Phương Ðình Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

Một Vài ý Kiến Về Tên Gọi Phương Ðình

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Trong hầu hết những tài liệu viết về Nhà Thờ Phát Diệm, khi trình bày nguồn gốc tên gọi Phương Ðình, đều có nội dung như sau:

Do mặt đứng có hình dạng tương tự mái đình nên gọi là đình, và vì chiều dài có kích thước xấp xỉ chiều cao (21m và 22m) như hình vuông nên gọi là "phương" (từ Hán Việt có nghĩa vuông vắn), ráp hai chữ là "Phương Ðình". Theo ý kiến chủ quan, mặt đứng này không gợi lên được diện mạo một ngôi đình làng mà chỉ là sự hòa trộn giữa kiến trúc cổng thành và hình thức lẫn nội dung khối tháp đình làng triều Nguyễn.

Ðiều thứ hai, vì "mặt đứng có hình vuông" nên đặt chữ "Phương": cách gọi tên này có phần xa lạ với cách phân biệt trong kiến thức truyền thống. Tên mô tả hình dạng chỉ dùng để nêu lên hình thức mặt bằng, như ta vẫn thường gọi: nhà chữ nhất (-), đình chuôi vồ (^), chùa chữ công (I)...

Từ nhận xét trên mặt bằng, ta nhận thấy tên gọi "đình", nói chung dùng để gọi một cái nhà lớn như thủy đình, nhai đình, lương đình, pháp đình..., nhưng ở đây có nguồn gốc chính yếu từ nội dung hành lễ tại ngày tưởng niệm "buổi Tiệc Ly" của Chúa. Khái niệm "tiệc" chỉ xuất hiện tại đình, và không thể có ở chùa hoặc đền... Mặt khác, vị trí dự lễ của các tu sĩ, chức sắc trong Giáo Xứ, và giáo dân đều phân thành ba cấp riêng biệt tại hai "sâīp rồng" kề bên lối vào chính, tương tự như cách ngồi dự tiệc tại đình làng. Còn tên gọi "Phương" nhằm nêu lên hình dạng mặt bằng gần như là một hình vuông (17m và 21m). Theo một số chuyên gia có nhiều nghiên cứu về đình, hình mặt bằng "gần vuông" vẫn có thể xem là "Phương Ðình".

Từ những điều như vừa nêu, ý tưởng nổi bật của tác giả Trần Lục là sự tôn thờ Thiên Chúa không đồng nghĩa với việc tách rời và chối bỏ các phong tục tập quán dân tộc. Mặt khác, nó cho ta một nhận định đây là phương cách tôn thờ Thiên Chúa theo cách của những người Việt, mà đời sống đã từng bám rễ vào dòng sinh hoạt của làng.

Xét ở góc độ văn hóa, diễn trình lịch sử đã chứng minh tam giáo từ khi du nhập vào nước ta đã tiếp biến và hình thành "Tam Giáo Việt Nam" với những đặc điểm thờ tự theo cách riêng, nhằm phù hợp với tâm thức dân tộc. Qua hình thức vừa nêu chúng ta có thể nhận định đây là một tiền đề chuẩn bị cho một hành trình chuyển đổi Việt hóa Ki-tô giáo và là những bước đầu hội nhập văn hóa phương tây vào Việt Nam, mà văn hóa Ki-tô giáo đã khởi sự bằng những đóng góp rất thiết thực.

Từ đường ngoài, qua khung cửa nhỏ có ghi chữ Hán là "Ðông Dịch" là không gian mở rộng trải dài của ao hồ trước quần thể. Hết phần này, không gian lại bị thu hẹp dần ở Phương Ðình để rồi mở vào sân trong, Nhà Thờ lớn xuất hiện ở cự ly gần với ấn tượng mạnh mẽ về cả qui mô lẫn hình thức. Không gian tiếp tục được "đóng" lại ở lối vào chái kiệu, để cuối cùng mở ra toàn vẹn chiều kích huy hoàng của nội thất Nhà Thờ. Sự rực rỡ và kỳ vĩ sẽ là ấn tượng khắc sâu từ những bước đầu đặt chân vào "Thánh Ðiện".

Cách tổ chức bố cục này trong một chừng mực nào đó, đã mang dấu ấn của phong cách tạo cảnh phương Ðông. Ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến Văn Miếu - Hà Nội như một ví dụ đối chứng cho nghệ thuật xử lý "đóng mở" và liên tục tạo nên những không gian mới. Cách xử lý đã tạo được ảo giác về sự rộng rãi, bề thế trên một diện tích khiêm tốn.

Mặt khác, trong Quần Thể Thánh Ðường Phát Diệm, cây xanh luôn có vai trò làm sinh động và mềm mại hơn cho công trình kiến trúc qua bức phông xanh mượt mà, kết nối và hội nhập từng thành phần vào chủ thể chính là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Sự hiện diện của cây xanh còn diễn tả cho mong ước hài hòa, thuận hợp với Tạo hóa, vốn là tiêu chí hàng đầu cho những công trình kiến trúc tôn giáo nói riêng, và kiến trúc truyền thống nói chung.

Lân cận và gắn bó với Nhà Thờ Lớn trong một bố cục tổng thể hữu cơ, ao hồ, núi Sọ, hang Lộ Ðức, kiến trúc Phương Ðình không chỉ dừng ở mức độ là sản phẩm của địa lý mà còn làm tăng thêm sự quyến rũ của bức tranh hữu tình "sơn thủy". Tất cả góp phần làm thi vị hóa những hình ảnh Phúc Âm vốn là những giáo hóa Ðức Tin mà tác giả muốn dành cho toàn thể giáo dân Phát Diệm.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 19, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page