Chúa Giêsu muốn loan báo tin mừng cho số đông dân chúng. Ðó là lý do Ngài đi luôn luôn. Trong số những người theo Ngài, có một ít phụ nữ, và điều này làm hoang mang xã hội trọng nam của thời đại ấy. Cùng với các môn đệ, những người phụ nữ này sẽ là những chứng nhân cho các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh. Các người phụ nữ cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền giáo của Giáo Hội thuở sơ khai.
Ngài đi qua mọi thành phố, làng mạc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Nhóm mười hai cũng ở với Ngài và một số phụ nữ mà Ngài đã chữa cho khỏi tà thần hay bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna đã được trừ khỏi bảy quỉ dữ, Gioanna, vợ ông Chuza, người quản lý của vua Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác giúp Ngài bằng tiền bạc của mình.
(Lc 8,1-3)
Chúa Giêsu không phải chỉ là một thầy dậy. Ngài còn là người cứu chuộc nhân loại. Chính vì lẽ đó mà Luca thuật lại một số việc lạ lùng Chúa Giêsu đã làm.
Các phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng nước Thiên Chúa đã đến ở giữa nhân loại. Các phép lạ này là hành vi cứu chuộc có nghĩa giải thoát con người. Các bản tường thuật về phép lạ cũng trình bày những loại ân huệ con người có thể nhận lãnh nhờ đức tin vào quyền năng và tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm điều mà thường tình nhân loại không thể làm. Bằng cách này, các bản tường thuật phép lạ luôn luôn là những câu truyện có mục đích củng cố đức tin và luôn giữ vững niềm hy vọng của chúng ta. Nếu chúng ta đứng vững trong đức tin, chúng ta có thể chắc dạ sẽ được Chúa ban những điều Ngài đã làm cho kẻ khác trước chúng ta.
Nếu Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài trong lịch sử Israel như là Chúa của các động lực thiên nhiên, quyền năng thần linh của Ngài cũng bày tỏ qua việc làm bão tố bình lặng ở hồ qua lời của Chúa Giêsu. Ðối với cộng đoàn, bản tường thuật là một biểu hiệu sự có mặt của Chúa Giêsu trên "thuyền của Giáo Hội", thời sơ khai, và sau này trong suốt những phong ba bão táp mà Giáo Hội phải trải qua. Các môn đệ phải trông cậy vào một mình Chúa Giêsu.
Một ngày kia, Chúa Giêsu bước xuống thuyền cùng với các môn đệ, và nói với họ:
"Nào chúng ta đi sang phía bên kia bờ hồ".
Họ ra khơi. Khi họ căng buồm thì Ngài ngủ thiếp đi. Bão tố dấy lên. Thuyền bắt đầu đầy nước, và những người trên thuyền thấy mình lâm nguy. Họ đến gần Chúa Giêsu đánh thức Ngài dậy và nói:
"Thưa Thầy, thưa Thầy, chúng ta chết mất!"
Chúa Giêsu thức dậy, đe dọa gió và sóng gầm. Hồ yên lặng trở lại. Bấy giờ Ngài nói với các ông:
"Ðức tin của chúng con ở đâu?"
Và họ phần vì sợ hãi phần vì ngạc nhiền, nói với nhau:
"Ngài là ai mà truyền lệnh cho sóng gió phải vâng phục?"
(Lc 8,22-25)
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống. cái chết không đặt ra một giới hạn nào đối với quyền năng của Ngài. Khi Chúa Giêsu cho một cô gái đang chết sống lại, Ngài bày tỏ quyền năng thần linh của Ngài. Nhưng người nào muốn cảm nghiệm được quyền năng Thiên Chúa, cần phải có đức tin không thể suy chuyển.
Khi Chúa Giêsu trở về bờ bên này, dân chúng vui mừng đợi đón tiếp Ngài. Lúc đó, có một người tên là Giairô; ông là người coi hội đường tại địa phương này, tiến đến và sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu van nài Ngài đến nhà ông ta, vì đứa con gái duy nhất mới mười hai tuổi sắp chết.
Nhưng liền đó có một người từ nhà ông coi hội đường chạy lại nói:
"Con ông đã chết rồi. Ðừng phiền đến Thầy làm gì nữa".
Chúa Giêsu nghe được điều này, thì nói với người cha của cô gái:
"Ðừng sợ; hãy tin và cô bé sẽ được cứu chữa".
Khi Ngài bước vào trong nhà chỉ cho Phêrô, Gioan và Giacôbê đi theo cùng với cha mẹ của cô gái. tất cả họ đang khóc lóc than van. Chúa Giêsu bảo họ:
"Ðừng khóc! Cô bé không chết đâu mà chỉ ngủ thôi".
Nhưng họ nhạo Ngài vì họ biết là cô bé đã chết.
Lúc ấy Chúa Giêsu cầm lấy tay cô gái và gọi lớn tiếng:
"Hỡi cô bé, hãy chỗi dậy!"
Cô bé sống lại và đứng dậy. Chúa Giêsu bảo họ cho cô ăn. Cha mẹ cô rất ngạc nhiên. Nhưng Ngài truyền lệnh cho họ không được nói cho ai điều vừa mới xảy ra.
(Lc 8,40-42a; 49-56)
Bản tường thuật việc làm cho các ổ bánh sinh ra nhiều nhắc nhở sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với Israel trong thời kỳ lang thang trong sa mạc. Câu truyện cũng nhắc lại việc ngôn sứ Êlisê đã cho một trăm người ăn với chỉ năm ổ bánh mì. Nhưng Chúa Giêsu cao trọng hơn vị ngôn sứ này. Sau này, Chúa Giêsu sẽ dâng hiến chính mình làm của ăn. Khi Kitô hữu nghe trình thuật phép lạ này họ sẽ ý thức về Thánh Lễ Chúa Giêsu là Chúa hiện diện với con người.
Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về một thành gọi là Bêsaida. Nhưng khi dân chúng hay biết được, họ liền đến theo. Chúa Giêsu đón tiếp họ và nói với họ về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những người có bệnh.
Lúc ấy vào khoảng xế chiều và nhóm mười hai đến gần Ngài thưa:
"Xin để dân chúng đi về; họ có thể vào các làng các trại ở gần đây để tìm nơi trú, bởi vì chúng ta đang ở một vùng hoang vắng".
Chúa Giêsu nói:
"Chính các con hãy cho họ của ăn".
Các ông thưa lại:
"Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Chúng con phải đi mua thức ăn cho bấy nhiêu người này sao?"
Lúc ấy có khoảng năm ngàn người.
Nhưng ngài nói với các môn đệ:
"Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm năm mươi người".
Họ làm như thế và bảo mọi người ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, làm phép bánh và cá rồi bẻ và trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông. Tất cả đã ăn no nê. Người ta thu các mẩu bánh còn lại được mười hai rổ đầy.
(Lc 9,10b-17)
Những việc Chúa Giêsu làm khiến cho dân chúng hỏi nhau Ngài là ai. Chỉ có các môn đệ biết được Ngài là Ðấng Thiên Sai. Chính Chúa giúp họ dần hồi biết được Ðức Kitô chính thật là ai: Ngài là Ðấng Thiên Sai mà nhân loại đang mong đợi, là Con Thiên Chúa. Họ không thể tự mình mà biết được Ngài.
Phêrô, nhờ Chúa giúp và vì đức tin khá mãnh liệt bắt đầu nhận biết Ðức Kitô là Ðấng Thiên Sai. Vì thế Chúa Giêsu đã chọn ông làm "viên đá" để xây Giáo Hội Ngài trên đó, Giáo Hội đó là cộng đoàn các môn đệ của Chúa. Phêrô sẽ phải giúp các môn đệ của Chúa vững mạnh trong đức tin.
Khi Chúa Giêsu đến miền Cêsarêa Philippi, Ngài hỏi các môn đệ:
"Dân chúng trả lời thế nào về thắc mắc này: Con Người là ai?"
Và họ trả lời:
"Người thì nói là Gioan Tẩy Giả; người nói là Elia, và những người khác nói là Giêrêmia hoặc một trong các ngôn sứ".
Rồi Chúa hỏi họ:
"Còn chúng con, chúng con nói Ta là ai?"
Lúc ấy Simon Phêrô nói lớn tiếng:
"Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Bấy giờ Chúa Giêsu đáp:
"Simon, con Giona, con là người có phúc, bởi vì không phải tự con mà biết việc này, nhưng Cha Ta trên trời. Và Ta cũng cho con hay rằng: con là Phêrô (nghĩa là đá) và trên đá này Ta sẽ xây dựng Giáo Hội của Ta, và cửa hỏa ngục không bao giờ có thể chống được. Ta sẽ cho con các chìa khóa Nước Trời: bất cứ cái gì con cầm buộc dưới đất cũng bị cầm buộc trên trời và bất cứ cái gì con cởi mở dưới đất cũng được cởi mở trên trời".
Rồi Chúa ra lệnh cho các môn đệ không được nói với ai Ngài là Ðấng Thiên Sai.
(Mt 16,13-20)