Phân Tích Giá Trị Nghệ Thuật
Và Sự Giao Thoa Văn Hóa
Trong Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi
Và Phương Ðình Phát Diệm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung vào cụm hai công trình lớn nhất là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi và Phương Ðình, được xem như chủ thể của Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm. Ðây là nơi mà cha Trần Lục đã đầu tư tham khảo kiến trúc cung đình Huế và nỗ lực chuẩn bị vật tư suốt mười năm. Có thể nói, cụm công trình này là ỵai diện khẳng định giá trị chung của tổng thể.
Bên cạnh việc phân tích các giá trị nghệ thuật và sự giao thoa văn hóa, chúng ta sẽ đề cập nhiều hơn đến các ý nghĩa Thần Học, những biểu tượng tín ngưỡng hằng gắn bó với đời sống Ðức Tin, là những mặt văn hóa tâm linh vốn luôn hàm ẩn trong các công trình kiến trúc tôn giáo.
I. Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi:
Cha Trần Lục đã xây dựng Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi, thường gọi là Nhà Thờ Lớn, vào năm 1891. Sau này, đây sẽ là Nhà Thờ Chính Tòa (Cathédrale), tức là có đặt Ngai Giám Mục (Cathedra) kể từ khi thành lập Giáo Phận Phát-diệm theo sắc lệnh của Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII ngày 19.4.1901, với Ðức Cha Alexandre Marcou Thành về nhận Giáo Phận ngày 8.2.1902.
1. Mặt Bằng Nhà Thờ:
Mặt bằng Nhà Thờ có kích thước dài 71,50m và rộng 21m, tuân thủ đúng nghiêm lệ phân chia mặt bằng theo truyền thống xây dựng Thánh Ðường phương Tây. Mặt bằng trệt bao gồm: Chái kiệu, lòng Nhà Thờ, Cung Thánh và gian mặc áo.
Phía trên tiền sảnh lòng Nhà Thờ là gác gỗ, khu vực dành cho ca đoàn. Ðiểm ghi nhận tổng quát là kích thước bốn thành phần này không đều nhau. Ở phần tiền sảnh và gian mặc áo đều có độ rộng lớn hơn khu vực dành cho giáo dân. Mặt bằng chung không phải là hình chữ nhật, mà là theo hình chữ Công (giống như số I La-mã). Mặt bằng hình chữ Công vốn rất phổ biến trong các công trình kiến trúc tôn giáo ở Việt-nam.
Ở cuối Nhà Thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối xây bằng đá hoa cương, phần đế được xây cuốn vòm, tạo thành 5 lối vào Nhà Thờ. Dọc tường của chái kiệu có cẩn phù điêu chạm hình thiên thần với các nội dung trích từ Kinh Thánh, nói lên thái độ cần có khi cầu nguyện. Với kích thước khá sâu, chái kiệu đã thể hiện rõ vai trò một không gian chuyển tiếp, giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn trước khi cử hành Thánh Lễ.
Vừa qua cửa chính, tác giả đã tạo được sự tương phản lớn về chiều kích không gian, sự tràn ngập ánh sáng và màu sắc, để làm tăng thêm vẻ rực rỡ huy hoang của nội điện, đây là một thành công trong nghệ thuật tạo ấn tượng ở tầm nhìn đầu tiên khi mới biết chân vào bên trong Nhà Thờ.
Lòng Nhà Thờ được bắt đầu bằng gian tiền sảnh. Ðây là nơi bố trí các Bình Nước Phép, các Tòa Giải Tội và Giếng Thanh Tẩy. "Giếng" ở đây được đục từ đá cẩm thạch liền khối, đặt kề bên là Nến Phục Sinh. Cả hai được bài trí trong một không gian nhỏ có hàng rào gỗ vây quanh và phù điêu "Sư Tử nhà Giu-đa" (biểu tượng của Ðức Giê-su Ki-tô) làm phông ở hậu cảnh.
Ở thời đại Cha Trần Lục, do kỹ thuật khuyếch đại âm thanh bán dẫn hoặc điện tử bằng ampli và micro chưa được phát minh, đến phần bài giảng (homélie) của Thánh Lễ, Linh Mục phải đứng trên một giảng đài được đặt ở khoảng gần 1/ 3 phía giữa lòng Nhà Thờ để giáo dân có thể nghe rõ từng lời giảng của ngài.
Ngoài ra, để thích ứng với nhu cầu sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, cửa mái và cửa đi được trổ suốt hai bên để lấy ánh sáng và thông thoáng. Cấu tạo cửa đều thực hiện theo phong cách truyền thống "thượng song - hạ bản". Cửa này còn có tác dụng giúp các tín hữu có thể đứng bên ngoài Nhà Thờ mà vẫn tham dự Thánh Lễ một cách đầy đủ và sốt sắng khi trong lòng Nhà Thờ đã hết chỗ vì quá đông người. Bên trên các cửa có treo 14 hình diễn tả 14 Chặng Ðàng Thương Khó của Chúa Giê-su.
Nhà Thờ dành riêng hai gian cho phần Cung Thánh, vận dụng phương pháp lược bỏ hai cột sát Bàn Thờ và với phần nền được nâng cao hẳn lên so với khu vực của giáo dân. Khác biệt với không gian của lòng Nhà Thờ, phần Cung Thánh được trang trí với những đường nét mang phong vị quê hương của các bộ khung, cột, xà kẻ làm bằng vật liệu gỗ để trần.
Trần của Cung Thánh được đóng theo hình cung gãy Gothique, được sơn son có điểm các ngôi sao được thếp vàng. Ðến năm 1980 thì được sơn xanh để mô phỏng bầu trời Thiên Quốc. Tất cả làm toát lên một không gian uy nghiêm, lộng lẫy và hùng vĩ bề thế.
Mặt khác, nội dung 14 Chặng Ðàng Thương Khó Chúa Giê-su được tái hiện trên các bức phù điêu bằng đá với phong cách Ðông phương, ví dụ: hình ảnh quan tổng trấn Phi-la-tô được trình bày như một vị quan Việt-nam đầu đội mũ cánh chuồn.
Bàn Thờ là cả một tác phẩm điêu khắc vô giá, ba mặt đều chạm nổi những đóa hoa Mân Côi (hoa Hồng) biểu tượng của Ðức Mẹ. Kề bên là bàn thờ phụ có đặt tượng "Trái Tim Chúa Giê-su" và tượng "Ðức Me Sầu Bi". Cách bài trí phụng tự lại sử dụng những hình tượng truyền thống Á Ðông như cửa võng cùng các họa tiết dân gian có dáng dấp như các khám thờ ở các đền, các đình. Có thể xem đây như là một thông điệp bày tỏ ước vọng hòa hợp và hội nhập văn hóa giữa Công Giáo và các tín ngưỡng dân gian vốn có từ lâu đời của người Việt.
Toàn bộ phông nền phía sau Bàn Thờ, nơi đặt tranh ảnh các Thánh, mới thật sự là điểm nhấn của bố cục gian Cung Thánh. Hình thức ở đây là khung ván mê, trên bề mặt có tạo những chi tiết chạm bóng hay chạm thông, sơn son thếp vàng, phủ kín toàn bộ vách đầu hồi phía nội thất, là yếu tố chính tạo nên sự hoành tráng và rực rỡ cho Cung Thánh.
Tòa đặt tượng Ðức Mẹ được bố trí ở trung tâm, xung quanh là tranh ảnh các Thánh, đặc biệt là các Thánh Tử Ðạo Việt-nam, đan xen với những họa tiết cây nho và lúa miến tượng trưng cho Bánh và Rượu được trở nên ình và Máu Thánh Ðức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Phía trên cùng là phù điêu cảnh 12 thiên thần dâng triều thiên Nữ Vương cho Ðức Mẹ.
Ở sát Cung Thánh còn có hai cửa thông ra gian mặc áo được xây dựng với kết cấu khối xây gạch đá. Trong gian mặc áo còn có cầu thang trổ lên nóc, nối liền hành lang dọc chiều dài của mái và kết thúc ở nóc chái kiệu ở chân Nhà Thờ.
Qua cách bài trí các tượng ảnh, chúng ta nhận thấy tác giả đã thể hiện qua hai hình thức: vừa kết hợp hình tượng truyền thống, lại vừa sử dụng các tranh ảnh vốn được gọi là các icône trong các Thánh Ðường Công Giáo theo nghi thức Rô-ma của Tây phương cũng như Chính Thống Giáo Bysantin.
Dầu vậy, toàn cảnh vẫn được phủ chung một màu sắc dân tộc qua nghệ thuật sơn son thếp vàng, qua việc trang trí dày đặc các họa tiết dân tộc và hoa văn truyền thống Á Ðông. Có thể nói, các phong cách Ðông và ây ở đây đã không còn ranh giới phân định nơi nghệ thuật trang trí siêu việt này.
Bình phẩm về Cung Thánh Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi, bà Yvonne Schultz, một ký giả người Pháp, đã viết trên tạp chí Illustration số ra ngày 9.11.1929 như sau: "Các ngài hãy ngắm cả Bàn Thờ chính đục nổi, chạm bóng và sơn son thếp vàng chói lọi... có lẽ khắp hoàn cầu không có Nhà Thờ nào có được nội thất rực rỡ như ở Nhà Thờ Phát-diệm, trùng trùng điệp điệp những bức cuốn, càng vào trong càng lộng lẫy".
Trên góc nhìn tổng quát, mặt bằng Nhà Thờ hình chữ Công và những cấu tạo quen thuộc hỗ trợ cho sự thông thoáng, vẫn đáp ứng đầy đủ các thành phần kiến trúc như ở những ngôi Thánh Ðường kiểu mẫu phương Tây, chỉ thay đổi lối vào từ đầu hồi.
Những nội dung và cách thức bài trí vừa phù hợp với các nghi thức phụng tự Công Giáo lại vừa được lồng trong những khung cảnh truyền thống dân tộc Á Ðông, càng tạo nên sự gần gũi gắn bó mật thiết với các công trình tín ngưỡng Việt-nam. Sự giao thoa văn hóa Ðông - Tây ở đây đã đạt được những kết quả tuyệt vời ngay ở phần thiết kế mặt bằng.
Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân
Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 13, năm 2001)