Diễn Từ Khai Mạc
của Ðức Tổng Giám Mục Huế.
Trọng kính Quý Ðức
Cha
Kính thưa các vị Khách Quý,
các Cha, các Bề Trên Dòng,
các Tu Sĩ nam nữ chủng sinh.
Kính thưa các vị Thuyết Trình
Viên.
Kính thưa tất cả Tham Dự Viên
chương trình tọa đàm.
Trước hết chúng tôi xin gửi đến quý vị lời chào mừng trân trọng và thân ái trong tình liên đới và hiệp thông của những người con đất Việt cùng chung cội nguồn Tiên Tổ, cùng chia sẻ với nhau một gia sản văn hóa mà qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, vẫn gìn giữ được bản sắc của mình.
Tưởng nhớ về cội nguồn Tiên Tổ, chúng ta như đang nghe các bậc tiền nhân tha thiết kêu mời hãy tiếp tục bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và cố gắng phát huy các giá trị truyền thống của ông bà tổ tiên để góp phần tô điểm giang sơn gấm vóc và làm giàu thêm cho di sản văn hóa nhân loại.
Hội Thánh tại Châu Á và cách riêng tại Việt Nam đang ý thức về tầm quan trọng của các nền văn hóa bản địa trong công cuộc loan báo tin mừng. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu năm 1998 cũng đã nói: "Công cuộc Phúc Âm hóa mới đòi hỏi phải kính trọng và lưu tâm tới những thực tại Á Châu và nhận thức lành mạnh về những thực tại đó."
Trong các thực tại Á Châu này, trước tiên phải kể đến các nền văn hóa lâu đời và các tôn giáo lớn đã ăn rễ sâu vào trong tâm thức và tâm đạo của các dân tộc Á Châu. Riêng bản thân Tôi, trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu này đã có dịp phát biểu: "Giáo Hội tại Châu Á và nhất là tại Việt Nam, không bao giờ được quên rằng Giáo Hội có bổn phận rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa của dân chúng, rằng Giáo Hội phải xem như là bổn phận ưu tiên của mình việc đối thoại liên lỉ, khiêm tốn và đầy yêu thương với những nền văn hóa và những truyền thống ngõ hầu Giáo Hội có thể được hòa nhập hoàn toàn với dân chúng."
Trong đường hướng Hội Nhập Văn Hóa của Tin Mừng mà Giáo Hội đang cổ vũ khích lệ, người Công Giáo Việt Nam chúng tôi cảm thấy nhu cầu cấp bách phải đào sâu niềm tin đã lâu đời bén rễ trong tâm hồn người Việt Nam và trong văn hóa dân tộc: đó là việc tôn kính Tổ Tiên mà người mình quen gọi là Ðạo Hiếu, Ðạo Ông Bà.
Ðạo Chúa được truyền bá trên quê hương Việt Nam muộn màng hơn so với các tôn giáo bạn. Ðiều này đòi hỏi Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam nhiều cố gắng để hội nhập và chắt lọc. Chính vì vậy mà cuộc tọa đàm có tính cách thể nghiệm này được tổ chức với mục đích là để tìm hiểu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, mà những người học trò đầu tiên phải là Giáo Phận Huế chúng tôi.
Chúng con xin hết lòng cám ơn quý Ðức Cha đã đến tham dự và hướng dẫn chúng con.
Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn đối với sự hưởng ứng nhiệt tình của quý vị Thuyết Trình Viên đã nhận lời mời đến trình bày những suy nghĩ tâm đắc và những cảm nghiệm sâu sắc của quý vị trong buổi tọa đàm này.
Chúng tôi chân thành cám ơn các bậc lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế, các tổ chức, các ban ngành, cách riêng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo thuộc Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong việc tổ chức chương trình tọa đàm nầy.
Huế đang đi vào mùa mưa, khí trời cũng dịu mát thuận lợi cho việc trao đổi học hỏi và nghiên cứu. Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn vì Tòa Tổng Giám Mục - Huế chưa có được một Hội Trường tương xứng với tầm cỡ của cuộc Tọa Ðàm này. Chắc chắn việc tổ chức tuần tọa đàm không tránh khỏi nhiều thiếu sót ngoài ý muốn. Kính mong quý vị thông cảm và lượng thứ cho.
Kính chúc quý vị những ngày vui vẻ bổ ích tại Giáo Phận Huế.
Và giờ đây, tôi tuyên bố khai mạc chương trình tọa đàm về chủ đề: "Tôn Kính Tổ Tiên".
Xin trân trọng kính chào.