Công Cuộc Xây Dựng Thánh Ðường Phát Diệm
Nhà Thờ Kính Trái Tim Ðức Mẹ
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
II. Nhà Thờ Kính Trái Tim Ðức Mẹ (Quen Gọi Là Nhà Thờ Ðá):
Vào năm 1860, khi bị đi đày ở Lạng-sơn, cha Trần Lục đã phải trải qua một cơn bạo bệnh. Trong lúc thập tử nhất sinh, cha có khấn với Ðức Mẹ: nếu được qua khỏi, cha sẽ dâng hiến Thánh Mẫu một Ðền Thờ. Năm 1883, lời khấn nguyện này đã được cha giữ trọn. Một ngôi Nhà Thờ được xây dựng để kính Trái Tim Ðức Mẹ, thường được gọi là Nhà Thờ Ðá.
Nhà Thờ có kích thước dài 15m30, rộng 8m50 và cao 6m, sử dụng hình chữ nhật trong thiết kế mặt bằng. Ba lối vào chính được trổ từ phía đầu hồi theo nghiêm lệ của các Thánh Ðường phương Tây, có dáng tam quan của các công trình kiến trúc truyền thống Á Ðông. Nội thất Nhà Thờ được bố trí liền với cổng vào và hình thành năm gian chính: bốn gian dành cho giáo dân và một gian dùng làm Cung Thánh với phần nền được nâng cao tạo sự phân cách và trang trọng cho không gian thờ tự.
Ở mặt đứng, trên bệ khung tam quan được lắp đặt bệ tượng Ðức Mẹ, kề bên là hai trụ tháp hình vuông, được thiết kế giật cấp năm tầng nhỏ dần về phía trên theo hình thức tháp cổ của Phật Giáo, chót đỉnh kết thúc bằng hình cây Thánh Giá. Hình thức của hai tháp có thể được gợi ý từ hình tượng Tháp Bút bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở Thăng-long (?), với sự khác biệt cơ bản là lòng tháp Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ thì hoàn toàn được đục rỗng. Tòa Ðức Mẹ hình thành từ chất liệu đá, chạm trổ hết sức tinh xảo, xung quanh được khắc những hàng chữ bằng bốn thứ tiếng. Trên cao là hàng chữ Việt: "Lạy Tim rất Thánh Ðức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông truyền, cầu cho chúng tôi". Các hàng chữ còn lại viết bằng tiếng Hán, Pháp và La-tinh có cùng nội dung như trên. Ðây là hàng chữ Việt duy nhất trong toàn khu Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm.
Xét ở góc độ văn hóa, những hàng chữ trên tòa Ðức Mẹ đã thể hiện rõ nét nhất và ý nghĩa nhất những thành quả buổi đầu của tiến trình giao thoa văn hóa Ðông Tây, là tiền đề cho những bước hội nhập lâu dài vào truyền thống văn hóa dân tộc, qua sự kết nối trung gian của tôn giáo.
Về nghệ thuật kiến trúc, mặt đứng chính của Nhà Thờ kính trái Tim Ðức Mẹ đã diễn đạt được một giá trị sáng tạo độc đáo, một mặt cố gắng minh họa phong cách mặt đứng rất đặc trưng của một Nhà Thờ phương Tây, một mặt đã dùng nghệ thuật mô phỏng những hình ảnh tôn kính các Thánh Nhân trong Phật Giáo vốn đã ăn sâu trong tâm thức người Việt, để nói lên sự vươn cao thoát tục của Công Giáo qua hình tượng tháp chuông. Ngoài ra, những nét cánh cung gẫy khúc kiểu Gothique thể hiện ở ngay lối vào, ở hàng rào sắt, vốn là những chi tiết thuần tuý phương Tây đã được kết hợp một cách hài hòa tinh tế với dáng dấp và phong thái phương Ðông.
Hai mặt bên Nhà Thờ đều thể hiện cùng một hình thức: dãy chấn song bằng đá được bố trí ở đoạn giữa nhằm mục đích lấy ánh sáng và thông thoáng cho nội thất. Ngoài ra còn có hai bức phù điêu đá chạm lộng được lắp ở gian đầu và gian cuối. Bức đầu tiên mang hình sư tử đang cười tươi là biểu tượng của Con Thiên Chúa, là Ðức Giê-su Ki-tô, xuất thân từ chi tộc Giu-đa. Bức thứ hai mang hình chim phượng hoàng oai vũ với giá trị biểu đạt Thiên Chúa chăm sóc Dân của Người như chim phượng với đàn con, đồng thời đây cũng là biểu tượng của Thánh Gio-an, tác giả Sách Tin Mừng thứ tư. Nếu phân tích theo bối cảnh ở đây, có lẽ chim phượng được chọn để nói về Ðức Giê-su Ki-tô để song đối với biểu tượng sư tử nhà Giu-đa vừa nói ở trên, hoặc có thể, theo quan điểm riêng của chúng tôi, cha Trần Lục đã mượn ý nghĩa chim phượng của Á Ðông diễn tả sự thanh cao, quyền uy nhân từ của vị nữ hoàng để làm biểu tượng cho Ðức Mẹ Ma-ri-a chăng?
Phía sau bức phù điêu đá chạm lồng hình sư tử, nhìn từ trong lòng Nhà Thờ ra ngoài, chúng ta lại thấy có một biểu tượng âm dương được khắc họa rất rõ nét giữa những đường vân mây uốn lượn. Ðây là một hình tượng mang tính biểu trưng, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của hệ tư tưởng Triết Học phương Ðông, lý giải mọi quá trình hình thành và vận hành trong vũ trụ. Phải chăng, khi mượn biểu tượng này, tác giả muốn tôn vinh Thiên Chúa là cội nguồn của vạn vật, và đồng thời nối kết tư tưởng phương Ðông và Giáo Lý Công Giáo như một nhất thể (?). Và như thế, chúng ta càng thấy rõ tính giao thoa văn hóa Ðông Tây qua chi tiết này.
Bàn Thờ được bố trí đối diện với cửa vào, là điểm nhấn trọng yếu trong nội thất. Cũng cần phải lưu ý là trong giai đoạn này, nghĩa là rất xa trước Công Ðồng Vatican II, Linh Mục khi cử hành Thánh Lễ thì quay lưng về phía giáo dân, mặt hướng về Bàn Thờ đặt cuối gian Cung Thánh. Cung Thánh được bài trí với Tòa kính Ðức Mẹ ở giữa, phía trước là bậc cấp dành cho Linh Mục đứng hành Lễ.
Bàn Thờ được đục từ một khối đá nguyên vẹn, mặt trước được chạm khắc tinh xảo, ở giữa là hình Trái Tim với lưỡi gươm đâm thâu để diễn tả sự đau đớn của Ðức Mẹ trong suốt cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ, hai bên chạm hình "chiếc giếng được niêm phong" và "khu vườn được rào kín" nhằm mục đích tôn vinh sự đồng trinh vẹn tuyền trọn đời của Ðức Mẹ. Bên trên Bàn Thờ là Nhà Tạm bằng gỗ quý sơn son thếp vàng theo phong cách truyền thống Việt-nam. Tất cả được kết hợp một cách hài hòa tuyệt vời với khối tòa Ðức Mẹ mang hình thái phương Tây.
Một trong những điểm nổi bật nhất, đáng khâm phục nhất của Nhà Thờ kính Trái Tim Ðức Mẹ là toàn bộ hệ khung chịu lực đều bằng đá. Ðây là hình thức kiến tạo duy nhất tính cho đến nay trong nền kiến trúc cổ truyền Việt-nam. Hệ kết cấu mái lòng Nhà Thờ sử dụng hình thức vì giá chiêng, vì nách kiểu kẻ ngồi kết hợp với bẩy. Ở gian Cung Thánh, để không bị khuất tầm nhìn, tác giả đã lược bớt hai cột cái, vì thế toàn bộ tải trọng của gian này đều tập trung vào xà thượng. Do vậy mà vì giá chiêng và vì nách đều phải biến đổi và mang hình thức tương tự như vì vỏ cua ở các cung đình Huế.
Giáp liền với hai gian đầu và cuối Nhà Thờ, lồng giữa cột hoành và cột con là bốn bức phù điêu chạm lộng với đường nét mềm mại và sống động, lấy chủ đề thuần túy Ðông phương là tùng - mai - cúc - trúc. Ðây là một sáng tạo rất khoa học của tác giả, một mặt sử dụng bốn bức trang trí gợi đến phong vị quê hương ngay trong kiến trúc Thánh Ðường, một mặt lại giữ vai trò là tấm vách cứng bằng đá cho kết cấu khung, chống lại lực xô ngang do ảnh hưởng của thời tiết và chuyển dịch của nền đất. Các chân cột thành đều được giằng bằng xà đá tạo thêm sự ổn dịnh vững chãi của toàn khối kiến trúc Nhà Thờ.
Do toàn bộ kết cấu đều được tạo bởi chất liệu đá quý, không gian nội thất Nhà Thờ luôn được chiếu sáng, điêu khắc và trang trí đã góp phần tạo thêm sự trang trọng và thánh thiện cần có trong một Ðền Thờ kính dâng Thánh Mẫu.
Những năm về sau, Nhà Thờ Ðá được dành làm Nhà Thờ của họ Phát-trung. Ðến năm 1939, Ðức Cha tiên khởi của Giáo Hội Việt-nam là Giám Mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Bá Tòng đã cho xây thêm tháp chuông ở cuối Nhà Thờ.
Với công trình kiến trúc Nhà Thờ Ðá, cha Trần Lục xứng đáng được tôn vinh là bậc thầy trong kỹ thuật lẫn nghệ thuật khi ngài biết khéo léo kết hợp những nét cộng sinh tư tưởng Á - Âu, tạo được sự uyển chuyển hài hòa trong bước thể nghiệm phong cách này, vừa cách tân mà lại vẫn bảo tồn giá trị cổ truyền ngay trong tổng thể cũng như trong các chi tiết của công trình. Mặt khác, những sáng tạo trong nghệ thuật xử lý không gian và kết cấu tinh tế, đồng thời vẫn đạt tính khoa học chuẩn xác hợp lý, để khởi đi từ nền tảng này, các công trình khác trong Quần Thể sẽ thụ đắc và phát huy sâu xa mạnh mẽ hơn nữa. Chả thế mà Nhà Thờ Ðá đã được mệnh danh là Bảo Ngọc Khiết Tâm của Quần Thể Kiến Trúc Thánh Ðường Phát-diệm.
III. Các Nguyện Ðường Trong Quần Thể Thánh Ðường Phát Diệm:
Sau khi hoàn tất Nhà Thờ Ðá, cha Trần Lục đã bắt tay vào việc xây dựng liên tiếp 4 ngôi Nguyện Ðường để tôn kính các Thánh.
- Nguyện Ðường kính Trái Tim Chúa Giê-su: xây dựng năm 1889, nằm ở hướng Ðông Bắc so với Nhà Thờ Lớn.
- Nguyện Ðường kính Thánh Rô-cô: xây dựng năm 1895, nằm ở hướng Ðông Nam.
- Nguyện Ðường kính Thánh Phê-rô: xây dựng năm 1896, nằm ở hướng Tây Bắc.
- Nguyện Ðường kính Thánh Giu-se: xây dựng năm 1896, nằm ở hướng Tây Nam.
Các Nguyện Ðường này đều có chung kích thước: chiều dài 19m, rộng 8m80 và cao 6m10. Mặt bằng đều thiết kế theo hình chữ nhật, chia làm 7 gian: 1 gian làm chái kiệu, 4 gian dành cho giáo dân và Cung Thánh chiếm trọn 2 gian.
Ánh sáng và thông thoáng cho nội thất được xử lý qua hệ thống cửa đi, trổ dọc hai mặt bên. Riêng Cung Thánh, do được bố trí những chấn song bằng đá dọc theo chiều dài Nguyện Ðường nên ánh sáng được thâu nhận nhiều hơn, đã tạo được một không gian nổi bật trong bố cục chung của nội thất.
Lối vào chính bố trí tại đầu hồi với tam cấp. Mặt bằng chái kiệu và lòng Nguyện Ðường được thiết kế cùng cao độ. Gian Cung Thánh được nâng cao hơn để tạo sự ngăn cách cho không gian riêng của việc tế tự. Bàn Thờ được đặt cao hơn nền chung của Cung Thánh, bên trên là những bậc mỏ (những bậc cấp bằng vật liệu gỗ hoặc đá thường dùng để bài trí hoa và nến) để làm bệ đặt tượng.
Các Nguyện Ðường đều sử dụng hệ khung kết cấu gỗ chịu lực, mái lợp ngói mũi hài. Mặt đứng và tường hồi phía sau sử dụng hình thức khối xây gạch đá. Một điểm đáng ghi nhận là: toàn bộ hệ khung chịu lực và các chi tiết của mỗi Nguyện Ðường đều thực hiện bằng một chủng loại gỗ riêng biệt như lim, lim mật, mít...
Ngoài Nguyện Ðường kính Trái Tim Chúa Giê-su sử dụng bộ vì kiểu ván mê theo truyền thống, các bộ vì kèo của các Nguyện Ðường còn lại đều mang hình kết hợp thanh kèo suốt, và bổ sung cung gỗ bên dưới, có tác dụng tăng cường sức chịu uốn cho thanh kèo, toàn bộ lực được truyền xuống đầu cột. Bộ vì nách cũng được thiết kế với nguyên tắc tương tự. Ngoài ra cung gỗ này còn là khung định hình cho hệ trần gỗ. Trong Cung Thánh, hai cột cái được giản lược để tạo tầm nhìn khoáng đáng về phía Bàn Thờ, với các chi tiết cấu tạo được xử lý theo mẫu của Nhà Thờ Ðá.
Phải nói, cha Trần Lục đã có những bước đột phá táo bạo khi sử dụng kiến trúc tam quan trong việc xử lý mặt đứng của các Nguyện Ðường, chỉ giữ lại biểu tượng duy nhất theo truyền thống Công Giáo Tây phương là hình cây Thánh Giá. Hình thức mặt đứng của 4 Nguyện Ðường này được bố trí đối xứng từng cặp một qua trục chính là Nhà Thờ Lớn, chỉ có một số chi tiết nhỏ được thay đổi không đáng kể. Hệ thống cửa gỗ là những tác phẩm có giá trị độc nhất vô nhị về mặt tạo hình, chứng tỏ những phường thợ chạm khắc gỗ của Việt-nam thời ấy có trình độ tay nghề hết sức điêu luyện.
IV. Kết Luận Chương:
Qua những phần vừa phân tích, hoài bão diễn đạt Ngôi Nhà Chúa trong hình hài của những biểu tượng truyền thống đã được cha Trần Lục giốc sức thực hiện với biết bao sáng tạo độc đáo.
Cả năm mặt đứng (bốn mặt đứng bốn bên ở phía ngoài và mặt Cung Thánh ở phía trong) của các công trình phụng tự Công Giáo đã được tác giả hình thành từ những chất liệu vốn dĩ là những hình thức "hội nhập văn hóa" vào đất nước và con người Việt-nam của kiến trúc các chùa chiền Phật Giáo, chỉ giữ nguyên đặc trưng duy nhất là hình cây Thánh Giá phương Tây. Kết cấu truyền thống đã từng là khung chịu lực cho những ngôi Chùa, mái Ðình thì nay được vận dụng để xây dựng Thánh Ðường Công Giáo, vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng chuyên biệt, đồng thời vẫn tạo được bầu khí cầu nguyện cho cộng đoàn Dân Chúa.
Nghệ thuật dân gian đã là những nhân tố tích cực trong cuộc cộng sinh này. Những sáng tạo phong cách tạo hình mới đã được phát huy để thích ứng với những hình thức ngoại sinh, và ngược lại, những hình tượng phương Tây, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Việt-nam, đã ẩn chứa được phong vị quê hương rất mộc mạc và đơn thành.
Nếu nhìn nhận kiến trúc như những vật thể bao gồm cả hai mặt vật chất và tinh thần, thì đây là những hình tượng vật chất vốn gắn liền với văn hóa phương Tây, nhưng đã được khúc xạ qua cách nhìn của những con người vốn đã nhuần thấm tư tưởng Á Ðông và phong tục tập quán dân tộc, hay nói rõ hơn, đây là những hình tượng Công Giáo qua lăng kính của người Việt.
Sự giao thoa văn hóa đã khoác chiếc áo mới cho Thánh Ðường và làm phong phú hóa nền nghệ thuật dân tộc. Tính chất giao thoa ấy, một lần nữa, sẽ được nhận diện qua kiến trúc của Phương Ðình và Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi mà chúng ta sẽ khảo sát ở chương IV.
Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân
Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 12, năm 2001)