4. Ðối diện với đa phức tôn giáo

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

4. Ðối diện với đa phức tôn giáo

Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng "Giáo hội tại Á châu", giáo chủ Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa tại Á châu. "Thật vậy, chính tại Á châu Thiên Chúa đã mặc khải và hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài ngay từ đầu. Ngài hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và gọi ông Mai-sen để dẫn đưa dân tộc của Ngài tới bến bờ tự do (x. Xh 3, 10). Ngài nói với dân tộc được tuyển chọn của Ngài qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những người phụ nữ dũng cảm trong niềm tin. "Khi thời gian viên mãn" (Gl 4,4), Ngài sai Con Một, Ðức Giêsu - Kitô đấng Cứu Thế, mặc lấy xác phàm như người Á châu (...).

Bởi vì Ðức Giêsu đã sinh ra, sống, chết và phục sinh từ kẻ chết nơi Thánh địa, vùng đất bé nhỏ này ở Tây Á đã trở nên một vùng đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho tất cả nhân loại. Ðức Giêsu biết và yêu mến vùng đất này. Ngài đảm nhận lịch sử, những khổ đau và hy vọng của dân tộc như của riêng mình. Ngài yêu thương dân tộc này, đồng thời chấp nhận truyền thống và gia tài do thái của nó. Thật vậy, từ thủa xa xưa, Thiên Chúa đã chọn dân tộc này và tự mặc khải cho họ để chuẩn bị việc tới đến của Ðấng Cứu Thế. Từ mảnh đất này, qua việc rao giảng Tin Mừng nhờ quyền năng của Thánh Linh, Giáo hội đã cất bước ra đi để "làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28, 19). Cùng với Giáo hội trải rộng khắp hoàn cầu, Giáo hội tại Á châu sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba Kitô giáo, với sự ngạc nhiên trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ thủa ban đầu cho tới ngày nay và biết rõ rằng "cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh giá được cắm trên đất Âu châu, rồi trong ngàn năm thứ hai trên đất Mỹ châu và Phi châu, trong ngàn năm thứ ba này có thể thu hoạch một mùa gặt lớn về niềm tin nơi lục địa bao la và thật sống động này".

Sau khi viết những dòng lạc quan đó, chính Tông thư cũng công nhận một thách đố gay go mà Giáo hội tại Á châu đang phải đối diện. Tại lục địa mênh mông của các tôn giáo này, "đang đặt ra một cách khẩn thiết vấn đề gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hóa và tôn giáo rất lâu đời ở địa phương. Ðây là một thách đố lớn lao cho công cuộc Phúc-âm-hóa, bởi vì những hệ thống tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo cũng tự trình bày như rõ rệt mang tính cứu độ. Một điều thật huyền nhiệm là Ðấng Cứu Thế trần gian, sinh ra tại Á châu, thế mà cho tới hôm nay vẫn rất xa lạ với người dân ở lục địa này. Thượng Hội đồng sẽ là một cơ hội quan phòng cho Giáo hội tại Á châu để suy nghĩ nhiều hơn về huyền nhiệm này và để tái cam kết dấn thân trong sứ vụ làm cho mọi người nhận biết Ðức Giêsu Kitô nhiều hơn".

Mặc dù niềm tin tôn giáo và chiều sâu tâm linh không thể chỉ đo lường bằng số người theo đạo hay bằng thế lực xã hội và chính trị, tuy nhiên những con số sau đây rất có thể là một dữ kiện để chúng ta suy nghĩ: Dân số thế giới lên tới 6,3 tỉ người, thế mà Kitô giáo thế giới chỉ có 1,995 tỉ tín hữu. Như vậy, nếu so sánh con số những người tin theo Ðức Kitô với dân số hoàn cầu thì các tín đồ Kitô giáo thuộc tất cả các hệ phái khác nhau chiếm 30% dân số thế giới. Nếu chỉ tính riêng người Công giáo mà thôi thì tỉ lệ đó chỉ còn 15%.

Ðặc biệt tại Á châu, tỉ lệ này lại càng khiêm tốn hơn nữa. Dân số Á châu hiện nay là 3,3 tỉ người, nghĩa là chiếm hơn nửa dân số thế giới. Thế mà nơi lục địa mênh mông này, đồng thời cũng là quê hương của chính Ðức Kitô, người Công giáo chỉ có vỏn vẹn 132 triệu tín hữu, tức 3,95%.

Tại sao tại mảnh đất Á châu, vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi của các tôn giáo lớn, Kitô giáo chỉ đóng vai trò thiểu số và khiêm tốn như vậy? Tại sao so sánh với các vị giáo tổ khác, Ðức Kitô là vị giáo tổ ít được nhận biết và có số tín đồ Á châu ít ỏi nhất? Nếu theo niềm tin Kitô giáo, cuộc đời, giáo huấn, cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô có giá trị cứu độ cho mọi người, nghĩa là cho tất cả nhân loại, chúng ta phải nghĩ gì về hiện tượng đa phức tôn giáo tại Á châu?

Sự kiện đa phức tôn giáo nói trên phải chăng chỉ là kết qủa suông của sự cố chấp và lỗi lầm của con người, nhất quyết không chấp nhận Tin Mừng của Thiên Chúa hay còn một lý do huyền nhiệm nào khác? Sau hai ngàn năm hiện diện và cố gắng truyền đạo của Kitô giáo, tại sao vẫn tồn tại hiện tượng đa phức tôn giáo? Phải chăng đó là một thất bại của công cuộc rao giảng Tin Mừng, do các thừa sai kém khả năng thích nghi và giới lãnh đạo Kitô giáo thiếu bao dung, hay còn do một bí ẩn nào khác?

Từ viễn tượng thần học, chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về ý nghĩa sâu thẳm của hiện tượng đa phức tôn giáo: phải chăng hiện tượng đa phức tôn giáo không nằm trong chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp những tội lỗi của con người, những khuyết điểm của Giáo hội và những thất bại trong công cuộc truyền giáo? Có thể coi hiện tượng này như những gì Thiên Chúa cho phép, hay hơn nữa đó chính là điều Ngài muốn hoặc nằm trong chương trình cứu độ nhiệm mầu của Ngài?

Nếu đúng như vậy, sớm hay muộn rồi ra chúng ta sẽ không thể tránh né được những câu hỏi bức súc: Ðức Giêsu Kitô có còn đóng vai trò ưu việt và trọng điểm trong sứ vụ trung gian cứu độ giữa Thiên Chúa và nhân loại hay chăng? Kitô giáo nghĩ gì về vị trí của mình giữa lòng lịch sử nhân loại? Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng có còn là "con đường cứu độ duy nhất" trong chương trình cứu độ phổ quát? Các tôn giáo có vai trò nào không trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa? Khi đối chiếu với từng tôn giáo cụ thể, người Kitô hữu phải nghĩ gì về niềm tin và sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mình?

Trong viễn tượng đó, mục đích chính bây giờ không còn giới hạn ở việc tìm hiểu vấn đề cứu độ cho các tín đồ của các tôn giáo hoặc vai trò của mỗi truyền thống tôn giáo trong chương trình cứu độ, mà là suy nghĩ về chính chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta phải hiểu như thế nào và nói gì về những biểu hiệu rất phong phú và đa dạng qua kinh nghiệm của tôn giáo ngoài Kitô giáo? Hiện tượng đa phức tôn giáo này có ý nghĩa gì trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa? Phải chăng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi một truyền thống tôn giáo sẽ có một vai trò tích cực nào đó trong chương trình cứu độ để dẫn đưa nhân loại tiến tới đích điểm hội tụ? Nếu đúng như vậy, tiến trình này sẽ thực hiện dưới dạng thức nào, ở đâu, bao giờ và ra sao?

 

LM Nguyễn Thái Hợp, OP.

Dấn Thân, Houston, 2000

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page