Israel đã giữ cho kỷ niệm quá khứ mình sống động. Dân đó đã khởi đầu lịch sử quá khứ mình với các tổ phụ và những vị lãnh đạo tiên khởi của các thị tộc. Những ký sự sau đây thuộc vào một thời kỳ suy yếu đức tin của dân Israel. Chúng được các người trung tín viết ra để hun đúc lòng tin của kẻ đương thời. Ðể đạt đến mục đích đó, họ lấy đức tin và sự trung tín của tổ tiên làm mẫu mực. Abraham vì thế trở thành mẫu mực hoàn hảo của kẻ tin, luôn sẵn sàng nghe tiếng Chúa, dẫu gặp những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông được gọi là "cha của kẻ tin" và cuộc sống của ông trái nghịch với cung cách của kẻ bất tín đi xa Thiên Chúa. Ðáng lý ra thì các vị vua cũng phải là những mẫu mực của đức tin, nhưng các bản thánh kinh không che dấu sự kiện có nhiều vị vua đã để lại gương xấu.
Cuốn Thứ Nhất Sách Các Vua kể lại chuyện Salômông. Vị vua này được mô tả là một nhà lảnh đạo đông phương tài ba, có cuộc sống xa hoa, nhiều tôi tớ và nhiều thê thiếp, sống trong cung điện đẹp đẽ và sang trọng.
Vua Salômông làm vua trị vì khắp nước Israel.
Salômông có mười hai quan thống đốc cai quản toàn vùng đất Israel, cung cấp thực phẩm cho nhà vua và quần thần; mỗi vị quan chia phiên mỗi tháng trong năm cung cấp các thứ cần thiết cho triều đình.
Salômông trị vì trên tất cả các xứ từ sông Ôphát đến các vùng đất của Philixitin và còn đến biên giới Ai Cập. Tất cả các dân đó đều phải trả thuế và phục tùng vua.
Salômông và triều đình hằng ngày cần các thức ăn như sau: 30 kiện bột xay thô, và 60 kiện xay thật mịn, 10 con bò thật béo, 20 bò tơ, 100 con cừu không kể đến nai, mang, hươu và gà vịt.
Salômông có 4,000 căn nhà để xe và 12,000 ngựa. Những quản lý, thay nhau mỗi người một tháng công tác, phải cung ứng đầy đủ thức ăn cho Salômông và quần thần cũng được mời vào bàn với vua, không được để thiếu một món gì. Họ luân phiên lo cho ngựa và loài vật kéo xe đầy đủ lúa mạch và rơm khô.
(1 CV 4,1-7; 5,1 - 3,6-8)
Hằng năm phải nạp cho vua Salômông 20 tấn vàng, không kể vàng đánh vào các hàng hóa và các thương gia, các vị vua thuộc xứ Á Rập và tất cả những quan thống đốc trong xứ.
Vua Salômông cho đúc 200 cái thuẫn mạ vàng. Ông ra lệnh làm một cái ngôi lớn bằng ngà mạ vàng ròng. Ngôi đó có sáu bậc và chỗ dựa lưng uốn vòng tròn. Hai bên bệ có tay cầm để vịn, mỗi bên kê hai con sư tử điêu khắc. Mười hai sư tử khác, đặt trên các bậc, mỗi bên sáu con. Không có vương quốc nào đã làm được thế. Các chén bát của vua Salômông làm bằng vàng cũng như các ghế bàn trong điện, được gọi là "Rừng Libăng".
Vua Salômông vượt trên các vị vua về giàu sang và khôn ngoan. Ông qui tập 1,400 xe và 12,000 ngựa. Ngựa của Salômông thuộc giống Cilixia. Người ta đặt đóng xe từ Ai Cập với giá 600 nén bạc, và mua một con ngựa với giá 150 nén.
(1 CV 10,14...29)
Tuy thế, không phải ai cũng ngưỡng mộ Salômông. Những liên minh, cung cách sống và sự bất trung của ông đối với Thiên Chúa làm nhiều người bất mãn. Tác giả Thánh Kinh gọi Chúa là Giavê thuộc số những người này. Vì thế, ông không cho rằng Salômông là mẫu mực của người toàn hảo và luôn trung tín với Thiên Chúa. Con người toàn hảo như thế thấy được nơi Abraham, trong quá khứ của Israel; vào thời mà dân còn du mục, ai ai cũng có một đức tin rất mạnh vào Thiên Chúa.
Trong cuốn sách Sáng Thế, tác giả kể chuyện Abraham, một người bán du mục, đáng được ca tụng vì đức tin của người này; ngay từ tiếng gọi đầu tiên của Thiên Chúa đã ra đi vào nơi không hay biết.
Abraham thuộc về dân của người Do Thái. Ông cư ngụ ở xứ nằm giữa hai con sông lớn Tigrơ và Ơphát; ông có những đàn cừu và dê, lạc đà và lừa.
Ông có nhiều người giúp việc nhà. Vợ ông là Sara. Cháu là Lót, con trai của người anh quá cố, sống chung với ông. Tất cả đều cư ngụ chung một lều.
Tại Haran, Chúa phán cùng Abraham:
"Hãy bỏ xứ,
gia đình và căn nhà của tổ
tiên ngươi
và đi đến một xứ mà
ta sẽ chỉ cho con.
Ta sẽ làm cho con thành một dân tộc
cao cả,
Ta sẽ chúc lành cho con,
Ta sẽ làm cho danh của con được
rạng rỡ
và con sẽ là nguồn của sự
chúc lành.
Ta sẽ chúc phúc cho ai chúc phúc
cho con,
và sẽ nguyền rủa người
nào nguyền rủa con;
Mọi nhà trên trái đất
sẽ được chúc phúc từ
nơi con".
Abraham đã ra đi như Chúa đã dạy ông. Lót cùng đi với ông. Họ đến xứ Canaan và đi vào đó. Họ đi xuyên tới xứ Sikem, nơi có cây sồi Môrê. Bấy giờ trong xứ có dân Canaan cư ngụ. Chúa hiện ra với Abraham và phán:
"Ta sẽ ban cho con cháu con xứ này".
Và Abraham dựng ở đó một đền thờ kính Thiên Chúa Ðấng đã hiện ra với ông. Khởi từ đó ông lại đi đến miền tây dảy núi nằm về phía đông vùng Bêten. Ông dựng một đền thờ kính Thiên Chúa và ca tụng Ngài.
(ST 12,1-8)
Tác giả Kinh Thánh gọi Chúa là Êlôim sau này lấy lại câu chuyện Abraham, mẫu mực của các kẻ tin. Trong bản văn của tác giả, Thiên Chúa thử thách đức tin Abraham. Chúa hứa cho ông một hậu duệ đông đúc trong lúc Abraham và vợ ông đã già và không có con. Abraham tin vào lời hứa của Chúa, mặc dầu hoàn cảnh bên ngoài thật trái nghịch.
Sau đó, lời Chúa nói với Abraham trong một thị kiến:
"Abraham, con đừng sợ, Ta là thuẫn đỡ cho con, phần thưởng dành cho con sẽ rất lớn".
Abraham trả lời:
"Lạy Chúa, lạy Chúa, Chúa sẽ ban cho con điều gì? Con sắp chết mà không có con, và kẻ thừa kế gia đình con sẽ là Êlidê xứ Ðamát. Chúa đã không cho con đứa nào cả, và vì thế kẻ thừa kế con chỉ là một gia nhân".
Bấy giờ Chúa nói với ông:
"Người đó không phải là thừa kế của con, nhưng kẻ thừa kế sẽ là một đứa con của con".
Ðoạn Chúa dẫn ông ra ngoài và nói:
"Hãy nhìn lên trời và đếm các vì sao, nếu con có thể đếm được việc đó... đấy hậu duệ của con sẽ nhiều như thế".
Abraham tin vào Chúa, Ðấng đã đoái đến ông vì đức tin của ông.
(ST 15,1-6)
Trong các bản văn "do các Thầy Cả viết" mà người ta đọc được trong sách Sáng Thế, các vị này cũng làm nổi bật nhân vật Abraham, người có lòng tin thật sự. Họ mô tả cho thấy Abraham đã trung tín với Thiên Chúa, Ðấng ký kết một giao ước với ông.
Ðồng thời qua các bản văn các thầy cả giúp ta thấy rằng việc cắt bì đã xuất hiện từ thời Abraham như là một dấu chỉ của giao ước.