Công Cuộc Xây Dựng Thánh Ðường Phát Diệm

Mặt Bằng Tổng Thể

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Mặt Bằng Tổng Thể:

Quần thể Thánh Ðường Phát-diệm là một cụm công trình kiến trúc tôn giáo hoàn chỉnh với diện tích hơn 2 ha, bao gồm các hạng mục chính lần lượt được xây dựng như sau:

1. Hang Bê-lem 1875

2. Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ (Nhà Thờ Ðá) 1883

3. Nhà Thờ Trái Tim Chúa Giê-su 1889

4. Nhà Thờ Lớn (Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi) 1891

5. Nhà Nguyện Thánh Rô-cô 1895

6. Nhà Nguyện Thánh Phê-rô 1896

7. Nhà Nguyện Thánh Giu-se 1896

8. Hang Ðá Lộ-đức 1890

9. Núi sọ 1898

10. Phương Ðình 1899

Mặt bằng tổng thể được bố trí tuần tự, từ ngoài vào là ao hồ rồi một sân rộng, kế đến là Phương Ðình có chung sân trong với Nhà Thờ Lớn. Phía cuối là hang Bê-lem và Lộ-đức. Nhà Thờ Lớn còn là trọng tâm và là trục đối xứng của 4 Nhà Nguyện nhỏ: 2 Nhà Nguyện kính Thánh Giu-se, Thánh Phê-rô ở bên trái, 2 Nhà Nguyện kính Thánh Rô-cô và Trái Tim Chúa Giê-su ở bên phải. Giáp phía Tây Bắc là Nhà Thờ Ðá kính Trái Tim Ðức Mẹ, có hang Núi Sọ ở phía trước. Toàn bộ diện tích còn lại ở phía sau được dành cho các cơ sở của Nhà Chung.

Như vậy, đa số các công trình trong quần thể đều được bố trí trải dài theo một trục chính và đối xứng qua trục, tuân theo những quy luật bố trí rất phổ biến trong mặt bằng các kiến trúc tôn giáo truyền thống. Quy luật tổ hợp này đảm bảo cho mặt bằng quần thể tuân thủ được thứ tự bố cục các công trình theo chiều sâu, đồng thời vẫn có thể trải dài mặt đứng theo diện rộng. Ðây cũng còn là cố gắng nhằm giữ được phong cách xử lý mặt đứng phát triển trên phân vị ngang, một đặc trưng khác của kiến trúc truyền thống. Theo một số nhà nghiên cứu, tổ hợp mặt bằng này còn hợp cách với các quy luật tổ hợp theo Ðịa lý - Phong thủy, với cách "phân thế" theo sơ đồ sau:

Với một cách nhìn chung nhất, tổ hợp mặt bằng quần thể Nhà Thờ Phát-diệm có thể được khái quát hóa theo cách "phân thế" như ở sơ đồ dưới đây:

Hữu Bang biểu trưng cho âm tính, nghiêng về sự chuẩn bị lâu dài. Ngược lại, Tả Bang hướng về sự phát triển, thịnh đạt, và biểu trưng cho dương tính. Ðiều này lý giải cho việc các sinh hoạt đều tập trung ở phía Ðông của quần thể. Mô hình này được xem như phong cách chung, rất phổ biến trong kiến trúc tôn giáo Việt-nam.

hinh 1

Về hình dạng mặt bằng công trình, nếu hình dung một vạch ngang thứ nhất nối liền qua hai cổng Nhà Thờ (đi ngang qua Phương Ðình và sân trong), vạch ngang thứ hai nối Nhà Nguyện kính Thánh Rô-cô đến Nhà Nguyện kính Thánh Giu-se, và vạch ngang cuối cùng nối từ Nhà Thờ kính Trái Tim Chúa Giê-su đến Nhà Nguyện kính Thánh Phê-rô, chúng ta có được 3 vạch ngang, hợp với vạch sổ dọc là Nhà Thờ Lớn kính Ðức Mẹ Mân-côi, thành một chữ VƯƠNG theo Hán tự. Phải chăng đây là hàm ý của tác giả công trình muốn thể hiện lòng xác tín vào Ðức Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Vua của muôn dân, của vũ trụ?

Như đã đề cập, các giáo sĩ phương Tây thường ưu tiên chọn trục theo hướng Ðông - Tây để xây dựng Thánh Ðường. Riêng ở đây, với quần thể kiến trúc Thánh Ðường Phát-diệm, phương Nam lại là hướng của trục chính. Ðối với các kiến trúc dân gian, hướng Nam là hướng tốt để xây nhà, vì hội đủ các yếu tố tích cực về mặt thời tiết, hỗ trợ đắc lực cho đời sống và sản xuất.

Tục ngữ dân gian có câu: "Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam" hoặc "Gia sự đại an, có nhà hướng Nam" Lựa chọn hướng này đã trở thành một tập tục Việt-nam từ lâu đời.

Xét về mặt Dịch Lý, "phương Nam là lúc mặt trời lên tới đỉnh, lúc có lợi nhất, cho nên tượng trưng cho danh dự và địa vị huy hoàng, trí tuệ, sắc đẹp, cực thịnh". Hơn thế nữa, đây là hướng Ðế Vương: "Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ" (nghĩa là: Bậc Thánh nhân nhìn về hướng Nam để nghe thiên hạ trình bày).

Ðây có thể là những lý do chính đã tác động vào việc quyết định chọn hướng cho quần thể kiến trúc Thánh Ðường Phát-diệm mà không theo nghiêm lệ của truyền thống kiến trúc Nhà Thờ phương Tây.

Trục đường dẫn vào quần thể cũng là một lý do đã gây ảnh hưởng trên mặt bằng tổng thể của công trình. Trào lưu kiến trúc Gothique không những đã lưu lại cho nhân loại những di sản to lớn về nghệ thuật kiến trúc mà còn lưu tồn dấu ấn của những quy hoạch nêu cao vai trò của Thánh Ðường trong kiến trúc đô thị. Thừa hưởng kinh nghiệm từ "phong cách đô thị" này, trục đường dẫn đến quần thể Thánh Ðường Phát-diệm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ở cuối trục, giữa ao hồ là tượng Chúa Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay chào đón, phía sau là những đường nét mái Phương Ðình nổi bật trên nền trời xanh, là hình ảnh sống động của một lời mời gọi, tạo được ấn tượng thị giác trên suốt trục đường dẫn đến quần thể.

Tuy nhiên, hình thức bố cục này lại rất hiếm thấy trong kiến trúc truyền thống. Trên quan điểm Triết Học Á Ðông, đây là điểm kiêng kỵ, các công trình thường không được bố trí để cho trục đường đâm thẳng vào công trình như một lưỡi kiếm, một mũi thương dài chọc vào yết hầu. Ðể hóa giải, trục chính của quần thể Nhà Thờ Phát-diệm đã được đặt lệch một chút so với trục đường lộ. Ðiều này có thể được thấy rõ khi đứng quan sát trên lầu chuông của Phương Ðình. Tác giả còn cho đào một ao hồ lớn, khiến cho lối vào chính được chuyển sang hai cạnh bên của Nhà Thờ theo cách xử lý của đa số các các công trình kiến trúc truyền thống.

Nhìn chung, ở bố cục tổng thể khu Thánh Ðường Phát-diệm, tác giả đã bố trí các công trình chính và phụ theo một cách thức quy hoạch chịu ảnh hưởng của Triết Học phương Ðông, theo những tập quán xây dựng dân gian truyền thống, và đồng thời có sự phối hợp của những thủ pháp quy hoạch các Thánh Ðường phương Tây. Như vậy, khách quan mà nói, tính chất giao thoa văn hóa đã được nhận dạng ngay từ cái nhìn tổng thể ban đầu.

 

Kiến trúc sư Mai Hữu Xuân

Trích Luận Văn Thạc Sĩ Kiến Trúc Quy Hoạch 1999

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 11, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page