Tân Ước - Dẫn Nhập

Theo Bản dịch của Gs. Nguyễn Ðăng Trúc - Lm. Vũ Thành

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

"Trong quá khứ, Thiên Chúa nói với cha ông chúng ta nhiều lần và bằng nhiều cách qua các ngôn sứ. Những trong giai đoạn cuối cùng này Ngài nói với chúng ta qua Con của Ngài". Ðó là những lời của một tác giả viết về Tân Ước đã tóm tắt cách chính thức mạc khải của Thiên Chúa vào cuối thế kỷ thứ nhất. Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình và Ngài chính là con đường duy nhất và hoàn hảo để Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Ðiểm chính yếu trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu là sứ điệp về một vương quốc, Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu cố làm cho người ta hiểu Nước Thiên Chúa là gì. Vương quyền của Thiên Chúa không phải là cái gì độc tài hay hung ác. Nó rất giống tình yêu của người cha đối với các con mình. Sứ điệp của Chúa Giêsu là lời mời gọi tin vào tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa và vào sự trợ giúp cứu rỗi của Ngài. Con người cần biết rằng Thiên Chúa muốn cứu thoát mỗi người, và Ngài muốn tha thứ cho cả những người tội lỗi trầm trọng. Tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn. Thiên Chúa cảm thông thân phận của mỗi tạo vật.

Chúa Giêsu loan báo sứ điệp của Ngài không chỉ bằng lời giảng mà thôi. Ngài còn loan báo qua cách đối xử với dân chúng. Ngài đặc biệt lo lắng đến các trẻ em, người nghèo, người ốm đau, người bị ức hiếp hay bị coi khinh. Ngài giải thoát dân chúng khỏi những bất hạnh thể xác và tâm hồn, qua những việc chữa lành lạ lùng và những phép lạ. Ngài cũng chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn giải thoát và tạo hạnh phúc cho con người. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa đã đến.

Sứ điệp của Ngài, thái độ lạ thường và đôi khi có vẻ khiêu khích, cũng như quyền năng nơi Ngài đã là duyên cớ tạo thành tranh chấp đối với các quyền bính chính trị và tôn giáo. Mối căng thẳng mỗi ngày một tăng thêm, và rốt cuộc, Chúa Giêsu đã bị kết án và chết trên thập giá khoảng năm 30.

Mọi sự xem ra chấm dứt. Nhưng trong thực tế, tất cả lại khởi đầu. Thiên Chúa không bỏ mặc Con Ngài trong sự chết, nhưng đã cho Ngài sống lại cuộc sống mới và đặt Ngài cai trị toàn thể vũ trụ. Những cuộc hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh đã củng cố đức tin của các môn đệ, và sau biến cố Phục Sinh đó ơn của Chúa Thánh Thần đã ban cho họ sự can đảm để loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu và Nước Thiên Chúa. Các ngài cũng loan báo cuộc tử nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Họ biết rằng Thiên Chúa đã chọn phương cách này để cứu rỗi thế giới. Ơn cứu rỗi đó được ban cho mọi người.

Lúc đầu, các môn đệ trực tiếp rao giảng bằng lời nói. Họ nhắc nhớ và kể lại cho các cộng đoàn về những việc Chúa đã làm và lời Chúa đã nói, những đau khổ, cái chết, và sự sống lại của Chúa. Những lời chứng này về sau được gom góp lại thành những bản văn.

Vào khoảng năm 70 một thần học gia tên là Marcô đã viết lại tất cả những bản văn này một cách có thứ tự. Ông gọi nó là "Phúc Âm", có nghĩa là "Tin Mừng" của Chúa Giêsu Kitô. Marcô không chỉ nói tới cuộc đời của Chúa Giêsu; Phúc Âm của ông không chỉ nhắc nhớ đến một người đã chết. Ðây là chứng từ cho hay Chúa Giêsu là Con Hằng Sống của Thiên Chúa. Marcô muốn cắt nghĩa những lời nói, việc làm của Chúa Giêsu, cho những người thời của ông; đồng thời ông muốn giúp các cộng đoàn thời đó sống đức tin. Phúc Âm của ông là một lối giảng cho cộng đoàn lúc ấy... và cho chúng ta là những Kitô hữu ngày nay nữa.

Mười hay mười lăm năm sau, hai thần học gia khác, Luca và Matthêu, bổ túc cho Phúc Âm của Marcô. Họ lưu ý tới hoàn cảnh của các cộng đoàn mới và họ viết dài thêm bằng nhiều chứng từ khác về Chúa Giêsu. Ba bản Phúc Âm này có những điểm chung.

Ngoài ba người viết Phúc Âm này, còn có một thần học gia khác tên là Gioan. Ông viết một Phúc Âm khác vào khoảng năm 90. Cuốn sách của ông rất khác về cả ngôn ngữ lẫn bố cục, nó độc lập với 3 cuốn Phúc Âm trước. Gioan viết trong một nơi chốn khác biệt và hoàn cảnh cũng khác biệt. Nhưng sứ điệp Gioan loan báo vẫn là một: Chính Thiên Chúa nói qua Chúa Giêsu, Con của Ngài. Ai tin vào Chúa Giêsu sẽ có sự sống thật.

Tân Ước, không kể các Phúc Âm, còn có bài tường thuật về giai đoạn đầu của Giáo Hội hay "Tông Ðồ Công Vụ", tập các thư của Thánh Phaolô và các tông đồ khác, và bài viết những lời tiên đoán: Sách Khải Huyền của Gioan.

Tuyển tập của chúng ta trước hết trình bày bản văn của Luca. Phúc Âm của ngài, không kể là dài nhất, còn có những dụ ngôn thật đẹp của Chúa Giêsu và nó được viết theo một lối văn kể truyện rất thích thú. Luca là người duy nhất để lại cho chúng ta một loại Tin Mừng về Giáo Hội; đó là Tông Ðồ Công Vụ; trong đó ông kể lại công việc truyền bá Phúc Âm Chúa Giêsu trong thế giới.

Chúng ta cũng xử dụng một đoạn văn trích trong các Phúc Âm khác. Nhờ thế chúng ta sẽ thấy được mỗi tác giả có một lối riêng để diễn tả sứ điệp của Chúa Giêsu theo tinh thần của các Kitô hữu của cộng đoàn của mỗi vị. Mục đích của các tác giả là chuyển đạt sứ điệp của Ðấng đã Sống Lại, cập nhật trình độ của độc giả, thính giả của mọi thời đại, mọi giai tầng xã hội.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page