Phần Kết Của Luận Văn
Về Nhà Thờ Phát Diệm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Qua nội dung vừa phân tích ở các chương, chúng ta nhận thấy hoài bão diễn đạt ngôi Nhà Chúa bằng những biểu tượng truyền thống, đã được Cha Trần Lục giốc sức thực hiện, bằng tất cả sáng tạo độc đáo. Ðây là cơ hội mà tác giả muốn bày tỏ "ý nghĩa đích thực của Ki-tô giáo, vốn chỉ mang đến Ðức Tin, và không làm tổn thương đến những nghi lễ phong tục tập quán dân tộc."
1. Ngay từ mặt bằng tổng thể, các Thánh Ðường ở Phát Diệm đã thể hiện một sự tích hợp đa văn hóa Ðông Tây trong thiết kế. Truyền thống bố cục phương Tây chỉ được giữ lại ở yếu tố gây ấn tượng thị giác trên trục vào, mọi sự bố trí khác đều dựa trên qui luật tổ hợp mặt bằng thường gặp ở kiến trúc tôn giáo Việt Nam. Ðịa lý phong thủy đã là một tác nhân tích cực góp phần vào cuộc cộng sinh và tạo nên tính trữ tình cho quần thể. Những phương thức lựa chọn phương hướng bố cục theo hình, theo chữ... đều nhằm mục đích cầu mong sự thuận hòa với Tạo Hóa, như muốn gửi gắm ý nghĩa "vương đạo" của Ki-tô giáo đến cộng đoàn giáo hữu. Tất cả đã hình thành nên một dung mạo Thánh Ðường hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên, trái ngược hẳn với hình thái "vươn cao Gothique" nổi bật và kiêu hãnh trên nền trời như ở phương Tây, là điều rất xa lạ với tâm thức người Việt.
2. Trong thiết kế mặt bằng Thánh Ðường, hình dạng chữ nhật basilica đã chuyển hóa nhẹ nhàng thành chữ "công" của kiến trúc truyền thống. Sự đóng kín không gian nội thất đã nhường chỗ cho sự "mở rộng linh hoạt trong ngoài". Hầu như tất cả nhu cầu phục vụ cho số đông tín hữu, khí hậu nhiệt đới và phong tục tập quán Việt Nam đã tác động trên hình thức mặt bằng, duy chỉ có lối vào ở đầu hồi theo truyền thống kiến trúc Thánh Ðường phương Tây, là điểm khác biệt chính.
3. Mặt cắt Nhà Thờ Lớn là một minh họa rõ nét về những sáng tạo và những linh hoạt của kiến trúc truyền thống. Ðây là sự kết tụ tinh hoa từ bộ khung kết cấu gỗ dân gian để hình thành nên một không gian với chiều kích to lớn nhằm tái tạo hình thức cao vút của Thánh Ðường phương Tây.
4. Như vậy, xét về mặt hình thức, sự giao thoa văn hóa đã khoác chiếc áo mới cho kiến trúc Thánh Ðường, tạo nên dung mạo đậm đà truyền thống Á Ðông, mặc dù nó chứa đựng một nội dung tôn giáo tuy bắt nguồn từ phương Ðông nhưng lại mang đậm dấu ấn phát triển của phương Tây.
5. Xét về nghệ thuật trang trí, nền điêu khắc đá và điêu khắc gỗ dân gian đã là những phương tiện trọng yếu cho sự biểu đạt ý đồ sáng tác. Ở đây, hầu như tất cả các hình tượng Thiên Chúa giáo đều đã được khúc xạ qua lăng kính của những nghệ nhân Việt Nam với tâm hồn Việt Nam nguyên vẹn. Các sự tích Thánh Kinh, hình ảnh tập quán dân gian, và cả những biểu tượng Phật giáo truyền thống đều đã hội ngộ trên nhiều phù điêu, chạm trổ giàu sức biểu cảm. Hay nói cách khác, cài sâu dưới tất cả những hình tượng trang trí, người thiết kế đã gửi gắm vào đây thông điệp về sự hòa đồng tôn giáo và sự cộng sinh tín ngưỡng trong lòng đại gia đình dân tộc Việt Nam.
6. Ở góc độ nghệ thuật xây dựng, Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm có 2 công trình tiêu biểu vượt trội: Nhà Thờ đá và Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Ở công trình đầu tiên, toàn bộ hệ khung kết cấu gỗ cổ truyền dân gian, tam quan, tường vách... đều được thay thế bằng chất liệu đá thuần túy. Ðây là kiến trúc đầu tiên ở nước ta sử dụng phương thức xây dựng này. Sự sáng tạo của tác giả không dừng ở mức độ biểu đạt thẩm mỹ, mà còn mang tính khoa học trong xây dựng khi bổ sung những "vách cứng" kết hợp với trang trí để chống lực xô ngang của gió, bão; hoặc lược bỏ cột để mở rộng tầm nhìn... Cách giải quyết tinh tế như vậy đã góp phần phong phú hóa hệ kết cấu lẫn phương thức xây dựng dân gian của Việt Nam.
Nhà Thờ Lớn được xem như một kỳ tích về việc xây dựng trên nền đất yếu trong những điều kiện xây dựng thô sơ đương thời. Cả rừng tre đã được sử dụng bộ phận kết cấu để thực hiện mà ngày nay được gọi là "móng bè", chịu tải trọng cho khối công trình to lớn bên trên. Các công trình kiến trúc cổ truyền chưa hề sử dụng giải pháp gia cố móng như vừa nêu, nhưng cách xử lý này đã tỏ ra có hiệu quả đảm bảo cho công trình không bị lún sụt trong suốt quá trình tồn tại lâu dài của nó.
7. Trái ngược hẳn với vị trí mang tính chất ngự trị và áp đảo của Nhà Thờ Thiên Chúa giáo ở châu Âu, tại Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm, cây xanh luôn có vai trò làm sinh động, mềm mại và kết nối nhiều công trình vào chủ thể chính là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Cây xanh còn thể hiện cho mong ước hài hòa, thuận hợp với Tạo hóa, vốn là tiêu chí hàng đầu trong công trình truyền thống. Cách bố cục "đóng - mở" liên tục tạo nên những không gian mới, tạo ảo giác về sự rộng rãi bề thế trên một diện tích khiêm tốn, đã phần nào mang dấu ấn của nghệ thuật tạo ảnh phương Ðông.
8. Nghi thức tôn giáo tại Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm là sự hòa trộn nhiều hình thức lễ nghi, tập tục truyền thống dân tộc (Chầu Thánh Thể, rước kiệu, âm nhạc, y phục, lọng che, cờ xí...). tất cả đều mang đậm dáng dấp của những lễ hội làng quê trên đất Việt, phản ánh rõ nét phương thức tôn thờ Ki-tô giáo theo cách của người Việt, mà đời sống đã bám vào lòng sinh hoạt của làng. Những nghi thức này vẫn còn lưu giữ đến ngày nay trong hầu hết các họ đạo tại Kim Sơn - Ninh Bình. Những khát vọng mọi mặt trong cuộc sống của cộng đồng tín ngưỡng được lưu truyền và biến tấu bằng nhiều phương thức khác nhau, đã làm hình thành nên một hệ thống giá trị và chuẩn mực mà dựa trên đó cộng đồng tự khẳng định và đóng góp vào bản sắc văn hóa Việt Nam với tư cách là di sản văn hóa phi vật thể.
Mặt khác đây là biểu hiện cho bước đầu của công cuộc Việt hóa Ki-tô giáo, chuẩn bị cho những sự hội nhập văn hóa về sau. Có được cách nhìn nhận đúng đắn về các giá trị nội hàm này, chúng ta mới có thể đưa đến giải pháp gìn giữ những thành quả đã đánh dấu cho giai đoạn lịch sử đã qua tại vùng đất "Núi Vàng" (Kim Sơn) này.
Tóm lại, nội dung chính của luận văn đã khai thác về một số mặt như quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, nghệ thuật trang trí, lễ hội... nhằm nhận dạng các yếu tố giao thoa văn hóa và khẳng định đây là tác nhân chủ yếu hình thành nên dung mạo của Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm. Thay cho lời kết, xin mượn lời của Kiến trúc sư Terunobu Fujimori, giáo sư trường đại học Tokyo nhận xét về Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm:
"Tôi không thể tưởng tượng được là có thể có một kết cấu to lớn bằng gỗ ở Việt Nam, và vẻ uy nghi của Nhà Thờ Công Giáo Việt - Âu này gây ấn tượng rất sâu sắc. Nó mang tính Việt Nam về phong cách và lối bố trí sắp dặt, ở đó có một cái ao trong sân trước và một bãi rộng ở đằng trước Nhà Thờ để cầu nguyện theo kiểu cách của Ðạo Phật. Sự diễn cảm cũng sử dụng rất nhiều cách trình bày truyền thống, và truyền thống là tất cả. Chỉ có một điểm chung với Nhà Thờ châu Âu, đó là mặt bằng của lòng Nhà Thờ dài lê thê". (Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, nhà xuất bản TP. HCM, 1996, trang 564 - 565).
Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân
Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 21, năm 2001)