Phương Ðình

Nhà Thờ Lớn Phát Diệm (Tiếp Theo)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaires in Asia

 

2. Mặt Cắt:

Khối đế của Phương Ðình có cấu tạo là một khối xây bằng đá tương tự như Ngũ Môn của Nhà Thờ lớn, ở giữa được xây vòm cuốn đặt tải trọng trên hệ thống cột đá, tạo ra không gian linh hoạt, thông thoáng chung cho cả 3 lối vào. Hệ cột có đặc điểm là làm theo hình bát giác như thường thấy ở các kiến trúc cung đình Huế, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ hình thức Tháp Chàm. Mặt trên của khối có xây lát gạch tàu với hai cao độ khác nhau: ở giữa Phương Ðình là 9,75 m, hai bên thấp hơn, chỉ có 8,55 m. Tổng chiều cao là 22 m tính cho đến đỉnh của cây Thánh Giá.

Bốn tháp nhỏ ở bốn góc đều được thiết kế cùng một hình thức: ở tầng một là cột, dầm xây bằng gạch đá tạo thành khung, bên trên đặt hệ kèo gỗ cổ truyền. Trên thực tế, mặt bằng các tháp đều là hình chữ nhật, nhưng vì tượng Thánh đặt ở trên có chiều rộng đế khá lớn nên đã phủ kín bồ nóc, tạo cảm giác là tháp có hình vuông. Ở khối tháp trung tâm, hệ khung chịu lực bên dưới vẫn là khối xây bằng gạch đá, với 14 cột biên và 4 cột giữa lòng tháp, cũng có hình bát giác. Hệ kết cấu gỗ phía trên với 4 cột gỗ chính, sẽ truyền tải trọng xuống 4 cột ở tầng một. Kết cấu này là sự kế thừa từ hình thức xây cổng thành vốn rất thuần thục đối với các tay thợ đáng mặt nghệ nhân của Thanh Hóa do Cha Trần Lục mời về. Bộ khung xây gạch đá cuốn vòm phối hợp cùng kết cấu gỗ cổ truyền là một vận dụng đầy tính sáng tạo, hiếm thấy trong các kiến trúc dân gian. Phương thức xây dựng này nhằm đồng bào độ cứng của toàn bộ tháp, vốn phải thường xuyên chịu lực gió trên cao cùng với thời tiết mưa bão.

 

3. Mặt Ðứng:

Nhìn chung, mặt đứng Phương Ðình đã sử dụng hình thức kiến trúc Tam Quan, với cách giật khối mạnh mẽ, tạo được điểm nhấn ở ngay lối vào, và một số đường nét đã được phong phú hóa bằng cách pha trộn những mô-típ trang trí Thánh Ðường phương Tây như cung Gothique ở lối vào. Theo phong cách trang trí truyền thống, những điêu khắc trên bề mặt Tam Quan thường được dàn trải, uốn lượn theo vòm cổng, điểm từng góc, không phân thành các ô điêu khắc nhỏ như trên mặt đứng của Phương Ðình.

Những ô phù điêu này có nội dung ghi lại sự tích Chúa Giê-su từ khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem để sẽ chịu Thương Khó cho đến khi thăng thiên. Những hình ảnh này luôn toát lên tâm thức của các nghệ nhân người Việt, những hàng cây chà là của xứ Palestine được cách điệu tương tự như những rặng dừa, bụi chuối của Việt Nam, xen lẫn với các sinh hoạt trong Kinh Thánh, hoặc các tượng Thánh ăn mặc theo kiểu Do-thái được cách điệu giống như mặc áo cà sa, lại hình như mượn dáng dáp đằng vân của đạo Lão nữa! Thật ra ở đây, theo Thần Học Ki-tô giáo, hình thức đứng trên mây vốn là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong hội họa phương Tây, chỉ có điều các đường nét khắc họa mây lại theo phong cách Á Ðông.

Ở tầng trên, hình ảnh dân tộc đã ghi nhận dấu ấn trên những nét cong vút của mái đao, thanh thoát, êm ả như gác chuông của chùa Trăm Gian. Trên chóp đỉnh chỉ có cây Thánh Giá là biểu trưng duy nhất của một ngôi Thánh Ðường Công Giáo. Ở các góc mái đao, hình tượng rồng không được sử dụng mà thay vào đó là họa tiết cách điệu từ hoa lá, bởi theo ý nghĩa Thần Học Kinh Thánh thì rồng lại là hiện thân cho Sa-tan, kẻ chống đối phản nghịch cùng Thiên Chúa, nếu cứ quen dùng theo truyền thống dân gian Việt Nam thì lại dễ gây ngộ nhận, lầm lạc về Ðức Tin Ki-tô giáo.

Ðặc điểm nổi bật nhất và gây chú ý nhiều nhất ở Phương Ðình lại là hình tượng các Thánh ngồi ở trên 4 nóc tháp nhỏ ở 4 góc. Theo kiến trúc Thánh Ðường phương Tây, các tượng Thánh chỉ bố trí trên mặt đứng hoặc ở đường chéo dọc các tường đầu hồi. Ở đây, tác giả đã mượn từ hình thức họa tiết đóa sen, bình nước Cam Lồ thường đặt trên các đỉnh tháp Phật Giáo. Vì thế. Mặc dù lạ mắt, nhưng cách thức này vẫn dễ dàng được chấp nhận vì nó khơi gợi những hình ảnh rất quen thuộc trong ký ức xa xưa của các tín hữu trước khi Công Giáo được truyền vào Việt Nam.

Như vậy, vẫn nằm trong khuôn khổ sử dụng hình thức tổng quát là kiến trúc truyền thống Việt Nam, tác giả đã gửi gấm được những giáo huấn Ðức Tin lồng trong những hình tượng Tây phương đã được Việt hóa, nên lại trở nên quen thuộc và gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Những nét biến thể rất hài hòa êm ả ấy khiến cho Phương Ðình vẫn giữ được trọn vẹn tinh thần đặc thù của Á Ðông mặc dù nội dung biểu đạt lại phát xuất từ một nền văn hóa khác hẳn.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 18, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page