2. Quan Ðiểm của Giáo Hội Công Giáo
đối với các Tôn Giáo bạn ngoài Kitô Giáo
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Từ ngữ "các tôn giáo bạn" thay thế cho danh từ "ngoại giáo" hay "ngoại đạo" của ngày xưa
Giáo dân Công giáo Việt Nam ngày nay thường dùng từ ngữ "các tôn giáo bạn" hay "các tín hữu của các tôn giáo bạn" để thay thế cho những danh từ ngày xưa không mấy đẹp lắm như "ngoại giáo", "ngoại đạo" hay "người ngoại giáo", người ngoại đạo", "người ngoại", "người không có đạo" phân biệt với "kẻ có đạo" tức là những người thuộc "Kitô giáo". Tuy những danh từ này đã đi sâu vào trong cuộc sống, cả trong văn thơ hay trong ca nhạc cũng thường dùng đến, như lời ca của bài hát rất quen thuộc "Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ở trên cao....", nhưng dù sao đi nữa, danh từ này làm cho ta cảm thấy thiếu tinh thần tôn trọng các tôn giáo bạn, hay nói đúng hơn, có vẻ coi những ai thuộc những tôn giáo khác là những người không có đạo hay không có tôn giáo vậy.
Từ ngữ những tôn giáo ngoài Kitô giáo (Non-Christian religion) để chỉ các tôn giáo trên thế giới khác với Kitô giáo, và có những nền giáo lý, đức tin, quan niệm, tư tưởng khác biệt với những Giáo hội Kitô. Từ ngữ này, dựa trên căn bản giáo lý của Giáo hội Kitô để phân biệt với các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo. Cũng vậy, Phật giáo cũng có thể dùng theo cách tương tự để phân biệt "Phật giáo và các tôn giáo khác ngoài Phật giáo"; hoặc "Hồi giáo và các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo". Kiểu xưng hô này (Non-Christian religion), mà ngày xưa người Giáo dân Việt Nam ta thường gọi là "Ngoại Giáo" tiếng gọi tắt của chữ "ngoài Kitô giáo", tuy đúng để phân biệt nhau trên phương diện danh từ, nhưng nó làm mất đi tính cách đại đồng vì tất cả mọi người thuộc mọi tôn giáo cũng đều là con cái của Thượng Ðế, tứ hải giai huynh đệ. Và chính sự thiếu sót của danh từ này không nói lên được rằng giữa những quan điểm bất đồng của những tôn giáo khác nhau vẫn còn có rất nhiều ý tưởng hay đẹp và phong phú rất hữu ích cho nhau. Hay nói khác hơn, qua danh xưng này, phản ảnh cho ta thấy, Giáo hội Kitô ngày xưa còn có thái độ phủ nhận ơn cứu độ từ các tôn giáo khác, như Thánh Cyprian (khoảng năm 200-258) đã từng nói: "Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ" ("extra ecclesiam nula salus"). Tuy câu nói nổi tiếng này vẫn chưa được Giáo hội chính thức tuyên phán (DS 792, 802, 875, 3869-3870), nhưng sự thật, nó cũng nói rõ lên trong Giáo hội Kitô trước thế kỷ 20 vẫn thường có những thái độ như vậy.
II. Dựa theo Công Ðồng Vatican II (1962-1965)
Công đồng Vatican II đã nói rõ lập trường của mình trong tuyên ngôn "Thái độ của Giáo hội đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo" (28/10/1965). Tuyên ngôn nói lên lập trường của Công đồng Vatican II đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, đưa ra một bước tiến mới trong việc giải thích thần học khai phóng, chuẩn bị cho bước tiến đối thoại liên tôn, để cùng nhau phục vụ một xã hội tốt đẹp hơn. Giáo hội khẳng định rằng: Các dân tộc, các tôn giáo trên thế giới, tất cả cùng hình thành một tập thể, Giáo hội tôn trọng tinh thần, văn hóa cũng như những giá trị luân lý của Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo... Tuyên ngôn này, ít nhất trên phương diện lý luận, đã kết thúc những điểm gây nên thù nghịch nhau giữa các Giáo hội Kitô với Do thái giáo trong những thế kỷ qua.
III. Dựa theo cuốn Giáo Lý năm 1992 của Giáo Hội Công Giáo
Trong cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo được ÐTC Gioan Phaolô triệu tập để soạn thảo từ năm 1986, hoàn tất và được ÐTC phê chuẩn vào ngày 25/06/1992, công bố vào ngày 11/10/1992, phần I, chương 3 từ khoản 839 đến 848, nói đến thái độ tôn trọng của Giáo hội Công Giáo đối với dân tộc Do Thái, với những anh chị em Hồi Giáo và với tất cả những tín hữu thuộc những tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo, với phần mở đầu của khoản 839 như sau: "Tất cả những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng đều có liên quan tới cộng đoàn Dân Chúa theo nhiều cách khác nhau...". Ðặc biệt ở khoản 847 nói rõ đến ơn cứu độ cho những người này như sau: "Tất cả những ai, không phải vì lỗi ở chính mình mà chưa nhận biết Tin Mừng của Ðức Giêsu hoặc Giáo hội của Ngài, nhưng cũng là những người tìm kiếm Thượng Ðế với lòng chân thành, được thúc đẩy bởi ơn nghĩa Chúa, đã cố gắng trong hành động để thực hiện ý Chúa dựa theo sự xét đoán ngay lành của lương tâm, tất cả những người này cũng có thể được lãnh nhận ơn cứu độ." Trong phần II, chương 1, khoản 1260, cũng nhắc đến trường hợp của những người chưa chịu phép Rửa Tội như sau: "Tất cả những ai không biết đến Tin Mừng của Ðức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, nhưng đang tìm kiếm chân lý và thực hiện ý Chúa dựa theo sự hiểu biết của mình, thì có thể được cứu độ."
IV. Dựa theo những Thông Ðiệp của Ðức Gioan Phaolô II
Trong thông điệp "Sứ Mệnh của Chúa Cứu Thế" (Redemptoris missio, 07/12/1990), với đề tài "Sứ Mệnh Giáo Hội rao giảng Tin Mừng của Ðức Kitô" nói rõ thái độ căn bản của Giáo hội Công Giáo đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo. Trong chương năm của Thông Ðiệp nói đến rất nhiều những phương pháp đối thoại và truyền bá Phúc Âm: Chứng nhân đức tin, giáo lý chỉ đạo, thiết lập những đoàn thể địa phương, công việc bản địa hóa, đối thoại với các anh chị em tôn giáo bạn, cùng nhau xây dựng một xã hội công lý, v.v... Từ đây càng rõ ràng hơn là Giáo hội Công giáo đã có một quan điểm mới đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo.
(1) Trong việc đối thoại với các anh chị em tôn giáo bạn, thông điệp đã tích cực đưa ra quan điểm: "Sự việc Ðối thoại tôn giáo chính là một phần của việc truyền bá Phúc Âm, và là công việc tìm hiểu và bổ túc cho nhau. Ðối thoại không phải là phản bội việc truyền giáo cho mọi người, mà chính là một phần của việc truyền giáo cho mọi người. Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa mời gọi tất cả các dân tộc quay về với Ngài, Ngài mong muốn chia sẻ sự mạc khải và tình yêu viên mãn của Ngài đến với mọi người. Ngài dùng những tinh thần tiềm ẩn của nhân loại, để xuất hiện và làm cho mọi người thấu tỏ sự hiện diện của Ngài, từ các tôn giáo của họ biểu lộ những tinh thần tiềm ẩn phong phú, mặc dầu đôi lúc còn có những khác biệt, không toàn mỹ hoặc sai trái" (ÐTC Phaolô VI, "Diễn Thuyết khai mạc Công Ðồng Vatican II", 29/09/1963), (Nostra Aetate - NAE 2; Lumen gentium - LG 16; Ad gentes divinitus - AG 9).
(2) Như thế, giữa việc rao giảng Ðức Kitô với nỗ lực đối thoại cần phải có những cố gắng bảo trì liên tục, nhưng cũng cần phải giữ lại những sắc thái của riêng mình. Cả hai không được lẫn lộn nhau hay thay thế nhau.
(3) Việc đối thoại tôn giáo không làm giảm bớt nhiệm vụ rao giảng về Ðức Kitô. Các tín đồ của các tôn giáo khác vẫn có thể lãnh nhận được ơn nghĩa của Thiên Chúa, tuy họ thực sự không tuân theo những phương pháp chính thức mà Ðức Kitô đã thiết lập nên để ban ơn cứu độ, điều đó cũng không loại bỏ ý muốn của Thiên Chúa là kêu gọi tất cả mọi người hãy lãnh nhận đức tin và phép Rửa. (Lumen gentium - LG 14, Ad gentes divinitus - AG 7) Ðương nhiên phải tin chắc rằng Giáo hội là phương tiện chính thức để lãnh nhận ơn cứu độ, và chỉ có Giáo hội mới giúp ta được lãnh ơn cứu độ một cách vẹn toàn. Những người chịu trách nhiệm để đối thoại cần phải giữ lấy cho mình niềm xác tín đó.
(4) Nhờ vào đối thoại, Giáo hội tìm ra được "những hạt giống của đức tin" (Ad gentes divinitus - AG 11, 15), "Mở cửa cho ánh sáng chân lý tiềm ẩn trong tất cả mọi người" (Nostra Aetate - NAE 2), tất cả những điều này có thể tìm thấy trong từng cá nhân hay trong các tôn giáo truyền thống. Ðối thoại phải đặt nền tảng trong hy vọng và yêu thương, và nhờ vào Chúa Thánh Thần để gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Ðối diện trực tiếp với các tôn giáo bạn, sẽ gặp những xung khắc tạo nên những cách biệt, nhưng trong đó chúng ta sẽ phát hiện ra được sự hiện diện của Chúa Kitô và các dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần, cùng lúc chúng ta cũng cần phải thật sự nhìn lại vai trò của mình, để làm chứng cho mầu nhiệm mặc khải vẹn toàn.
(5) Những người đối thoại, cần phải trung thực với những truyền thống tôn giáo của mình và phải mở rộng tấm lòng để hiểu biết đối phương, không có ý giả vờ hay lọc lừa, mà vì chân lý, khiêm nhượng và chân thành, nhận thức rằng đối thoại có thể làm hiểu rõ cách trung thực về đối phương. Tuyệt đối không loại bỏ nguyên tắc, cũng không nên dùng chủ nghĩa thân mật giả vờ. Ngược lại, cần phải cùng nhau tiếp nhận những chia sẻ chứng tá, để cho cả hai bên đều có thể hiểu rõ sâu sắc hơn thêm về đường lối tôn giáo và để được cải tiến hơn, đồng thời cũng để cho mọi người xóa bỏ những thành kiến, những bài trừ và những hiểu lầm. Ðối thoại dẫn tới việc hoán đổi nội tâm và quay trở về, nếu tuân theo ơn Chúa Thánh Thần, và rồi sẽ gặt hái được kết quả tâm linh.
(6) Phạm vi của đối thoại rất rộng rãi, đồng thời cũng có thể sử dụng nhiều hình thức, nhiều cách diễn đạt để tiến hành việc đối thoại: từ những hình thức chung chung có tính cách tiêu biểu cho nhau để bắt đầu, cho tới việc hợp tác với nhau để phát triển toàn thể và bảo vệ giá trị tôn giáo cho nhau, từ những chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh của chính mình, cho tới việc nói chuyện sinh hoạt thường ngày, tất cả đều là những diễn tiến có thể chấp nhận được. Mỗi một tín đồ đều được mời gọi để thực hiện vấn đề đối thoại, trong hoàn cảnh sinh hoạt và công tác hằng ngày của họ, qua những gương mẫu mà họ biểu lộ, cùng với các tín hữu của các tôn giáo khác nhau xây dựng cho nhau một mối liên hệ thân mật (Tông huấn "Người tín hữu" 35). Ở giữa họ, cũng có những người có thể nhờ vào thảo luận hay nghiên cứu mà cống hiến thêm nhiều trong công cuộc đối thoại tôn giáo (Ad gentes divinitus - AG 41).
V. Dựa theo Hội nghị của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (The Federation of Asia Bishops' Conferences)
Hội Ðồng Giám Mục Á Châu trong kỳ hội nghị tại Ðài Bắc lần thứ nhất từ ngày 22-27/04/1974 cũng đã thảo luận vấn đề Ðối thoại với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo. Lúc đó, trong Hội đồng giám mục Á châu chưa có tổ chức "Hội Ðồng phụ trách vấn đề Liên Tôn của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu", cho đến kỳ hội nghị tại Sampran, Thái lan, ngày 11-19/10/1979 mới là kỳ hội nghị đầu tiên của Hội Ðồng nầy.
VI. Dựa theo khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Roma năm 1998 (Synod of Bishops for Asia)
- Trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Roma từ ngày 19/04 đến 14/05/1998, trong bài phát biểu của Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa Giám Mục Nha Trang, có đề cập đến Kitô học và những vấn đề liên quan tới các tôn giáo lớn khác tại Á Châu như sau:
(1) "Sự gặp gỡ với các tôn giáo lớn khác (ngoài Kitô giáo) ở Á Châu mời gọi chúng ta nhìn về Chúa Kitô dưới những tương quan khác nữa, nhất là từ quan điểm vũ trụ và lịch sử. Phải chăng, một Á Châu nầy tuy chưa biết Chúa Kitô, nhưng đã sống dưới ảnh hưởng cứu rỗi của Chúa rồi, hay sao? Và chịu ảnh hưởng bằng cách nào đây? Chúng tôi nghĩ rằng trong Kitô học, chúng ta phải suy tư nhiều hơn về sự hiện diện và chỗ đứng của Ngôi Lời Thiên Chúa (không phải chỉ suy tư về Ngôi Lời Nhập Thể trong Chúa Giêsu Kitô, nhưng còn suy tư về Ngôi Lời Tiền Hữu, trước lúc nhập thể), trong đời sống, trong những nền văn hóa và những tôn giáo của các dân tộc, suy tư về Ngôi Lời Thiên Chúa như là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Một Kitô học như thế, có lẽ cho phép chúng ta dễ dàng nhìn những tín đồ của các tôn giáo khác thật sự như là những anh chị em chúng ta, không phải chỉ bởi vì những anh chị em nầy đều do cùng một Ðấng Tạo Hóa như chúng ta, nhưng còn bởi vì những anh chị em nầy, theo một nghĩa nào đó, đã là người kitô rồi, sống dưới tác động của Chúa Kitô, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa."
(2) "Chúng ta sống bên cạnh những tôn giáo lớn. Theo tâm thức chung của người bình dân, tất cả mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau, bởi vì bất cứ tôn giáo nào cũng đều dạy chúng ta làm điều tốt và xa tránh điều xấu, để đạt đến hạnh phúc vĩnh cữu. Tất cả những vị sáng lập tôn giáo là những vị Thầy của đời sống luân lý. Thật là khó cho chúng ta một bên trình bày Kitô giáo như là một tôn giáo được mạc khải, được xây dựng một cách thiết yếu trên đức tin vào tình thương của Thiên Chúa chớ không dựa trên nếp sống luân lý của con người, và đàng khác chứng minh rằng Chúa Giêsu Kitô mang đến cho con người một sự mạc khải trọn vẹn cuối cùng về Thiên Chúa."
(3) "Chúng ta, những người kitô hữu, chúng ta quả quyết, cùng với thánh Phaolô, rằng chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người; đó chính là một người, Chúa Giêsu Kitô (1 Tim 2,5). Tuy nhiên, chúng ta nghĩ rằng vai trò duy nhất nầy của Chúa Kitô không loại bỏ sự cộng tác của những con người khác trong chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử. Nếu vị vua ngoại giáo Cyrus được gọi là "đấng thiên sai của Chúa", nghĩa là Ðấng mà Chúa đưa tay phải ra nắm lấy (Is 45,1), thì chúng ta sẽ nói như thế nào về những Vị Sáng Lập các tôn giáo lớn của Á Châu? Xem ra cho chúng tôi rằng một cái nhìn chỉ quy về Chúa Kitô mà thôi, đặc điểm của đức tin truyền thống của chúng ta, là không có khả thể để giúp ta trân trọng sự đóng góp tích cực của các Vị Sáng Lập các tôn giáo vào đời sống thiêng liêng của nhân loại, và không cổ võ cho bầu khí đối thoại giữa các tôn giáo." (trích từ bài phát biểu bằng tiếng Pháp của Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa - và do Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài chuyển dịch qua tiếng Việt).
- Trong Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu gởi toàn thể Dân Chúa, được công bố trong cuộc họp báo vào lúc 12:45 trưa thứ Tư 13/05/98, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, trong phần liên quan tới các tôn giáo lớn tại Á Châu, các nghị phụ đã công bố:
(1) "Chúng tôi kính cẩn gởi lời chào đến tất cả anh chị em chúng tôi tại Á Châu đã đặt niềm tin tưởng của mình vào những truyền thống tôn giáo khác. Chúng tôi vui mừng nhìn nhận những giá trị thiêng liêng của những tôn giáo cao cả của Á Châu như Ấn Ðộ Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo… Chúng tôi quý trọng những giá trị luân lý trong những phong tục và những thực hành có mặt trong những lời dạy của các Triết gia nổi tiếng của Á Châu; những lời dạy của các ngài cổ võ phát triển những nhân đức tự nhiên và lòng sùng kính đạo đức đối với tổ tiên. Chúng tôi cũng kính trọng những niềm tin và những thực hành tôn giáo của những anh chị em bản xứ hay của các bộ tộc; lòng kính trọng của những anh chị em nầy đối với toàn thể tạo vật diễn tả cho thấy sự gần gủi của họ với Ðấng Tạo Hóa."
(2) "Cùng chung với tất cả các dân tộc Á Châu, chúng tôi ao ước được lớn lên trong sự chia sẻ những điều phong phú của chúng ta và trong sự kính trọng đối với những khác biệt giữa chúng ta. Chúng tôi nhất quyết làm việc chung với nhau để nâng cao phẩm chất đời sống của dân tộc chúng ta. Chúng tôi nhìn về Ðức Tin của mình như là kho tàng quý giá nhất của chúng tôi và mong muốn chia sẻ kho tàng đức tin nầy với tất cả, vừa vẫn tôn trọng hoàn toàn những niềm tin tôn giáo và sự tự do của anh chị em xung quanh." (Trích Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu năm 1998 gởi toàn thể dân Chúa, bản dịch tiếng Việt của Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài).
VII. Hội đồng thế giới về các Giáo hội (World Council of Churches)
Trong kỳ hội nghị của Hội đồng thế giới về các Giáo hội được tổ chức tại Uppsala vào năm 1968, cũng thảo luận tới vấn đề quan trọng này, Ðối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Năm 1971, ủy ban thường vụ của Hội đồng thế giới về các Giáo hội đã công bố văn kiện: "Hội đồng thế giới về các Giáo hội và vấn đề đối thoại với các nhân sĩ, các tư tưởng của các tôn giáo bạn" (WCC and the Dialogue with Persons of Other Religions and Ideologies).
VIII. Hội đồng thế giới về Tôn giáo (The World Conference of Religions)
Hội đồng thế giới về Tôn giáo, trong kỳ hội nghị năm 1970, tại Tokyo, Nhật bản, đã công bố tuyên ngôn gửi tới toàn thể các tín hữu có cùng niềm tin tôn giáo căn bản, toàn thể các tham dự viên đến từ các tổ chức đoàn thể tôn giáo trên thế giới (kể cả các kitô hữu).
IX. Hiệp hội các Tôn giáo trên thế giới (The Parliament of the World's Religions)
Hiệp hội các Tôn giáo trên thế giới, trong kỳ hội nghị kỷ niệm 100 năm, từ ngày 28/08 đến ngày 4/09 năm 1993, tại Chicago, Hoa Kỳ, đã công bố tuyên ngôn có tựa đề là: "Tuyên ngôn hướng về nền luân lý đạo đức toàn cầu" (Declaration towards a Global Ethics). Trong suốt thời gian chuẩn bị hội nghị, và trong tất cả các cuộc thảo luận của hội nghị, cũng như cả trong thời gian bắt đầu viết và sửa chữa bản thảo của tuyên ngôn, các kitô hữu, đặc biệt là nhà thần học công giáo H. Kueng (1928- ) đều tích cực tham gia, biểu lộ một thái độ mới đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo. Bản tuyên ngôn đã nghiêm chỉnh với phần kết luận như sau:
"Chúng tôi hướng về tất cả mọi người dân trên thế giới để nói lên tiếng nói rằng: trừ phi sự ý thức của cá nhân đã thay đổi, nếu không thế giới cũng không thể biến đổi tốt đẹp hơn được. Chúng tôi khẩn cầu tất cả mọi người hãy vì đại tập thể mọi người ý thức đến sự thay đổi này để cần phải nỗ lực nhiều hơn, dựa vào kiểm thảo, suy nghĩ, cầu nguyện, nghiên cứu, để làm cho sức mạnh tinh thần của thế giới chúng ta vững bước tiến lên, để quay trở về từ đáy sâu trong thâm tâm. Chỉ cần chúng ta cùng nhau nỗ lực, chúng ta có thể dời đổi núi non, nhưng nếu tâm trí thiếu mất sự mạo hiểm, lại không muốn hy sinh, tình hình của chúng ta không thể nào có được biến đổi tận căn. Cần phải vì những lợi ích của xã hội, vì mục đích xây dựng một nền hoà bình cho thế giới, hãy nỗ lực để đem lại cho thế giới chúng ta một cuộc sống đầy yêu thương.
Chúng tôi thiết tha kêu mời tất cả mọi người, nam cũng như nữ, có tín ngưỡng tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng tôn giáo, tất cả hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng."
Philippines, ngày 21/11/2002, kỷ niệm 9 năm ngày Thụ Phong Linh Mục (1993-2002).
Rev. Joseph Trương Văn Phúc
(Trích dẫn và biên dịch từ những chương liên quan tới đề tài Ơn Cứu Ðộ của cuốn Ðại Tự Ðiển Thần Học bằng tiếng Trung Hoa được soạn thảo bởi các Giáo sư thuộc Viện Thần Học Ðại Học Công Giáo Phù Nhân, Ðài Loan, Theological Dictionary, a One-Volume Encyclopedia of Christian-Catholic Theology)