1. Vấn đề cứu độ người ngoài Kitô giáo

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Công đồng Vatican II đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử Kitô giáo trong tương quan với các tôn giáo. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng giúp các Kitô hữu ý thức hơn hiện tượng đa phức tôn giáo. Hiệp hội các thần học gia Ấn độ nhận định: "qua cuộc sống của nhiều anh chị em khác tôn giáo sống bên cạnh, chúng ta nhìn thấy nhiều biểu hiệu nói lên sự hiện diện của Ðấng Tuyệt đối."

"Ðiều đó đòi hỏi chúng ta, dưới ánh sáng của chân lý thần linh, phải xét lại những đánh giá của chúng ta về các tôn giáo và phải tự hỏi chúng ta phải hiểu mục đích cũng như ý nghĩa của những khác biệt đến độ ngạc nhiên nói trên như thế nào? Ðâu là vai trò và chức năng của nó trong việc thực hiện ơn cứu độ".

Sau Công đồng, từ giữa lòng Kitô giáo khai sinh môn "Thần học về các tôn giáo" và hình thành một cách nhìn trân trọng và tích cực hơn về vai trò cứu rỗi của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Ðối với lịch sử thần học Kitô giáo, đây là một bộ môn còn quá mới. Thật vậy cho đến đầu thế kỷ XX, quan điểm chung của Kitô giáo đối với các tôn giáo khác vẫn mang nặng thái độ hộ giáo, tuyệt đối đề cao Kitô giáo như chân đạo, hoàn thiện và duy nhất, còn các tôn giáo khác nói cho cùng chỉ là "đạo phụ" hay hơn nữa còn bị coi là "tà đạo". Vấn đề đối thoại liên tôn nếu đước đặt ra thì cũng mang tính cách biện giáo hay công tác chiến thuật nhằm biết người hơn, ngõ hầu dễ chinh phục hơn. Cùng lắm là để vay mượn một số từ ngữ hay làm chung một số công tác bác ái, từ thiện..., nhưng giáo lý và niềm tin thì nhất định không thể đụng đến.

1. Vấn đề cứu độ người ngoài Kitô giáo

Suốt dọc 20 thế kỷ, mối bận tâm chính của các thần học gia và các nhà truyền giáo vẫn là vấn đề cứu độ cho những người ở ngoài Kitô giáo. Theo Kinh Thánh, "Ðức Kitô là Ðấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người" (1 Tm.2,5), "không ai đến được với Cha mà không qua Ngài" (Ga 14,6), "ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào đó mà được cứu độ" (Cv.4,12). Thánh kinh cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin và phép thanh tẩy để được cứu độ. Chính Ðức Kitô đã tuyên bố với Nicođemô: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và thần khí" (Ga 3,5). Cuối cùng khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Ngài quả quyết: "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16,16).

Nếu như vậy số phận những người ngoài Kitô giáo sẽ ra sao? Bao nhiêu người ăn ngay ở lành nhưng vì một lý do nào đó vẫn chưa nghe biết Tin Mừng hay chưa gia nhập Ðạo Chúa sẽ bị luận phạt hay sao? Không lẽ Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân hậu và cũng là "Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ" (1Tm 2,4) lại đối sử với người ngoài Kitô giáo như thế hay sao?

Trong quá khứ, mô hình thần học khai trừ được coi là quan điểm thần học chính thức và chung của thế giới Kitô giáo. Theo quan niệm thần học này, chỉ có một mặc khải, một vị Cứu tinh duy nhất và một tôn giáo đích thực. Ơn cứu độ vì vậy chỉ gặp thấy trong Ðức Kitô và ngang qua Giáo hội của Ngài. Giả sử chúng ta gặp thấy một phần Mặc khải trong các tôn giáo khác đi chăng nữa, nói cho cùng mặc khải này không bao giờ đưa đến ơn cứu độ. Suốt dọc nhiều thế kỷ, kết luận trên trở thành quá hiển nhiên và tất yếu dựa vào một số bản văn của Thánh kinh và thánh truyền. Lập trường cố cựu này được đúc kết qua một công thức đã trở thành cổ điển: "ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ" (Extra Ecclesiam nulla salus).

Quan điểm chung vẫn nhận thánh Cyprianô (tử đạo năm 258) là tác giả của châm ngôn này. Ngỏ lời với các "Kitô hữu" lạc giáo và ly giáo ở thời đại của ngài, khi mà các Kitô hữu chỉ chiếm thiểu số và đang bị bách hại, thánh Cyprianô xác quyết ngoài Giáo hội đích thực ở thời đại đó, tức là Giáo hội của thánh nhân, không có ơn cứu độ cho những người ly giáo và lạc giáo, bởi vì "không có ơn cứu độ ngoài Giáo hội". Theo thánh nhân, bí tích thánh tẩy hay ơn tử đạo thực hiện bên ngoài Giáo hội cũng chẳng có giá trị cứu độ nào cả: "tội lỗi của những người này sẽ chẳng được xóa nhòa ngay cả bởi máu; tội nặng nề và không thể tha thứ của ly giáo không hề được rửa sạch, ngay cả do tử vì đạo".

Một cách rõ rệt và dứt khoát hơn, thánh nhân giải thích: "Ai quay lưng lại với Giáo hội của Chúa Kitô sẽ không được đón nhận phần thưởng của Chúa Kitô: họ là một ngoại nhân, một người trần tục và thù địch. Các bạn không thể có Thiên Chúa làm Cha, nếu các bạn không nhận Giáo hội làm mẹ".

Xem như vậy, đối với thánh Cyprianô, các Kitô hữu ly giáo và lạc giáo sẽ không được cứu độ vì họ trách nhiệm về hành động rời bỏ, phân ly hay khai trừ khỏi Giáo hội. Nhưng số phận những người ngoài Kitô giáo thì sao? Họ có trách nhiệm về sự kiện "ở ngoài Giáo hội" và do đó không được cứu độ chăng? Theo những nghiên cứu hiện tại, chúng ta chưa tìm thấy một câu trả lời dứt khoát và trực tiếp nào: "Chẳng thấy một ví dụ nào trong các văn bản của Cyprianô cho phép áp dụng một cách hiển nhiên xác quyết "ngoài Giáo hội không có cứu độ" cho đại đa số những người vẫn còn là ngoại đạo vào thời đó. Chúng ta biết thánh nhân kết án các Kitô hữu ly giáo và lạc giáo, vì cho rằng họ có trách nhiệm về hành động chia lìa Giáo hội của họ. Hỏi rằng ngài có kết án như thế tất cả những người ngoại giáo, nghĩa là qui trách cho họ việc không đón nhân Tin Mừng và không gia nhập Giáo hội hay không? Chúng ta không biết gì cả".

Tuy nhiên, kể từ ngày Kitô giáo được hoàng đế Constantinô chấp nhận làm quốc giáo, nhiều thần học gia đã áp dụng công thức "ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ" cho cả người Do thái, lẫn người ngoại giáo. Người ta giả thiết là Tin Mừng đã được loan truyền khắp nơi, cho nên tất cả những ai không muốn trở thành Kitô hữu đương nhiên có trách nhiệm cá nhân về hành động chối từ của mình. Họ sẽ bị luận phạt, vì "ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ". Thánh Ambrosiô, chẳng hạn, đã viết: "Nếu người nào không tin vào Ðức Kitô, sẽ bị đánh mất nguồn ơn phúc phổ quát này, tương tự như người đã từ chối ánh sáng mặt trời khi đóng chặt các cửa sổ lại (...). Bởi vì lòng xót thương của Chúa đã chuyển thông cho tất cả các nước ngang qua Giáo hội; đức tin được trải rộng cho tất cả các dân tộc".

Trong cuộc tranh luận gay gắt với lạc thuyết donatisme, thánh Augustinô quả quyết bí tích do các thừa tác viên ly giáo và lạc giáo thi hành, trên nguyên tắc, thành sự, nhưng chẳng mang một giá trị cứu độ nào cả. Theo ngài, tất cả những ai ly khai với Giáo hội, mặc dù có lãnh nhận phép thánh tẩy và các bí tích, vẫn không được cứu độ. Viết về một giám mục ly giáo, thánh nhân tuyên bố: "Ngoài Giáo hội, ông ta có thể có tất cả, ngoại trừ ơn cứu độ. Ông ta có thể có các chức tước, lãnh nhận các bí tích, hát lời ca tụng, ông ta có thể có Tin Mừng, rao giảng niềm tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần: nhưng ông không thể tìm gặp được ơn cứu độ ở bất cứ nơi nào khác, ngoài Giáo hội Công giáo".

Ðối riêng với người Do thái và dân ngoại ở thời đại của ngài, thánh giám mục thâm tín rằng sau biến cố nhập thể của Ðức Kitô, chẳng ai được cứu độ, nếu ít nhất không tin nơi Ðức Kitô và chịu phép thánh tẩy. Sau khi Tin Mừng đã được loan báo trên khắp thế giới và Giáo hội đã được thành lập, người Do thái và dân ngoại chịu trách nhiệm về hành động từ chối gia nhập Giáo hội. Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, nhưng ngài không thi hành chương trình cứu độ đó bất chấp tự do của con người. Có thể nói những người không tin đã chống lại ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa khi họ từ chối đón nhận Tin Mừng.

Thánh Augustinô thừa biết Tin Mừng vẫn chưa được rao giảng cho một số bộ lạc ở Phi châu. Tuy nhiên ngài vẫn nghĩ rằng tất các bộ lạc đó cũng bị loại trừ khỏi con đường cứu độ vì hai lý do sau. Thứ nhất, nếu như Thiên Chúa từ chối một số người cơ hội để trở thành Kitô hữu, chắc chắn là vì họ không xứng đáng: Thiên Chúa đã thấy trước là thế nào họ cũng từ chối ơn huệ này. Ngoài ra, tính phổ quát của tội nguyên tổ và những hiệu quả xấu của nó đã là một lý do đầy đủ để Thiên Chúa luận phạt tất cả những trẻ em chết không được rửa tội, cũng như những người lớn chưa có đức tin Kitô giáo. Thánh Augustinô tiến dần đến chỗ nhìn dòng dõi của Adam như một "massa damnata" (đám người bị luận phạt), mà chỉ còn biết trông chờ lượng từ bi của Thiên Chúa do việc lãnh nhận đức tin và phép thanh tẩy Kitô giáo.

Prosper d'Aquitaine, một trong những môn sinh xuất sắc của thánh Augustinô, cố gắng đem ra một giải thích cởi mở hơn. Ông quả quyết Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình cứu độ phổ quát theo một cách thế độc đáo, trong đó vừa đảm bảo tính hữu hiệu của tiền định, vừa bộc lộ vai trò tuyệt đối của ân sủng. Chính Thiên Chúa đã trao tặng "ân sủng phổ quát" như một món quà chung cho tất cả nhân loại, nhưng đồng thời Ngài lại ban thêm "ân sủng đặc biệt" cho những người đã được tuyển chọn, hoàn toàn do lòng nhân hậu và sự tự do của Ngài.

Trong tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề "Ơn gọi của tất cả các dân tộc", Prosper cố gắng làm giảm nhẹ chủ trương quá khắt khe và khép kín của thánh Augustinô về vấn đề cứu độ. Ông chủ trương Ðức Kitô đã chết không những cho các Kitô hữu, mà còn cho tất cả nhân loại, cho cả những người không có tín ngưỡng và những người tội lỗi. Ðối với những người không được hân hạnh nhận biết Tin Mừng, dĩ nhiên không được lãnh nhận "ân sủng đặc biệt" mà Thiên Chúa tự do ban cho những người đã được tuyển chọn. Tuy nhiên họ cũng đã lãnh nhận "ân sủng phổ quát" mà Thiên Chúa ban cho mọi người, ngay cả trước biến cố của Ðức Kitô, và họ được cứu độ do chính ân sủng này. "Chúng tôi tin rằng, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một giai đoạn mời gọi cũng được dành cho họ, ngõ hầu họ sẽ nghe và chấp nhận Tin Mừng, mà bây giờ họ không biết. Ngay cả bây giờ, họ nhận lãnh một sự trợ giúp tổng quát trong mức độ mà trời đã luôn luôn ban cho mọi người".

Ngược lại, một môn sinh xuất sắc khác của thánh Augustinô, giám mục Fulgence de Ruspe, lại tuyệt đối bảo vệ quan điểm của thầy mình. Trong tác phẩm "Về chân lý của việc tiền định", ông viết: "Nếu đích thực ý muốn tổng quát của Thiên Chúa là mọi người được cứu độ và nhận biết Chân lý, làm sao giải thích sự kiện chính Chân lý đã che dấu một cách mầu nhiệm sự hiểu biết này đối với một số người? Chẳng nghi ngờ chút nào, đối với những người mà Ngài đã chối từ sự hiểu biết này, Ngài cũng chối từ ơn cứu độ (...). Xem như vậy, Ngài đã muốn cứu độ những kẻ mà Ngài đã cho nhận biết mầu nhiệm cứu độ và đã không muốn cứu độ những ai mà ngài đã từ chối việc nhận biết mầu nhiệm này. Nếu như Ngài đã muốn cứu độ cả hai, thì chắc hẳn Ngài đã ban cho cả hai được nhận thức về Chân lý".

Trong tác phẩm của Fulgence, châm ngôn "Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ" được áp dụng một cách triệt để và cứng ngắc nhất đối với những người ly giáo và lạc giáo, cũng như cho cả những người ngoại giáo và người Do thái. Kể từ đây, quan điểm cực đoan và nặng tính khai trừ về vấn đề cứu độ trở thành phổ quát và được chuyển giao cho thời Trung cổ như một quan điểm chung của Giáo hội. Thế rồi, với dòng thời gian, định đề "Extra ecclesiam nulla salus" của thánh Cyprianô đã bị tách khỏi bối cảnh lịch sử đặc biệt từng khai sinh ra nó để trở thành một định đề tổng quát.

Vai trò của Giáo hội hữu hình được đặt nổi trong nhiệm cục cứu độ: việc hiệp thông với Giáo hội được quan niệm như một điều kiện thiết yếu để lãnh nhận Thánh linh và cuộc sống vĩnh cứu. Chín thế kỷ sau, công đồng Firenze (1442) hầu như lặp lại quan điểm này và trình bày giáo lý truyền thống như sau: Ðức Giêsu - Kitô là mặc khải chung kết của Thiên Chúa; Ngài trao lại cho Giáo hội sứ mệnh đặc biệt; do đó tách rời khỏi Giáo hội có nghĩa là tách rời khỏi Ðức Kitô và, tất nhiên, không được cứu độ.

Chúng ta gặp thấy nơi đây văn kiện chính thức đầu tiên đã giải thích công thức của thánh Cyprianô dưới dạng thức bảo thủ, khép kín và gay gắt nhất: "(Giáo hội Công giáo Roma) xác tín, tuyên xưng và rao giảng rằng chẳng một ai trong những người ở bên ngoài Giáo hội Công giáo - không phải chỉ là những người ngoại giáo, mà cả những người Do thái hay lạc giáo và ly giáo nữa - được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời đã được dành sẵn cho ác quỷ và các sứ thần của nó, nếu như  ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội".

Người ta đã tranh luận rất nhiều về ý nghĩa và nội dung của văn kiện nói trên. Không ai phủ nhận thẩm quyền của văn kiện, nhưng vấn đề đặt ra là tìm hiểu xem văn kiện muốn trực tiếp nhắm cái gì: xác định mối tương quan giữa Giáo hội và cứu độ hay vấn đề cứu độ của những người ngoài Giáo hội? Ðể hiểu thấu đáo văn kiện này phải đặt nó vào bối cảnh lịch sử và vũ trụ quan ở thời đó. Thế giới của Kitô giáo ở đầu thế kỷ XV có thể nói là một thế giới được thu gọn chung quanh Ðịa Trung hải. Chính vì thế người ta nghĩ rằng Tin Mừng đã được rao giảng cho tất cả các dân tộc trên thế giới và nếu ai không chấp nhận sứ điệp Tin Mừng đương nhiên phải chịu trách nhiệm về thái độ từ chối của mình. Các giám mục của công đồng Firenze xác tín Thiên Chúa là Ðấng từ bi và nhân hậu. Ngài sẽ không bao giờ luận phạt những người vô tội. Nếu có ai bị luận phạt thì lý do hiển nhiên của việc luận phạt này nằm ở trách nhiệm cá nhân của người ngoại giáo, người Do thái, người ly giáo và lạc giáo khi họ chối từ không chấp nhận Tin Mừng hay tự ý tách rời khỏi Giáo hội.

 

LM. Nguyễn Thái Hợp, OP.

Dấn Thân, Houston, 2000

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page