3. Khai mở thần học về các tôn giáo

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

3- Khai mở thần học về các tôn giáo

Công đồng khai mở nhiều thay đổi trong tư duy và cách đánh giá vai trò cứu độ của các tôn giáo. Tiến bộ kỹ thuật và các trào lưu văn hóa - xã hội cũng giúp con người ý thức rõ rệt hơn hiện tượng đa phức tôn giáo, hơn nữa đã tạo cơ hội để học hỏi giáo lý và gặp gỡ tín đồ các tôn giáo khác. Nơi nhiều tín đồ của các tôn giáo khác người ta gặp thấy nhiều gương sáng, giá trị tâm linh đạo đức và lòng tin thật kiên cường. Một số tôn giáo lớn như Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo cũng chủ trương họ là "tôn giáo phổ quát" và bắt đầu tăng cường việc phát huy đạo pháp cho cả nhân loại. Thêm vào đó, thống kê cũng cho thấy tín đồ Kitô giáo chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số hoàn cầu. Nếu Thiên Chúa là "Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ" và những gì Ngài muốn, Ngài sẽ thực hiện, tại sao Ngài lại để quá nhiều tín đồ ở bên ngoài Kitô giáo như vậy? Hiện tượng đa phức tôn giáo chứng tỏ sự thất bại của ý muốn cứu độ phổ quát nói trên hay dấu chỉ hiển nhiên cho thấy Thiên Chúa có nhiều cách thế độc đáo để đi tới con người và dẫn đưa con người đến với Ngài?

Mặc dù cảm nghiệm tâm linh và vấn đề cứu độ cho các dân tộc là một vấn đề xưa như trái đất, nhưng bọâ môn thần học nghiên cứu về các tôn giáo chỉ hình thành vào cuối thập niên 60 và bắt đầu được hệ thống hóa kể từ thập niên 70 của thế kỷ XX, nhờ chiều hướng cởi mở của Vatican II. Bộ môn thần học này có chủ đích giải thích hiện tượng đa phức tôn giáo; nghiên cứu giá trị và ý nghĩa của các tôn giáo; xác định mối tương quan giữa mặc khải với niềm tin; giữa cảm nghiệm tâm linh với sự cứu độ; vai trò cứu độ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo; tương quan giữa Ðức Kitô với những con đường cứu độ khác...

Nhiều tác giả công nhận rằng vẫn chưa hội đủ những điều kiện cần thiết để đưa ra "một giải đáp hữu cơ cho tất cả các vấn đề liên quan đến một hệ thống thần học về các tôn giáo". Cố gắng của họ chỉ mới là "nêu lên những vấn đề chính", với ý thức rõ rệt về sự giới hạn của mình trong việc "đưa ra một giải đáp tối hậu" cho vấn đề cam go này. Dù sao các tác phẩm này vẫn được coi là những tài liệu nền tảng và tổng quát cho bộ môn thần học về các tôn giáo. Theo các tác phẩm xuất bản trong giai đoạn đầu tiên này, mục đích của thần học về các tôn giáo là nghiên cứu vai trò cứu độ của các tôn giáo, dưới ánh sáng của Lời Chúa, với sự trợ lực của đức tin và trong viễn tượng lịch sử cứu độ, theo đó Ðức Kitô là Khởi đầu (Alpha) và Chung kết (Omega). Tuy nhiên trong viễn tượng đa phức tôn giáo phải hiểu như thế nào vai trò "trung gian cứu độ" của Ngài?.

Kể từ đó, thần học về các tôn giáo luôn mở rộng nhãn giới và kiện toàn phương pháp khảo cứu, đồng thời nẩy sinh thêm nhiều khuynh hướng khác biệt. Có những tác giả không chấp nhận danh hiệu "thần học về các tôn giáo", bởi vì tính đa dạng và dị biệt của các tôn giáo không cho phép có một nghiên cứu thần học chung cho tất cả các tôn giáo. Theo họ, nên nghiên cứu từng tôn giáo, đi từ nguồn gốc, quá trình hình thành và giáo lý hiện tại của nó, chứ không nên gồm trọn tất cả vào một gói. Có người lại nghĩ rằng thay vì tranh luận về những nguyên tắc tín lý trừu tượng nên đặt nặng khía cạnh thực tiễn, nhằm cổ võ cuộc đối thoại liên tôn, ngõ hầu đánh tan những nghi kị cố hữu giữa các tôn giáo.

Trong một mức độ nào đó chúng ta có thể đúc kết những đề tài quan trọng của thần học về các tôn giáo vào mấy điểm sau đây: Giá trị của các tôn giáo trong chương trình cứu độ; quan niệm về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài; vai trò của Ðức Kitô trong kế hoạch cứu độ phổ quát; tương quan giữa Ðức Kitô với những con đường cứu độ khác; sứ mạng của Giáo hội trong viễn tượng đa phức tôn giáo; tương quan giữa đối thoại liên tôn và rao giảng Tin Mừng...

Suốt dọc mấy thập niên vừa qua nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đã xảy ra và còn tiếp diễn chung quanh vấn đề này. Từ giữa thập niên 80, trào lưu lịch sử khai mở chiều hướng thần học mới, trong đó đa phức tôn giáo được nhìn như một thực tại lịch sử. Việc thay đổi này đánh dấu một đổi mới về viễn tượng thần học. Nếu quan niệm cổ điển đã đặt vấn đề cứu độ trong và ngang qua các tôn giáo, quan điểm thần học mới muốn tìm hiểu xem đâu là kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa đối với nhân loại. Như thế vấn đề không còn đơn thuần nghiên cứu xem đâu là giá trị cứu độ mà Kitô giáo có thể tìm gặp nơi tôn giáo khác, mà là tìm hiểu lý do sâu thẳm của hiện tượng đa phức tôn giáo và ý nghĩa của nó trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Ðâu là những giá trị tiềm ẩn nơi hiện tượng tôn giáo thật đa dạng và rất khác biệt này? Nhìn từ viễn tượng cứu độ, những khác biệt về tôn giáo mang ý nghĩa gì và đóng vai trò gì trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa?

Mặc dù vấn đề vẫn đang trong vòng tranh luận và còn quá sớm để có thể nghĩ đến một điểm hội tụ, nhưng có lẽ thần học về các tôn giáo sẽ là một đề tài thần học chính của tương lai. Chúng ta đang tiếp cận với một viễn tượng thần học về lịch sử cứu độ, trong đó mầu nhiệm nhập thể của Ðức Kitô được quan niệm như cao điểm của một chương trình cứu độ rộng lớn, được khởi đi từ công cuộc sáng tạo và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày thế mạt. Có người nghĩ rằng đây không phải là một bộ môn thần học suông, y như bao nhiêu bộ môn thần học khác, mà là một cách thế mới để làm thần học, trong bối cảnh đa phức tôn giáo. Thật vậy, nếu chấp nhận chiều hướng thần học này, chúng ta sẽ phải đặt lại rất nhiều vấn đề thần học cổ điển từ Tín lý, Kitô học, Giáo hội học cho đến Phụng vụ, Tu đức và Truyền giáo học.

 

LM. Nguyễn Thái Hợp, OP.

Dấn Thân, Houston, 2000

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page