Diễn tiến buổi Tọa Ðàm ngày 28-10-1999.
Chủ tọa cuộc Tọa Ðàm ngày hôm nay (28/10/1999) là Ðức Cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường. Ngài đã được theo học về phụng vụ, dạy môn này trong suốt hơn hai mươi năm tại Ðại Chủng viện TP. Sài Gòn và hiện là Trưởng ban Hội nhập Văn hóa trong Ủy ban Phụng tự của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Trước lúc bắt đầu cuộc Tọa Ðàm, Ðức Cha chủ tọa đã nêu lên những nhận định của ngài về vấn đề Hội nhập văn hóa mà ngài cho là một công việc quan trọng và cấp thiết của Giáo hội. Ngài cũng lưu ý rằng người Việt Nam Công giáo khi tôn kính Tổ Tiên đã không bao giờ nhìn nhận các ngài ngang hàng với Thiên Chúa hoặc các Thánh. Hành động tôn kính chỉ là một cử chỉ tỏ lòng biết ơn đối với Tiền Nhân. Con cháu cũng tin rằng các ngài có thể cầu bầu cho con cháu còn đang sống trên dương gian.
Bài thuyết trình thứ nhất buổi sáng là của Nữ tu Diệu Khánh, thuộc Dòng Thánh Phaolô thành Chartres với đề tài "KHỔNG GIÁO VÀ KITÔ GIÁO". Nữ tu đã cung cấp cho cử tọa một tài liệu tóm tắt về học thuyết Khổng giáo. Phần chính của bài thuyết trình là chứng từ chính bản thân của Nữ tu. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, cha mẹ và con cái đều Quy y, rất sùng mộ Phật Bà Quan Âm và Mục Kiền Liên. Nhưng rồi những biến chuyển của thời cuộc đã làm diễn giả phải suy nghĩ vì lẽ sống còn của cuộc đời, những cơ duyên gặp gỡ với vị Linh mục ở Gia Hội là Cha Bữu Ðồng, đã đưa diễn giả đến việc nhận biết Thiên Chúa và hơn thế nữa đã hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa. Diễn giả ví von Giáo hội như căn nhà trăm cửa, mỗi người nhập gia mỗi cách. Cách của Nữ tu Diệu Khánh đã phải vượt qua nhiều day dứt từ nội tâm đến gia cảnh.
Trước lúc sang bài thuyết trình thứ hai của buổi sáng, Ðức Cha G.B. Bùi Tuần, Giám mục Long Xuyên, đã chia sẻ ngắn gọn bởi ngài đã phải xuôi Nam ngay sau giờ sinh hoạt buổi sáng. Sau khi đã cám ơn Thiên Chúa, cám ơn Mẹ Ðất nước và cám ơn Huế đã tạo cơ may gặp gỡ này, Ðức Cha nói lên sự tâm đắc không phải chỉ ở nội dung các bài thuyết trình mà còn hơn thế nữa, ở cách sống, cách cư xử của mọi người trong cuộc Tọa Ðàm, đối với nhau và đối với Chân lý. Theo ngài, ở diễn đàn này đã không có những trình bày kiêu kỳ, đã không có những chất vấn chua chát. Ðạo là những vượt qua những khác biệt. Vị Giám mục của vựa gạo tứ giác Long Xuyên ra về với nhiều lưu luyến.
Bài thuyết trình thứ hai sáng nay là của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương với đề tài: "TÍN ÐIỀU 'CÁC THÁNH THÔNG CÔNG' VÀ ÐẠO HIẾU (TÔN KÍNH TỔ TIÊN) NƠI NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI VIỆT CÔNG GIÁO". Vốn xuất thân từ một gia đình Nho giáo, ông thân sinh là một vị quan trong triều, lại lớn lên ở đất nguồn của phong trào Văn Thân là tỉnh Nghệ An, diễn giả đã chịu Phép Thanh Tẩy khi khôn lớn và trước sự phản kháng của mọi thành phần trong gia đình. Diễn giả xác định ngay từ đầu đây không phải là một suy tư, cũng không hẳn là một chứng từ, mà phải gọi là Tâm thức Công giáo. Nhập đạo rồi nhưng vẫn băn khoăn tự hỏi ở đời sau những thân nhân hiền lành thánh thiện của mình sẽ ra sao, kể cả những anh hùng dân tộc đã hy sinh vì đại nghĩa, và cả vị Thành hoàng "tiết hạnh khả phong" nữa, diễn giả vẫn một niềm tôn kính: "Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa". Diễn giả tin sẽ gặp những người này trong Nhà Cha, bởi Nhà Cha ta có nhiều chỗ.
Vào buổi chiều, bài thuyết trình thứ nhất là của Nữ tu Anna Phạm Thị Bích Hằng, Dòng Ða Minh Tam Hiệp, với đề tài: "CHỮ HIẾU TRONG THIÊN CHÚA GIÁO VIỆT NAM". Ðây là luận văn tốt nghiệp của vị diễn giả trẻ tuổi nhất trong số 11 Thuyết trình viên của cuộc Tọa Ðàm này. Theo diễn giả, thờ cúng Tổ Tiên là để thể hiện cái Tâm của người Việt Nam. Riêng đối với người Việt Nam Công giáo, việc báo hiếu còn là một bổn phận bắt buộc bằng các kinh nguyện, các Thánh lễ và các công việc từ thiện để dâng ân phúc ấy cho người quá cố. Diễn giả nêu lên một vấn đề là "chữ Hiếu của người Việt Nam Công giáo phải vượt lên trên quan niệm dân gian để đạt tới tinh thần Kitô giáo".
Bài thuyết trình cuối cùng của cuộc Tọa Ðàm là của một Linh mục thuộc Giáo phận Huế vừa hoàn tất việc học tập và nghiên cứu tại Âu Châu về, Linh mục Giuse Ðặng Thanh Minh, với đề tài: "TÔN KÍNH TỔ TIÊN - MỘT HƯỚNG ÐI HỘI NHẬP VĂN HÓA KHẨN THIẾT CỦA GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM". Diễn giả xác định việc Tôn Kính Tổ Tiên luôn là linh hồn của văn hóa dân tộc, luôn luôn sống động cho dù đất nước đã trãi qua nhiều thăng trầm, cọ sát với nhiều nền văn hóa khác nhau. Diễn giả nhắc lại dụ ngôn "hạt cải được gieo xuống đất" trong Tin Mừng để so sánh Giáo hội là người gieo trồng, hạt giống là Tin Mừng còn mảnh đất chính là nền văn hóa vậy. Diễn giả đưa ra một đòi hỏi then chốt cho người gieo và đất được gieo là lòng khiêm tốn và sự cởi mỡ. Bài thuyết trình của Cha Minh đã xứng đáng là một kết luận cho những gì đã thảo luận trong suốt ba ngày.
Sau đó, Ðức Cha chủ tọa đã mời Ðức Tổng Giám mục Giáo phận Huế lên diễn đàn. Ngài đã nói lên lòng biết ơn đối với các vị Giám mục từ khắp nơi về tham dự Tọa Ðàm, một cử chỉ hiệp thông cao độ trong Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam. Ngài cũng tỏ lòng biết ơn Nhà Nước, các bậc lãnh đạo các cấp, các Thuyết trình viên và cử tọa đã tham dự Tọa Ðàm. Ðức Tổng Giám mục nêu lên nhận xét rằng tuy đã có nhiều ý kiến được bày tỏ trên diễn đàn, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến đang được ấp ủ trong lòng của mỗi người bởi đã không có đủ thời giờ cho mọi phát biểu. Ngài xác định đây chỉ là một trình bày mà thôi.
Ðức Tổng Giám mục tuyên bố bế mạc cuộc Tọa Ðàm về Tôn Kính Tổ Tiên vào lúc 17g45' ngày 28-10-1999.
Tòa Tổng Giám Mục - Huế