Phân Tích Giá trị Nghệ Thuật

Và Sự Giao Thoa Văn Hóa

Trong Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi

Phát Diệm (Tiếp theo)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

3. Mặt Ðứng Nhà Thờ:

Mặt đứng Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi có cấu trúc ở phần đế là một khối xây bằng đá có trổ 5 lối vào. Mặt bằng lẫn mặt đứng đều giật cấp, với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần sang hai bên. Trên khối này có ba tháp, mỗi tháp hai tầng, lợp ngói mũi hài với đầu đao cong lượn thanh thoát như mái đình chùa. Ở đỉnh tháp giữa là tượng hai thiên thần chầu phục Thánh Giá và hai thiên thần thổi loa. Bên dưới có đề bốn chữ Hán: "Thẩm Phán Tiền Triệu" (nghĩa là: điềm báo trước vào ngày Phán Xét cuối cùng).

Trong một số tài liệu, khi giới thiệu về Nhà Thờ Phát-diệm, người ta thường xem khối Chái Kiệu là một hình thức mô phỏng kiến trúc "Ngũ Quan" của Phật Giáo, tức là ngoài Tam quan còn có thêm hai lối vào hai bên. Trong thực tế, Tam Quan có tên gọi đúng là "Tam Quán" thể hiện cho Không Quán, Giả Quán và Trung Quán, vốn là những triết lý sâu xa của nhà Phật. Ở các công trình lớn, cổng Tam quan chỉ mở để đón khách thập phương trong những dịp lễ quan trọng. Vào ngày thường, nhà Chùa chỉ mở hai cửa nhỏ ở kế hai bên Tam Quan, được gọi là "Phương Tiện Môn". Vì vậy, khái niệm Ngũ Quan không xuất hiện trong kiến trúc Phật Giáo.

Mặt khác, những kiến trúc đá với hình thức tương tự đã có từ trước như cổng thành nhà Hồ hoặc đã được xây dựng tại Huế như Ngọ Môn. Năm cửa của Ngọ Môn thể hiện cho tư tưởng Nho Giáo, đề cao tính tôn ti trật tự, mỗi lối vào đều tương ứng với đẳng cấp trong triều đình, và hình thức này chỉ xuất hiện trong kiến trúc cung đình. Có thể, ở đây cha Trần Lục chọn sử dụng hình thức cửa cung đình để diễn tả ý tưởng một cổng dẫn vào Thánh Ðiện của Thiên Chúa (?)

Ðặc điểm nổi bật nhất của Chái Kiệu Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi là những điêu khắc trên mặt đứng. Bên trên lối vào chính ở giữa là phiến đá dài chạm trổ một bụi hoa Mân Côi từ giữa tỏa ra, ẩn hiện hình ảnh 17 vị thiên thần. Có thể xem bức phù điêu này là tuyệt tác của nghệ thuật chạm sâu, gương mặt các vị thiên thần được diễn tả sắc xảo và giàu tính biểu cảm. Phía trên 5 lối vào còn chạm nổi 15 bức phù điêu ghi lại các mầu nhiệm trong Tràng Chuỗi Mân Côi, bên dưới còn nhiều bức chạm với chủ đề bát bửu, mai lan cúc trúc... là những hình ảnh trang trí rất quen thuộc trong kiến trúc truyền thống Việt-nam.

Bà Yvonne Schultz trong một dịp tham quan và khảo cứu tại đây đã thốt lên lời thán phục: "Những tác phẩm điêu khắc trên 5 cửa chính của Nhà Thờ gợi lên những biểu tượng kỳ bí của sự hiệp thông hai lối kiến trúc Indo-Gothique... Những nhân vật giống như người ban sơ nhưng mang vẻ mặt Phật Giáo... tất cả những điêu khắc kỳ lạ đó làm tôi ngỡ ngàng và cảm phục vô cùng..."

Xét về hình dạng các cuốn vòm trên mặt đứng Nhà Thờ, dạng cung nguyên của truyền thống đã được thay thế bằng dạng cung gãy nhiều tầng, có nguồn gốc từ nét trang trí Nhà Thờ Gothique, kết hợp với những nét uốn cong mô tả những nếp gấp của bức màn được vén lên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những nếp gấp này mô phỏng từ Y Môn, tức là tấm vải che trước các Bàn Thờ thường thấy trong các đền và đình Việt-nam.

Theo suy nghĩ chủ quan, những nếp vải màn này có ý nghĩa Thần Học riêng, không có sự liên hệ gì đến các lễ nghi tín ngưỡng của nước ta, nhưng là diễn tả sự Mạc Khải (Revelatio - Révélation - Mạc là màn, Khải là mở ra, là vén lên) của Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa muốn vén tấm màn huyền nhiệm cao siêu của Thiên Chúa cho nhân loại được hiểu thấu và đón nhận Tình Yêu của Người.

Ở mặt bên, bộ mái to lớn đã được làm giảm bớt dáng vẻ nặng nề bằng một vạch cắt ngang của dãy cửa mái, tạo cảm giác như thể khối nhà được xây hai tầng. Mặt khác, nhờ những đường nét lượn cong từ mái ngói các khối tháp, các phù điêu, các hàng chấn song, các hoa văn trên lá mái... đã góp phần tạo sự mềm mại và hài hòa chung cho mặt đứng.

Ðáng lưu ý ở những cửa trổ bên hông Nhà Thờ, do có tác dụng là lối vào nên được bố trí thêm các bình Nước Phép, và tượng chạm khắc đá mang hình Trái Tim Chúa Giê-su được lồng giữa những đóa hoa sen. Có người lầm tưởng đây là một nét hòa hợp hòa đồng tôn giáo giữa Công Giáo và Phật Giáo, nhưng thật ra hoa sen chỉ quen được dùng gắn liền với Phật Giáo mà thôi. Do vậy, cũng phải nói thêm là hiện tượng hoa sen cũng đã từng được Phật Giáo có nguồn gốc Ấn-độ, đã hội nhập vào với văn hóa Việt-nam trước Công Giáo, bởi hoa sen (cùng với cây tre, cây trúc...) gần như đã được coi là hình tượng đặc thù của người quân tử Việt-nam. Và ở đây, cha Trần Lục cũng đã cố gắng thể hiện tâm tư hội nhập văn hóa ấy nơi một Nhà Thờ Công Giáo.

Nhận xét chung về mặt đứng, chúng ta nhận thấy mặc dù kiến trúc công trình vẫn vận dụng những kiểu thức tô điểm và trang trí bằng những hiện tượng điêu khắc sinh động và giàu ý nghĩa của phương Tây, nhưng tất cả lại được lồng trong những hình dạng rất tiêu biểu của kiến trúc truyền thống Á Ðông như ngũ môn, tháp mái ngói...

Phong cách truyền thống Á Ðông ở đây đã lấy bộ mái làm chủ thể cho việc biểu đạt thẩm mỹ ngoại thất, cũng như cho việc bộc lộ tính cách giàu biểu tượng trong từng chi tiết. Thế nhưng, tác giả đã không dừng lại, mà đã khéo léo bổ sung các thủ pháp kiến trúc phương Tây vốn dĩ hay vận dụng những chi tiết điêu khắc, các gờ chỉ... để tăng thêm hiệu quả thẩm mỹ xuất chúng cho mặt đứng. Chúng ta có thể lấy ví dụ với lăng Minh Mạng làm một minh họa đối chứng. Minh Mạng vốn là một vị vua có nhiều mặt chịu ảnh hưởng Tây học. Sự tổng hòa những phong cách Ðông và Tây đã góp phần hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt-nam, với dạng hình quen thuộc trên tổng thể nhưng lại không thiếu những đường nét tinh vi sắc xảo trên từng chi tiết của công trình.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 15, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page