CUỘC TỌA ÐÀM VỀ CHỦ ÐỀ
"TÔN KÍNH TỔ TIÊN"
TẠI TÒA TỔNG GIÁM MỤC - HUẾ
Từ ngày 26-28 tháng 10 năm 1999

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Diễn tiến buổi Tọa Ðàm ngày 27-10-1999

Diễn tiến buổi Tọa Ðàm ngày 27-10-1999.

Bước sang ngày thứ hai của cuộc Tọa đàm, Ðức Cha G.B. Bùi Tuần, Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên được mời lên bàn chủ tọa. Vì lý do sức khỏe, Ðức Cha Bùi Tuần chỉ xin được chia sẻ đạo Hiếu của ngài, một cách vắn tắt, rồi sau đó trao quyền chủ tọa lại cho Ðức Giám Mục F.X. Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình, người đã chủ tọa trong ngày hôm trước (26-10-1999). Ðức Cha Bùi Tuần đã nói lên tâm sự rất thực của ngài khi nêu lên ba yếu tố đã tác động mãnh liệt trong nội tâm ngài: Tình cảm, niềm tin và ý chí phấn đấu với chính bản thân mình. Ngài nói: "Sống đạo Hiếu khởi đi từ một tiếng gọi thiêng liêng, lòng tôi nghe và đón nhận tiếng gọi đó, và trả đáp lại tiếng gọi đó bằng quyết tâm dấn thân cho một tương lai hy vọng sẽ tốt đẹp hơn bây giờ để tỏ lòng Hiếu với Tổ Tiên".

Cuộc Tọa đàm đã được chính thức bằng bài thuyết trình của PGS, PTS ÐỖ QUANG HƯNG, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, với đề tài: "VẤN ÐỀ THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO. TRƯỜNG HỠP TRUNG HOA". Ngoài những yếu tố về lịch sử truyền giáo, diễn giả đã đặt hai vấn đề mời cử tọa cùng suy nghĩ. Thứ nhất, diễn giả cho rằng việc thờ cúng Tổ Tiên nơi người Việt đã có một cơ sở bản địa từ trước khi các tôn giáo du nhập vào Việt Nam. Thế nhưng việc thờ cúng nầy chỉ là một tập tục mang tính văn hóa và đạo đức hay đã có được một hàm lượng tôn giáo nào không? Vấn đề thứ hai, khi đề cập đến trường hợp Trung Hoa, diễn giả đã làm nổi bật sự khác biệt gay gắt giữa quan niệm và nghi lễ của các xã hội Châu Á đối với Kitô Giáo. Ðiều này đã đặt M. Ricci trước một thử thách nan giải là phải dung hòa hai nền văn hóa Ðông Tây này.

Diễn giả thứ hai của buổi sáng nay là Nữ Tu Mai Thành, vốn xuất thân từ một gia đình Nho Giáo tại Huế, với đề tài "CHỨNG TỪ VỀ ÐẠO HIẾU TRONG MỘT GIA ÐÌNH NHO GIÁO". Ông cụ thân sinh của chị là một nhà Nho, đã ngỡ ngàng và nổi giận khi nghe con gái xin phép được gia nhập đạo Công Giáo. Chị vẫn kiên trì nghe tiếng Chúa gọi, và nhân cơ hội gia đình phải tản cư vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chị lại đặt vấn đề một lần nữa với cụ thân sinh. Lần này thì ông cụ đã chấp thuận. Sau đó chị còn được gởi sang học bên Pháp và ở đây, chị đã xin gia nhập Dòng Ðức Bà (Chanoinesse de Saint Augustin). Trở về nước, chị đã về gia đình trong một buổi lễ giổ của gia tộc, chị nữ tu đã quỳ trước bàn thờ Tổ Tiên, thắp hương vái lạy Ông Bà. Cử chỉ này đã làm ông cụ thân sinh vô cùng xúc động, cụ đã xin được chịu phép Thanh Tẩy một tháng trước ngày lìa đời. Sau chứng từ của chị Mai Thành, một số tham dự viên cũng đã nói lên những trường hợp nghe theo tiếng gọi của Chúa, của chính bản thân hoặc chính bà con trong gia đình.

Vào lúc 14giờ, cuộc Tọa đàm được tiếp tục với đề tài: "VẤN ÐỀ TÔN KÍNH TỔ TIÊN NƠI NGƯỜI DÂN TỘC JRAI CÔNG GIÁO" do bốn thuyết trình viên về từ Tây Nguyên, Giáo Phận Kontum. Ðó là hai Linh Mục NGUYỄN VĂN THƯỠNG, TRẦN SĨ TÍN, và hai giáo dân dân tộc JRAI. Thay vì thuyết trình một cách bác học, những người anh em này đã đưa ra nhiều chuyện kể mang tính cách dân gian của cộng đồng dân tộc JRAI để đi đến kết luận rằng người quá cố thì về Trời, không còn ăn được những đồ ăn của trần gian nữa, và như vậy quả thực đã có một cỏi âm một cỏi dương. Họ còn kể cho cử tọa nghe những tập tục của dân tộc Jrai đối với người quá cố lúc gần qua đời, sau khi đã qua đời, những nghi lễ đối với người chết được tuân giữ nghiêm ngặt. Những người anh em dân tộc Jrai Công Giáo đã bỏ bớt đi một số tập tục không đáng khuyến khích như ăn uống rượu chè say sưa vào dịp tang chế. Thay vào đó là những buổi đọc kinh sinh hoạt Lời Chúa quanh quan tài người đã về nhà Cha.

Sau phần trình bày của những anh em dân tộc Jrai, Linh mục Nguyễn Thái Hà, Giám Quản Giáo Phận Hưng Hóa đã đóng góp những hiểu biết của ngài về những nghi lễ tang chế của các dân tộc H'mông, và Mường. Ðược biết Giáo Phận Hưng Hóa là Giáo Phận có địa bàn lớn nhất trong 25 Giáo Phận thuộc Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, bao gồm nhiều tỉnh biên giới Tây Bắc giáp ranh Trung Quốc và Lào, và nhiều dân tộc ít người, không kể những người Kinh.

Bài thuyết trình cuối cùng của ngày thảo luận thứ hai này là của PTS NGUYỄN HỒNG DƯƠNG, Viện Phó Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, với đề tài: "THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ". Cử tọa đã tỏ ra rất thán phục công trình nghiên cứu của diễn giả, tham khảo nhiều tài liệu và thực hiện nhiều cuộc diễn giảng tại nhiều địa phương khác nhau. Ông đã đi đến kết luận: "Thờ cúng Tổ Tiên là một tín ngưỡng truyền thống ăn sâu đậm trong tâm thức của người Việt", diễn giả muốn nói đến cả người Công Giáo. Ông cũng đã phân tích tì mỉ những đổi thay trong quan niệm và thực hành Ðạo Hiếu đối với Tổ Tiên của người Việt Nam Công Giáo trước và sau Công Ðồng Vatican II.

Không khí thảo luận của ngày thứ hai trong ba ngày tọa đàm về Tôn Kính Tổ Tiên đã được vị chủ tọa vui tính, vốn tự nhận là "Giám Mục bụi đời" làm cho bớt mệt mỏi và được dễ chịu.

Ngày tiếp theo (28-10-1999) sẽ là ngày tạo đàm cuối cùng của chương trình ba ngày tại Tòa Tổng Giám Mục - Huế. Chúng tôi sẽ kịp thời đưa tin để hầu quý vị.


Back to Radio Veritas Asia Home Page