Phương Ðình Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

II. Phương Ðình:

Mặc dù không gữ vai trò quan trọng như Thánh Ðường, nhưng Phương Ðình chính là điểm nhấn thiết yếu nhất trong toàn bộ bố cục mặt đứng cùng Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm, đồng thời, là điểm gây ấn tượng rất sâu sắc về hình thái kiến trúc và nghệ thuật Công Giáo trong buổi đầu hội nhập văn hóa trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

 

1. Mặt Bằng:

Với chức năng là một lầu chuông, một tháp chuông vĩ đại. Mặt bằng tầng trệt Phương Ðình có dạng hình chữ nhật với 4 hình vuông đặt tại 4 góc, kích thước chiều dài là 21m, sâu 17m. Phương Ðình có ba lối vào chính và hai lối phụ sát hai bên, hai lối này chỉ có tác dụng điểm xuyết cho mặt đứng, duy chỉ có lối bên trái là đường dẫn đến cầu thang đi lên tầng trên. Giữa ba lối vào chính đều có lắp đặt một phiến đá chạm trổ hoa văn, hình thức tương tự như long sàng tại các đền thờ vua chúa. "Long sàng" ở ngay lối chính, theo truyền tụng chính là sập rồng của thành Tây Giai được mang về. Việc bố trí "long sàng" ngay lối vào, không hề có ý nghĩa gì nếu quan sát trên góc độ lễ nghi tôn giáo truyền thống, tuy nhiên, tại Phương Ðình, nó lại được sử dụng để nhấn mạnh tính trang nghiêm trân trọng và thành kính.

Theo thông lệ, vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, đây sẽ là nơi lưu giữ Thánh Thể, mô phỏng lại Bàn tiệc Ly của Chúa Giê-su và Nhóm Mười Hai môn đệ. Vì vậy, trên mặt đứng Phương Ðình có khắc 4 chữ Hán là "Thánh Cung Bảo Tòa". Từ "Thánh Cung" vốn dùng để chỉ về đức vua. Ở đây cả 4 chữ này phải dịch là "Tòa Quý của Chúa". Ngoài ra còn có thêm một hàng chữ La-tinh giới thiệu đây là Nhà Nguyện trong ngày Tiệc Ly của Chúa. Dọc theo lối vào có cẩn 10 bức phù điêu bằng đá, chạm chân dung các Thánh. Bên dưới là các chấn song mang hình cây trúc vốn là một hình tượng của tính cách Quân Tử trong tư tưởng phương Ðông.

Tầng trên xây dựng 5 khối tháp, mỗi khối có 3 tầng với cấu trúc của lầu thức, lợp ngói mũi hài. Tại tháp trọng tâm có đặt một chiếc trống khổng lồ, sử dụng vào những dịp có Lễ Trọng và Lễ Hội Rước Kiệu. Kiến trúc lầu trống vốn là một một thành phần không thể thiếu được ở các ngôi đền và đình Việt Nam xưa nay, đặc biệt là những ngôi đình được xây dựng ở thế kỷ thứ 19. Bốn tháp còn lại được đặt ở bốn góc, trên đỉnh mỗi góc đặt tượng một trong bốn vị Thánh chép bốn Sách Tin Mừng: Mát-thêu - Mác-cô - Lu-ca và Gio-an.

Tầng thứ ba của Phương Ðình có treo một quả chuông Nam vĩ đại, nặng gần 2 tấn, được đúc năm 1890. Gọi là "chuông Nam" được đánh lên bằng cây vồ rất lớn theo phương nằm ngang, để phân biệt với hầu hết các quả "chuông Tây" luôn luôn được kéo bằng dây theo phương dọc mà chúng ta quen gặp lâu nay ở các Nhà Thờ Công Giáo. Nhiều người lại lầm tưởng đây là một dạng chuông chùa. Tuy nhiên, ngay từ thời xa xưa, chuông vốn dĩ đã được xem là trong các loại nhạc khí cung đình. Chuông cũng còn được dùng trong các gia tộc giàu sang quyền quý (như đã từng có các câu lưu truyền trong dân gian như: "Kiếp luồn cúi đỉnh chung mà nhục" - "Chung minh đỉnh thực" - hay câu: "Ðói no có thiếp có chàng, còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình"...). Như vậy, rõ ràng chuông không phải là thứ sở hữu riêng trong các chùa chiền là nơi thờ tự của Phật Giáo.

Cách bố trí lầu chuông ngay ở Tam Quan như chúng ta thấy ở đây thật sự là một nét hội nhập văn hóa Ðông phương tuyệt vời. Bởi các Thánh Ðường theo kiến trúc Tây phương cùng thời đều chọn hình thức xây dựng tháp chuông cao vút, vượt hẳn lên so với bố cục tổng thể của toàn bộ công trình. Trong khi ở đây, lầu chuông lại tọa lạc ở Tam Quan giống như khá nhiều ngôi chùa, ngôi đền ở Á Ðông nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Cũng cần xin lưu ý là kiến trúc Tam Quan không phải là nét đặc trưng của Phật Giáo tại Việt Nam, nhưng là kiểu thức kiến trúc truyền thống Ðông phương như chúng ta đã biết với cổng Tam Quan của Văn Miếu Môn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ở các cổng làng, cổng đình Việt Nam.

Như vậy, đối với các tín hữu Công Giáo sống trong khu vực, những lời mời gọi thiêng liêng hãy tìm đến thờ phượng Thiên Chúa, đã không mang sắc điệu là những thanh âm rộn rã lanh lảnh của tiếng chuông Nhà Thờ phương Tây, nhưng lại được âm vang ngân vọng một cách thâm trầm thâm u bằng những hồi chuông Nam thong thả khoan thai, giống như tiếng chuông chùa sâu lắng huyền nhiệm đã từng đi vào tâm thức của cộng đồng người Việt, vốn là biểu tượng của sự giải thoát linh hồn khỏi cảnh thế sự thăng trầm và phù vân hư ảo này. Bên cạnh đó, lại còn có tiếng trống lớn thúc lên dồn dập từng hồi như khơi lại tính trẻ trung hân hoan của những ngày Lễ Hội dân gian của đình làng.

Ở đây, cha Trần Lục đã khéo léo vận dụng cùng một "ngôn ngữ" dân tộc để dễ dàng đạt tới sự hiệp thông trong cộng đồng người Việt, đồng thời cũng phác lên những dấu chỉ, những tín hiệu khao khát hội nhập văn hóa, khai mở cho một sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa Ðông - Tây, mà trong đó, có sự góp phần chính đáng của Văn Hóa Công Giáo như là một hạt nhân sống động và tích cực giữa lòng quê hương Việt Nam thân yêu.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 17, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page