1. Thay lời mở đầu
(Dân số các Tôn Giáo Trên Thế Giới)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Tổng dân số Thế giới
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 1999, tổng dân số thế giới là 6 tỉ người (6,000,000,000).
II. Dân số các tôn giáo lớn trên thế giới
Dân số của các tôn giáo lớn trên thế giới, do Hãng Thông Tấn quốc tế Fides nêu lên, và được nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 24/10/1999, đăng lại như sau:
(1) Tôn Giáo đông hơn cả là Kitô Giáo (gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành). Trên cả thế giới khoảng một tỉ 995 triệu (1,995,000,000) (gần hai tỉ); trong số này, người Công Giáo chiếm đa số: khoảng một tỉ 5 triệu (1,005,000,000).
(2) Tôn giáo đông thứ hai là Hồi Giáo: khoảng một tỉ 88 triệu (1,088,000,000) (đông hơn Công Giáo).
(3) Ðứng hàng thứ ba là Ấn Giáo: khoảng 801 triệu (801,000,000) (hầu hết tại Ấn Ðộ).
(4) Phật Giáo: khoảng 396 triệu (396,000,000).
(5) Ðạo Sikh: khoảng 22 triệu rưởi (22,500,000).
(6) Do Thái Giáo: khoảng 21 triệu rưởi (21,500,000).
(7) Các tôn giáo truyền thống của các bộ lạc (hầu hết tại Châu Phi): khoảng 95 triệu rưởi (95,500,000).
(8) Các tôn giáo mới: 154 triệu rưởi (154,500,000).
III. Nhìn riêng về Giáo hội Công giáo, tỉ lệ dân số Công giáo theo từng Châu lục
Theo cuốn niên giám công bố vào năm 2002 của Giáo hội Công giáo, con số mới nhất cho tới đầu năm 2001, trong năm 2000 số người Công giáo trên thế giới là 1 tỉ 45 triệu người (1,045,000,000).
Sánh với việc gia tăng dân số thế giới, con số Giáo dân Công giáo trên thế giới vẫn còn tăng quá ít, nhất là tại những nơi dân số gia tăng mạnh mẽ, như tại Châu Á (chỉ cần nhìn vào hai quốc gia mênh mông như Trung quốc (với khoảng một tỉ 200 triệu dân cư ) và Ấn Ðộ (với khoảng một tỉ). Cũng do việc gia tăng dân số này, chúng ta thấy trong năm 1978, con số Công giáo trên thế giới chiếm 18%, nhưng trong năm 2000, xuống 17,3%, bởi vì số người Công giáo không gia tăng song song với mức độ gia tăng dân số thế giới.
- Nhìn vào từng Châu lục, chúng ta thấy con số người công giáo gia tăng rất khác nhau:
(1) Tại Châu Phi: số người Công giáo từ năm 1978 đến năm 2000 tăng rất mạnh mẽ, tới 137,4% (từ 54 triệu 759 ngàn lên tới 130 triệu18 ngàn)
(2) Tại Châu Á: tăng 69.83% (từ 63 triệu 183 ngàn lên đến 107 triệu 301 ngàn)
(3) Tại Châu Mỹ: tăng 41,67% (từ 356 triệu lên tới 519 triệu 391 ngàn)
(4) Tại Châu Âu: tăng 5, 17% (từ 266 triệu lên tới 280 triệu 144 ngàn)
(5) Tại Châu Ðại Dương: tăng 46,05% (từ 5 triệu 616 ngàn, lên tới 8 triệu 202 ngàn).
- Nhìn vào sự hiện diện của người Công giáo tại các Châu lục, tỉ số cũng rất khác nhau:
(1) Tại Châu Á: chỉ có 2,9%
(2) Tại Châu Âu: 40%
(3) Tại Châu Mỹ: 63% (riêng tại một số quốc gia miền Trung và miền Nam Mỹ, lên tới 90,1% và 86,6%). Trái lại, tại miền Bắc Mỹ sự hiện diện này chỉ tới 24,6%.
(4) Tại Châu Ðại Dương: 26%.
Nhìn vào sự gia tăng nhanh chóng và sự hiện diện đông đảo tại Châu phi và Châu Mỹ, ÐTC Gioan Phaolô II nhiều lần đặt hy vọng vào hai Châu Lục này: Ðây là tương lai của Giáo hội.
IV. Vẫn còn đa số dân chúng trên thế giới chưa nhận biết Giáo hội của Chúa Kitô
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mục đích của Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Lời xuống thế làm người là để cứu chuộc toàn thể nhân loại. Nhưng chiếu theo bản thống kê dân số trên đây, còn hơn 2 phần 3 dân số thế giới chưa nhận biết Tin Mừng của Ðức Kitô. Như vậy, có phải chương trình cứu độ của Ðức Kitô chưa hoàn tất? hay chúng ta phải hiểu như thế nào về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện trên mọi dân tộc của thế giới? Giáo hội Công giáo quan niệm như thế nào về ơn cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo?
Ðể trả lời cho những câu hỏi này, Giáo hội Công giáo qua các thời đại, có những quan niệm và những câu trả lời khác nhau. Sau đây là một tổng hợp của nhiều phần nhiều đoạn trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau và được chuyển dịch từ tiếng Anh hoặc tiếng Trung Hoa qua tiếng Việt. Các tài liệu Công Ðồng, Giáo lý Giáo hội và Kinh Thánh thì dựa theo những tài liệu bằng tiếng Anh, những tài liệu liên quan đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo thì dựa theo những lập luận bằng tiếng Trung Hoa trong cuốn Ðại Tự Ðiển Thần Học được biên soạn bởi các Giáo sư thuộc Viện Thần Học Ðại Học Phù Nhân, Ðài Loan, (Theological Dictionary, a One-Volume Encyclopedia of Christian-Catholic Theology). Vì là một tổng hợp trích từ nhiều phần nhiều đoạn khác nhau, đặc biệt là từ Cuốn Ðại Tự Ðiển Thần Học của Ðài Loan, bởi vậy dịch giả có viết xen kẻ thêm vào nhiều đoạn khác nhau về những dẫn chứng liên quan tới Giáo hội Việt Nam hoặc Á Châu. Và để cho mạch văn được liên tục, nhiều đoạn được dịch giả viết thêm vào để cho lập luận cũng như bài văn được nối kết với nhau hơn. Tuy đây là một tổng hợp, nhưng được trích đoạn hoặc tóm gọn lại trong một vài trang ngắn từ những đoạn dài của một cuốn Ðại Tự Ðiển dày cộm, đương nhiên vẫn chưa có thể đáp ứng hết những vấn đề cần đặt ra, nhưng chỉ mong rằng nó sẽ đóng góp một phần nhỏ nào đó giúp cho giáo dân Việt Nam có thêm được một chút nào ý niệm về thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với ơn Cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo.
Dịch giả ước mong mọi người tha thứ cho những thiếu sót, và thông cảm cho khả năng còn giới hạn trong một thế giới đang tiến quá nhanh và quá phong phú về mọi phương diện.
Philippines, ngày 21/11/2002, kỷ niệm 9 năm ngày Thụ Phong Linh Mục (1993-2002).
Rev. Joseph Trương Văn Phúc