3. Thái độ của Giáo Hội Công Giáo
đối với những nền tư tưởng, giáo lý, và thần học
của những tôn giáo bạn ngoài Kitô Giáo
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với các nền Thần Học và Giáo Lý của những tôn giáo ngoài Kitô giáo
Cũng giống như bao nhiêu Cộng đồng Công Giáo địa phương khác trên thế giới, giáo hội Công Giáo tại Việt Nam có những thời rất được sùng kính, cũng có những thời gặp phải gian khổ, bị bắt bớ, bị tử hình, phải lấy máu đào để làm chứng cho niềm tin vào Ðức Kitô. Giáo hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, trong thời gian truyền giáo, rất được các vua quan mến mộ, đã có nhiều dân chúng và cả những người trong triều đình (công chúa, các quan trong triều đình...) học giáo lý và chịu phép Rửa tội. Có nhiều cuộc giảng thuyết của các vị thừa sai cũng lôi cuốn được nhiều sư sãi của Phật giáo đến tìm hiểu và chính họ cũng thừa nhận rằng, giáo lý của Giáo hội Công giáo rất hay, làm họ rất ưa chuộng. Nhưng về sau vì nhiều lý do khác (xin xem lịch sử các Thánh Tử Ðạo Việt Nam), khi các Vua quan Việt Nam bắt đầu ra những sắc lệnh bắt Ðạo, thì từ đó Ðạo Công giáo được xếp vào loại "Tà Ðạo". Những ai không không chịu bước qua Thập giá để từ bỏ Ðạo thì sẽ bị khắc hai chữ "Tà Ðạo" lên ngay trên trán, và sẽ bị giam cầm, bị xử trảm hoặc bị tứ mã phanh thây... Cho dù bao nhiêu gian khổ, bị bắt bớ, bị tử hình... nhiều tín hữu Việt Nam, cũng giống như các Thánh Tông Ðồ thời Giáo Hội Sơ Khai, đã anh hùng chịu chết để làm chứng cho Ðức Tin. Chính nhờ đó, giòng máu của Các Thánh Tử Ðạo đã trở thành những hạt giống nẩy mầm và sinh ra nhiều hoa trái trên thế giới cũng như trên đất nước Việt Nam. Những giòng máu của các Thánh Tử Ðạo đã minh chứng cho thấy, Ðạo Công giáo là Ðạo Thật, và Ðức Kitô Ðấng đã mạc khải Thiên Chúa Cha cho nhân loại, Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Tuy đối với chúng ta, là những người đã nhận lãnh đức Tin vào Ðức Kitô, đã biết được đâu là Con Ðường để đi đến cứu độ, chúng ta tự hào vì mình đã có được một đức tin chân chính. Nhưng đối với rất nhiều anh chị em khác trên thế giới, họ sống trong những môi trường văn hóa khác, họ có những truyền thống tôn giáo khác, quan niệm của họ đối với chúng ta hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên, với nhiều tư tưởng, nhiều lập luận, nhiều nền văn hóa khác nhau. Ðứng trên quan điểm của Giáo Hội Công Giáo và trong tinh thần hiệp nhất và đối thoại Liên Tôn của Giáo hội, khi gặp phải những tư tưởng hay giáo lý thần học của những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, chúng ta phải có thái độ như thế nào? Chúng ta phải làm gì để bày tỏ sự tôn trọng những nền thần học hay giáo lý của những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo? Có phải những giáo lý hay những nền thần học của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo cũng nói đến Con Ðường Cứu Ðộ? Với niềm tin của người Kitô Giáo mà chúng ta thường tuyên xưng trong những lúc đọc kinh Tin Kính: Ðức Giêsu là Chúa Cứu Thế, điều này muốn nói lên Chúa Giêsu không thuộc riêng về một dân tộc nào, hay một thời đại nào, Ngài đem ơn Cứu Ðộ đến cho tất cả mọi người trên thế gian này. Nói rõ hơn, bất cứ ai trên trần gian cũng đều cần đến ơn Cứu Ðộ của Ngài, để tất cả mọi người đều nhờ Ngài mà được cứu độ (Cv 4,12), như thế, những tôn giáo ngoài Kitô giáo có quan hệ gì trong việc lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu không?
II. Dựa Trên căn bản Thánh Kinh
(1) Trong Cựu Ước: Ngay từ phần đầu của Thánh Kinh, đã có nhắc đến chương trình cứu độ có tính cách hoàn vũ. Thiên Chúa đã cùng với ông No-e, người đại diện cho toàn thể nhân loại, lập nên một giao ước (Sáng thế 8,5-9,7). Tiên tri Amos đã cảnh cáo dân Israel rằng, họ chẳng có đặc quyền gì trước mặt Thiên Chúa cả, vì cũng như việc Thiên Chúa đã từng cứu dân Israel ra khỏi Ai Cập, thì Ngài cũng có thể cứu chuộc tất cả những dân tộc khác, Ngài đã vì sự phản bội của dân Israel mà thẳng tay ra hình phạt (Amos 9,7-8). Bởi thế, căn cứ vào Cựu Ước, chắc chắn các dân tộc khác cũng có liên quan tới ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng từ trong tôn giáo của họ chúng ta có thể tìm thấy được những liên quan tới ơn cứu độ này chăng? Ðàng khác, trong giao ước với ông No-e không nhắc tới sự việc Tôn Thờ Thiên Chúa, mà chỉ nói đến, việc quản lý thế giới cũng như việc phải trả nợ bằng máu cho những người khác. Ðàng khác, các tiên tri của Israel cũng đã từng chỉ trích họ vì họ đã đi với các tôn giáo đa thần, các ngài cũng phản đối việc thờ lạy các thần thánh đại biểu của các quốc gia. Tuy nhiên, những lời chỉ trích này không phải là những điểm chủ yếu nói lên các tư tưởng tôn giáo của Israel; xét theo lý trí (Isaia 44,9-20; Khôn ngoan 13-15), và tìm hiểu về từ nguồn gốc, mỗi một người đều có thể dùng trí khôn ngoan của mình để nhận ra được một vị Thần duy nhất là Ðấng đã tạo dựng nên vũ trụ, và đi theo sự hướng dẫn của vị thần này để sống một cuộc sống chân chính, còn những vị thần thánh được tạo dựng nên bởi con người thì sẽ chỉ dẫn tới sự sa đọa. Những lời chỉ trích này chủ đích không phải muốn nói với những người ngoại giáo, nhưng là để cảnh cáo chính những người dân Israel đã tự phản bội tôn giáo của mình. Bởi thế những lời chỉ trích này không thể đại diện để nói lên quan điểm đối với những tư tưởng hay những nền thần học của những tôn giáo ngoài Kitô giáo.
(2) Trong Tân Ước: Trong Tân Ước cũng không nói thẳng tới tên của những tôn giáo nào. Tôn giáo và văn hóa của các dân tộc thường không thể tách biệt. Thánh Phaolô nói: "Tôi đã hiểu rõ rồi, Thiên Chúa không thiên vị người nào, bất cứ ai thuộc về dân tộc nào, nếu kính mến Ngài và tuân giữ những điều ngay lành, đều được Ngài tiếp nhận" (Cv 10, 34-35). Ðức Giêsu cũng thường nhắc đến sự việc kính mến Thiên Chúa và tuân giữ những điều ngay lành mà rất ít nói đến các nghi thức tôn giáo, đọc kinh, những phương pháp tu luyện v.v... Nếu như họ tuân giữ những quy luật, nhưng đi ngược lại với những điều ngay lành, thì hãy lựa chọn tuân giữ điều ngay lành (Mt 12,1-14). Ðức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: "Ðến lúc đó, các ngươi sẽ không còn thờ lạy Chúa Cha ở trên núi này hay ở trong đền thờ Giêrusalem nữa. Các ngươi thờ lạy Ðấng các ngươi không biết, chúng tôi thờ lạy Ðấng mà chúng tôi biết, bởi vì ơn cứu độ đến từ người Do Thái, hơn nữa thời giờ đã gần đến, và thời kỳ này đã tới, những ai thành thật thờ lạy, thì sẽ thờ lạy Chúa Cha trong thần khí và sự thật,..." (Gio 4,21-24). Giáo hội sau này cũng không bắt buộc những người không phải là Do thái phải tuân giữ những chế độ tôn giáo của Cựu Ước (Cv 15), trừ những quy luật trong giao ước với ông No-e.
Ðể thay thế cho những giới luật tôn giáo của Cựu Ước và Thánh Ðiện, Những luật pháp mà Thánh Phaolô đã nói đến, nay có thể tóm tắt là: Hãy tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa: Hãy Tin vào Ðức Giêsu Phục sinh và cũng là Tin vào Ðấng Cứu Thế và là Ðấng phán xét. (Gio 2,19-22; Mt 26,61-64), "Ngoài Ngài ra, cho dù nhờ vào ai, tất cả đều vô phương cứu chữa, bởi vì trên thế gian này, không còn Danh Hiệu nào khác, làm cho chúng ta nhờ đó mà có được ơn cứu độ" (Cv 4,12). Người Do Thái không thể chấp nhận quan niệm này, và đây cũng chính là những điểm xung khắc to lớn giữa các tôn giáo với nhau. Các kitô hữu thì cho rằng niềm tin vào Ðức Giêsu theo kiểu này không phải là chân lý do họ khám phá ra hoặc tự hiểu biết được, nhưng là chính Thiên Chúa tự Ngài đã an bài chương trình cứu độ: để chấp nhận, các tín hữu cũng phải từ bỏ các tư tưởng riêng tư của mình và hối cải, cả Ðức Giêsu trong giây phút cuối cùng cũng đã hy sinh chính mình, để chấp nhận sự an bài của Thiên Chúa Cha (1Co 1,17): Bởi vậy, tư tưởng của con người, kể cả tư tưởng của người kitô hữu, cũng không thể so sánh với chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu.
III. Dựa theo Lịch sử Giáo hội
Trong lịch sử giáo hội, khi nói đến những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, hay nhắc đến những xung khắc, thường dựa theo hai nguyên tắc: (1) "Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4), nhưng điều tiếp theo là: (2) "Thiên Chúa thì chỉ có một Ðấng duy nhất, Giữa Thiên Chúa và loài người thì cũng chỉ có một Ðấng Trung Gian, đó chính là Ðức Giêsu Kitô đã giáng sinh làm người, Ngài đã hy sinh chính mình để làm giá cứu chuộc nhân loại" (1Tm 2,5-6).
(1) Khi các giáo phụ tiếp xúc với với những nền triết học Hi Lạp mà họ từng tôn trọng, đã nhìn nhận rằng ở ngay trong toàn thể nhân loại đã có hạt giống của Ngôi Lời, làm cho con người có thể ở một mức độ nào đó có được cuộc sống giống như Chúa Giêsu và để được ơn cứu độ, nhưng một mặt khác, khi Giáo hội đối diện với những phần tử của lạc thuyết hoặc những dân tộc ngoại giáo (ngoài giáo hội) có tính cách nguy hiểm cho Giáo hội (ví dụ như Hồi Giáo), thì lúc đó lại nhấn mạnh rằng "Bên ngoài Giáo hội không thể có được cứu độ" (Origen, 185-254).
(2) Công đồng Trent (1545-1563), trong Sắc Lệnh "Thành Nghĩa" (1547) (DS 1524) nói rằng, sau khi công bố Phúc Âm, nếu những người ngoại giáo (những người ngoài giáo hội), ao ước được Rửa tội (votum baptismi), thì trong lòng âm thầm đã bày tỏ ước muốn gia nhập Giáo hội, những loại ước muốn này (nghĩa là phép Rửa tội bằng lòng ao ước - 1 trong ba loại hình thức Rửa tội: phép Rửa bằng nước; phép Rửa bằng máu - tử đạo; và phép Rửa bằng lòng ao ước), cũng làm cho họ được cứu độ. Vì vậy, Giáo hội nhìn nhận "ngoài Giáo hội" có thể được ơn cứu độ, bởi vì có những liên quan tiềm ẩn đối với Giáo hội; Nhưng "không có Giáo hội thì không có được ơn cứu độ", những người ngoài Giáo hội cũng có thể có những cơ hội có được ơn cứu độ, nhưng nếu ở trong Giáo hội thì có hy vọng hơn để có được ơn cứu độ, bởi vì có thể nhận lãnh được với đầy đủ sự hiểu biết chính thức hơn, và có sức mạnh ơn Chúa Thánh Thần đầy đủ hơn.
(3) Công đồng Vatican II (1962-1965), trong tuyên ngôn về "Thái độ của Giáo hội đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo" nói rằng: "Giáo hội Công giáo không loại bỏ những điều chân lý hay những điều thánh thiện từ trong các tôn giáo bạn này, mà còn thật lòng, kính trọng, nghiên cứu những công việc họ hoạt động cũng như những sinh hoạt mà họ có kể cả những quy luật và những giáo lý của họ, những điều này, tuy trên nhiều phương diện, vẫn còn những điểm bất đồng đối với những điều Giáo hội Công giáo vẫn cương quyết, vẫn dạy dỗ, nhưng trong đó vẫn phản ảnh lên được những ánh sáng chân lý của nhân loại" (Nostra aetate - NAE 2). Bởi vậy Giáo hội không đề cập đến những giá trị tổ chức bên ngoài của những tôn giáo này, vì bên trong (những tôn giáo này) chân lý, thánh thiện không phải do tự khả năng đặc biệt nào của họ. Tôn giáo là một phần trong văn hóa của nhân loại, mà văn hóa càng tiến bộ càng làm cho tôn giáo có thể diễn đạt nhiều hơn quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Những tiến bộ này, không phải nhờ vào một loại mặc khải nào, nhưng nhờ vào những nỗ lực cố gắng của con người. Tôn giáo là những cao điểm của tín ngưỡng trong văn hóa của mỗi một dân tộc: "Tôn giáo của mỗi một nơi trên khắp thế giới đưa ra những nền giáo lý, những quy luật sinh hoạt, và cả những nghi lễ tôn thờ thần thánh, làm thành những phương pháp, nỗ lực từ nhiều phương diện, bù đắp vào những bất an trong thâm tâm của con người" (Nostra aetate - NAE 2). Bởi vậy, theo quan điểm của Giáo hội, tôn giáo thuộc về những tiến trình sáng tạo, là dựa vào lương tâm và sự hiểu biết của con người, nhưng cũng dựa vào "những hạt giống của Ngôi Lời", để phát hiện ra những chân lý liên quan tới con người. Nhưng chỉ có nơi Ðức Kitô là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Gio 14,6) con người mới có thể có được những sinh hoạt tôn giáo vẹn toàn và được hòa giải với Thiên Chúa. Giáo hội coi trọng những tín hữu của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo đã có những tinh thần và đạo đức cũng như những giá trị văn hóa xã hội (Nostra aetate - NAE 2), nhưng đối với quan niệm và giá trị về tính tôn giáo, công đồng Vatican II nói rằng các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo và Giáo hội Công giáo có cùng những quan điểm và giá trị chung, và đặt nó làm "những phản ảnh ánh sáng chân lý của toàn nhân loại trên thế giới" (Nostra aetate - NAE 2), Giáo hội vẫn quyết tâm làm chứng nhân cho Ðức Kitô.
Những tín hữu của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, "không phải tự mình đã thiếu sót, chưa nhận biết Thiên Chúa, càng không phải vì không có ơn thánh của Thiên Chúa mà đã cố gắng sống một cuộc sống chân chính, Thiên Chúa là Ðấng thấu hiểu mọi sự, Ngài sẽ không để cho họ thiếu đi những giúp đở để có được ơn cứu độ" (Lumen gentium - LG 16). Không có ai, kể cả các tín hữu kitô, có thể dựa vào những cố gắng của chính mình mà được cứu độ, nhưng con người ít nhất cũng phải biểu lộ ước muốn lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa, điều ước muốn căn bản này là biểu lộ họ đã có những nỗ lực cố gắng để sống một cuộc sống chân chính. Nếu những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo có thể giúp đỡ những người khác biết rộng mở đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, như vậy thì qúa tốt rồi.
IV. Dựa vào nền thần học hiện đại
(1) Cho đến Công đồng Vatican II, quan điểm của các thần học gia công giáo đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo là: Qua mạc khải của Ðức Giêsu Kitô, làm hoàn thành tôn giáo trong cựu ước, và bổ sung cho các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo. Các thần học gia công giáo không lạc quan bao nhiêu, vẫn coi các tôn giáo khác là do chính con người dựng nên, bởi vậy cần phải có sự mạc khải Chân Lý của Thiên Chúa nhờ vào Ðức Kitô để thay thế.
(2) Sau công đồng Vatican II, một đàng vì thần học có những đổi mới, một đàng vì đi sâu vào nghiên cứu những truyền thống của những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, bởi vậy tạo ra rất nhiều quan điểm mới, một vài điểm chung chung là, làm thế nào để đồng thời tôn trọng những truyền thống lớn của những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, cũng đồng thời phải khẩn định những mạc khải có tính chắc chắn và phổ quát trong chính Ðức Giêsu Kitô. K. Rahner (1904-1984) nhận định rằng, bởi vì Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều được cứu độ, như thế Ngài cũng sẽ đưa ra một phương cách cụ thể. Con người có xã hội tính, có lịch sử tính, như vậy để cứu chuộc con người, Thiên Chúa cũng có thể sử dụng phương cách có tính xã hội, có tính lịch sử, và đó chính là các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo. Các tôn giáo này đưa ra những mạc khải và ơn cứu độ để cho con người có cơ hội được cứu độ, mà ơn cứu độ của con người thì có tính Kitô (Col 1, 16; Ep 1,10), bởi vậy những tín hữu của các tôn giáo bạn có thể được gọi là "những kitô hữu vô danh" (anonymous Christians). Nhưng quan điểm này nói rằng tất cả mọi tôn giáo chỉ có thể nhờ vào Ðức Kitô mới có thể được cứu độ, nói như thế thì vẫn còn có vẻ thiếu tôn trọng tính cách riêng rẽ của những tôn giáo bạn.
(3) Bởi thế có người đã bước thêm một bước để nói rằng, các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo là những con đường cứu độ thông thường, còn Kitô giáo là còn đường cứu độ đặc biệt hơn (H.R. Schlette, 1931- ). Có thần học gia còn nói rằng, Ðức Kitô vượt qua mọi giới hạn của tất cả các tôn giáo, và mỗi một tôn giáo ở những phương diện nào đó phản ảnh Ðức Kitô, Kitô giáo cũng như thế mà thôi. Trong lịch sử phát triển của các tôn giáo, cuối cùng rồi tất cả các tôn giáo cũng sẽ hình thành một Giáo hội của Ðức Kitô có tính cách hoàn vũ (R. Panikkar, 1918- ).
(4) Ngoại trừ những quan điểm tiêu biểu tương tự như trên, chúng ta cũng có thể nghiên cứu tới những kết quả thực tế về công cuộc cứu chuộc nhân loại của các tôn giáo, đó là việc phát sinh ra những Thánh nhân, việc cứu giúp người nghèo khổ. Chúa Giêsu nói: "Cho dù các ngươi không tin vào Ta, thì ít nữa hãy tin vào những việc Ta đã làm" (Gio 10,38). Ngài còn nói: "Các ngươi có thể xem họ sinh quả như thế nào, để thẩm định họ" (Mt 7,16). Tiêu chuẩn này cũng chính là tiêu chuẩn duy nhất của cuộc Phán Xét Chung (trong ngày tận thế), về phương diện này, cả các tín hữu kitô cũng như các tín hữu ngoài Kitô giáo đều không thể tự hào được. Ở Ðài Loan, ai cũng thừa nhận rằng, những hoạt động Từ Thiện nổi tiếng của Hội Từ Tế thuộc Giáo Hội Phật Giáo Ðài Loan (tương tự như Hội Caritas của Công Giáo) đã đóng góp rất nhiều trong việc phục vụ xã hội tại Ðài Loan. Những hoạt động của họ đã bắt đầu lan rộng ra khắp các nước nghèo trên thế giới, kể cả những cứu trợ để giúp đỡ cho những nạn nhân trong cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại New York, Hoa Kỳ. Họ cũng đã từng bảo trợ để đưa một số bệnh nhân đặc biệt ở Việt Nam qua điều trị miễn phí tại các nhà thương nổi tiếng của họ tại Ðài Loan. Mẹ Têrêsa, qua các công việc Bác Ái nổi tiếng của Mẹ trên thế giới mà ai cũng biết đến, Giáo hội Công giáo đang chuẩn bị để phong Chân Phước và phong Thánh cho Mẹ, và đặc biệt, rất nhiều Phật tử, tín đồ Ấn giáo, đạo Jaina và tín đồ Hồi giáo nhất trí rằng Mẹ Têrêsa đã là một vị Thánh theo các chuẩn mực của tôn giáo họ, vốn là những tôn giáo không có tiến trình điều tra phong Thánh (theo bản tin của UCAN ngày 13/09/1999). Các kitô hữu đương nhiên đã biết rõ, bởi vì họ thường đối diện với một Ðức Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, tự nhận mình là tội nhân. Ðương nhiên, cứu chuộc nhân loại thì cũng phải bước vào trong nhân sinh quan, và nhân sinh quan của kitô hữu phải lấy Chúa Giêsu làm tiêu chuẩn, bởi vậy, cứu độ trên lý luận và trên thực tế hai điều này không thể tách rời nhau được.
V. Ý nghĩa của Thần học tổng hợp
Ðối với thần học của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, chúng ta không thể chỉ đưa ra để so sánh với hai loại Tín ngưỡng và Lý luận mà thôi, mục đích chúng ta đào sâu vào nghiên cứu nền thần học của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo chính là khi đối thoại với các tôn giáo bạn, cần phải hiểu rõ kế hoạch của Thiên Chúa và những gì Thiên Chúa đòi hỏi người kitô hữu phải làm:
(1) Thiên Chúa nhất định đòi hỏi các kitô hữu phải tôn trọng những tín ngưỡng chân thành của những người khác.
(2) Người kitô hữu cũng phải tự khẳng định tín ngưỡng của mình, và để làm chứng nhân.
(3) Trong lúc đối thoại và hợp tác, hai bên đều phải có tấm lòng cởi mở, nhìn nhận rằng mầu nhiệm của Thượng Ðế và của sự sống thì vĩnh viễn vượt qua khả năng trí tuệ và hiểu biết của nhân loại. Tuy đối với kitô hữu, Ðức Giêsu là Ðường là Sự Thật và là Sự Sống, nhưng một đằng Cha vẫn lớn hơn Ngài (Gio 14,28), đằng khác Ðức Giêsu đã hứa sẽ gửi Thánh Thần hướng dẫn tín hữu đi vào Chân Lý (Gio 16,12-13), và Chúa Thánh Thần ban ân sủng cho thế giới, cũng có thể dùng trí hiểu biết của người khác để hướng dẫn tín hữu tiến bước thêm để nhận ra Chân Lý.
(4) Theo quan điểm của kitô hữu, Thiên Chúa trao sứ mạng cho nhân loại không phải là để thống nhất tư tưởng, nhưng để làm rạng tỏ sự Khôn ngoan vô cùng và Tình yêu vô biên của Ngài qua công việc phục vụ thế nhân. Bởi vậy, khi tiếp xúc với các tín hữu của các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, mục đích quan trọng nhất đó là cần phải tiếp nhận nhau, làm chứng nhân cho nhau và cùng nhau phục vụ người nghèo. Như thế, vừa làm cho Danh Thiên Chúa được cả sáng, mà vừa làm cho nhân loại cũng có được hữu ích.
Philippines, ngày 21/11/2002, kỷ niệm 9 năm ngày Thụ Phong Linh Mục (1993-2002).
Rev. Joseph Trương Văn Phúc
(Trích dẫn và biên dịch từ những chương liên quan tới đề tài Ơn Cứu Ðộ của cuốn Ðại Tự Ðiển Thần Học bằng tiếng Trung Hoa được soạn thảo bởi các Giáo sư thuộc Viện Thần Học Ðại Học Công Giáo Phù Nhân, Ðài Loan, Theological Dictionary, a One-Volume Encyclopedia of Christian-Catholic Theology)