Phương Ðình Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

Về Việc Trùng Tu Phương Ðình

Và Các Nguyện Ðường

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Trong những đợt đến Quần Thể Kiến Trúc Thánh Ðường Phát Diệm để khảo cứu những vấn đề của bài biên khảo này, chúng tôi đã được trực tiếp chứng kiến việc trùng tu Phương Ðình và các Nguyện Ðường. Các hư hại trên công trình biểu hiện chủ yếu qua các hiện tượng phong hóa và tự hủy của cấu trúc gỗ, đá; biến dạng do tích lũy ẩm độ, nhiệt độ, vi sinh vật... Việc trùng tu được thực hiện bằng giải pháp tháo gỡ toàn bộ cấu trúc gỗ trên Phương Ðình, thay thế bằng gỗ lim mới, sao chép đúng như nguyên bản; hay nói khác đi là "làm mới theo hình thức cũ".

Tại các Nguyện Ðường, do mức độ hư hại không lớn, nên việc sửa chữa chỉ tập trung vào những cột đầu hiên, hai mặt bên Nguyện Ðường. Tất cả cột cũ bị mối mọt đều được thay bằng gỗ lim, với lý do gỗ lim sẽ chịu đựng mưa gió tốt hơn.

Theo Hiến Chương Venise, các nguyên tắc cơ sở của việc trùng tu đòi hỏi phải hạn chế đến mức thấp nhất việc thay thế "nguyên bản gốc" bằng vật liệu mới, vì nguyên bản này, ngoài ý nghĩa vật chất, còn nội hàm những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật vốn là giá trị căn bản của các công trình kiến trúc. Với nền kỹ thuật hiện đại chúng ta có thể xử lý những hư hỏng bằng gia cố, thay đổi phần lõi của cấu kiện để gìn giữ lại bề mặt nguyên gốc, không nhất thiết phải thay thế toàn bộ, bởi lẽ đa phần cấu trúc đều ở mức độ hư hại cục bộ, có thể tái sử dụng.

Ngoài ra, ý tưởng của tác giả mong muốn thực hiện mỗi Nguyện Ðường bằng một chủng loại gỗ riêng nhằm tạo nên một giá trị đặc biệt cho mỗi công trình, rất tiếc những vấn đề này đã không được quan tâm thực tiễn trùng tu.

Song điều quan trọng hàng đầu vẫn là giải pháp duy tu bảo dưỡng cho công trình tránh những tình huống vật chất bị thoái hóa khách quan bởi tự nhiên và cả bàn tay con người. Công tác ghi nhận, tập hợp tài liệu hiện trạng nhằm đối chiếu cho công tác trùng tu sau này, là mảng quan trọng nhưng vẫn còn bỏ trống. Việc bảo tồn Quần Thể Kiến Trúc Thánh Ðường phải dựa trên nền tảng Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện.

Chúng ta đang làm mất dần những giá trị "văn hóa" của một công trình văn hóa. Với cách trùng tu như hiện nay, các thế hệ sau có lẽ chỉ còn được ngắm "mô hình" Quần Thể Kiến Trúc Thánh Ðường Phát-diệm chứ không thể nghiên cứu giá trị nguyên gốc của cụm di tích này.

Về vấn đề hết sức bức thiết này, khi nhận được ý kiến chân thành đóng góp nêu trên của chúng tôi, Tòa Giám Mục Phát Diệm đã có ý kiến phản hồi, chúng tôi xin ghi lại nguyên văn:

"Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của tác giả bài viết, nhưng xét vấn đề một cách toàn diện hơn có thể thấy rằng:

1. Tác giả nghiên cứu đề tài này khi chúng tôi đang tiến hành trùng tu Phương Ðình. Tòa tháp 3 tầng này có tầng dưới cùng bằng đá, tuy có bị thời gian phá hủy, nhưng vẫn còn tương đối ổn định, vì thế chúng tôi vẫn giữ nguyên. Hai tầng trên được làm bằng gỗ, có nét độc đáo là 4 mặt thông thoáng, chúng tôi buộc phải thay vì các lý do sau:

a. Nét độc đáo của hai tầng trên cũng đồng thời khiến cho chúng phải gánh chịu tác động mạnh mẽ của mưa nắng cũng như gió bão, đặc biệt là gió mang độ muối cao từ biển thổi vào, do đó, các phần bằng gỗ không thể tái sử dụng.

b. Nếu chọn giải pháp "thay đổi phần lõi của cấu kiện để gìn giữ lại bề mặt nguyên gốc", thì chính phần "bề mặt" lại đã hư hại quá nặng. Ðàng khác, việc tính toán về độ chịu lực không cho phép chúng tôi chọn giải pháp này.

c. Ðây là một tòa tháp đồ sộ, việc tu sửa không dễ dàng chút nào và kinh phí cũng rất lớn nên không phải lúc nào cũng có thể làm được, chúng tôi chọn giải pháp an toàn, có nghĩa là sau lần trùng tu này, ít nhất tòa Phương Ðình cũng vẫn còn có thể đứng vững được 100 năm nữa. Công việc sau đó thuộc về trách nhiệm của lớp hậu sinh.

d. Việc trùng tu Phương Ðình do Công Ty Tu Bổ Di Tích Trung Ương (công việc được kiến trúc sư Trần Quang Trung chủ trì), tức là phía chuyên môn, chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, phương pháp tu sửa, và tính toán những phần phải thay tháo. Phía Tòa Giám Mục chúng tôi phải lo toàn bộ kinh phí tu sửa, kể cả tiền công của Công Ty Tu Bổ Di Tích Trung Ương, Nhà Nước không hề có một khoản tài trợ nào. Tuy nhiên, thiết tưởng đây cũng có thể gọi là Nhà Nước và Tôn Giáo cùng làm.

2. Hiện nay (cuối năm 1999), chúng tôi đang tiến hành trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm, vẫn theo nguyên tắc chỉ thay thế những phần buộc phải thay để đồng bào độ chịu lực của công trình. Những phần phải thay được nghiên cứu và tiến hành sao cho đồng bào sự trung thành cao nhất với nguyên mẫu.

Với phương pháp trùng tu như trên, thiết tưởng không thể nói rằng: "Các thế hệ sau có lẽ chỉ còn được ngắm "mô hình" quần thể Thánh Ðường Phát Diệm".

 

Kết Luận Chương

Qua quá trình phân tích cụm Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi và Phương Ðình, ta thấy rõ hơn nữa, những sáng tạo độc đáo đã đưa Quần Thể Kiến Trúc Thánh Ðường Phát-diệm thành một tiêu biểu của thể loại Thánh Ðường phong cách Á-Âu. Tác giả đã vận dụng từ vốn liếng dân tộc, thể hiện được những giá trị thiêng liêng của Ki-tô giáo thông qua kiến trúc đậm chất Á Ðông.

Sự hài hòa tinh tế là kết quả chính của sản phẩm trí tuệ mà tác giả đã rất thành công khi đan kết những hình tượng Ðông và Tây trong kiến trúc Thánh Ðường. Nghệ thuật dân tộc đã làm tròn vai trò tôn vinh hiển danh Chúa và cũng gìn giữ được sự đơn sơ cho bầu khí cầu nguyện.

Những vận dụng từ nhiều giải pháp kết cấu cổ truyền và những tư duy sáng tạo khoa học đã làm kỳ vĩ hơn không gian kiến trúc truyền thống, đồng thời vẫn đảm bảo được tính chất thân thuộc và linh thiêng của một không gian tín ngưỡng dân tộc.

Xét ở khía cạnh vật chất, mọi hình tượng nguy nga chỉ dành mô tả cho những bậc vương đế đã được tác giả sử dụng để tôn vinh Thiên Chúa, những biểu tượng cao quý của Phật giáo cũng được vay mượn để nói lên sự thanh khiết Ki-tô giáo, và cũng là một Thông Ðiệp về sự hòa đồng tôn giáo.

Xét ở khía cạnh tinh thần, mọi sinh hoạt phụng vụ đều gắn liền với phong tục tập quán tốt lành của dân tộc, những lời mời gọi, những thanh âm hòa nhịp cùng các lễ nghi tôn giáo đều xuất phát từ "ngôn ngữ" riêng của dân tộc như tiếng trống, tiếng chuông vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt. Những suy tư cảm nghiệm tín ngưỡng bén rễ từ tâm thức dân tộc đều được tôn trọng, những phương cách phụng thờ theo cách riêng của người Việt Nam, đều được gìn giữ.

Sự tích hợp được văn hóa Ðông - Tây đã làm thăng hoa những giá trị kiến trúc, nghệ thuật và cả đời sống tâm linh của cộng đoàn nhiệt thành mộ đạo.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 20, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page