Dân Israel luôn giữ lại trong ký ức câu chuyện đi ra khỏi đất Ai Cập như là một sự kiện xây dựng nên lịch sử của dân họ. Thiên Chúa cứu độ và giải thoát, luôn đứng về phía những kẻ bị áp bức và sẵn sàng cứu giúp họ; đó là Thiên Chúa của chuyện Xuất Hành, Thiên Chúa đó đã mạc khải như thế trong quá khứ và cũng là Thiên Chúa của ngày nay và muôn đời.
Những sách trong Kinh Thánh thường nhắc lại việc giải thoát người Do Thái bị làm nô lệ tại Ai Cập. Kỷ niệm xưa về việc tổ tiên Israel chịu đàn áp thêu dệt nên các ký sự sau đây về hành động giải thoát của Thiên Chúa.
Một vị vua mới lên ngôi trị vì Ai Cập, vua này không còn biết Giuse là ai cả. Ông tuyên bố với dân chúng:
"Này các ngươi xem: dân Israel ngày càng đông và giàu mạnh hơn chúng ta. Ðã đến lúc phải có những biện pháp ngăn cản họ không cho họ sinh sôi nẩy nở thêm đông và rồi liên kết với kẻ thù của chúng ta, gặp khi có chiến tranh sẽ đánh lại chúng ta rồi tẩu thoát ra khỏi nước".
Và như thế, người ta ra lệnh cho các người cai nô lệ buộc dân Israel phải gánh chịu những lao tác cực nhọc. Nhưng càng bức bách họ bao nhiêu, họ càng tăng thêm dân số đến độ người Ai Cập phải lo ngại. Người Ai Cập buộc họ phải chịu cảnh nô lệ rất khốn khổ và đày đọa cuộc sống họ bằng những công tác nặng nhọc như chế xi măng và đúc gạch, cũng như làm đủ thứ việc đồng áng.
(XH 1,8-14)
Ðối với kẻ có quyền hành, chuyện đô hộ một cách tuyệt đối và khai thác kẻ bị trị là một chuyện thường xảy ra. Israel cũng có kinh nghiệm này trong thời kỳ các vua. Các câu chuyện Thánh Kinh có nói đến một vị chỉ huy lao tác điều khiển các công trình khổ sai vào thời vua Ðavid. Dưới thời Salômông, chính dân Israel phải chu toàn các công tác này.
Vua Salômông ra lệnh chỉ định khắp xứ những người để lao tác bắt buộc. Có đến 30,000 đi lao tác kiểu này. Tuần tự luân phiên, Salômông đày đến Libăng 10,000 người trong số nói trên, mỗi đoàn lao động ở Libăng một tháng và ở quê nhà hai tháng. Ađôninam là người phụ trách công việc này. Salômông còn có thêm 70,000 người phu khuân vác và 80,000 thợ đẽo đá trong núi, không kể 3,300 cai thợ lo theo dõi công trình và chỉ huy các toán thợ. Vua ra lệnh phải đục những tảng đá thật lớn, đẹp để làm nền cho Ðền Thánh.
(1 CV 5,27-31)
Thiên Chúa cứu độ và giải thoát, vì thế con người có thể cầu cứu Ngài trong cảnh nghiệt ngã và trình bày với Ngài những nỗi tang thương.
Lạy Chúa, xin trả lại
cho con công lý,
xin bảo vệ con trước những
người không có lòng thương
xót,
xin giải thoát con khỏi kẻ gian dối
và tàn ác.
Chính Chúa là Ðấng bảo vệ
con:
sao Chúa lại ruồng rẫy con?
Sao con có thể phải ra đi trong buồn
khổ, bị đàn áp bởi quân
thù?
Xin ban ánh sáng và chân lý của
Chúa để dẫn dắt con;
đưa con về đến núi thánh
của Chúa.
Con sẽ tiến về bàn thờ của
Chúa,
Thiên Chúa là nguồn vui, hạnh phúc
của con,
và con sẽ gảy đàn ca tụng Chúa,
lạy Chúa, Thiên Chúa con.
Tại sao con phải than van?
Hãy tin vào Chúa,
vì con luôn muốn cảm tạ Ngài,
Ngài là Ðấng cứu độ
và là Chúa con.
(TV 43)
Thiên Chúa can thiệp để mang lại niềm hy vọng và can đảm cho dân Israel, thúc dục họ ra đi.
Thiên Chúa nói với Môisen:
"Ta đã thấy sự khốn cực của dân Ta còn ở đất Ai Cập, và Ta đã nghe tiếng kêu la vì bị đàn áp. Vâng, Ta biết đến nỗi khổ đau của dân Ta. Ta đã đến để cứu thoát dân Ta khỏi tay người Ai Cập và dẫn chúng về một vùng đất đầy sữa và mật".
(XH 3,7-8)
Lời hứa này của Thiên Chúa cùng xuất hiện với mặc khải về tên Ngài. Thiên Chúa tự xưng mình trước dân Ngài như là Ðấng "ở với họ" và mãi mãi với họ. Nhờ Chúa giúp, Môisen dẫn dân Israel ra khỏi đất Ai Cập.
Chúa phán cùng Môisen:
"Nay những lời than van của dân Israel đã đến tận Ta và Ta đã thấy sự đàn áp mà dân Ai Cập buộc họ phải chịu. Hãy ra đi, Ta sai con đến gặp Pharaông để đưa người Israel dân Ta ra khỏi Ai Cập".
Môisen thưa cùng Chúa:
"Con là gì mà đến gặp Pharaông và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập?"
Nhưng Chúa lại trả lời ông:
"Ta sẽ ở cùng con; và đây là dấu chỉ cho thấy Ta sai con: khi con đã đưa dân ra khỏi Ai Cập rồi, con sẽ thờ phụng Ta trên núi này".
Môisen thưa lại:
"Khi con đến gặp dân Israel và nói với họ: Chúa của tổ phụ các ngươi đã sai tôi đến với các ngươi; nếu họ hỏi con tên Ngài là gì, con trả lời thế nào với họ?"
Chúa trả lời Môisen:
"Ta là Ðấng Tự Hữu" và Chúa phán tiếp: "Ðây là những gì ngươi phải nói với con cái Israel: "Ðấng Tự Hữu" đã sai tôi đến với các ngươi".
(XH 3,9-14)
Luôn tin vào Chúa, dân Israel ra khỏi Ai Cập. Dẫu bị quân Ai Cập đuổi bắt, họ vẫn thoát một cách vinh quang và họ ca tụng vinh quang Thiên Chúa bằng những bài ca.
Bấy giờ, Môi sen và dân Israel xướng lên bài ca sau đây để ca tụng Thiên Chúa:
"Con muốn ca tụng Chúa,
vì Ngài đã bày tỏ vinh quang
Ngài.
Ngài đã hất ngựa và kỵ
binh xuống biển.
Chúa là sức mạnh của con, là
Ðấng con ca tụng,
chính Ngài đã cứu độ
con.
Ngài là Chúa con, và con muốn ca
tụng Ngài,
là Chúa của tổ phụ con, và
con muốn tung hô sự cao cả của
Ngài.
Chúa là Ðấng uy dũng nhất
trong cuộc chiến đấu,
tên Ngài là Giavê.
Ngài đã hất các xe chiến
của Pharaông và đạo binh của
ông xuống biển,
Sóng nước phủ lên họ, họ
bị cuốn sâu xuống đáy biển
như hòn đá.
Lạy Chúa, tay Chúa uy dũng, đánh
nát quân thù.
Ngài đã đánh ngã kẻ
thù bằng sức mạnh phi thường;
Ngài phóng cơn lửa giận dữ,
cơn giận đốt cháy chúng như
rơm.
Lạy Chúa, thần nào ví được
với Ngài,
ai dám ví với Ngài, Ngài tỏa
ban sự thánh thiện,
làm khiếp đãm vì bao kỳ công,
Ðấng tác thành những việc
lạ lùng?"
Nữ ngôn sứ Maria cầm trống cơm trong tay, và tất cả các phụ nữ cũng cầm trống theo bà nhảy múa. Bà tập cho dân Israel hát điệp khúc này:
"Hãy hát ca Thiên
Chúa, vì Ngài tràn đầy vinh
quang,
Ngài đã lật nhào ngựa và
kỵ binh xuống biển!"
(XH 15,1-7.11,21-22)
Tác giả của Thánh Vịnh 66 cũng nhắc lại kỳ công này của Thiên Chúa. Chính tác giả cũng đã có kinh nghiệm về những sự can thiệp của Thiên Chúa.
Toàn thể trái đất,
hãy hoan ca Thiên Chúa,
hãy ca tụng danh Ngài vinh quang
hãy tung hô Ngài bằng lời
ca ngợi.
Hãy thưa cùng Chúa: "Những
việc Ngài làm thật là kỳ diệu!
Quyền năng của Ngài quá lớn
lao đến nỗi ngay kẻ thù cũng
ca tụng.
Ước gì toàn thể trái đất
quy phục Ngài
và ca tụng Ngài, triển dương danh
Ngài".
Hãy đến xem việc Chúa đã
làm,
những kỳ công hiển hách Ngài
đã làm cho con người,
Ngài đã biến đổi biển
thành đất khô;
người ta đã qua sông chân
không thấm nước,
ước gì niềm vui của chúng
ta nằm ở nơi Ngài.
Hỡi các dân tộc, hãy chúc
tụng Chúa
và hát to lên ca tụng Ngài.
Ngài đã gìn giữ mạng sống
chúng ta,
và giúp chân ta khỏi vấp ngã.
Hỡi tất cả những ai kính
sợ Thiên Chúa, hãy đến
nghe,
tôi kể những gì Chúa đã
làm cho tôi.
Tôi đã kêu đến Ngài,
tôi đã ca tụng Ngài.
Nếu tôi đã có ý gian trong
tâm hồn tôi,
thời Chúa đã không nghe lời
tôi.
Nhưng Chúa đã nghe tôi,
Ngài đã ghé tai nghe tiếng tôi
cầu nguyện.
Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng không
từ chối lời cầu xin của
tôi,
và không để tôi thiếu thốn
tình yêu của Ngài.
(TV 66,1-6.8.9.16-20)
Nhiều bản văn Kinh Thánh ca tụng Thiên Chúa, Ðấng đã giải thoát dân Ngài, và dâng lên lời cảm tạ.
Dân Israel ra khỏi Ai Cập an toàn. Họ cắm lều cạnh sa mạc.
Chúa dẫn lối họ đi, ban ngày Ngài dùng cột khói để chỉ đường, ban đêm có cột lửa để chiếu sáng; nhờ thế, họ tiếp tục ngày đêm lên đường.
Khi Pharaông được tin dân Israel đã bỏ trốn, lòng vua lại thay đổi. Vua ra lệnh chuẩn bị xe chiến và đem theo binh mã. Vua chọn 600 xe chiến hảo hạng cũng như tất cả xe ngựa dân Ai Cập có thể có, chở đầy kỵ binh. Pharaông nhất quyết lên đường đuổi theo dân Israel. Còn dân này thì ra đi không hề sợ hãi. Dân Ai Cập với đoàn ngựa và xe chiến của Pharaông, kỵ bình và toàn quân, lên đường truy đuổi và bắt kịp dân Israel tại nơi cắm lều gần bờ biển.
(XH 13,18.20-21; 14,5-9)
Khi Pharaông sắp đến gần, dân Israel thấy quân Ai Cập nhào đến đuổi bắt mình. Họ sợ hãi và kêu la xin Thiên Chúa cứu giúp. Họ nói với Môisen:
"Ai Cập đâu có thiếu mồ mả để chôn chúng tôi, cớ sao ngài lại dẫn chúng tôi đến đây để chết nơi sa mạc này? Ông đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì?"
Môisen nói với dân chúng:
"Các ngươi cứ yên tâm, hãy vững tin rồi hôm nay các ngươi sẽ thấy việc Chúa làm để giải thoát các người. Chúa sẽ chiến đấu thay các người, còn phần các người, các người sẽ không phải làm gì cả"
Chúa phán cùng Môisen:
"Con hãy ra lệnh cho dân Israel đổi hướng đi và đến cắm lều ngay cạnh biển. Và con hãy đưa cây gậy của con lên, chỉ xuống biển và chẻ nước trước mặt để dân Israel có thể đi qua. Còn Ta, Ta sẽ làm cho quân Ai Cập mù quáng đuổi theo con cái của Israel. Quân Ai Cập sẽ nhận biết Ta là Chúa, khi Ta chiến thắng vua Pharaông"
Thiên thần của Chúa dẫn đầu đoàn người Israel nay đi chận lối sau lưng họ. Cột lửa đi đàng trước nay cũng dời về phía sau lưng, ở ngay giữa dân Israel và trại binh Ai Cập. Khói đen bao phủ tối tăm và màn đêm ụp xuống làm cho quân thù không liên lạc được với nhau.
Môisen chỉ tay xuống biển. Chúa làm cho nước rút lui bằng một cơn gió đông thổi thật mạnh suốt đêm. Gió làm biển khô. Nước xé ra làm đôi và dân Israel bước đi không hề ướt chân. Quân Ai Cập đuổi theo: tất cả ngựa của Pharaông xe chiến và kỵ binh ào ào tiến vào lòng biển để đuổi bắt dân chúng.
Ðêm gần tàn, từ đỉnh cao của ngọn lửa khói, Thiên Chúa nhìn quân Ai Cập và gieo vào lòng họ nỗi hãi hùng. Ngài chận bánh xe chiến ngăn không cho tiến. Quân Ai Cập hốt hoảng kêu lên:
"Rút lẹ lên, vì Chúa chiến đấu giúp dân Israel chống lại Ai Cập".
Chúa lại phán với Môisen:
"Con hãy chỉ tay xuống biển để nước phủ lên quân Ai Cập, xe chiến và kỵ binh".
Môisen chỉ tay xuống biển. Nước ngập tràn lòng biển như cũ vào buổi sáng sớm. Quân Ai Cập đang tháo lui gặp phải sóng biển và Chúa cho họ ngã nhào. Nước dâng lên nhận chìm xe chiến và kỵ binh của cả đạo quân Pharaông. Không một người sống sót. Trước đây con cái Israel bước đi ngay giữa lòng biển này như bước trên đất khô.
Ngày hôm đó, Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi tay người Ai Cập. Khi dân Israel thấy được quyền uy cao cả của bàn tay Thiên Chúa đã hủy diệt quân Ai Cập, dân chúng bắt đầu kính sợ Thiên Chúa, họ tin tưởng vào Ngài, cũng như chính vào Môisen tôi tớ Ngài.
(XH 14,10-11.13-31)
Giai đoạn lịch sử này mang một tầm vóc quan trọng chủ yếu trong toàn lịch sử Israel. Kỷ niệm hành vi cứu độ của Chúa "Thiên Chúa đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập", bênh đỡ Israel, được nhắc đi nhắc lại trong các bản văn Cựu Ước. Một người cha đã kể cho con câu chuyện đó thế này:
Mai đây khi con của con hỏi con: "Những giới răn này, những lề luật mà Chúa đã ban cho con có nghĩa gì?". Con trả lời cho nó thế này: "Chúng ta đã ở đất Ai Cập, làm nô lệ của vua Pharaông, và bàn tay uy dũng của Chúa đã đưa chúng ta ra khỏi xứ đó. Chúa đã làm cho mắt chúng ta thấy tận tường những dấu chỉ trọng đại làm kinh hoàng Ai Cập, Pharaông và gia đình của vua ấy. Ngài đã cứu chúng ta và ban cho chính chúng ta".
(TL 6,20-23)
Trong lời cầu xin tha thiết, người dân quê đã gợi lại việc Chúa đã làm cho tổ tiên ông.
Khi người vào rừng đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi làm của thừa tự, và ngươi định cư ở đó. Ngươi phải lấy một phần của tất cả sản phẩm thu hạoch được nơi đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi; ngươi đặt chúng vào một cái thúng, và thân hành đến nơi Chúa là Thiên Chúa ngươi đã chọn để mang lấy tên Ngài. Ngươi tự trình diện trước thầy cả để vị ấy nhận sản vật ở nơi tay ngươi, và đặt nó trước bàn thờ Chúa Thiên Chúa ngươi. Bây giờ ngươi nói trước nhan Chúa Thiên Chúa ngươi: "Tổ phụ con người du mục Aramêen đã từng đến Ai Cập với một số ít người, sống thân phận ngoại kiều, nhưng sau đó trở thành một dân tộc lớn, hùng mạnh và đông đúc. Người Ai Cập đã bạc đãi, khinh rẽ chúng con và buộc chúng con làm nô lệ cho họ. Chúng con liền kêu đến Chúa, Chúa của các tổ phụ chúng con. Ngài nghe lời chúng con than van, Ngài đã thấy cảnh khốn khổ, nhọc nhằn và bị áp bức của chúng con. Chúa đã đưa chúng con ra khỏi Ai Cập bởi quyền uy của những kỳ công hiển hách do Ngài. Ngài đã đưa chúng con đến vùng đất này và ban cho chúng con xứ sở đầy sữa và mật".
(TL 26,1-9)
Kỷ niệm về cuộc xuất hành khỏi Ai Cập luôn là nền tảng cho sự tự do và giải phóng. Ngôn sứ "Ðeutêrô-Isaia" mô tả việc chấm dứt đương nhiên của cuộc lưu đày ở Babylon (vào khoảng 550 trước Chúa Giêsu Kitô) như là một cuộc xuất hành mới. Một lần nữa Chúa lại chứng minh quyền uy Ngài và mặc khải cho biết Ngài là Ðấng cứu độ duy nhất.
Vào thời lưu đày ở Babylon (vào khoảng năm 550 trước Chúa Giêsu Kitô) ngôn sứ nhắc lại những việc kỳ diệu của Chúa đã làm cho dân Ngài để khích lệ những kẻ bị đày. Cũng như trước đây đối với dân Israel thời Môisen, rồi đây sẽ có một cuộc xuất hành mới, mang lại cứu thoát và tự do. Thiên Chúa luôn lo lắng cho dân Ngài.
Nầy Chúa phán,
Chúa là Ðấng đã tạo
dựng ra ngươi hỡi Giacóp,
và đã giáo huấn ngươi
hỡi Israel,
ngươi đừng sợ gì cả
và Ta sẽ cứu chuộc ngươi,
Ta gọi tên ngươi, ngươi thuộc
về Ta.
Khi ngươi phải vuợt qua sóng nước,
Ta ở với ngươi,
và sông nước không nhận
chìm ngươi.
Khi ngươi phải bước đi trên
lửa đỏ,
ngươi không bị phỏng cháy.
Bởi vì Ta là Chúa Thiên Chúa
ngươi,
Ðấng Thánh của Isarel, Ðấng
cứu độ ngươi.
Ta ban cho ngươi xứ Ai Cập để
ngươi được cứu;
Êtiôpia và Sêba đổi lấy
ngươi.
Bởi vì ngươi đáng cho Ta
mến yêu ngươi,
Ta đổi nhiều dân tộc để
chọn ngươi,
Ta bỏ nhiều xứ đổi lấy
ngươi.
Ngươi đừng sợ hãi, ta
ở với ngươi.
Ta sẽ đưa con cái ngươi từ
Ðông phương trở về
và tập họp ngươi lại từ
Tây phương.
Ta sẽ nói với Bắc phương:
"Hãy trả lại các người
đó!"
và với Nam phương: "Ðừng
giữ họ lại nữa!"
Ngươi hãy đưa con trai Ta từ
các miền xa
và các con gái Ta từ cùng
tận trái đất trở về.
Chúa phán thế này,
Chúa, Ðấng đã cứu chuộc
các ngươi, Ngài là Thánh của
Israel:
bởi vì Ta yêu các ngươi,
Ta sẽ sai ngươi đến Babylon
để đạp đổ cửa tù
ngục,
và dân Babylon sẽ kêu gào than khóc.
Ta là Chúa, Thiên Chúa thánh thiện
của các ngươi,
Ðấng tạo hóa, Vua các ngươi.
Này Chúa phán,
Chúa, Ðấng đã mở đường
đi qua biển,
một đường đi ở giữa
các làn sóng nước,
Ðấng đã đẩy xe, ngựa,
và một đạo quân đông đúc
xông xáo;
chúng lật nhào và không đứng
dậy nữa,
chúng chìm ngũm như một tim đèn.
Các ngươi không còn nhớ
những ngày xa xưa,
không còn nghĩ đến chuyện đã
qua sao.
Nầy, Ta sắp tái diễn việc đó,
nó đã xuất hiện rồi, các
ngươi không thấy sao?
Ta sắp mở một con đường
trong sa mạc
và cho ngàn suối chảy trong rừng
hoang.
Thú rừng hoang sẽ ca tụng Ta,
sói và đà điểu,
bởi vì Ta lại làm nước
trào ra trong sa mạc
và ngàn suối chảy trong rừng
hoang,
để dân Ta, dân Ta đã chọn,
không bao giờ còn khát.
Dân mà Ta đã tác thành cho
Ta lại sẽ ca tụng Ta!
(IS 43,1-6.14-21)