Dần dà, các bộ tộc hợp nhau lại để làm thành một dân duy nhất. Kinh nghiệm họ đã sống qua rất giống nhau. Họ ý thức là chính Chúa đã dẫn dắt họ, cho họ đất đai và của cải. Dân tộc nay đã được gọi là Israel, nhận biết Thiên Chúa là vua.
Chúa là vua!
Ðất hãy vui lên,
Các đảo nơi nơi hãy hân
hoan!
Một vầng mây tối bao quanh Người,
công lý và luật pháp giữ
vững ngai Người.
Một ngọn lửa đi trước
Người
và nuốt hết kẻ chống đối
Người.
Ánh sáng của nó chiếu soi toàn
cõi vũ trụ,
đất trông thấy ánh sáng đó
thì run sợ.
Núi đồi rục xuống như đèn
cầy
gặp sức nóng trước Chúa
của vũ trụ.
Trời loan báo công lý của Người,
và mọi dân thấy vinh quang Người.
Những kẻ phụng thờ thần
tượng,
và hãnh diện về bụt thần không
đáng giá gì sẽ xấu hỗ,
vì mọi thần lực quỳ gối
trước Thiên Chúa!
Nghe tin này Sion hân hoan,
và các thành của Giuđa nhảy
mừng,
vì các quyết định của Ngài,
lạy Thiên Chúa.
Vì Chúa, Chúa là Thiên Chúa,
Cao Vượt lên trên tất cả
trái đất,
quyền lực vô song vuợt lên
trên các bụt thần.
Chúa yêu thương kẻ ghét điều
gian ác,
lo lắng cho kẻ trung tín với Ngài,
cứu thoát họ khỏi bàn tay người
bất chính.
Ánh sáng soi cho kẻ công chính,
và người có lòng ngay sẽ
được hân hoan.
Hỡi kẻ công chính, hãy vui lên
trong Chúa,
và ca tụng danh rất thánh của Ngài.
(TV 97)
Israel càng ngày càng hiểu rõ hơn họ tạo thành một dân duy nhất. Khi thấy những dân tộc chung quanh có một vua làm thủ lãnh, một phần dân chúng Israel đòi cho có một vị vua chung cho họ. Những phần khác trong dân không đồng ý, vì những người này chỉ muốn nhìn nhận Chúa là vua, Chúa duy nhất của Israel.
Khi Samuel đã già, ông để cho các con điều khiển dân Israel. Người con trưởng tên là Gioen, và người con thứ là Abiđa; hai người làm thủ lãnh phân xử tại Bécxabê. Nhưng các con ông không theo gương ông. Chúng ham mê của cải giàu sang, nhận của hối lộ và không tôn trọng luật pháp. Tất cả chức sắc và trưởng lão của Israel họp lại và đến gặp Samuel ở Rama. Họ thưa với ông:
"Ngài đã già và các con của ngài không theo gương ngài. Vậy xin ngài chọn cho chúng tôi một vị vua để cai trị chúng tôi, như tất cả các nước khác".
Những lời nói đó không làm cho Samuel bằng lòng. Nhưng vì họ đã từng phát biểu: "Hãy cho chúng tôi một vị vua để cai trị chúng tôi", nên Samuel liên cầu xin Chúa.
Chúa phán với ông:
"Con hãy nhận lời chúng, tất cả những gì chúng sẽ trình lên con. Không phải chúng ruồng rẫy con, nhưng chúng không muốn xem Ta là vua của chúng nữa. Họ đối xử với con như đã từng đối xử với Ta xưa nay từ ngày Ta đưa họ ra khỏi Ai Cập; họ bỏ Ta thờ các bụt thần ngoại quốc. Con hãy nhận lời đòi hỏi của họ, nhưng con hãy nói cho họ hay việc đó đồng thời cho họ biết quyền hành của vị vua sắp cai trị trên đầu trên cổ họ".
Dân chúng từ chối nghe lời trình bày của Samuel, họ nằng nặc đòi:
"Không, chúng tôi cần phải có một vị vua! Chúng tôi muốn như các nước khác. Vua của chúng tôi sẽ xử công minh, sẽ hướng dẫn chúng tôi và là vị chỉ huy trận mạc".
Samuel nghe tất cả những lời đó của dân chúng và thưa lại cùng Chúa. Nhưng Chúa nói với ông:
"Hãy nhận lời thỉnh cầu của họ và cho họ một vị vua".
(1S 8,1-9.19-22)
Những ý kiến trái nghịch về vương quyền tiếp tục chia rẽ dân chúng, ngay cả sau khi họ đã có một vị vua.
Hơn nữa, sau khi Israel bị chia cắt thành hai vương quốc, vương quyền phía bắc và phía nam cũng sinh hoạt khác nhau. Những dị biệt đó càng biểu lộ rõ rệt nơi các vị vua quan trọng nhất của lịch sử dân Israel.
Các văn bản Kinh Thánh thích trình bày Ðavid như vị vua lý tưởng, một vị vua được chính Chúa đứng ra chọn lựa.
Chúa nói với Samuel:
"Con hãy lấy dầu và lên đường, ta gởi con đến nhà Giếtxê ở Bêlem, vì Ta đã chọn một vị vua trong các đứa con nhà này".
Samuel thực hiện những gì Chúa phán dạy ông.
Khi đến Bêlem, Samuel nói với các vị lãnh đạo trong thành phố:
"Tôi đi dâng lễ tế cho Thiên Chúa; các ngươi hãy thanh tẩy để dự lễ và đến dâng lễ cùng ta".
Samuel tự mình thanh tẩy cho Giếtxê và các con nhà này, mời họ dâng lễ vật. Khi họ đến nơi, Samuel thấy đứa con đầu thì tự nhủ: "Ðây hẳn là người mà Chúa đã chọn".
Nhưng Chúa phán cùng ông:
"Con đừng xem dáng dấp hay thân xác to lớn, vì Ta đã không chọn nó. Ý Chúa không giống ý con người, vì con người thì nhìn vẻ bên ngoài, còn Chúa thì nhìn tận tâm can".
Giếtxê gọi con thứ và trình diện cho Samuel; Samuel lại nói:
"Chúa cũng không chọn người này".
Giếtxê trình diện đứa thứ ba, Samuel vẫn nói:
"Cũng không phải người này".
Giếtxê tuần tự gọi bảy đứa con mình ra trình diện Samuel, nhưng Samuel đều nói với ông:
"Chúa không chọn đứa nào trong mấy đứa đó".
Ông liền hỏi lại Giếtxê:
"Ông chỉ có từng đó đứa con thôi à?"
Giếtxê liền thưa:
"Còn một đứa nhỏ nhất đang chăn thú ngoài đồng".
Bấy giờ Samuel nói với Giếtxê:
"Ông hãy tìm nó về; chúng ta khoan ăn, đợi khi đứa bé về đến đây".
Giếtxê cho người gọi đứa bé về; Ðavid là một đứa trẻ tóc hoe, mắt sáng đẹp, dáng dấp khôi ngô. Bấy giờ Chúa phán:
"Nầy, phong nó làm vua; chính đứa bé đó".
Samuel lấy dầu đổ trên đầu Ðavid để phong vua; sự việc xảy ra có mặt các anh của Ðavid. Từ ngày đó, thần khí Thiên Chúa đến với Ðavid.
(1S 16,1.4-13)
Những bản văn Kinh Thánh cũng thuật lại một quan điểm khác. Chính Ðavid đã tìm mọi cách để làm vua.
Ðavid bấy giờ là một chiến sĩ quy tụ chung quanh mình một đoàn lính đánh thuê. Ðoàn quân này làm cho ông trở nên nổi danh, vì nhờ nó mà Ðavid đem lại nhiều chiến thắng.
Từ thời còn trẻ, Ðavid âm mưu liên kết với quân Philixitinh, quân này giúp ông rất nhiều.
Ðavid đem theo 600 người đến gặp vua Akít, là vua xứ Gát. Hai bà vợ của ông cùng đi theo. Ông nói với Akít:
"Nếu ngài bằng lòng xin cho tôi một nơi nào trong xứ để tôi định cư".
Akít cho ông thành phố Xíclác. Ðavid đánh phá xứ này; ông không để cho mạng nào sống còn, đàn ông cũng như đàn bà; ông đoạt hết bò, lừa, lạc đà, áo quần; sau đó, ông trở lại gặp Akít. Bấy giờ Akít hỏi ông:
"Hôm nay, ngươi đánh phá ở đâu?"
Ðavid trả lời:
"Ở phía nam Giuđa, hoặc ở phía nam Giêramêlít, hoặc ở phía nam Kênê".
Ông không để ai sống sót, đàn ông cũng như đàn bà, để khỏi đưa họ về Gát, sợ rằng người ta sẽ nói chống lại ông, tố cáo hành động của ông. Ðó là cách thức hành động mà ông luôn xử sự khi trú ngụ tại xứ Philixitinh.
Akít tin tưởng vào Ðavid và tự nhủ: "Kiểu này nó sẽ làm cho dân nó ghét, và nó sẽ phục vụ ta mãi".
(1S 27,2-12)
Ðavid học nghề đánh giặc của quân Philixitinh. Ông ta không phải lúc nào cũng phục vụ quân này, vì ông chia một phần chiến lợi phẩm lấy được cho dân Israel.
Trong một trận đánh giữa quân Israel và quân Philixitinh, Xaun, bấy giờ là vua của Israel bị giết chết trên trận mạc. Ðavid còn ở Xíclác khi người ta cho ông hay tin này; ông liền làm một bài ai ca khóc cho vị vua đã chết.
Các thủ lãnh của một vài bộ tộc tìm gặp Ðavid và chỉ định ông làm vua.
Nhưng các bộ tộc khác lại chọn Itbaan. Một cuộc chiến lại bùng nổ giữa nam bắc và kéo dài nhiều năm. Cuộc chiến chám dứt khi Ítbaan bị ám sát chết trong lúc ông đang ngủ.
Bấy giờ, tất cả các bộ tộc đến gặp Ðavid ở Hêbron và thưa với ông: "Chúng tôi thuộc nhà ngài. Chúa đã phán với ngài: "Chính con là mục tử của dân ta và thủ lãnh của Israel". Họ xức dầu tôn vinh Ðavid làm vua trên mười hai thị tộc Israel.
Ðavid và những người theo ông tấn công Giêrusalem chống lại quân Giêbuxê đang chiếm vùng này. Ông chiếm được thành Sion, đóng quân trong thành, lập lấy kinh đô, lấy tên là "Thành của Ðavid".
Khi quân Philixitinh hay biết Ðavid đã được tôn làm vua Israel, họ tập họp nhau lại để đánh ông. Ðavid thưa cùng Chúa:
"Con có cần tấn công quân Philixitinh không?"
Chúa phán:
"Ðánh đi, Ta sẽ trao quân Philixitinh vào tay con".
Ðavid làm theo lời Chúa dạy, ông chiến thắng quân Philixitinh và đánh đuổi họ về xứ. Nhờ vậy toàn xứ Canaan thuộc quyền Israel như lời Chúa đã hứa cùng Abraham.
2S 5,1...25)
Cuộc đời Ðavid cho thấy có nhiều thiếu sót, yếu đuối. Nhưng người Israel vẫn muốn xem nơi các chiến công của vua như là chứng cớ nói lên việc Chúa thương dân Ngài.
Những chiến thắng của vua được xem là một sự chúc lành của Thiên Chúa.
Vì thế, ngôn sứ Natan đến gặp Ðavid, nhân danh Thiên Chúa hứa với ông rằng vương quyền sẽ luôn thuộc về gia đình ông, nơi giòng họ con cháu ông.
Vua ngụ ở trong cung. Chúa đẩy xa các kẻ thù bao vây quanh ông. Ðavid nói với ngôn sứ Natan:
"Ông xem, tôi đang ở trong một căn nhà bằng gỗ bá hương, còn bia của Chúa lại đặt trong một căn lều!"
Nhưng, đêm đó, lời Chúa phán cùng Natan:
"Con hãy đi nói với tôi tớ Ta là Ðavid: Ngươi định xây cho Ta một cái nhà để Ta có thể cư ngụ chăng? Không phải ngươi xây cho Ta. Chính Chúa sẽ làm cho ngươi một ngôi nhà. Nhà đó sẽ xây bằng những viên đá sống động, đó chính là hậu duệ ngươi. Việc xảy ra thế này: Khi ngươi không còn sống nữa, một trong các con ngươi sẽ làm vua thay chỗ ngươi. Chính người đó sẽ xây cho Ta một căn nhà. Ta sẽ là Cha của người đó và người đó sẽ là con Ta. Nếu vị vua tương lai làm quấy, Ta sẽ trừng phạt. Nhưng Ta sẽ luôn ở bên cạnh ông ta".
Sau đó Chúa sai Natan đến nói với Ðavid:
""Nhà của ngươi và vương quốc của ngươi sẽ luôn ở trước nhan Ta. Vương quyền ngươi sẽ mãi mãi tồn tại".
Ðavid đến với Chúa và thưa cùng Ngài:
"Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, lời Chúa chính là sự thật. Chúa đã ban cho tôi tớ Chúa lời hứa trọng đại. Xin hãy chúc lành gia đình tôi tớ Chúa để nó mãi tồn tại nhờ vào sự nâng đỡ của Ngài. Nhờ Ngài chúc lành, nhà của tôi tớ Ngài muôn đời bền vững".
(2S 7,1...29)
Ðavid có thể được xem là một nhà chính trị lớn. Ông đã thống nhất được các thị tộc phương bắc với các thị tộc phương nam. Ông đã chiếm được Giêrusalem và chọn nơi ấy làm chốn cư ngụ.
Vào thời ông, những xứ lân cận, thường rất mạnh nhưng nay gặp phải lúc suy yếu, xuống dốc. Ðavid lợi dụng hoàn cảnh đó để bành trướng vương quốc của mình. Ông bắt các thành nhỏ xứ Canaan qui phục, mỗi thành trở nên một tiểu bang. Ông cũng biến các xứ nhỏ lân cận thành những vùng trực thuộc như thế.
Theo tập tục của người đông phương, Ðavid có nhiều vợ. Ông có nhiều con, chúng tranh nhau quyền thừa kế vương quyền của cha. Ngôi vua mà Salômông chiếm được là nhờ vào mưu kế của bà mẹ.
Sau khi Ðavid qua đời, Salômông trở thành vua Israel. Ông từ Giêrusalem đến Gabaôn để dâng của lễ tại đây, vì đây là thánh địa chính. Ðêm đến, Chúa hiện ra với ông và phán:
"Con hãy xin những gì con muốn".
Salômông thưa lại:
"Lạy Chúa là Thiên Chúa, chính Chúa đã làm cho tôi tớ Ngài thành vua thay cho cha con là Ðavid. Con đây, tuổi còn trẻ, con không biết xử sự như một vị thủ lãnh. Nếu Ngài muốn, xin Ngài ban cho tôi tớ Ngài khôn ngoan để có thể cai trị dân Ngài và biết được điều phải, điều trái".
Lời cầu xin đó đẹp lòng Thiên Chúa và Ngài phán với Salômông:
"Con đã không xin được sống lâu, giàu có cũng như tận diệt kẻ thù, nhưng con xin sự khôn ngoan để cai trị; vì thế Ta sẽ thực hiện điều con mong ước. Này Ta ban cho con khôn ngoan và thông minh, không ai trước hay sau con có thể ví với con. Nhưng Ta còn cho con điều con không xin: sự giàu có và vinh quang. Và nếu con trung thành với những điều răn và luật lệ của Ta, Ta sẽ ban cho con được sống lâu".
Salômông tỉnh dậy và biết rằng Chúa đã phán với ông trong giấc mộng. Ông liền đến trước bia của Chúa để dâng một lễ vật toàn thiêu.
Chúa ban cho Salômông khôn ngoan và thông minh lạ thường. Ông là người khôn ngoan hơn mọi người. Từ khắp các nước, người ta đến để ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Salômông. Khi hoàng hậu Saba nghe nói đến Salômông, bà lên đường tìm đến vua để đưa ra những câu hỏi khó trả lời. Bà đến Giêrusalem đem theo đoàn lạc đà chở đầy hương, vàng và đá quí. Bà triều yết Salômông và nêu ra nhiều câu hỏi thật khó. Vua trả lời được tất cả chất vấn của bà. Khi bà thấy được sự khôn ngoan của Salômông, bà rất cảm kích và ngưỡng mộ. Bà thưa cùng vua:
"Những gì trong xứ tôi người ta nói về sự hiểu biết và khôn ngoan của ngài đều đúng sự thật. Trước khi đến đây tôi không muốn tin, nên muốn đến tận nơi để xác minh. Ðúng thật, sự khôn ngoan và giàu có của ngài vượt lên trên những gì người ta nói với tôi. Chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa của ngài đã ban cho ngài làm vua".
Bà dâng cho vua rất nhiều vàng, hương và đá quí.
Về phần mình, Salômông đáp lễ, biếu bà những gì bà xin và còn nhiều hơn thế nữa. Sau đó hoàng hậu lên đường trở về xứ.
(1 CV 3,4...15; 5,9-14; 10,1...13)
Salômông tiếp tục công trình của cha, nhưng vua không bảo vệ được hết cả biên thùy của vương quốc, một số nơi đã bị mất. Sự việc đó xảy ra mặc dầu vua đã đặt nhiều đồn canh và trang bị quân đội bằng những chiến xa Ai Cập.
Vua salômông lưu ý đến nghệ thuật. Ông muốn biến Giêrusalem thành một kinh đô lớn, một kinh đô "lát vàng". Vua cho xây một Ðền Thờ lộng lẫy và một vương cung xa hoa lạ thường.
Hiram, vua của thành Tia, là kẻ thù truyền kiếp của Ðavid. Salômông gởi cho ông sứ điệp này:
"Ông biết là Ðavid, cha tôi, đã không thể xây một ngôi nhà để tôn vinh Thiên Chúa. Bây giờ, Chúa đã ban cho tôi hòa bình trong xứ. Tôi quyết định xây một ngôi nhà như Chúa đã từng phán cùng Ðavid cha tôi: "Chính con ngươi, người mà ta đặt lên ngôi thay ngươi sẽ xây cho ta một ngôi nhà". Vậy ngươi hãy ra lệnh đốn cây bá hương vùng Libăng đến cho ta. Thợ thầy của ta sẽ làm việc chung với thợ thầy nhà ngươi".
Vua Hiram vui sướng khi nhận sứ điệp này và liền trả lời:
"Tôi sẽ thi hành điều ngài muốn. Tôi muốn cung cấp tất cả gỗ bá hương và gỗ trắc mà ngài cần. Thần dân tôi sẽ chở gỗ từ các núi Libăng xuống biển, rồi chuyển bằng bè đến nơi ngài chỉ định để lấy. Ðổi lại, xin ngài cung cấp lương thực để nuôi người trong vương cung của tôi".
Salômông hằng năm cung cấp cho Hiram nhiều lúa mì và dầu ăn. Giữa Salômông và Hiram hòa bình được tái lập và họ ký kết giao ước với nhau.
(1 CV 5,15...26)
Công trình xây nền móng cho Ðền Thánh mất bốn năm. và Ðền Thánh được xây xong trong bảy năm. Ðền Thánh Chúa là một kiến trúc huy hoàng, có sân trong, sân ngoài, một lối đi vào và một phòng lớn. Phần chính của Ðền Thánh, phòng trong cùng là nơi có Chúa hiện diện, nơi cực thánh, được trang bị chu đáo. Các bức vách phủ bằng gỗ giáng hương mạ vàng. Nơi đây không trổ cửa sổ và là nơi đặt hòm bia giao ước.
Salômông triệu tập cả thủ lãnh Israel, các trưởng thị tộc và người chủ các gia tộc Israel về Giêrusalem. Các thầy cả mang hòm bia giao ước ở trong lều hội trước sự chứng kiến của mọi người và đưa về Ðền Thánh với tất cả đồ thánh mang theo. Họ đặt hòm bia vào nơi đã được sắp đặt trước tức là nơi cực thánh. Hòm bia chỉ chứa đựng hai bảng đá ghi khắc luật. Khi các thầy cả đi ra khỏi nơi cực thánh, vinh quang Thiên Chúa bao phủ Ðền Thánh qua hình ảnh các đám mây. Bấy giờ Salômông lên tiếng:
"Chúa đã đặt
mặt trời trên không trung,
nhưng Ngài đã quyết định
sống trong bóng tối.
Còn con, con đã xây cho Ngài Vương
Cung Thánh Ðiện,
một Ðền Thánh để Ngài
có thể cư ngụ muôn đời!"
Sau đó Salômông đến gần bàn thờ Chúa, quay mặt lại dân Israel đang tụ họp. Ông giang tay lên trời và cầu nguyện:
"Lạy Chúa, Thiên Chúa của Israel, không có chúa nào ví được với Ngài, từ trời cao cho đến trên trái đất, Ngài là Ðấng trung thành với lời giao ước tốt lành cùng các tôi tớ Ngài. Ngài đã giữ lời hứa xưa nói với Ðavid là cha tôi, tôi tớ Ngài: "Con sẽ luôn có một kẻ nối nghiệp gìn giữ ngai của Israel trước nhan Ta, nếu các con ngươi trung tín như ngươi". Nếu trời cao không đủ lớn để chứa Ngài, thì nhà con xây đây đâu đủ để Ngài cư ngụ! Xin Ngài luôn ghé mắt nhìn đến nhà này, nơi mà Ngài đã nói là Ngài sẽ cư ngụ. Xin hãy lắng nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài và dân Ngài, khi họ đến nơi đây cầu nguyện".
(1 CV 6,14...30; 8,1...30)
Nhờ xây Ðền Thánh, Salômông lại càng nổi danh. Nhưng cũng vì thế ông rước vào mình nhiều kẻ thù, Salômông đã không những bắt người ngoại quốc cư ngụ trong nước làm việc bó buộc này, nhưng cũng buộc dân của chính xứ ông phải làm.
Dân Israel trung tín thì phẫn nộ khi thấy vua cho phép cúng vái bụt thần ngoại quốc, khác với Thiên Chúa Israel. Họ thấy rằng dần dà dân quên Chúa và những sự việc lớn lao Ngài đã can thiệp cho dân trong quá khứ.
Vì thế kẻ trung tín trong dân Israel xem các biến cố vào những năm cuối triều đại Salômông như là một hình phạt của Chúa.
Thiên Chúa cho thời hòa bình chấm dứt để phạt sự bất trung của Salômông. Các kẻ thù từng bị Ðavid đánh bại nay bắt đầu nổi dậy. Nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất là Giêrôbôam, một con người thông minh, có nghị lực từng được Salômông ủy thác việc triều chính. Một ngày nọ, Giêrôbôam gặp ngôn sứ Ahiđa. Vị này cởi áo khoác mới mang trên mình và xé làm mười hai mảnh. Ðoạn ông nói với Giêrôbôam:
"Hãy lấy mười mảnh áo, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán bảo thế này: "Ta sắp cất vương quốc khỏi tay Salômông, và cho ngươi mười thị tộc. Vì vua đã bỏ Ta không giữ điều răn Ta. Ngươi sẽ là vua Israel. Nếu ngươi giữ các điều răn của Ta và các luật lệ của Ta như tôi tớ Ta là Ðavid, Ta sẽ ở với ngươi".
Salômông tìm cách thủ tiêu Giêrôbôam; nhưng ông này đi đến xứ Ai cập và ở đó cho đến khi Salômông từ trần.
(1 CV 11,14...40)
Sau khi Salômông băng hà, các bộ tộc phương bắc lại phân ly với các bộ tộc phương nam và cho Giêrôbôam làm vua. Từ buổi đó, có hai vương quốc: vương quốc Israel phương bắc và Giuđa phương nam.
Nhiều thế kỷ sau, nước Átxiria được một vị vua hùng cường cai trị, vị vua này đã làm cho vương quốc ông thành một đế quốc lớn. Ông bắt đầu làm chủ các vương quốc nhỏ, buộc họ phải trả thuế và quân dịch. Sau đó ông tìm cách chiếm luôn các xứ này để bành trướng đế quốc của mình. Do vậy ông đã tấn công các vương quốc Giuđa và Israel. Tuy nhiên, nếu vương quốc Israel bị thua, thì quân Átxiria lại không thể lấy được vương quốc Giuđa và thành Giêrusalem.
Vua Átxiria cuối cùng chiếm được thành Samaria sau ba năm vây thành. Vua đày dân Israel về xứ của ông và tập trung họ tại Halát, trên bờ sông Habô, một con sông thuộc vùng Gôdân, và tại các thành phố của người Mêđét.
Vua đem dân cư Babilon và các thành phố Átxiria khác đến định cư tại các thành phố Samaria thay vào chỗ của dân Israel. dân này chiếm xứ Samaria và định cư nơi các thành mới chiếm.
(2 CV 17,5-6.24)
Vua Átxiria chỉ còn việc chiếm xứ Giuđa mặc dầu các vua xứ Giuđa đã nạp thuế cho vua. Một trong các vị vua đó là Êdêkia. Dân của vương quốc này (các vị viết sách Thứ Luật) coi ông là một vị vua đạo hạnh. Họ kể chuyện vua đã từng chấm dứt việc thờ phụng bụt thần ngoại quốc.
Bây giờ Êdêkia, con của Acát được chọn làm vua xứ Giuđa. Ông lên ngôi khi hai mươi lăm tuổi và triều đại ông trị vì tại Giêrusalem trong 29 năm. Ông cho lệnh triệt hạ các nơi thờ cúng bụt thần ngoại quốc, đập bể các bình dùng vào việc thờ tự và phá con rắn bằng đồng. Ông tin tưởng vào Chúa, Thiên Chúa Israel, hơn tất cả các vua Israel trước đây và sau này. Ông hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa đã ban cho Môisen. Vì thế Chúa ở với tôi và cho ông thành đạt kết quả các việc ông làm. Ông chống lại vua Átxiria và không còn phục lụy vua này nữa.
(2 CV 18,2-7)
Êdêkia chuẩn bị chống lại vua Átxiria. Kế đó bất thành và Êdêkia lại phải phục tùng.
Xenakêríp, vua Átxiria tấn công tất cả các thành trì của Giuđa và chiếm đóng. Bấy giờ Êdêkia vua của xứ Giuđa cho người đến thưa với vua Átxiria đang ở trong thành Lakít: "Tôi có lỗi. Xin hãy ngưng tấn công, tôi sẽ nạp những gì vua đòi". Vua Átxiria buộc Êdêkia, vua xứ Giuđa, phải nạp 9,000 kilô bạc bvà 900 kilô vàng. Êdêkia nạp tất cả bạc có được trong Ðền Thánh cũng như trong ngân khố của vương cung. Êdêkia cũng cho gở hết tất cả vàng vua đã cho dát trên cửa và trao hết cho vua Átxiria.
(2 CV 18,13-16)
Cuộc nổi dậy của Êdêkia và các đồng minh của ông bất thành nên vua Átxiria chiếm hết lãnh thổ Giuđa; chỉ có thành Giêrusalem cầm cự, vua Átxiria buộc lòng phải rút lui không lấy được thành.
Tuy thế, một số bản văn Kinh Thánh lên án Êdêkia. Ngôn sứ Isaia đặc biệt đã trách vua về đường lối chính trị liên minh. Ngôn sứ khẩn khoản xin vua đừng tin vào các liên minh với người ta, vì sự sống còn của vương quốc chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa; nhà vua phải hoàn toàn phó thác cho Ngài. Israel đã chỉ trích đường lối cai trị của Êdêkia vì đã tin vào sự trợ giúp của con người.
Bấy giờ Isaia nói với Êdêkia:
"Xin hãy nghe lời Chúa phán đây. Sẽ có ngày những gì ở trong vương cung của ngươi, những gì tổ tiên ngươi đã thu góp cho đến nay, tất cả sẽ bị đưa về Babylon. Sẽ không còn lại gì cả, Chúa phán như thế. Người ta còn đày ngay cả nhiều người trong các con trai ngươi để làm tôi đòi ở cung vua xứ Babylon".
(2 CV 20,16-18)
Hậu duệ cuối cùng của vua Ðavid còn cai trị trên ngai ở Giêrusalem là Cêđêxiát. Vào thời ông, Giêrusalem bị chiếm đóng. Vị vua chỉ huy quân đội Babylon thời bấy giờ là Nabucôđônôdô. Ông đày các thủ lãnh xứ Giuđa và gia quyến họ về Babylon. Ông buộc vua Cêđêxiát phải tuân phục.
Dẫu vậy, Cêđêxiát vẫn tìm đồng minh để âm thầm chống lại vua xứ babylon. Ông đặt niềm tin vào sự giúp đỡ của Ai Cập.
Nhưng ngôn sứ Giêrêmia cảnh cáo Cêđêxiát.
Này, Chúa phán với
tôi thế này:
"Ta nói cho Cêđêxiát, vua xứ
Giuđa:
"Hãy khom mình chịu cùm gông
của vua Babylon.
hãy làm tôi vua đó cũng như
dân của vua này
thì ngươi sẽ sống còn.
Tại sao ngươi muốn chết,
ngươi cũng như dân ngươi,
bởi gươm giáo, đói khát
và dịch bệnh,
như Chúa đã từng đe dọa,
khi dân từ chối phục tùng vua
Babylon?
Các ngươi đừng nghe các
ngôn sứ nói với các ngươi:
"Các ngươi không nên thần
phục vua Babylon",
vì họ loan báo một điều dối
trá;
Chúa phán, ta đã không gởi
họ đến;
họ lấy danh ta loan báo những điều
dối trá.
Ta sẽ bỏ các ngươi nếu các
ngươi nghe theo họ,
và các ngươi sẽ bị chết,
cùng với các ngôn sứ
của các ngươi!"
(Giêr 27,12-15)
Những lo ngại của ngôn sứ Isaia nay xảy đến: Vua Babylon đưa quân đến và vây thành Giêrusalem.
Cêđêxiát chống lại vua Babylon. Nabucôđônôdô đem tất cả quân đội hướng về Giêrusalem để hãm thành. Ông cho xây các đồn tháp dùng để tấn công chung quanh thành.
Khi dân trong thành không còn gì ăn nữa, họ chịu phải nạn đói. Bấy giờ người ta mở một đường máu trong tường thành, vua và tất cả quân bảo vệ thành chạy trốn ban đêm bằng cửa nhỏ cạnh các vườn trong cung, bên ngoài quân Babylon vẫn vây hãm. Họ chạy về hướng thung lũng sông Giócđăng. Quân đội Babylon đuổi theo vua và bắt được ông trong thung lũng Giêricô. Quân ngũ của vua chạy tán loạn và bỏ mặc vua. Quân Babylon bắt vua dẫn về Ripla để vua Babylon bấy giờ ở đó phân xử. Vua này ra lệnh giết các con của Cêđêxiát trước mắt cha chúng, sau đó đục mắt Cêđêxiát và trói dẫn về Babylon.
(2 CV 25,1-7)
Và thành Giêrusalem trải qua thời cuối cùng bi thảm.
Tướng cận vệ của vua Babylon vào thành Giêrusalem và đốt Ðền Thánh Chúa, vương cung và các ngôi nhà lớn. Theo lệnh tướng này, quân lính Babylon phá tường thành Giêrusalem. Những người còn ở lại trong thành, những kẻ đào ngũ đầu hàng vua Babylon đều bị đày về Babylon. Chỉ còn một số dân nghèo như người trồng nho và nông dân được phép ở lại.
(2 CV 25,8-12)
Thế là vương quốc Giuđa biến mất. Nhưng Israel như là dân Chúa vẫn tiếp tục tồn tại dẫu bị buộc phải sống cảnh lưu đày và tản mác trong các dân tộc khác. Họ sống còn nhờ vào niềm trông cậy này: Chỉ có Chúa điều hành lịch sử dân chúng và con người; chính Ngài là Chúa của lịch sử; ngày nào Israel còn đặt niềm tin vào Chúa, họ sẽ còn sống.
Lạy Chúa tôi, quân
ngoại quốc đã chiếm cứ
đất Ngài,
họ làm ô uế Ðền Thánh
Ngài,
họ đã biến Giêrusalem thành
đống gạch vụn,
họ đã để chim kên ăn xác
tôi tớ Ngài,
và để thú hoang an thịt kẻ
trung tín với Ngài,
Họ đã đổ máu con cái
Ngài,
như xối nước chung quanh thành
Giêrusalem,
và không ai chôn cất xác chết.
Chúng con bị người chung quanh nhục
mạ,
các dân tộc cận kề xỉ vả.
lạy Chúa, Chúa còn giận chúng
con đến bao giờ?
Cơn ghen tương của Chúa bừng
lên như lửa
sẽ cháy đến bao giờ?
Xin hãy đổ dồn cơn thịnh nộ
lên các dân tộc không nhận biết
Chúa,
chống lại các vương quốc không
cầu xin Ngài
vì chính họ đã triệt hạ
Giacóp và đất đai của nó.
Xin đừng trách chúng con vì
lỗi của cha ông chúng con,
nhưng xin mau đến với chúng con,
đang bị nghiền nát, vì Ngài
thương chúng con.
lạy Chúa là Ðấng cứu
độ chúng con,
xin vì chính danh dự của Ngài mà
giúp chúng con,
xin cứu thoát chúng con và tha tội
chúng con
vì chính uy danh Ngài.
Xin đừng để người
ngoại quốc có thể nói:
"Nay Chúa họ đang làm gì?"
Xin cho họ thấy ngay trước mắt
chúng con,
bằng cách nào Chúa trả thù
cho máu tôi tớ Chúa đổ
ra.
Ước gì tiếng kêu của kẻ
tù tội thấu đến Ngài,
xin cánh tay uy dũng của Ngài cứu
những ai đang bị án phải chết.
Ước gì người cận kề
chúng con trả giá bảy lần hơn
về lăng nhục họ đã phạm
đến Chúa, lạy Chúa.
Và chúng con, dân của Chúa, chiên
của Ngài,
chúng con sẽ muôn đời ca hát
lời cảm tạ,
và không ngừng truyền tụng vinh
danh Ngài.
(TV 79,1-13)