Hướng Về Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Hướng Về Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu
Yêu Châu Á (Vai trò của các Ðức Giáo Hoàng)
Franz-Josef Eilers, svd
Mở toang các cánh cửa của Giáo Hội là lời đề nghị đầu tiên Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi vừa được bầu chọn ngày 28 tháng 10 năm 1958 và Ngài thực sự đã thực hiện điều này vì không những công bố Công Ðồng Vaticanô II ngày 25 - 01 - 1959 mà Ngài còn tỏ ra một sự quan tâm rất đặc biệt cho Giáo Hội trên giới và cho Châu Á. Sáng kiến về hội nghị Giám Mục Á Châu của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, vị tiền nhiệm của Ngài, đã được thực hiện dưới triều đại giáo hoàng của Ngài. Lần đầu tiên trong lịch sử, các Giám Mục Châu Á và Châu Ðại Dương hội nghị tại Ðại Chủng Viện Trung Ương của Ðại Học Santo Tomas ở Manila từ ngày 12 đến 16 tháng 10 năm 1958. Có khoảng 10 Sứ Thần Tòa Thánh, 16 Tổng Giám Mục và 79 Giám Mục từ Ai Cập, Áo, đến dự hội nghị tại Manila để thảo luận về tình trạng Giáo Hội tại Châu Á, nơi mà Cộng Sản đã trục xuất các nhà truyền giáo ra khỏi Trung Hoa và đang lan tràn vào các quốc gia khác.
- Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu và ngày khai sinh Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.
Chính nơi Hội Nghị này mà lời đề nghị đầu tiên đã được thực hiện là thiết lập đài phát thanh Công Giáo lục địa giống như Ðài phát thanh Vatican để truyền thanh qua làn sóng ngắn tới các nước như Trung Hoa, nếu không thì không thể đến được với các Kitô hữu ở đây. Ðây là bước khởi đầu của việc thiết lập đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia) do Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đảm nhiệm từ 40 năm nay và được truyền thanh bằng 16 tiếng khác nhau.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, Vị kế nhiệm của Ðức Gioan, đã tỏ ra quan tâm cách đặc biệt với Châu Á. Ngài được gọi là "Vị Giáo Hoàng hành hương" vì Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên công du ra ngoài nước Ý và Châu Âu để củng cố các Giáo Hội địa phương và như thế chính Ngài đã kể lại và suy tư câu chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á và trên thế giới. Ðức Phaolô VI khởi đầu các cuộc hành hương của Ngài bằng cuộc thăm viếng Ðất Thánh và Ấn Ðộ vào năm 1964.
Năm 1970, Ngài viếng thăm một số quốc gia ở Châu Á, gồm cả Philippines, tại đây Ngài cũng thăm các trụ sở của Ðài Chân Lý Á Châu. Nhân dịp này các Giám Mục Á Châu nhóm họp một lần nữa tại Manila và Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã ra đời như là gia đình Giám Mục Á Châu lục địa và các Ðại Hội Giám Mục. Sáng kiến này được sự nâng đỡ đặc biệt của Ðức Thánh Cha và đã mang tất cả các quốc gia Châu Á thành một gia đình để suy tư và lên kế hoạch cách hệ thống hơn làm thế nào để tường thuật và sống câu chuyện của Chúa Giêsu tại Châu Á. Từ năm 1970 cho tới nay, đã có 3 bộ tài liệu từ các cuộc họp và những cuộc thảo luận của các cơ quan của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được phát hành như là một bằng chứng sức sống của các Giáo Hội Châu Á.
- Ðức Gioan Phaolô II
Sự nâng đỡ Châu Á càng rõ nét hơn nữa nơi Ðức Gioan Phaolô II và các cuộc viếng thăm của Ngài ở Châu Á. Năm 1981, Ngài thăm Philippines, Goa, Nhật, Pakistan. Năm 1984, Ngài đã làm chấn động người Công Giáo ở Bangladesh và Singapore. Năm 1989, Ngài thăm lại Nam Triều Tiên và đến Indonêsia, Ðông Timor và Mauritius. Năm 1991 Ngài thăm Srilanka và trở lại Philippines và cử hành Thánh Lễ cho ngày Giới Trẻ Thế Giới với khoảng 5 triệu người tham dự, một cử tọa đông nhất trong lịch sử đã quy tụ để cử hành Thánh Lễ. Ðức Gioan Phaolô II cũng lợi dụng biến cố này để nhắc tới Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và cử hành kỷ niệm 25 năm Ðài Chân Lý Á Châu. Tháng 11 năm 1999, Ngài lại đến Châu Á để ban hành Tông Huấn "Giáo Hội tại Châu Á". Năm 2001 và 2002 Ngài đếm thăm các miền Trung Á của nước Cộng Hòa Kazakhstan và Azerbaijan.
Tất cả các sự kiện này nói lên rằng lệnh truyền và phúc lành của Ðức Kitô ở Châu Á vẫn được tiếp nối qua sự hiện diện của các Ðấng kế vị Ngai Tòa Thánh Phêrô. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô trong thông điệp truyền giáo "Sứ Vụ Ðấng Cứu Ðộ" (1990) đã khẳng định rằng Ngài đã nhận ra được tầm quan trọng của sự chiêm niệm tu đức truyền giáo bằng một phương pháp đặc biệt qua các cuộc thăm viếng ở Á Châu (91).
- Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được cử hành tại Rôma năm 1998 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để chuẩn bị mừng Ðại Năm Thánh 2000. Ðức Thánh Cha nhận thấy cần phải công bố những kết quả và suy tư của Thượng Hội Ðồng với chuyến công du tới Tân Deli, Ấn Ðộ năm 1999. Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" gồm 51 phần dựa trên những thảo luận của các Giám Mục Châu Á, đồng thời Tông Huấn cũng cho thấy sự quan tâm của Ðức Thánh Cha về câu chuyện của Chúa Giêsu được sống động ở Á Châu. Thực sự Ngài đã khích lệ việc kể chuyện như là hình thức giảng dạy và chia sẻ thích hợp và quen thuộc ở Á Châu (20).
Trong Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu", Ðức Thánh Cha diễn tả Ðức Giêsu Kitô trong bối cảnh Á Châu bằng nhiều hình ảnh khác nhau thích hợp với văn hóa của chúng ta như là "Thầy dạy sự khôn ngoan, là thầy thuốc chữa bệnh, là Ðấng giải phóng, là vị lãnh đạo thiêng liêng, là vị thiện cảm, là người bạn giàu lòng thương xót kẻ nghèo, là người Samaritanô nhân hậu, là Ðấng chăn chiên lành, là Ðấng biết vâng phục." Ngài viết: "Ðức Giêsu có thể được giới thiệu như là "Khôn Ngoan Nhập Thể của Thiên Chúa, nhờ ân sủng của Người mang lại kết quả cho những hạt giống của Ðấng Khôn Ngoan, đã hiện diện trong cuộc sống, tôn giáo và các dân tộc của Á Châu" (20).
Ðức Giáo Hoàng bắt đầu văn kiện cho và về Châu Á với lời khẳng định rằng Chúa Giêsu sinh ra, sống, chết và chỗi dậy từ kẻ chết nơi Ðất Thánh, vùng đất bé nhỏ ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Chúa Giêsu hiểu biết và yêu mến mảnh đất này. Người lấy lịch sử, những đau khổ và hy vọng của dân miền này làm của riêng mình. Người yêu thương con người ở đây và ôm vào lòng các truyền thống và gia sản Do thái. Và từ mảnh đất này, nhờ lời rao giảng Tin Mừng trong quyền năng Chúa thánh Thần, Giáo Hội ra đi và làm cho "muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19) (1).
- Thiên Niên Kỷ cho Á Châu
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lặp lại những điều Ngài đã nói với Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu năm 1995 tại Manila: "Cũng như trong thiên niên kỷ thứ nhất, Thánh Giá được dựng lên trên mảnh đất Châu Âu, và thiên niên kỷ thứ hai ở Mỹ Châu và Phi Châu, chúng ta có thể cầu xin rằng trong thiên niên kỷ thứ ba, mùa gặt hái sẽ được thu hoạch trên lục địa mênh mông và đầy sức sống của Châu Á.
Ðức Thánh Cha kết luận văn kiện của Ngài bằng lời xác tín rằng chúng ta đừng sợ và "Các dân tộc Châu Á cần Ðức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người." Á Châu đang khao khát nước hằng sống mà chỉ mình Ðức Giêsu Kitô mới có thể ban cho được. Vì thế, đầy tớ của Ðức Kitô ở Châu Á phải hết sức nỗ lực để thực hiện sứ mệnh đã nhận được từ Ðấng đã hứa sẽ ở với họ cho đến ngày tận thế, tin tưởng vào Chúa, Ðấng không bao giờ quên những kẻ Người kêu gọi. Giáo Hội tại Châu Á sẽ hân hoan vui mừng bước vào ngàn năm thứ ba. Niềm vui độc nhất của Giáo Hội này phát xuất từ việc chia sẻ cho đòan dân đông đảo của Châu Á ân huệ bao là mà đã nhận được, đó là tình yêu của Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ. Ước vọng của Giáo Hội tại Châu Á là tiếp tục sứ mệnh phục vụ và yêu thương, nhờ đó dân tộc châu Á có thể sống và sống dồi dào.
Ðây là mục đích của Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu chúng ta sẽ cử hành tại Chiang Mai, Thái Lan.
Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html
Chuyển ngữ : Sr. Therese Trần, MTG-Ðàlạt