Phân Tích Giá Trị Nghệ Thuật

Và Sự Giao Thoa

Trong Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi

Phát Diệm (Tiếp Theo)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

4. Ðường Kiệu:

Ngoài các Thánh Lễ được cử hành trong Nhà Thờ, Giáo Xứ vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc Rước Kiệu. Phần này sẽ lược qua lễ nghi này vì có liên quan đến Ðường Kiệu quanh Nhà Thờ, cũng là một thành phần gắn bó khá quan trọng với toàn bộ công trình Nhà Thờ Phát-diệm, và cũng thể hiện nhiều đặc nét của tính chất giao thoa văn hóa.

Theo truyền thống phương Tây, trong những dịp lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, Lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ, kính Thánh Bổn Mạng (Thánh Quan Thầy) của Giáo Xứ, kính Ðức Mẹ... đều có phần tổ chức Rước Kiệu. Khi ấy, giáo dân sẽ cung nghinh ảnh tượng Chúa Giê-su, Ðức Mẹ hoặc các Thánh đi vòng quanh Nhà Thờ, có khi ra hẳn ngoài đường lộ rộng rãi rồi mới trở lại sân Nhà Thờ. Nghi thức Rước Kiệu kết thúc cũng là lúc mọi người hân hoan khai mạc các cuộc vui nhộn nhịp náo nhiệt, Lễ xong thì Hội.

Ở Việt-nam, riêng tại quần thể Thánh Ðường Phát-diệm, nghi thức Rước Kiệu được tổ chức trong phạm vi khuôn viên Nhà Thờ lớn và vườn hoa, trên một Ðường Kiệu rộng khoảng 3m. Hình thức của kiệu, thường là Kiệu Bát Cống, được một phường thợ giỏi chạm trổ công phu tinh xảo bằng loại gỗ thật tốt, sơn son thếp vàng rực rỡ và lộng lẫy mà vẫn không kém phần trang trọng thánh thiêng.

Theo quy định Phụng Vụ của Giáo Hội, đi đầu đoàn Rước Kiệu là chú lễ sinh cầm bình hương, rồi đến Thánh Giá và nến cao, theo sau là đội nhạc và trống, trắc, chiêng (ngày nay có nơi dùng đội kèn đồng), kế nữa là đoàn giáo dân trang nghiêm xếp hàng đi theo trong áo dài khăn đóng, rồi đến các đoàn thể trong Giáo Xứ, các lễ sinh và cuối cùng là vị chủ sự (Giám Mục hoặc Linh Mục).

Hai bên Ðường Kiệu là hàng cột treo cờ Ngũ Hành và cờ hai màu trắng vàng của Vatican.

Nhiều người không hiểu sâu xa có thể cho rằng bên Công Giáo bắt chước hình thức "chạy đàn" của Phật Giáo hoặc của một số cuộc Lễ Hội dân gian (đường "chạy đàn" là đường mà các Phật tử vừa tụng niệm vừa đi quanh Bàn Thờ Phật hoặc đi quanh ngôi Chùa). Thật ra, nghi thức Rước Kiệu Công Giáo ở Phát-diệm đã được Việt hóa bằng cách sử dụng các chất liệu truyền thống của người Việt-nam như Kiệu sơn son thếp vàng, quần áo, cờ lọng, âm nhạc... Và như thế, một mặt vẫn trung thành với mục đích tôn vinh Thiên Chúa và sùng kính Ðức Mẹ và các Thánh, một mặt lại vẫn thể hiện được phong hóa và bầu khí truyền thống dân tộc, khiến cho Công Giáo dễ dàng được người dân đón nhận và tôn trọng chứ không phải như là một thứ tôn giáo xa lạ ngoại lai.

Căn cứ theo những định nghĩa chuẩn xác của UNESCO, chúng ta có thể xem những hệ thống lễ nghi tôn giáo tại Phát-diệm là những "di sản văn hóa phi vật thể".

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 16, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page