Sách thứ hai của Luca khởi đầu chưa mang tên nào rõ rệt. Sau này người ta mới đặt tên là "Công Vụ Tông Ðồ". Luca không có ý định kể cho chúng ta hết các việc làm của các Kitô hữu thời sơ khai. Ông chứng minh trong sách của ông sứ điệp của Chúa Giêsu được các môn đệ phổ biến "đến tận cùng trái đất" nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng này cống hiến cho mọi người. Luca cho thấy lúc bấy giờ nó được loan báo cho người ngoại giáo, chứ không riêng gì cho người Do Thái.
Trong phần thứ nhất, mô tả cuộc sống của cộng đoàn đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Phêrô. Sau đó, ông tường thuật sự triển nở của Giáo Hội ở giữa những người không phải là Do Thái. Ðể thực hiện và củng cố tiến trình chuyển tiếp từ dân Do Thái đến dân ngoại, Thiên Chúa đã tuyển chọn một nguòi Do Thái tên là Saulô hay Phaolô, người đã từng bách hại Giáo Hội Chúa Kitô trong thời sơ khởi. Luca dành phần cuối cuốn Công Vụ để tường thuật các hoạt động của Phaolô.
Luca bắt đầu bản tường thuật Tông Ðồ Công Vụ bằng cách nối tiếp phần kết của Phúc Âm, nhưng ở đây ông nhấn mạnh đến các môn đệ và việc họ làm. Chúa Kitô Phục Sinh vẫn còn ở với các môn đệ và cho họ những giáo huấn cuối cùng về Giáo Hội mới khai sinh của Ngài. các môn đệ sẽ là những nhân chứng của Ngài, trước tiên tại Giêrusalem, rồi sau đó vượt ranh giới Giêrusalem đến giữa dân ngoại "cho đến tận cùng trái đất". Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp họ trong sứ mệnh này.
Trong bữa tiệc cuối cùng, Ngài truyền lệnh cho họ đừng bỏ Giêrusalem, nhưng hãy đợi cho lời hứa của Chúa Cha được hoàn tất:
"Gioan thanh tẩy bằng nước, nhưng các con, chỉ ít lâu nữa, sẽ được thanh tẩy bằng Thánh Thần".
Bấy giờ những kẻ có mặt hỏi Ngài:
"Lạy Chúa, nay Chúa sẽ phục hồi lại nước Israel chăng?"
Và Ngài trả lời họ:
"Các con không thể biết ngày giờ mà Chúa Cha đã định đoạt do quyền năng của Ngài. Nhưng các con sẽ nhận lãnh quyền năng của Thánh Thần đến trên các con, và từ đó các con sẽ là chứng nhân của Ta không những tại Giêrusalem mà khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho tới những tận cùng trái đất".
(TÐCV 1,4-8)
Năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua người Do Thái mừng lễ tạ ơn sau mùa gặt (lễ ngũ tuần). Ðồng thời nó còn mang ý nghĩa kỷ niệm Chúa ban luật cho Môisen trên núi Sinai. Tất cả người Do Thái đã trưởng thành lên Giêrusalem để mừng lễ. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng có mặt tại Giêrusalem trong dịp này theo như lệnh của Chúa Giêsu đã truyền.
Chúa Thánh Thần đến trên họ. Những hình ảnh mà cuốn Công Vụ dùng trong bản tường thuật (lửa, gió...) gợi lại sự xuất hiện của Chúa trên núi Sinai. Những lưỡi lửa hiện ra trên họ ám chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để Tin Mừng của Chúa Giêsu được loan truyền bằng đủ thứ ngôn ngữ. Các người Do Thái từ nhiều quốc gia khác nhau, lúc này về Giêrusalem dự lễ, là những chứng nhân của biến cố này. Trong bài giảng của mình, Phêrô nói với tất cả người Do Thái tụ họp ở Giêrusalem.
Khi ngày lễ Ngũ Tuần đến, họ họp nhau lại. Thình lình có tiếng động từ trời đến tựa như cơn gió rít tràn ngập vào nhà. Bấy giờ họ thấy những lưỡi lửa chia ra đến đậu trên mỗi người. Họ được đầy Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng lạ theo như Thánh Thần ban cho họ.
Lúc đó, có những người Do Thái sùng đạo từ mọi nơi tuôn về. Nghe chuyện xảy ra, họ tràn đến xem và ngạc nhiên khi mỗi người nghe được tiếng nói của nơi mình định cư. Họ sửng sờ nói với nhau:
"Những người đang nói không phải là người Galilê sao? Vậy làm sao chúng ta lại nghe mỗi người theo mỗi ngôn ngữ của miền chúng ta định cư? Người Patia, người Mêđê, người Elamit, người cư ngụ tại Mêsôpôtami, Giuđêa, Capađôcia, Pontô và Asia, Prygia, Pamphylia, Ai Cập và những tỉnh xứ Lybia chung quanh Xyrênê, Rôma, Do Thái và tân tòng, người Crêta và Arập. Chúng ta nghe họ ca tụng những việc lạ lùng của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của chúng ta!"
Họ đã không thể cắt nghĩa được nên hỏi nhau:
"Ðiều này có nghĩa là gì?"
Tuy nhiên một vài người cười nhạo và nói:
"Những người này say khướt cả rồi".
(TÐCV 2,1-13)
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các môn đệ. Từ sợ hãi họ trở thành những chứng nhân can đảm. Họ làm chứng về đức tin của họ trước đám đông. Phêrô giải thích rằng việc Chúa Thánh Thần đến là hoàn tất lời hứa xưa: một thời đại mới bắt đầu, thời đại của Giáo Hội và Chúa Thánh Thần. Như Chúa Thánh Thần đến trên Chúa Giêsu lúc bắt đầu các hoạt động công khai, thì Chúa Thánh Thần cũng đến trên các môn đệ lúc bắt đầu thời đại của Giáo Hội. Nhưng việc Chúa Thánh Thần đến cũng là một dấu chỉ rằng Chúa Giêsu vẫn sống và là Ðấng Thiên Sai Chúa hứa, là Vua của thế giới. Chúa Giêsu thông ban Chúa Thánh thần cho các môn đệ như Thiên Chúa đã làm trong Cựu Ước. Từ đây, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội qua Chúa Thánh Thần và nhờ Chúa Thánh Thần Ngài điều khiển toàn thể cuộc sống của Giáo Hội.
Phêrô đứng chung với mười một môn đệ, lên tiếng nói với dân chúng:
"Hỡi các người Do Thái cư ngụ tại Giêrusalem, hãy lắng tai nghe những lời tôi nói và hiểu cho rõ. Những người này không say sưa như quý vị tưởng, bởi vì mới vừa sáng. Trái lại, đây là điều ngôn sứ Joel đã nói trước:
"Thiên Chúa nói,
trong những ngày cuối cùng,
Ta sẽ đổ Thần Trí Ta trên mọi
người.
Con Trai cà con gái các người
sẽ nói tiên tri,
các thiếu niên sẽ thấy thị
kiến
và những người già lão
sẽ có những giấc mộng.
Và trong những ngày ấy,
Ta sẽ đổ Thần Trí Ta trên các
tôi tớ và nữ tỳ của
Ta
và họ sẽ nói tiên tri.
Ta sẽ chỉ cho thấy những sự
lạ trên trời
và những điểm chỉ trên
trái đất:
máu, lửa và những cột khói.
Mặt trời sẽ ra tối tăm và
mặt trăng sẽ trở thành máu,
trước ngày của Chúa xảy
đến,
ngày trọng đại và vinh quang.
Và những người kêu cầu
tên Chúa sẽ được cứu
thoát".
(Jl 3,1-5)
Hỡi những người Israel hãy lắng nghe những lời này:
"Giêsu thành Nazaret là người Thiên Chúa trao phó cho các người qua các phép lạ, các kỳ công và dấu chỉ mà Thiên Chúa thực hiện qua Ngài. Chính Giêsu theo chương trình của Thiên Chúa được giao nộp cho các ngươi, các ngươi đã đóng đinh, giết chết bởi tay những người vô đạo. Nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại; Thiên Chúa đã cỡi bỏ khỏi ách sự chết không thể cầm buộc được Ngài. Ðúng như lời Ðavid nói về Ngài:
"Tôi thấy Chúa luôn
ở trước mặt tôi,
ở bên tôi để nâng đỡ
tôi.
Vì đó mà lòng tôi luôn
hân hoan,
lưỡi tôi hát lên vui mừng,
và thân xác tôi tràn đầy
hy vọng.
Vì Chúa sẽ không để mặc
linh hồn tôi phải hư mất,
cũng không để người trung
tín phải chịu đựng hư nát.
Chúa chỉ cho tôi con đường
sống,
Chúa sẽ đổ tràn đầy
hân hoan vì sự hiện diện của
Chúa".
(TV 16,8-11)
Anh em thân mến, tôi thành thật nói với anh em, không ai có thể chối rằng tổ phụ Ðavid đã chết, được an táng và mộ của người vẫn ở giữa chúng ta. Nhưng ngài là ngôn sứ và đã biết rằng Thiên Chúa đã thề hứa với ngài là một người trong dòng dõi sẽ ngồi trên ngai. Vì vậy mà ngài đã nhìn thấy trước và loan báo sự phục sinh của Ðức Kitô khi ngài nói rằng linh hồn ngài không bị rơi vào địa ngục, cả thân xác ngài cũng không bị hư nát. Ðấng Kitô này, cũng là Ðức Giêsu, đã được Thiên Chúa cho sống lại như chúng tôi đã làm chứng. Ngài được cánh tay Thiên Chúa nâng lên, đã nhận từ Thiên Chúa Thánh Thần như Chúa hứa, và phân ban Chúa Thánh Thần. Và vì thế các người đã thấy và đã nghe. Vì Ðavid đã không lên trời, nhưng ông nói:
Chúa nói cùng Chúa tôi rằng:
"Con hãy ngồi bên
hữu Cha,
Cho đến khi Cha đặt kẻ thù làm
bệ kê chân cho con".
(TV 110,1)
Vậy tất cả nhà Israel hãy xác tín rằng Ðức Giêsu mà quý vị đã đóng đinh trên thập giá đã được Thiên Chúa tôn là Chúa và là Ðức Kitô".
Khi họ nghe điều này họ đều xúc động và nói với Phêrô và các tông đồ:
"Vậy hỡi các ông, chúng tôi phải làm gì?"
Phêrô nói:
"Hãy thống hối. Hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được ơn tha thứ khỏi tội. Quý vị sẽ được ơn Chúa Thánh Thần, vì lời hứa là để dành cho quý vị và các con cháu, cũng như cho tất cả những ai từ xa, tất cả những người mà Thiên Chúa sẽ kêu gọi đến với Ngài".
Phêrô còn dùng nhiều lời khác khuyên nhủ họ như sau:
"Quý vị hãy tránh xa thế hệ hư hỏng này".
Những người đón nhận lời Phêrô đã chịu phép rửa tội. Nguyên ngày hôm đó có khoảng ba ngàn người gia nhập cộng đoàn.
Họ trung thành với các lời giảng dạy của các tông đồ, với tình huynh đệ, với việc bẻ bánh và trong việc cầu nguyện.
(TÐCV 2,14-42)
Luca diễn tả sự sống của cộng đoàn sơ khai trong hai bài tường thuật, có thể ông muốn đưa ra một mẫu mực lý tưởng. Quyền năng của Chúa Thánh Thần giúp cho các môn đệ sống chung với nhau thân thiết. Họ cùng kinh nguyện ở đền thờ, cử hành Thánh Thể và chia sẻ các tài sản. Không ai túng thiếu. Sự liên đới này có tính cách hồn nhiên và tự nguyện. Kiểu sống này lôi cuốn nhiều người và số người theo Chúa Giêsu mỗi ngày một thêm đông.
Các tín hữu sống đoàn kết với nhau và để của cải làm của chung. Họ bán tài sản và chia sẻ giữa họ với nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Họ đi lên đền thờ hằng ngày; họp tại các nhà tư để bẻ bánh, họ dùng bữa một cách hoan hỉ và thánh thiện. Họ ca tụng Chúa và được dân chúng mến mộ. Chúa đã thêm số những người được cứu rỗi cho Giáo Hội.
(TÐCV 2,44-47)
Nhóm các tín hữu bây gì chỉ có một tấm lòng và một linh hồn. Không ai nghĩ những cái đang có là của riêng mình, nhưng họ bỏ mọi cái làm của chung. Các tông đồ mạnh dạn làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu và các ngài được mọi người mến mộ. Không ai trong họ phải thiếu thốn. Tất cả những ai có nhà cửa ruộng vườn đều đem bán và đưa tiền đặt dưới chân các tông đồ. Số tiền sẽ được phân chia cho mỗi người tùy nhu cầu.
(TÐCV 4,32-35)
Cộng đoàn sơ khai không phải luôn luôn có các bạn hữu và những người có cảm tình. cách sống, những thành công cũng như những vụ chữa lành bệnh cách lạ lùng nhờ danh Chúa Giêsu đã khơi dậy sự chống đối và ghen ghét của các giới cầm quyền Do Thái. các tông đồ đã có thời bị giam tù và cuộc bách hại cộng đoàn đã bùng nổ. Bị bách hại nhiều nhất là cộng đoàn của thầy phó tế Stêphanô. Ngài là người tử đạo tiên khởi của Giáo Hội thuở ban đầu. Như Chúa đã làm Stêphanô lúc chết đã tha thứ cho các kẻ thù của mình.
Các tín hữu bị xua đuổi khỏi Giêrusalem, nhưng đây là lúc các môn đệ mở rộng công việc truyền giáo ra ngoài thành phố. Nhờ vậy các cộng đoàn nhỏ đã được khai sinh nhiều nơi ở Giuđêa và Samaria. Trong bầu không khí bắt bớ này, nổi bật tên của một người mà Thiên Chúa đã chỉ định làm tông đồ của dân ngoại, Saulô cũng gọi là Phaolô.
Khi họ nghe những điều Stêphanô nói, các thành viên của Hội Ðồng nổi giận và nghiến răng. Nhưng Stêphanô, được đầy Chúa Thánh Thần, đã ngước mắt lên trời. Ngài nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa và Ðức Giêsu đứng bên hữu. Ngài nói rằng:
"Tôi nhìn thấy trời mở ra, và Con Người đang đứng bên phải Thiên Chúa".
Nghe vậy họ kêu lớn tiếng và bịt tai lại, rồi họ lôi Stêphanô ra khỏi thành ném đá cho chết. Các người chứng kiến bỏ áo dưới chân một người trẻ tên là Saulô. Trong khi bị ném đá Stêphanô kêu cầu Chúa và nói:
"Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhận linh hồn con".
Rồi ngài quỳ gối xuống kêu lớn tiếng.
"Lạy Chúa xin đừng kết tội họ vì việc này".
Nói xong, ngài tắt thở.
Saulô đồng tình với việc giết Stêphanô.
Chính ngày hôm đó một cuộc bách hại dữ dội chống lại cộng đoàn tại Giêrusalem. Ngoại trừ các tông đồ, mọi người đã trốn ra miền quê thuộc Giuđêa và Samaria. Tuy nhiên có mấy người nhiệt thành đã lấy xác Stêphanô, chôn cất và than khóc ngài. Còn Saulô thì để hết tâm tiêu diệt Giáo Hội. Ông đi từ nhà này sang nhà khác để bắt hết đàn ông đàn bà bỏ tù.
(TÐCV 7,54-8,3)
Trước khi trở lại, Saulô nghĩ rằng các Kitô hữu không sống đúng với lề luật Do Thái, bất trung với đức tin truyền thống. Vì thế, ông không ưa gì Kitô hữu và muốn gây tổn thương cho họ. Nhưng, khi bắt bớ Kitô hữu, thì Saulô lại bắt bớ chính Chúa, vì Ngài hiện diện trong Giáo Hội của Ngài và làm cho Giáo Hội đó được sống. Trên đường bắt hại Kitô hữu như thế, ông lại nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu Phục Sinh và trở thành môn đệ Ngài. Sự hồi tâm trở lại của ông do từ Thiên Chúa, chứ không phải công lao nơi ông. Phaolô nói rõ việc đó trong thư ngài gởi cho người Galata. Ngài biết được Tin Mừng Chúa Giêsu do Ðấng đã Sống Lại. Vì thế ngài đã trở nên tông đồ như những vị mà Ðức Giêsu Nadarét đã chọn trước đây.
Saulô, hăm hở tìm bắt các môn đệ Chúa Giêsu và đi tìm thầy cả thượng phẩm để xin thư giới thiệu đi về các hội đường ở Ðamascô, bắt những người theo Chúa Kitô, đàn ông cũng như đàn bà, và đem giải họ về Giêrusalem.
Trên đường đi, khi ông tới gần Ðamascô, thì một luồng sáng từ trời bỗng chiếu giãi chung quanh ông. Ông té xuống đất và nghe một tiếng nói bảo ông:
"Saulô, Saulô, tại sao ông bách hại Ta?"
Ông đáp:
"Bẩm Ngài, Ngài là ai?"
Chúa nói:
"Ta là Giêsu ông đang bách hại. Hãy chỗi dậy và đi vào thành và ông sẽ được nói cho biết phải làm gì".
Những người cùng đi với ông ngỡ ngàng đứng lặng thinh. Họ nghe thấy tiếng nói nhưng không thể nhìn thấy ai. Saulô chỗi dậy và mặc dầu mắt ông mở nhưng không nhìn thấy gì nữa. Rồi họ cầm tay dẫn ông vào Ðamascô. Ông ở lại đây ba ngày, mắt không thấy và ông không ăn uống gì.
(TÐCV 9,1-9)
"Phaolô, là tông đồ, không phải được loài người tuyển chọn cũng không do trung gian của ai, nhưng do chính Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa đã cho Người từ kẻ chết sống lại.
Thưa anh em, tôi phải nói rõ ràng cho anh em rằng Phúc Âm mà tôi rao giảng không phải là một sứ điệp của loài người; tôi không học biết cũng không tiếp nhận từ một người nào, nhưng do chính Ðức Giêsu mặc khải. Anh em đã nghe về thái độ của tôi trước đây khi còn ở trong đạo Do Thái, tôi đã bắt bớ Giáo Hội của Chúa như thế nào và bao nhiêu thiệt hại tôi đã gây ra cho Giáo Hội. Tôi vượt hơn những người Do Thái cùng thế hệ vì lòng nhiệt thành tuân giữ các truyền thống tổ tiên. Thế nhưng điều làm đẹp lòng Chúa là việc Chúa đã tuyển chọn tôi ngay từ khi mới sinh và kêu gọi tôi bằng ơn sủng của Ngài, mạc khải Con Ngài cho tôi, để tôi có thể rao giảng Phúc Âm về Người giữa dân ngoại. Tôi không hề tranh luận điều này với bất cứ một người nào, cũng không đi lên Giêrusalem để gặp những người đã từng là tông đồ trước tôi, nhưng tôi thẳng tới Arập và sau đó trở lại Ðamascô".
(GA 1,1.11-17)
Trong khi Phaolô rao giảng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trước cộng đoàn Do Thái ở Ðamascô, thì Phêrô viếng thăm các cộng đoàn Kitô gốc Do Thái thuộc vùng duyên hải gần Tel-Aviv ngày nay. Cho đến bấy giờ các cộng đoàn Kitô hoàn toàn chỉ có những người trở lại từ đạo Do Thái. Nhưng một điều không ngờ đã xảy đến, chính Thiên Chúa đã can thiệp hướng dẫn Phêrô đi vào nhà người dân ngoại, ngược với ý muốn của ông. Khi Phêrô bắt đầu trình bày Phúc Âm thì Thánh Thần ngự xuống trên những người ngoại quốc. Ðây là một dấu chỉ rõ ràng cho người Kitô gốc Do Thái biết rằng Thiên Chúa cũng đã kêu gọi những người không phải là Do Thái vào Giáo Hội. Cộng đoàn Kitô không Do Thái đầu tiên đã được thiếp lập tại nhà ông Cornêliô.
Phêrô cùng đi với những người do Cornêliô sai đến, có một số người từ Giopha hộ tống, và ngày hôm sau thì tới Cêrarêa.
Cornêliô đang đợi họ và mời những người họ hàng cũng như bạn bè thân thuộc.
Khi Phêrô bước đến, Cornêliô ra đón và quỳ xuống dưới chân ông. Phêrô nâng ông dậy và nói:
"Hãy đứng thẳng dậy, tôi cũng là người như mọi người khác".
Vừa nói chuyện vừa bước vào nhà, ông thấy đã có một nhóm người tụ họp ở đó, ông liền nói:
"Ông biết rằng người Do Thái không được phép nhập bọn với người khác dòng giống hay thăm viếng họ. Nhưng Thiên Chúa đã tỏ cho tôi rằng tôi không được gọi một người nào là "dơ bẩn" hay ô uế cả. Ðó là lý do tôi không phản đối việc đến đây khi tôi được ông mời. Nhưng tôi muốn biết đích xác tại sao ông lại mời tôi đến".
Cornêliô đáp:
"Bốn ngày trước đây khi tôi đang cầu nguyện tại nhà, lúc giữa trưa, thì thình lình tôi nhìn thấy một người ở trước mặt tôi mặc áo sáng chói. Người đó nói: "Hỡi Cornêliô, Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của ngươi và nhớ đến công quả của người. Hãy sai người đến Giopha tìm Simon được gọi là Phêrô. Ông ấy đang trú ở nhà ông Simon thợ làm da gần biển". Vì thế tôi sai người đi mời ông, và ông đã có lòng đến. Chúng tôi tụ họp nhau trước mặt ông để nghe sứ điệp Thiên Chúa đã trao phó cho ông để chuyển cho chúng tôi".
Phêrô nói:
"Bây giờ thì tôi biết rằng Thiên Chúa không biệt đãi ai nhưng tiếp nhận bất cứ người nào kính sợ Ngài và hành động công chính thuộc bất cứ quốc gia nào. Ðây là lời Thiên Chúa đã gởi tới con cái Israel, được rao giảng bởi Ðức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị chắc đã nghe nói về những sự việc xảy ra mới đây trong khắp xứ Giuđêa, về Chúa Giêsu người Nazarét và Ngài đã bắt đầu như thế nào sau khi chịu phép rửa do Gioan, và Thiên Chúa đã xức dầu Người với Chúa Thánh Thần quyền năng như thế nào, Người đã đi khắp nơi làm những việc tốt đẹp, chữa lành mọi người bị quỷ ám; bởi vì Thiên Chúa ở với Người. bây giờ tôi và những người cùng với tôi, có thể làm chứng mọi sự Người đã làm tại xứ của người Do Thái và tại Giêrusalem. Tất cả quý vị đều biết người ta đã giết Ngài như thế nào, đã treo Người trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại ngày thứ ba và cho Người hiện ra không phải với mọi người nhưng chỉ với những chứng nhân đã được Thiên Chúa tuyển chọn, với chúng tôi là những người đã ăn uống với Ngài sau khi sống lại từ kẻ chết. Và Ngài đã truyền lệnh cho chúng tôi công bố điều này cho dân của Ngài và nói với họ rằng Thiên Chúa đã chỉ định Ngài làm quan xét mọi người, người sống cũng như kẻ chết. Chính các ngôn sứ đã làm chứng về Ngài và nói rằng tất cả những người tin vào Ngài sẽ được tha thứ khỏi tội lỗi của mình".
Khi Phêrô còn đang nói thì Chúa Thánh Thần đến trên tất cả các người nghe. Những tín hữu Do Thái tháp tùng Phêrô lấy làm ngạc nhiên về ơn Chúa Thánh Thần cũng tuôn đổ trên người dân ngoại. Họ có thể nghe những người này nói tiếng lạ và ngợi khen Thiên Chúa.
Thế rồi Phêrô nói:
"Như vậy làm sao có thể từ chối rửa tội cho những người này, vì họ cũng đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?"
Và ông ra lệnh cho họ được rửa tội nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Sau đó họ năn nỉ ông ở lại với họ thêm ít ngày.
(TÐCV 10,23b-48)
Antiôkia là một trong những thành phố quan trọng nhất của đế quốc Rôma. Thành này gồm có nhiều sắc dân. Phaolô tìm thấy đây một cộng đoàn linh hoạt, sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cộng đoàn này ý thức được trách nhiệm truyền giáo và gởi đi những người ưu tú nhất là Phaolô và Barnabê để rao giảng lời Thiên Chúa. Ban đầu họ vừa hoạt động chung tại Cyprus và Tiểu Á. Cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên này mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Lúc Stêphanô bị xử tử một cuộc bách hại bùng nổ làm cho dân chúng chạy trốn ra nước ngoài. Họ đi xa tới tận Phênêxia, Cyprus và Antiôkia, người ta chỉ rao giang lời Thiên Chúa cho người Do Thái mà thôi. Tuy vậy một vài người trong họ là người ở Cyprus và Xyrênê, đến Antiôkia và giảng về Chúa Giêsu cho cả người Hy Lạp nữa. Nhiều người vì thế đã đến với Chúa. Khi tin tức về những sự việc này tới với Giáo Hội tại Giêrusalem, họ liền cử Barnabê đi tới Antiôkia. Khi ông này đến nơi thấy ơn Chúa hành động thì rất vui mừng, khuyên nhủ họ trung thành với Chúa. Ông là người tốt lành đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Barnabê rời nơi đó đi Tarsus tìm Phaolô. Khi gặp được Phaolô ông đưa ngài tới Antiôkia. Họ chung nhau làm việc ở đây suốt trong một năm; giảng dạy cho nhiều người. Chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên được gọi là "Kitô Hữu".
(TÐCV 11,19-26)
Giáo Hội thiết lập tại Antiôkia có những vị ngôn sứ và giảng dạy thông thái: Barnabê, Simêô gọi là Nigêrô, Luciô thành Cyrênê, Manaen bạn thiếu thời của vua Hêrôđê, và Saulô. Một ngày kia trong lúc họ đang cầu nguyện và ăn chay, thì Thánh Thần Chúa dạy: "Hãy để Barnabê và Saulô làm việc ta chỉ định riêng". Sau khi đã ăn chay và cầu nguyện, họ đặt tay lên đầu hai vị và để hai vị ra đi.
(TÐCV 13,1-3)
Chúa Giêsu đã rao giảng sứ điệp của Ngài cho người Do Thái mà thôi. Các môn đệ và cộng đoàn đầu tiên phát xuất từ Do Thái giáo. Chính vì thế mà các cộng đoàn Kitô sơ khởi đã phải đương đầu với một vấn nạn khó khăn. Người ta có thể trở thành người Kitô mà không cần phải là Do Thái nghĩa là khỏi phải cắt bì như luật Môisen đã ban hành không? Tất cả các cộng đoàn họp nhau tại Giêrusalem để khảo sát vấn đề khó khăn này. Sau cuộc tranh luận sôi nổi, quyết định chung là những người dân ngoại cũng có thể trở thành phần tử đầy đủ của cộng đoàn mà không cần phải gia nhập đạo Do Thái trước. Kinh nghiệm của Phêrô và Phaolô với dân ngoại là yếu tố quyết định đưa tới sự đồng thuận này. hành động của Chúa Thánh Thần được cảm nhận trong suốt tiến trình thật quá rõ ràng.
Một số biện pháp được đề ra để làm dễ dàng hơn việc tham dự các bữa tiệc huynh đệ giữa người Kitô gốc Do Thái và những người Kitô gốc dân ngoại. Người Kitô gốc dân ngoại chỉ phải tuân giữ luật Do Thái trong vấn đề về trong sách và ô uế. Nhờ đó Giáo Hội bắt đầu biểu hiệu đặc tính hoàn vũ của mình và vượt thắng được nguy hiểm trở thành một hệ phái của Do Thái giáo. Giải pháp của cuộc tranh chấp này có thể cho ta câu trả lời về vấn nạn hội nhập sứ điệp Kitô Giáo vào các nền văn hóa.
Một vài người đến từ Giuđêa và giảng dạy anh em rằng nếu họ không chịu phép cắt bì theo như cách thức Môisen đã dạy, thì họ không được cứu rỗi. Việc này khơi dậy sự xao động và tranh cãi nên Phaolô, Barnabê và một số người khác về Giêrusalem thảo luận vấn đề này với các tông đồ và những vị lão thành. Giáo đoàn chuẩn bị cho họ lên đường đi qua Phênêxia và Samaria, họ kể lại cho mọi người việc người dân ngoại trở lại và tin tức này được mọi người hoan hỉ đón nhận. Khi họ tới Giêrusalem họ được Giáo Hội, các tông đồ và các vị lão thành đón tiếp và họ đã tường trình về tất cả những việc Thiên Chúa đã làm nơi họ. Nhưng một số hội viên trước đây thuộc phái Pharisêu phản đối, nhấn mạnh rằng các người dân ngoại phải chịu cắt bì và phải được dạy cho biết luật Môisen. Các tông đồ và người lão thành gặp nhau để khảo sát vấn đề. Sau khi thảo luận lâu dài, Phêrô đã đứng dậy nói:
"Anh em biết rằng, ngay từ đầu, Chúa đã chọn tôi phục vụ anh em, để người ngoại giáo được nghe lời Tin Mừng và đưa về cuộc sống đức tin. Tại sao dám thách đố Thiên Chúa, buộc anh em mình phải chịu một gánh nặng mà cả cha ông chúng ta cũng như ngay cả chúng ta không đủ sức để gánh vác? Hơn nữa, chính nhờ ân sủng của Chúa Giêsu mà chúng ta có được ơn cứu rỗi, y hệt như anh em chúng ta vậy".
Toàn thể cử tọa im lặng và nghe Barnabê, Phaolô mô tả những dấu hiệu và phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện qua họ ở giữa các người dân ngoại.
Khi họ nói xong, Giacôbê đứng lên nói:
"Anh em thân mến, hãy lắng nghe tôi. Simon đã mô tả cách thức Thiên Chúa trước hết đã tuyển chọn một dân tộc mang Danh Ngài từ những người dân ngoại. Và điều này phù hợp với lời của các ngôn sứ, như đã được chép trong Thánh Kinh:
"Sau đó ta sẽ trở
lại và sẽ xây dựng lại
nhà Ðavid đã bị hoang tàn;
Ta sẽ xây lại từ những đổ
nát và tô bồi nó,
để số người còn lại
sẽ tìm kiếm Chúa,
cùng với hết thảy những
dân tộc kêu cầu danh Ngài,
đó là lời Thiên Chúa,
Ðấng mạc khải những sự
việc này từ thuở ban đầu".
(Am 9,11-12)
Vì vậy hội nghị nghĩ rằng đừng làm khó dễ người dân ngoại muốn đến với Thiên Chúa. Họ chỉ phải kiêng cữ những gì đã cúng tế các thần, tránh sự gian dâm, kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng không ăn uống máu. Bởi vì từ xưa đến nay, luật Môisen được đọc trong các hội đường mỗi ngày Sabat".
Sau đó các tông đồ và các vị lãnh đạo cùng với toàn thể Giáo Hội đã đồng ý sai một phái đoàn đến Antiôkia cùng với Phaolô và Barnabê. Họ chọn ông Giuđa cũng gọi là Basaba và ông Sila, cả hai là những người đã lão luyện và được mến mộ. Họ được trao cho lá thư này:
"Các tông đồ và những người lãnh đạo, anh em với các vị, gởi lời chào anh em gốc dân ngoại tại Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe nói rằng mấy người trong nhóm chúng tôi đã đưa ra các đòi hỏi làm phiền toái các anh em và làm anh em hoang mang. Họ đã hành động không có ủy nhiệm của chúng tôi. Vì thế chúng tôi đồng thanh quyết định chọn một phái đoàn gởi đến anh em cùng với Barnabê và Phaolô, cac ngài là những người đã từng liều mất mạng vì danh Chúa Giêsu Kitô của chúng ta".
(TÐCV 15,1-26)
Sau Công Ðồng các Tông Ðồ đó, Phaolô và các bạn cộng sự đã rất tích cực trong việc rao giảng. Số người Kitô gốc dân ngoại gia tăng đều đều. Khi Phaolô trở lại Giêrusalem chừng 10 năm sau, ông bị người Do Thái tố giác và bắt giam tù. Nhưng vì vụ xử của ông chỉ có thể giải quyết bởi chính hoàng đế Rôma (ông có quốc tịch Rôma từ khi mới sinh); nên ông bị dẫn giải về Rôma, trung tâm thế giới. Ở đây ông có dịp rao giảng tự do về đức tin Kitô. Nhờ cách này, những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh ghi trong phần đầu của sách Tông Ðồ Công Vụ được thực hiện: các con sẽ là nhân chứng của Ta..." cho tới mọi tận cùng trái đất".
Họ thu xếp một ngày và một số đông trong họ đã viếng thăm ông tại chỗ tạm trú. Trong bài nói chuyện với họ, ông làm chứng về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ về Chúa Giêsu, dẫn chứng từ luật của Môisen và các sứ ngôn. Cuộc đàm thoại diễn ra từ sáng sớm cho tới chiều tối. Một số người xác tín vì những lời ông nói trong khi số khác hoài nghi. Vì thế họ trở nên bất đồng với nhau, và khi họ rời đi, Phaolô nó những lời cuối cùng này với họ:
"Chúa Thánh Thần đã nói sự thật cho tổ tiên quí vị qua ngôn sứ Isaia:
"Hãy tới với
dân này và nói:
Các vị nghe mà không hiểu;
nhìn mà không thấy.
Trái tim của dân này đã trở
nên chai đá
không còn nghe gì được nữa;
họ nhắm mắt lại vì sợ rằng
ắt phải thấy,
tai phải nghe,
tâm lòng phải hiểu biết,
e rằng phải hoán cải và Ta sẽ
chữa lành đi chăng".
(Is 6,9-10)
Vậy hãy hiểu biết rằng nay sự cứu rỗi của Thiên Chúa đã được đem tới cho người dân ngoại. Họ lại sẽ lắng nghe".
Phaolô cư ngụ hai năm trong căn nhà thuê. Ông đón tiếp mọi người đến viếng thăm. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và giảng dạy sự thật về Chúa Giêsu một cách tự do, không ai ngăn cản ông.
(TÐCV 28,23-31)
Giáo Hội lúc sơ khai, việc cử hành thánh lễ được nối kết với bữa ăn thường. Mỗi người đóng góp tùy theo khả năng. Người giàu hòa đồng với người nghèo như thể anh em. Nhưng tại Côrintô xảy ra một tình trạng không tốt đẹp. Người giàu bắt đầu ăn uống trước khi người nghèo đến, vì họ phải làm xong công việc nặng nhọc của mình trong ngày. Thật là tệ, họ dùng những thứ còn thừa và tệ hơn nữa họ bi coi khinh chỉ vì họ nghèo. Phaolô nêu rõ rằng việc này đi ngược lại đường lối và tinh thần của Chúa Giêsu. Bất cứ người nào xử sự cách ích kỷ như vậy trong bữa tiệc thánh là phạm tội với Chúa Kitô và toàn cộng đoàn. Vì cộng đoàn là thân thể của Chúa Kitô.
"Về điều này, tôi cố theo dõi và không thể khen anh em, vì anh em họp nhau lại không để nên tốt lành mà lại trở thành xấu hơn. Tôi nghe rằng khi anh em họp nhau lại ở nhà thờ, có nhiều sự chia rẽ giữa anh em, và tôi tin một phần nào đó có thực. Hẳn có những bất đồng giữa anh em để có người phải lên tiếng.
Khi anh em họp nhau, anh em đã không dùng bữa ăn của Chúa. Bởi vì mỗi người hối hả lo bữa tối của mình trước người khác nên có người thì đói kẻ thì say sưa. Anh em không có nhà riêng để ăn uống hay sao? Hay anh em khinh thường Giáo Hội của Chúa và xỉ nhục những người nghèo? Tôi phải nói gì với anh em? Tôi sẽ khen anh em về điều này chăng? Chắc chắn là không.
Ðiều mà tôi đã lãnh nhận từ Chúa, tôi cũng nói lại cho anh em: Chúa Giêsu, chính trong đêm Ngài bị nộp, đã cầm lấy bánh và sau lời chúc tụng, Ngài bẻ ra và nói: "Ðây là thân thể Ta, sẽ bị nộp vì các con, hãy làm điều này để tưởng nhớ Ta". Cũng một cách như vậy, sau bữa ăn, Ngài cầm lấy chén và nói: "Ðây là chén Tân Ước trong máu Ta; khi các con uống, hãy làm để tưởng nhớ Ta". Thật vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén này, anh em loan truyền cái chết của Chúa cho đến khi Ngài lại đến".
(1 Co 11,17-26)
Cộng đoàn Côrintô được Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn đặc sủng. Nhưng có người lại coi những đặc ơn này là do công trạng của mình hơn những người khác. Ðặc biệt ơn nói các ngôn ngữ được xem là ơn cao quý nhất. Nhưng các đặc ân Chúa Thánh Thần nhằm mục đích xây dựng cộng đoàn chứ không nhằm tạo danh tiếng của người được ơn đó. Thánh Phaolô nói đặc ân đều tốt đẹp và có giá trị, nhưng vượt trên hết là tình yêu. Không có tình yêu, mọi ơn khác đều không có giá trị gì.
"Bây giờ, bàn về các ơn thiêng liêng, tôi không muốn để anh em mờ tối. Anh em biết rằng khi anh em còn là dân ngoại, anh em như bị lôi kéo bởi những tượng thần câm điếc. Vì thế tôi cảnh giác anh em rằng không ai có thể nhờ Chúa Thánh Thần mà nói ngược lại Chúa Giêsu, cũng không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không bởi Chúa Thánh Thần.
Các ơn đặc sủng rất nhiều thứ, nhưng chỉ có một Thánh Linh. Và có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Và có nhiều hình thức hoạt động nhưng chỉ có một Chúa là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Trong mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần biểu dương một cách riêng biệt để đem lợi ích cho mọi người. Người thì được Thánh Linh ban cho ơn nói khôn ngoan; cũng chính Thánh Linh ấy ban cho người khác ơn hiểu biết; người khác nữa ơn đức tin; có người ơn chữa bệnh; người khác ơn làm phép lạ; có người được ơn tiên tri; người khác ơn suy xét; người khác ơn nói tiếng lạ; người khác ơn giải thích. Nhưng tất cả các ơn ấy đều là công việc của một Thánh Linh phân phát cho họ một cách riêng rẽ như Ngài muốn".
(1 Co 12,1-11)
"Tôi sẽ chỉ cho anh em con đường hoàn hảo hơn cả:
Mặc dầu tôi nói được nhiều tiếng nói của loài người và các thiên thần, nhưng nếu tôi không có đức thương yêu thì tôi chỉ phát âm như kèn đồng hay thanh la. Và mặc dầu tôi có ơn nói tiên tri, hiểu biết mọi mầu nhiệm và kiến thức, và mặc dầu tôi có đức tin mạnh đến độ chuyển núi dời non, nhưng nếu tôi không có thương yêu, thì tôi chỉ là không. Và mặc dầu tôi bán các tài sản để nuôi người nghèo, và mặc dầu tôi hiến mình chịu thiêu đốt, nhưng nếu tôi không có đức yêu thương thì cũng chẳng được ích gì.
Tình yêu thì nhẫn nại; hay giúp đỡ. Tình yêu không ghen tương, cũng không tự phụ hay kiêu căng; không thô bạo cũng không tìm lợi ích cho mình; không dễ dàng nổi giận; không vui mừng trước những bất công nhưng vui trong sự thật. Tình yêu chịu đựng mọi sự, tin mọi sự, cam chịu mọi sự.
Tình yêu không bao giờ qua đi. Nhưng nói tiên tri sẽ hết, ơn nói tiếng lạ sẽ chấm dứt, kiến thức sẽ biến dần. Bởi vì chúng ta chỉ biết từng phần và nói tiên tri từng phần. và khi cái hoàn hảo tới thì cái bất toàn phải lui đi. Khi tôi còn là đứa trẻ, tôi nghĩ như đứa trẻ, tôi lý luận như đứa trẻ; nhưng bây giờ tôi là người lớn, tôi dẹp bỏ những cái trẻ con. Bây giờ chúng ta chỉ nhìn những phản chiếu trong gương, nhưng rồi đây chúng ta sẽ nhìn mặt đối mặt. Bây giờ tôi chỉ biết một phần về Thiên Chúa, nhưng rồi tôi sẽ biết Ngài như Ngài biết tôi.
Nay, chỉ có ba điều tồn tại: đức tin, hy vọng và tình yêu. Nhưng lớn nhất là tình yêu.
(1 Co 12,31b-13,13)
Làm sao biết được người Kitô chân chính? Không phải theo lời nói của họ hay việc tuyên xưng đức tin của họ. Ðặc điểm chính của người Kitô là tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và đồng loại. Tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua việc yêu thương đồng loại. Tình yêu chân thật không đến từ chúng ta mà là ơn của Chúa, đó là việc đáp trả tình yêu của Ngài.
"Thưa các bạn, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu đến từ Thiên Chúa và bất cứ ai yêu thương thì họ sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Người không biết yêu, cũng không biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta được biểu lộ bằng cách này là Thiên Chúa sai Con duy nhất của Ngài vào trong thế gian để chúng ta được sống nhờ Ngài. Ðây là tình yêu, không phải chúng ta yêu Thiên Chúa trước, mà Ngài yêu chúng ta trước và sai Con Ngài làm lễ hy sinh đền tội chúng ta.
Thưa các bạn, nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường ấy, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, và ai sống trong tình yêu, tức là sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ.
Chúng ta yêu Ngài vì Ngài yêu chúng ta trước.
(1 Gioan 4,7-11.16.19)
Không kể các Thánh Vịnh trong Cựu Ước, các cộng đoàn Kitô còn hát những thánh ca mới và những bài hát trong các cử hành tôn giáo. Một số lấy từ trong Tân Ước như bài ca tụng Chúa Kitô (dưới đây). Bài ca mô tả con đường Chúa Giêsu đã đi qua; từ trong vinh quang Chúa Cha Ngài đến với chúng ta qua cử chỉ khiêm tốn cùng cực. Ðược phục sinh Ngài trở về với Chúa Cha và từ đó hiển trị thế giới, Chúa vũ trụ.
"Ngài, từ thân
phận là Thiên Chúa,
nhưng đã không cố giữ cho
mình
địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa.
Nhưng tự bỏ mình
mang thân phận nô lệ.
Ngài đã trở nên giống
người phàm.
Mang lấy thân phận con người,
Ngài hạ mình xuống hơn nữa
để vâng lời cho đến chết,
và chết trên thập giá!
Vì thế Thiên Chúa đã nâng
Ngài lên địa vị cao trọng
và ban cho Ngài một tên vượt
trên mọi tên,
để mọi tạo vật trên trời
dưới đất và nơi âm
phủ,
phải bái gối trước tên
Giêsu,
và mọi miệng lưỡi sẽ tung
hô
Giêsu là Chúa,
để vinh danh Thiên Chúa Cha".
(Ph 2,6-11)
Thiên Chúa không muốn thiêu hủy hay phá đổ công trình tạo dựng của Ngài. Ngài đã tạo dựng mọi sự tốt đẹp ngay từ đầu. Nhưng tội của con người đã làm hư hỏng và còn tiếp tục diệt chúng. Tuy vậy, thời kết cục của lịch sử Thiên Chúa sẽ tạo dựng nên một thế giới mới. Gioan, người được thị kiến và tiên tri, đã diễn tả trong cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh về một nhân loại mới được Chúa Giêsu cứu chuộc. Nhân loại này sống hiệp thông viên mãn và trọn vẹn với Thiên Chúa.
"Tôi đã thấy trời mới và đất mới, vì trời cũ và đất cũ đã tan biến đi, và không còn biển nữa.
"Tôi đã nhìn thấy thành thánh, Giêrusalem mới, từ Thiên Chúa, xuất hiện trên trời; thành đó xinh đẹp như một cô dâu trang sức để về nhà chồng. Rồi tôi nghe tiếng nói hùng mạnh phát ra từ ngai tòa:
Ðây là nơi Thiên
Chúa ở với con người.
Ngài sẽ cắm lều ở giữa
chúng;
Họ sẽ là dân của Ngài,
và Thiên Chúa luôn ở bên
họ là Thiên Chúa của họ.
Ngài sẽ lau sạch nước mắt
họ;
sẽ không còn chết chóc,
tang tóc, khóc lóc, đau đớn
nữa,
vì thế giới cũ đã biến
tan rồi".
(KH 21,1-4)