Phân Tích Giá Trị Nghệ Thuật

Và Sự Giao Thoa Văn Hóa

Trong Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi

Phát Diệm (Tiếp theo)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

2. Mặt Cắt Nhà Thờ:

Như đã nêu ở phần trước, hiệp thông kết cấu của Nhà Thờ Lớn được sử dụng dưới 2 hình thức khác nhau: Gian mặc áo và chái kiệu bằng khối xây gạch đá; riêng lòng Nhà Thờ và Cung Thánh thì lại dùng kết cấu gỗ cổ truyền. Chúng ta sẽ phân tích mặt cắt ngang của những gian sử dụng kết cấu gỗ, vốn mang nhiều đặc điểm đáng quan tâm.

Mặt bằng trong đoạn này được phân làm 10 gian, sử dụng 9 bộ vì giá chiêng - chống rường, với 6 hàng cột. Lược bớt 2 cột sát Bàn Thờ, toàn bộ tải trọng phần mái ngói được phân bố trên 52 cột gỗ lim, với những cột cái có chiều cao 12 m, chu vi 2,4 m và nặng 7 tấn. Thông thường, chiều cao nhà dân gian chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2 phần 3 chiều rộng, hạn chế xây cao để tránh lực xô ngang của gió bão. Nhưng ở đây, mặt cắt Nhà Thờ Lớn đã vượt trên 15 m chiều cao, so với 18 m chiều ngang thì tỷ lệ là 4 phần 5 vì có thêm cấu tạo của tầng chồng diêm. Chồng diêm vốn không xa lạ với kiến trúc truyền thống, tuy nhiên, thực hiện với chiều cao đến 2,5 m thì hầu như không ở đâu dám làm như thế. Ngoài việc lấy ánh sáng, tác giả còn nhằm mục đích tạo độ cao vút ở không gian chính, tương tự như các Thánh Ðường phương Tây. Ðây là các yếu tố gắn liền với khung cảnh phụng thờ Ki-tô giáo, mong muốn tạo ra những không gian hùng vĩ khiến con người có cảm giác bé nhỏ trước Ðấng Tạo Hóa, và ngược lại, độ cao này cũng khơi gợi cho sự thăng hoa tâm hồn.

Những sáng tạo độc đáo trên mặt cắt đều thể hiện đa phần tại vị trí mái chồng diêm. Những đặc điểm về khí hậu nhiệt đới đã được quan tâm chu đáo, một hành lang dọc dãy cửa mái đã được xây dựng thêm, giúp cho việc đóng mở cửa được dễ dàng, tạo điều kiện thông thoáng cho nội thất. Kết cấu hành lang tương tự như hình thức xây dựng các tháp lầu của kiến trúc Phật Giáo, bề mặt được chống thấm bằng cách lát gạch tàu. Ðến thời cha Kim làm cha sở Phát-diệm, khoảng sau năm 1954, nhằm mục đích che mưa, mái chồng diêm đã được lắp thêm các rầm chìa công-son (console) bằng gỗ dài 1,5 m, đầu tựa trên một thanh sắt để truyền tải trọng xuống bộ vì nách, thay vì phải sử dụng cột gỗ hay cột gạch như vẫn được thấy trong các kiến trúc truyền thống. Ðây là một cụm chi tiết đã vận dụng từ những kinh nghiệm trong kiến trúc cổ truyền, lẫn phương thức xây dựng của phương Tây.

Qua dãy cửa mái, ánh sáng luôn lan tỏa từ trên cao như biểu hiện tính siêu vời của Thiên Chúa. Ở những vị trí dành cho giáo dân, do bị tán xạ trên bề mặt gỗ để trần, đồng thời bị khuất lấp độ vươn xa của mái hiên nên không gian chung trong nội thất vẫn giữ được sự tranh tối tranh sáng, là những nhân tố giúp cho việc hồi tâm cầu nguyện được thêm sốt sắng mà trầm mặc.

Xét về nghệ thuật trang trí, lòng Nhà Thờ giữ lại tính chất đơn sơ cần có của bầu khí cầu nguyện không bị lo ra chia trí. Ở tầm nhìn thấp, không có các hình thức điêu khắc trên thân cột hoặc trên bệ cửa gỗ. Tất cả đều dừng ở mức độ tạo độ hấn trên bề mặt và để lộ màu sắc nguyên thủy của vật liệu. Với tầm nhìn cao, không gian được tác giả dành riêng để cùng hòa nhịp với sự hướng thượng của tâm hồn cầu nguyện. Hệ vì kèo được điêu khắc đã mang lại sự thanh nhã và uyển chuyển khi khai thác những đường cong mềm mại hoặc gãy góc của hoa lá. Trang trí ở đây không nhằm phô trương kỹ năng kỹ xảo, nhưng chủ yếu chỉ điểm xuyết và làm sống động hơn vẻ đẹp tự thân của kết cấu, tương tự như cái đẹp vốn có của những vòm đá giai đoạn kiến trúc Gothique. Cách diễn đạt đã đi vào phong cách mới, tập trung vào những mảng và đường nét rộng, không chạy theo những chi tiết nhỏ nhặt phức tạp. Việc sơn son thếp vàng chỉ dành riêng cho gian Cung Thánh, làm nhiệm vụ tạo thêm sự cuốn hút và diễn tả vinh quang tột bậc của Thiên Chúa.

Mặt cắt ngang Nhà Thờ đã là một minh chứng cho tính linh hoạt của không gian kiến trúc cổ truyền: bộ khung kết cấu dân gian đã được vận dụng tài tình nhằm thể hiện một hình thức kiến trúc tôn giáo phương Tây, vốn đòi buộc những chiều kích vĩ đại, là phương tiện để diễn tả vinh quang Thiên Chúa. Mặt khác, sự trầm mặc của những chiêm nghiệm tâm linh vẫn có thể tìm được không gian quen thuộc. Sự tĩnh lặng, hư ảo của bầu khí tín ngưỡng truyền thống vẫn hiện hữu để đáp ứng những tâm thức của giáo dân người Việt. Những hình thái phụng tự Ðông - Tây đã được gắn kết rất thành công, là một tín hiệu cho sự cộng sinh văn hóa Ki-tô giáo giữa lòng văn hóa cổ truyền Việt-nam, và cũng góp phần làm phong phú nền kiến trúc dân gian truyền thống Việt-nam.

Với tải trọng rất lớn ở mỗi chân cột, hơn nữa, nền đất tự nhiên ở đây lại rất yếu, việc xử lý móng cho Nhà Thờ Lớn hết sức phức tạp. Theo một số tài liệu được nêu lên trong Bài Giảng của Ðức Cha Bùi Chu Tạo trong Thánh Lễ khai mạc 100 năm Nhà Thờ Lớn Phát-diệm, cha Trần Lục đã cho đào một hố sâu, rộng bằng khuôn viên sẽ xây dựng Nhà Thờ, dùng tre (luồng) đóng kín ở đáy hố, có chỗ đóng sâu từ 30 đến 32 m. kế đến là lớp đệm bằng cát và đá, được trâu bò đầm lên thật kỹ, bên trên là cả một "rừng tre" xếp ngang, xếp dọc thành những tấm vỉ, được bùn đất lèn chặt, trên cùng là khối móng xây gạch đá rất chắc chắn. Ðây là phương thức mà ngày nay chúng ta gọi là "móng bè".

Trên mặt cắt dọc, chúng ta nhận thấy Nhà Thờ Lớn được phân làm 3 đoạn: khu vực sử dụng kết cấu gỗ ở giữa và hai khối xây rất lớn ở hai đầu. Hai khối xây này có tác dụng như hai cái "khóa" theo phương dọc Nhà Thờ, hay nói cách khác, hai khối xây hai đầu là hai "tấm vách kiên cố" để toàn bộ khu vực ở giữa có hai điểm tựa. Các "vách cứng" này đều xây dựng trên nền phương thức cổ truyền là "thượng thu, hạ thách" nhằm mục đích kềm giữ những thành phần bên trong. Giải pháp này đã tạo được sự ổn định cho công trình trong thời gian rất lâu dài, tránh được nhiều tác động xấu do mưa bão vốn rất thường xuyên xuất hiện tại Ninh-bình.

Cũng trên mặt cắt này, chúng ta có thể nhận thấy những cao độ khác nhau của từng thành phần trong Nhà Thờ đã được thể hiện hết sức chi tiết với những dụng ý thiết kế cụ thể của tác giả hầu diễn tả được rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Theo tư tưởng Triết Học phương Ðông, những con số lẻ trong hệ thập phân thường mang ý nghĩa của một sự triển nở phát huy không ngừng. Ðã từ lâu, việc gắn những con số lẻ vào cấu trúc xây dựng đã được xem như những tập tục thể hiện cho lòng ước muốn những điều tốt lành. Ở đây, chúng ta gặp con số 3 ở tam cấp bước vào Nhà Thờ; Cung Thánh cao hơn phần dành cho giáo dân đúng 3 bậc; Bàn Thờ lại cao hơn nữa với 9 bậc. Thông thường, con số 9 chỉ dùng trong kiến trúc cung đình, dành riêng cho các bậc đế vương, chứ trong Thần Học Ki-tô giáo không hề thấy con số 9 biểu trưng cho điều gì. Riêng từ sân bước vào chái kiệu thì lại chỉ phải bước qua 4 bậc cấp, có điều gì lạ ở đây chăng? Thì ra, theo tài liệu Ðiển Ngữ Thần Học Công Giáo: số 4 là con số chỉ toàn thể vũ trụ. Vậy 4 bậc ở chái kiệu cộng với tam cấp ở cửa Nhà Thờ thành số 7, một con số đi đôi với những vật rất thánh.

Như vậy, một lần nữa, chúng ta nhận dạng ở đây quá trình tích hợp đa văn hóa Ðông - Tây. Ðó là cách thể hiện một tâm tình siêu tôn Thiên Chúa, Ðấng Tối Cao Chí Thánh, đồng thời lại vẫn hội nhập vào tình tự của dân tộc với những nét văn hóa tinh tế uyên thâm.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 14, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page