Phần kế tiếp, phúc âm Luca cho hay các môn đệ phải qua đoạn đường nào để trung thành với Chúa Giêsu. Họ phải theo Ðức Giêsu trên hành trình về thánh giá; họ có thể phải cam chịu khổ đau và có khi phải chết. Luca mô tả lại hành trình của Chúa Giêsu hướng về Giêrusalem. Con đường này sẽ đưa Ngài đến khổ đau và sự chết, nhưng cũng đến sự sống lại và lên trời. Bản tường thuật này không phải chỉ tả cảnh địa lý nhưng cống hiến cho chúng ta hướng đi thiêng liêng. Ðó là hướng đi của các môn đệ trong việc theo gót Chúa Giêsu.
Phản ứng giận dữ của các môn đệ đối với sự thiếu niềm nở của người Samaritanô, cho thấy họ chưa hiểu rõ tinh thần và sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến để cứu chữa chứ không để tiêu diệt. Ðức tin Kitô giáo buộc phải yêu kẻ thù.
Khi thời gian Ngài phải rời bỏ thế giới này đã gần đến, Chúa Giêsu cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Ngài sai các sứ giả đi trước vào trong một làng của người Samaritanô để tìm nơi trọ qua đêm. Nhưng các người Samaritanô không muốn đón tiếp Ngài, vì Ngài trên đường đi về Giêrusalem. Lúc đó các môn đệ Ngài, ông Gioan và Giacôbê, nói:
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng tôi xin lửa từ trời xuống thiêu đốt họ không?"
Nhưng Chúa Giêsu quay lại nhìn họ và quở trách họ. Họ lại đi sang một làng khác.
(Lc 9,51-56)
Các nhà thông luật coi việc chữa bệnh cũng là một việc làm và do đó, việc chữa bệnh bị cấm đoán trong ngày Sabat. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố rằng việc chữa trị cho một người ốm bệnh không nghịch lại luật ngày Sabat. Thiên Chúa muốn cứu độ; luật và điều răn cũng không thể muốn khác hơn việc cứu độ của Chúa. Chúa Giêsu nhìn việc chữa bệnh như là việc tuân giữ giới luật ngày Sabat.
Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà của một người Pharisêu nhằm đúng ngày Sabat. Người có mặt để ý theo dõi Ngài. Có một người bị bệnh phù thũng đến trước mặt Ngài. Chúa Giêsu hỏi các người Pharisêu và các nhà thông luật:
"Luật có cho phép chữa bệnh trong ngày Sabat không?"
Họ giũ im lặng. Lúc đó Chúa Giêsu cầm tay người đó, chữa ông lành và bảo ông về nhà. Ngài liền nói với họ rằng:
"Nếu ai trong các ông có con trai mình hoặc con bà rơi xuống hố, các ông có đi ngay tới kéo nó lên dù đúng vào ngày Sabat không?"
Và họ đã không biết phải trả lời thế nào cả.
(Lc 14,1-6)
Giêricô là trạm dừng chót trên cuộc hành trình của Ngài về Giêrusalem. Chính ở đó Ngài làm cho người mù từ khi mới sinh được sáng mắt (ông Ta được gọi là Bartimêô trong phúc âm Marcô). Người này tỏ ra có một đức tin lạ thường. Ðược chữa khỏi người này theo Chúa Giêsu trên đường đi Giêrusalem. Ông trở thành môn đệ của Ngài.
Khi Chúa Giêsu đến gần Giêricô, có một người mù ngồi bên vệ đường ăn xin. Khi ông Ta nghe đám đông đi qua, ông ta hỏi xem có cái gì xảy ra. Họ nói cho ông biết là Chúa Giêsu người Nazarét đang đi qua. Lúc ấy, ông gọi to lên:
"Hỡi ông Giêsu, Con vua Ðavid, xin thương đến tôi!"
Dân chúng đứng trước mặt ông mắng ông và bảo ông giữ im lặng. Nhưng ông càng gào to hơn:
"Xin con vua Ðavid hãy thương đến tôi!"
Chúa Giêsu dừng lại và truyền lệnh mang ông đến. Khi ông tới gần, Chúa Giêsu hỏi:
"Ông muốn Ta làm gì cho ông?"
Ông trả lời:
"Thưa Ngài, xin cho tôi được thấy lại"
Chúa nói với ông:
"Ngươi hãy thấy, đức tin của ông đã cứu chữa ông".
Ngay lúc đó ông hồi phục được thị giác và theo Chúa Giêsu, ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. Và tất cả dân chúng khi nhìn thấy phép lạ cũng ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
(Lc 18,35-43)
Ở Giêricô, có một người giám đốc thuế tên là Giakêu; ông là người giàu có nhưng lại bị dân chúng khinh khi vì họ xem ông là kẻ lừa đão. Cũng như bao kẻ khác trước đây, Giakêu gặp được tình yêu nhân từ của Chúa. Chúa Giêsu còn đến ngụ nhà ông, việc này tạo bất bình cho những người vốn xem Giakêu là kẻ tội lỗi. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn con người Giakêu, vì sau đó ông tuyên bố sẵn sàng cho người nghèo phân nửa gia tài của ông và bồi thường những bất công ông đã làm. Khi dừng lại nhà Giakêu, Chúa Giêsu thực hiện điều Ngài đã dạy; Ngài đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất.
Sau khi vào trong thành Giêricô, Chúa Giêsu đi rảo phố. Có một người tên là Giakêu, là giám đốc phòng thu thuế và rất giầu có. Ông muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng đám đông chắn lối không cho ông nhìn thấy Ngài vì vóc dáng ông tương đối thấp. Ông liền chạy đi trước và leo lên cây sung để nhìn thấy Ngài vì Ngài sắp đi qua chỗ ấy. Khi Chúa Giêsu tới nơi, Ngài ngước mắt nhìn lên và gọi ông:
"Giakêu, hãy xuống ngay vì hôm nay tôi sẽ ở nhà ông".
Ông hối hả xuống và vui mừng đón tiếp Ngài.
Người ta phàn nàn khi thấy sự việc xảy ra và nói:
"Ngài là khách của người tội lỗi!"
Bấy giờ Giakêu thưa cùng Chúa Giêsu:
"Thưa Thầy, nay tôi cho phân nửa tài sản tôi có cho người nghèo, và nếu tôi đã lấy của ai cái gì thuộc về họ, tôi sẵn sàng trả lại gấp bốn lần".
Chúa Giêsu nói với ông:
"Ngày hôm nay sự cứu rỗi đã đến với nhà này, bởi vì ông cũng là con cái Abraham. Con Người đến để tìm kiếm và cứu thoát cái đã mất".
(Lc 19,1-10)
Câu truyện về người đàn bà ngoại tình thuật trong phúc âm theo thánh Gioan chứng minh một cách hùng hồn ý định của Chúa Giêsu muốn cứu thoát cái đã mất. Mọi người đã sẵn sàng để ném đá người đàn bà cho chết theo lề luật. Chúa Giêsu động lòng thương bà và cứu bà khỏi chết. Những lời của Ngài nói với quần chúng bất nhân lên án bà là lời cảnh cáo cho những người nào coi mình là công chính. Ðiều trước nhất họ phải làm là quay về với Chúa và không được lên án một ai.
Các nhà thông luật và người Pharisêu mang đến cho Ngài một người đàn bà phạm tội ngoại tình. Họ dẫn người đàn bà đến trước mặt Ngài và nói:
"Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang lúc đang phạm tội ngoại tình. Môisen truyền lệnh cho chúng tôi trong lề luật phải ném đá bà. Nhưng Ngài nói thế nào về việc này".
Họ gài bẫy Ngài với mục đích tìm ra được sơ hở nào để tố cáo Ngài.
Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, dùng ngón tay và viết xuống đất. Khi họ lập lại câu hỏi, Chúa Giêsu đứng lên và nói:
"Nếu ai trong các ông không có phạm tội gì thì người đó ném đá bà trước tiên".
Rồi Ngài lại cúi xuống viết dưới đất.
Khi họ nghe điều ấy, từng người một rút lui, bắt đầu từ người lớn tuổi cho đến người cuối cùng. Chúa Giêsu còn lại một mình với người đàn bà đứng đó. Lúc ấy Ngài nhìn và hỏi bà:
"Thiếu phụ, họ đâu cả rồi? Không ai kết tội bà sao?"
Bà trả lời:
"Thưa Thầy, không có ai".
Chúa Giêsu nói:
"Ta chẳng kết án bà. Hãy về, và đừng phạm tội nữa".
(Gioan 8,3-11)
Tình yêu Chúa Giêsu đối với con người không có biên giới. Chúa Giêsu sẵn sàng thí mạng sống để cứu chuộc con người. Ðó là sứ mạng Chúa Cha đã trao cho Ngài. Không có hiểm nguy nào có thể làm cho Ngài trốn tránh sứ mạng đó. Chúa Giêsu được ví với kẻ chăn chiên tốt lành, vì Ngài yêu thương đoàn chiên mình mà đành chịu hăm dọa đến sinh mạng. Ngài tự do và hoàn toàn ý thức về việc Ngài làm, trên đường dấn thân thi hành ý định Cha Ngài. Ngài tự nguyện và thong dong đi đến điểm đích cùng. Và cái chết của Chúa Giêsu là hậu quả của tình yêu của Ngài đối với nhân loại.
"Ta là người chăn chiên tốt. Người chăn chiên tốt hiến mạng sống mình vì con chiên của mình. Người làm thuê, vì không phải là người chăn chiên và không làm chủ con chiên, họ bỏ mặc con chiên khi họ nhìn thấy chó sói đến và họ chạy trốn. Và chó sói bắt chúng, làm chúng tán loạn. Bởi vì họ chỉ là người làm công nên họ không chăm sóc đàn chiên. Ta là người chăn chiên tốt. Ta biết các chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha. Ta hy sinh mạng sống Ta vì các con chiên. Ta còn nhiều con chiên khác chưa thuộc về đoàn này. Ta cũng phải đi tìm; chúng sẽ nghe tiếng Ta và chỉ có một đoàn chiên, một người chăn chiên. Cha Ta yêu mến Ta bởi vì Ta hy sinh mạng sống để mang lại sự sống cho đàn chiên. Không ai lấy được mạng sống Ta, nhưng chính Ta tự hiến mạng sống Ta. Ta hoàn toàn tự do để trao ban sự sống của Ta và Ta sẽ thu hồi lại".
(Gioan 10,11-18)