2. Hướng đi của Vatican II
và Thần học về Tôn Giáo
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
2. Hướng đi của Vatican II và Thần Học về Tôn Giáo.
Năm mươi năm sau Công đồng Firenze, một biến cố lịch sử đã làm thay đổi tận gốc rễ vũ trụ quan cổ điển: việc khám phá ra Mỹ châu (1492). Trái đất không phải là một mặt phẳng và cũng không chỉ quanh quẩn chung quanh Ðịa Trung hải như người ta vẫn tưởng, mà lớn rộng bao la hơn nhiều. Các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng nhận ra rằng còn rất nhiều vùng đất và dân tộc chưa hề có cơ hội nghe biết Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô. Không thể tiếp tục tin rằng tất cả những ai không gia nhập Giáo hội phải trách nhiệm về sự lựa chọn của mình và sẽ bị loại trừ khỏi con đường cứu độ. Những khám phá mới về nhân chủng học và tôn giáo học trong mấy thế kỷ gần đây cũng đòi hỏi các Kitô hữu phải nghiêm chỉnh suy nghĩ lại quan niệm trước đây về số phận những người ngoài Kitô giáo, nhất là lối giải thích quá máy móc, giáo điều và khép kín về châm ngôn cổ điển "Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ".
Tuy nhiên, phải chờ đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện những quan điểm thần học đặt lại vấn đề cứu độ của các tín đồ ngoài Kitô giáo. Ðối riêng với châm ngôn "Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ", Bộ Thánh vụ (tên cũ của Bộ Giáo lý đức tin) đã chính thức khai mở một lối giải thích khác cởi mở hơn. Trong lá thư đề ngày 8/8/1949 gửi Tổng giám mục Boston, Thánh Bộ đã cương quyết phi bác quan điểm bảo thủ của linh mục Leonard Feeney, S.J., khi ông chủ trương loại trừ những người ly giáo, lạc giáo và ngoài Kitô giáo khỏi con đường cứu độ. Thánh bộ phân biệt giữa sự cần thiết phương tiện (necessitas praecepti) và cần thiết nội tại (necessitas intrinseca) để được cứu độ. Những điều kiện cần thiết nội tại để được cứu độ là đức tin và đức ái (dựa theo thư gửi Do thái 11,6). Ðây là điều kiện không thể thiếu vắng và miễn trừ cho bất cứ ai. Còn việc gia nhập Giáo hội nói cho cùng chỉ là cần thiết tương đối, và không có hiệu lực trong những hoàn cảnh bất khả kháng. Trong trường hợp đặc biệt này, chỉ cần có ước nguyện ám tàng và trong ước nguyện này đã hàm chứa ý định chân thành sẵn sàng tuân theo ý Chúa.
Sang thập niên 50, các thần học gia tiếp tục đào sâu thêm đề tài thần học về các tôn giáo. Nhiều khảo luận thần học giá trị về vai trò của các tôn giáo trong lịch sử cứu độ được công bố. Khuynh hướng chung hướng về quan điểm cho rằng rất nhiều người sẽ đạt tới ơn cứu độ trong Ðức Kitô, bất chấp những tình huống của cuộc sống, những khác biệt về môi trường văn hóa và truyền thống tôn giáo. Chúng ta có thể đúc kết thành hai khuynh hướng căn bản sau đây:
1) Lập trường thứ nhất công nhận nhiều giá trị tích cực trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Những gía trị này được coi như thành phần của mặc khải phổ quát khởi đi từ công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa hay bắt nguồn từ giao ước giữa Ngài với ông Noê. Các chính nhân của Cựu ước như Abel, Hénok, Noê, Abraham, Melchisedek... được coi là mẫu người của "niềm tin". Họ đã "bước đi với Thiên Chúa"(St 6,9), đã tin vào Ngài và sống ngay thẳng dựa vào mặc khải tự nhiên và lương tâm. Tuy nhiên, các tôn giáo này không đóng vai trò đích thực nào trong chương trình cứu độ. Có chăng chúng chỉ dẫn đưa con người gặp gỡ Ðấng Tạo hóa, và do đó cần được Ðức Kitô kiện toàn. Ðây là chủ trương của các thần học gia Jean Daniélou, Henri de Lubac, H.U.von Balthasar...
2) Lập trường thứ hai, do Karl Rahner, Ed. Schillebeeckx, R. Pannikar, H. Kung, G. Thils ... dẫn đầu, có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn về vai trò của các tôn giáo. Thiên Chúa là đấng Tạo hóa muốn cho mọi người được cứu độ và tất cả cả những gì Thiên Chúa muốn Ngài sẽ thực hiện. Nhưng con người không phải là những đơn tố lẻ loi, mà là thành phần của các nền văn hóa và tín đồ của cộng đoàn tôn giáo. Chính các tôn giáo đã giúp con người biết vươn tới chiều kích siêu việt. Cũng chính các tôn giáo đã giúp con người đón nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhờ niềm tin (tuy chỉ là đức tin ám tàng fides implicita) và nhờ hành động bác ái đối với tha nhân, mà Ðức Kitô chính thức nhìn nhận như là đã thực hiện cho bản thân Ngài (Mt 25,31-46).
Công đồng Vatican II đã khai triển và đẩy mạnh chiều hướng thần học có cái nhìn tích cực về giá trị của các tôn giáo. Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" khẳng định rằng qua mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại, Ðức Kitô hành động nơi mỗi người để dẫn đưa họ đạt tới sự canh tân nội tâm. Tác động nói trên của Ðức Kitô "không phải chỉ có giá trị cho những ai tin vào Ngài, mà còn cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí, được ân sủng tác động một cách vô hình trong tâm hồn. Thật vậy, vì Ðức Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực sự chỉ là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên chúng ta phải tin chắc rằng Thánh linh ban cho mọi người khả năng tham dự vào Mầu nhiệm Phục sinh, qua cách thức mà chỉ duy Thiên Chúa biết được thôi".
Trong viễn tượng đó, đương nhiên phải giải thích lại châm ngôn cổ điển "Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ". Hans Kung gay gắt lên án tính tiêu cực và loại trừ của châm ngôn đó. Theo ông, đây là một trong những nguyên nhân của thái độ trịch thượng và bất bao dung của Kitô giáo đối với các tôn giáo khác. Ông đề nghị nên thay đổi bằng một công thức khác: "Trong Giáo hội, có ơn cứu độ" , ngõ hầu cứu vãn yếu tố tích cực và tránh những hiểm lầm, ngộ nhận không cần thiết.
Yves Congar ôn hòa và trung dung hơn. Cố hồng y công nhận nền tảng Thánh kinh trong công thức trên, bởi vì Giáo hội là cơ cấu duy nhất được Chúa thiết lập để mưu cầu ơn cứu độ cho nhân loại trong Ðức Kitô. Chính Giáo hội, bí tích cứu độ phổ quát, đã nhận lãnh nơi vị sáng lập của mình những gì cần thiết để mưu cầu ơn cứu độ cho mọi người. Tuy nhiên không nên hiểu công thức này theo nghĩa đen. "Từ nay công thức phải được xem như nhằm trả lời, không phải cho câu hỏi: Ai được cứu độ?, mà cho câu hỏi: Ðâu là yếu tố cần thiết để thực hiện sứ vụ cứu độ?". Xem như vậy, công thức muốn diễn tả xác tín cổ điển của Kitô giáo theo đó Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả ân sủng cứu độ và Ðức Kitô, ngang qua Giáo hội của Ngài, là trọng điểm của ân sủng này.
Công đồng Vatican II chấp nhận đường hướng giải thích cởi mở ở trên, theo đó Giáo hội được quan niệm như một cơ cấu "cần thiết cho công cuộc cứu độ" (LG 14) hay là "phương tiện tổng quát của cứu độ" (UR 3) hoặc "dụng cụ để cứu độ tất cả mọi người" (LG 9). Chính trong ý nghĩa đó, Công đồng đã định nghĩa Giáo hội như "bí tích phổ quát của cứu độ" (LG 48), "dấu hiệu và phương tiện của việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất của tất cả nhân loại" (LG 1).
Một vài bản văn khác của Công đồng còn đi xa hơn nữa trong việc đề cao vai trò của các tôn giáo khác. Tuyên ngôn "Thời Ðại chúng ta" (về mối tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác) nhìn thấy sự hiện diện của "tia sáng chân lý chiếu soi mọi người" nơi các tôn giáo khác. Tuyên ngôn coi đây là những "giá trị" và những "con đường" mà Kitô giáo có thể nhìn nhận. Hiến chế truyền giáo "Ad Gentes" nhắc lại quan điểm cổ truyền về sự hiện hữu của "hạt giống Ngôi Lời" và "những kho tàng phong phú mà Thiên Chúa đã ban cho các dân tộc do lòng độ lượng của Ngài" (AG 11). Cuối cùng Hiến chế "Ánh sáng muôn dân" ghi nhận những ân sủng không những Thiên Chúa đã gieo vào "trong tâm trí con người" mà còn "nơi các lễ nghi và tập tục của các dân tộc" (LG 17).
Cũng trong thập niên 60, thần học gia Karl Rahner đã đưa ra luận điểm rất cách mạng: Các tôn giáo trên thế giới, cùng với Kitô giáo, đã được Thiên Chúa sử dụng như "những con đường cứu độ". Tuy nhiên vì Ðức Kitô là nền móng cơ bản của ơn cứu độ, cho nên tín đồ các tôn giáo khác như Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo... nếu nhận được ơn cứu độ trong tôn giáo của họ, thì một cách nào đó cũng ngang qua Ðức Kitô. Karl Rahner gọi những người thành tâm thiện chí trong các tôn giáo khác là những "Kitô hữu nặc danh".
Quan điểm của K. Rahner đã đóng góp rất nhiều cho thần học về các tôn giáo, nhưng hiện nay ít ai chấp nhận từ ngữ "Kitô hữu nặc danh" này. Một số người coi danh xưng đó là một hành động cao ngạo, tự đắc của người Kitô hữu. Có người coi là một xúc phạm đối với tín đồ các tôn giáo khác, khi gọi họ là những "Kitô hữu nặc danh". Nhưng vấn đề gai góc nhất vẫn nằm ở câu hỏi căn bản khác: Phải chăng, cuối cùng, tất cả tín đồ các tôn giáo khác, các Kitô hữu nặc danh, sẽ trở thành Kitô hữu chính danh hay mãi mãi các Kitô hữu vẫn là "đàn chiên nhỏ" giữa lòng nhân loại bao la? Nhất là Ðức Kitô có phải là qui phạm và trung gian duy nhất cho mọi tôn giáo hay chỉ là "Ðấng trung gian siêu vượt trên tất cả những Trung gian khác"?
LM. Nguyễn Thái Hợp, OP.
Dấn Thân, Houston, 2000