Ngày thứ ba của cuộc toạ đàm "Một Số Vấn Ðề Về Văn Hóa Công Giáo Việt Nam Từ Khởi Thủy Ðến Ðầu Thế Kỷ XX" do Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dân thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Toà tổng Giám Mục Huế tổ chức tập trung vào vấn đề ảnh hưởng của văn hoá công giáo Việt Nam về văn học, thi ca và kiến trúc đối với văn hoá Việt Nam.
Chủ toạ cuộc toạ đàm là ông Gioan Baotixita Nguyễn Ban, một giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.
Mở đầu là bài thuyết trình của nhà nghiên cứu lão Thành Phạm Ðình Khiêm với chủ đề "Nhìn qua những chặng đường thi ca công giáo Việt Nam" từ buổi đầu cho đến thời hiện đại.
Nhà nghiên cứu cho thấy thi ca công giáo thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ "quốc ngữ" và cả Pháp ngữ. Và ngay từ giai đoạn đầu, thế kỷ 17, đã có những thiên trường ca vang dội tại Thăng Long và bồi đắp vào thế kỷ 18 và nở rộ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Tiếp theo là bài tham luận "Truyện thày Lazaro Phiền- những đóng góp vào kỹ thuật hư cấu (fiction) trong văn học Việt Nam" của giáo sư Hoàng Dũng, trường Ðại Học Sư Phạm Tp Sàigòn.
Qua bài nói chuyện, giáo sư Hoàng Dũng đã cho mọi người nhận ra những khám phá mới mẻ về truyện Thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản với 5 nét độc đáo: Ðây là cuốn truyện hiện đại đầu tiên, lại không có lấy một câu văn biền ngẫu; là cuốn truyện đầu tiên không chấp nhận lối tự sự theo dòng thời gian một chiều truyền thống; là cuốn truyện đầu tiên trong văn học Việt Nam mà toàn bộ câu truyện lấy trạng thái tâm lý làm đối tượng mô tả và lấy sự ân hận làm chủ đề; là cuốn truyện đầu tiên viết theo góc nhìn của ngôi thứ nhất và là cuốn truyện đầu tiên sử dụng kỹ thuật đan cài những chi tiết có vẻ phi hư cấu vào chuyện hư cấu.
Vào buổi chiều, tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, phó viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, phó Tổng biên tập tạp chí "Nghiên cứu tôn giáo" trình bày đề tài "Kiến trúc bài trí nhà thờ Nam của công giáo Việt Nam".
Kết thúc bài thuyết trình của mình, tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương nói "Nhà thờ Nam công giáo là một sáng tạo trong kiến trúc của công giáo Việt Nam, đó là tư liệu sống về sự hội nhập văn hoá. Ðó là loại hình văn hoá vật chất đóng góp vào kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam". Ðồng thời ông cũng cho thầy hiện nay, tuy chỉ có nhà thờ Phát Diệm được xếp vào hạng di tích văn hoá lịch sử nhưng một số nhà thờ Nam khác như Hảo Nho ở Ninh Bình, Hà Hồi ở Hà Tây đều có thể được coi là những di tích văn hoá lịch sử.
Bài tham luận thứ tư của nhà nghiên cứu đồng thời là nhà báo công giáo Huy Thông về "Nét tương đồng giữa văn hoá công giáo và văn hoá Việt Nam".
Qua bài tham luận, nhà nghiên cứu cho thấy rằng dù đạo công giáo du nhập vào Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử đầy phức tạp, biến động và trưóc đó đã có một số lớn tôn giáo như Nho, Phật, Ðạo giáo ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài nhưng công giáo vẫn bám rễ nhanh và phát triển mạnh đó là vì giữa văn hoá công giáo và văn hoá Việt Nam có những nét tương đồng được thể hiện qua hệ thống giáo lý của đaọ và tập tục tín ngưỡng của ngưòi dân, qua các lễ hội, đạo gia tiên?
Buổi toạ đàm của ngày thứ ba gợi lên những suy nghĩ rất xa, rất sâu, như là tiếng chuông nhắc nhở mọi người ý thức về việc hội nhập văn hóa; về quan tâm cải tổ các đồ dùng thờ phượng; về bài trí, xây dựng các nơi thờ phượng để không đánh mất nét văn hoá văn tộc; về việc bảo tồn những nghệ thuật tôn giáo và những tác phẩm văn học công giáo.
Cuộc toạ đàm
"Một Số Vấn Ðề Về Văn
Hóa Công Giáo Việt Nam Từ Khởi
Thủy Ðến Ðầu Thế Kỷ
XX" sẽ kết thúc vào ngày 27/10/2000
với bản tổng kết, đánh
giá chung về toàn bộ cuộc toạ
đàm trong 3 ngày vừa qua.