo khác, khi họ không ngừng hướng về con người và giáo huấn của Ðức Kitô. Sự kiện này cũng phải gợi lên nơi các Kitô hữu niềm tin tưởng để kể lại câu chuyện Chúa Giêsu cho người khác. Công Ðồng Vaticanô II dạy: "Trong khi rao giảng Ðức Kitô, Giáo Hội mặc khải cho mọi người biết chân lý đích thực về hoàn cảnh và ơn gọi toàn diện của họ" (AG 8). Huyền thoại quanh vị cứu tinh, rất phổ biến nới một vài vùng Châu Á, có thể được hiểu như một "nỗ lực đi tìm Ðấng muôn dân trông đợi", nghĩa là một sự tiền dự, một sự tìm kiếm vị cứu tinh trong suốt lịch sử, vị Thiên Chúa làm người, Ðấng sẽ hoàn thành định mệnh con người bằng thập giá và sự phục sinh của Người. Trong ý nghĩa đó, Ðức Kitô chính là "Ðấng muôn dân trông đợi".

 

3. Câu chuyện của Chúa Giêsu trong Giáo Hội tiên khởi

Ngay từ lúc khởi đầu, các Giáo Ðoàn đã ý thức rõ rệt về sự hiện diện của Ðức Chúa Phục Sinh ở giữa họ. Ðây chính là yếu tố làm họ thánh Giáo Hội và giúp họ "chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2,42,46). Ý thức ấy đạt tới đỉnh cao trong việc cử hành Thánh Thể, tập trung trong lời thưa "Chúa đang đến!" Trên hết, họ là môn đệ của Ðấng đã phán "hãy là môn đệ Ta!" (Mt 28, 19). Cuộc sống của họ tập trung vào Chúa, đến độ người ta bắt đầu gọi họ là "kitô hữu", nghĩa là "môn đệ Ðức Kitô" (Cv 11,26). Lối sống của họ trở thành đặc biệt, đến độ người ta đặt tên cho cộng đoàn của họ "Con đường" (Cv 9,2; 19,9; 22,4 ; 24, 14,22). Phong cách sống của họ có tên là "koinonia", có nghĩa là hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ, đến độ "chẳng ai trong họ phải thiếu thốn của gì" (Cv 4,32-35). Họ hiện diện trong xã hội chẳng khác gì muối, ánh sáng và men (Mt 5,13-16). Việc kể lại câu chuyện Chúa Giêsu không thể bị tách rời khỏi việc sống câu chuyện đó trong những hoàn cảnh cụ thể của mỗi giáo hội địa phương. Như thế, câu chuyện Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dọc theo "Con đường", đến độ Người có thể trách cứ Saolô khi ông bách hại Giáo Hội, "Tại sao anh lại tìm bắt Ta?" (Cv 9,4). Câu chuyện của Chúa Giêsu chẳng phải một quá khứ để được tưởng nhớ trong nuối tiếc, nhưng là thực tại cần được sống và thể hiện trong cộng đồng. Thực ra, thì những văn bản Tân Ước đầu tiên chẳng phải các sách Phúc Âm mà là các thư Thánh Phaolô, luôn quan tâm giúp cộng đồng tiên khởi sống như Chúa và thực hành Lời Chúa dạy, trong ý thức sâu đậm về sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh.

 

4. Câu chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á:

Theo gương các môn đệ tiên khởi, các cộng đoàn Kitô hữu tại Á Châu cũng được mời gọi để kể lại câu chuyện Chúa Giêsu, với "sắc thái Châu Á" (EA 20). Ðây là món quà lớn nhất Giáo Hội có thể trao tặng Châu Á (EA 10). Trong nhiều thập niên, Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Á đã suy tư sâu sắc về sứ mạng ưu đãi này. Bối cảnh Châu Á gợi ý cần có một cách thức chia sẻ Tin Mừng Ðức Kitô, mang sắc thái Châu Á. Phải thực hiện điều này trong đối thoại "liên tục, khiêm cung và thân tình" với người nghèo Châu Á, với những nền văn hóa địa phương và với các truyền thống tôn giáo khác. Lối tiếp cận này, đặc trưng của nhãn quan Châu Á, đề cao tính hỗ tương sẵn có giữa các dân tộc, các nền văn hóa, các truyền thống tôn giáo và các nhãn quan khác nhau về thế giới. Khởi điểm phải là: "Hiện diện giữa dân chúng, đáp ứng nhu cầu của họ, bén nhạy trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong các nền văn hóa và những truyền thống tôn giáo khác, và làm chứng cho những giá trị Nước Trời bằng hiện diện, kết đoàn, chia sẻ và rao truyền". Các cộng đoàn Kitô Hữu Châu Á phải quan tâm thăng tiến các giá trị tôn giáo và văn hóa vốn rất được trân trọng ở Châu Á như : lòng yêu thích sự thinh lặng và chiêm niệm, sự giản dị, tính hòa nhã, thong dong, bất bạo động, tôn trọng các tôn giáo khác và chung sống hòa bình, tinh thần chuyên cần làm việc, trọng kỷ luật, sống giản dị, ham học tập và suy tư triết lý, tôn trọng sự sống, thông cảm với mọi người, gần gũi thiên nhiên, thảo kính với cha mẹ, ông bà và tổ tiên, và một cảm thức khá trưởng thành về cuộc sống chung (EA 6).

Ðối với các Kitô hữu Châu Á, "rao giảng Ðức Kitô trước hết, có nghĩa là sống như Ngài giữa những người anh em không chung niềm tin và xác tín, và làm được những việc Ngài đã làm, nhờ ơn Ngài trợ lực". Trong bối cảnh đó, tiến trình hội nhập sẽ được thực hiện: "Một khi biết chung vai sát cánh với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, để cùng tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sống sự chết, chắc chắn Giáo Hội sẽ được biến đổi trong tiến trình hội nhập. Nói khác đi, Giáo Hội sẽ được hội nhập ở tầm mức tuy bao gồm, nhưng còn thâm sâu hơn là chuyện nghi thức và biểu tượng". Nhiệt tình dấn thân như thế, có thể tạo động lực giúp thực hiện một sự hội nhập toàn phần mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng kêu gọi các Giáo Hội Châu Á (EA 21-22).

 

5. Chuyện Chúa Giêsu trong cuộc sống cá nhân:

Trong bối cảnh Châu Á, người ta dễ bị thuyết phục bởi gương sống hơn là những lập luận triết lý (EA 42). Họ quan sát những vị rao giảng Ðức Kitô xem có gì biến đổi trong lối sống không: Có kinh nghiệm nào và có biết từ bỏ không. Nói cho cùng, "chỉ có một vật đang cháy mới có thể đốt cháy một vật khác" (EA 23). Một chứng nhân biểu lộ gương mặt của Ðức Kitô ở Châu Á cách rất rõ ràng, là Mẹ Têrêsa, "Một biểu tượng của việc phục vụ sự sống mà Giáo Hội đang cống hiến ở Châu Á, tương phản một các đầy can đảm với những thế lực đen tối đang tác hại xã hội khủng khiếp" (EA 7). Qua tình bác ái và những công cuộc từ thiện, mẹ đã thực sự làm Ðức Kitô hiện diện cách tròn đầy (AG 6).

Cuộc đời và cái chết của các vị thánh và chân phước Châu Á đã minh họa cho câu chuyện Chúa Giêsu trong bối cảnh Châu Á. Ðiều quan trọng là chúng ta phải tưởng nhớ các vị "anh hùng đức tin" của Châu Á này (EA 49), và xuất bản tiểu sử của các ngài. Chúng ta cần bảo đảm là các vị tử đạo trong những thập niên qua, phải được tưởng nhớ, qua việc thu thập những dữ liệu thông tin cần thiết ("Tertio Millenium Adveniente" số 37).

 

Kết luận:

Câu chuyện Chúa Giêsu tiếp tục tỏ lộ cuộc sống và kinh nghiệm của vô số Kitô hữu và cộng đoàn Kitô giáo tại Châu Á. Giống như hai môn đệ, sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Emmaus, họ phải kể lại "những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Ngươi bẻ bánh" (Lc 24, 35). Họ cũng là những người được nghe Chúa Giêsu nói: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5,19). Chúng ta cần lắng nghe chứng từ của họ để có thể cùng nhau tuyên xưng đức tin và hiến dâng cuộc sống cho Ðức Kitô.

 

Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html

 

Chuyển ngữ: Bùi Hoàng

L.M Dom Ngô Quang Tuyên

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page