Cuộc tọa đàm về chủ đề
"Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam"
tại Tòa Tổng Giám Mục Huế
Từ ngày 24-27 tháng 10 năm 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tường thuật ngày thứ hai
25/10/2000

Tường thuật ngày thứ hai của cuộc Tọa Ðàm: "Một số vấn đề Văn Hóa Công Giáo Việt Nam" tại Tổng Giáo Phận Huế (25/10/2000).

 Bước sang ngày thứ hai, cuộc toạ đàm "Một số vấn đề văn hoá công giáo Việt Nam" tại toà Tổng giám mục Huế tập trung vào việc nhìn lại quá trình hình thành cũng như vai trò của chữ quốc ngữ đối với giáo dân Việt Nam vào thế kỷ 17.

 Một nét rất mới, chủ toạ cuộc toạ đàm này là chị Maria Nguyễn Thị Nga, một giáo dân của giaó xứ chính toà Phủ Cam, Huế. Trong suốt cuộc toạ đàm, chị tỏ ra rất bản lĩnh, nhanh nhậy trong nhận thức vấn đề và rất duyên dáng trong phong cách chủ toạ của mình. Mở đầu là bài thuyết trình về đề tài "Alexandre de Rhodes công bố sách quốc ngữ đầu tiên" do linh mục Ðỗ Quang Chính dòng Tên phụ trách. Trước khi đi vào thuyết trình, cha nhìn nhận một thực tại: "Trong số những người góp công sức tài trí vào việc sáng tạo và hơn nữa, phổ biến chữ quốc ngữ, xem ra Alexandre de Rhodes, tức Ðắc Lộ, là người được các nhà nghiên cứu bàn đến nhiều hơn hết, đặc biệt là thời điểm 1961-1970 kỷ niệm 300 năm ông mất và 1991 -2000 kỷ niệm 400 năm ông sinh. Cha tiếp: ngay đối với người có học đôi chút, thì họ cũng biết đến Ðắc Lộ như là "ông tổ" chữ quốc ngữ."

 Dù nhìn nhận giờ thuyết trình của mình như một "khoảng khắc ôn cố tri tân", nhưng với một bề dày của một nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín cha Ðỗ Quang Chính đã thu hút cử toạ bằng sự trình bày mạch lạc rõ ràng mang tính chuyên môn nhưng lại rất khiêm tốn của mình.

 Khởi đi từ giai đoạn sáng tạo và hình thành chữ quốc ngữ, vị thuyết trình cho thấy chữ quốc ngữ đã được bắt đầu vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17 và nhìn nhận rằng để công bố công trình sáng tác chữ quốc ngữ, cha Ðắc Lộ đã phải vượt bao khó khăn.

 Khi kết thúc bài tham luận, vị thuyết trình nói: "chữ quốc ngữ đối với đất nước 4,000 năm văn hiến, là một công cụ sắc bén cho việc phát triển và truyền bá tư tưởng, tiếp thụ các nền văn minh thế giới, là cầu nối với "nền văn minh quốc tế chữ cái abc". Nói thế không phải là chữ quốc ngữ cho đến bây giờ hoàn toàn mọi mặt đâu. Ngôn ngữ có thay đổi theo thời gian, tuy nhiên, từ khi có cuốn từ điển của Ðức Cha Bá Ða Lộc 1773, đến nay đã hơn 200 năm rồi, mà chữ quốc ngữ vẫn không thay đổi".

 Ðề tài của vị thuyết trình đã gợi lên thao thứùc về chữ quốc ngữ và cử toạ đều mong có một "Tiểu ban về chữ quốc ngữ" thuộc Hội đồng giám mục để tra cứu, sưu tầm về chữ quốc ngữ một cách qui mô và hữu hiệu hơn.

 Tiếp sau đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên trình bày về chủ đề "Chữ Quốc ngữ tàng trữ trong văn khố Hội Truyền giáo Paris". Một đề tài tuy mang tính chuyên môn này lại đã thu hút và gợi lên nhiều cảm xúc, khi vị thuyết trình đọc lại một số bản văn bằng chữ quốc ngữ trong 3 thế kỷ 17, 18 và 19 được tàng trữ trong văn khố Hội Truyền giáo Paris.

 Phần trình bày đã gợi lên ước muốn có được một trung tâm tư liệu công giáo để có thể phục vụ việc nghiên cứu một cách dễ dàng hơn.

 Vào buổi chiều là bài thuyết trình của phó giáo sư tiến sĩ Trần Trí Dõi thuộc Ðaị Học Quốc Gia Hà Nội về "Chữ quốc ngữ với đời sống giáo dân ở Việt Nam trước và sau thế kỷ 18". Qua phần trình bày, nhà nghiên cứu cho thấy: "từ lúc manh nha cho đến cuối thế kỷ 18, chữ Quốc ngữ chỉ là phương tiện ngôn ngữ của cộng đồng tôn giáo và chưa thực sự là phương tiện ngôn ngữ của cư dân sử dụng tiếng Việt nói chung. Ban đầu nó là phương tiện của các nhà truyền giáo, tiếp theo, nó là phương tiện để ghi chép những họat động cụ thể trong đời sống hàng ngày của cộng đồng giaó dân. Tuy nhiên, cũng nhờ có sự bắt đầu ấy mà người giáo dân, với tư cách là một bộ phận hữu cơ của người Việt, đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ phù hợp với ngôn ngữ toàn dân."

 Cuối cùng, là bài báo cáo của phó giáo sư tiến sĩ Ðỗ Quang Hưng, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia về "Báo Chí Công Giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu". Qua bài tham luận có tính tổng hợp nhưng lại rất chi tiết, nhà nghiên cứu nhận định: "So với sự ra đời và phát triển của nền báo chí Việt Nam kể từ 1865, báo chí công giáo cũng như báo chí tôn giáo nói chung là một bộ phận có vị trí nhất định, khá độc đáo. Người công giáo, các tờ báo công giáo đưọc kể như người mở đầu cho một hình thức sinh hoạt văn hóa mới, nói riêng là nghề làm báo Việt Nam. Trên phương diện văn hoá, báo chí tôn giáo không chỉ phản ánh sự dung hoà thích hợp với các giá trị văn hoá phương Tây mà còn phản ánh sự bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống và cũng cho thấy tâm thức tôn giáo của một bộ phận dân tộc Việt Nam thời cận đại".

 Với 4 bài thuyết trình mang tính chuyên môn này, ngày thứ hai của cuộc toạ đàm "Một Số Vấn Ðề Về Văn Hóa Công Giáo Việt Nam Từ Khởi Thủy Ðến Ðầu Thế Kỷ XX" do Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dân thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Toà tổng Giám Mục Huế tổ chức từ ngày 24/10/2000 tới ngày 27/10/2000 tại Tòa Tổng Giám Mục Huế đã thực sự gợi lên thao thức về việc tìm về sự khai sinh chữ quốc ngữ cũng như một nhắc nhở về việc bảo tồn văn hoá Việt Nam về phương diện ngôn ngữ. Ðồng thời cho thấy được những đóng góp to lớn, thiết thực của người công giáo Việt Nam vào nền văn hoá dân tộc.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page