Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Phúc Âm Thánh Mátthêu

Ðức Kitô Vua Cả Nước Trời

 

Tự Ngôn và Kết Thúc

Thánh Mátthêu không có lời tựa như Thánh Luca, nhưng ngài nêu ý nghĩa của tác phẩm mình, trong tự ngôn mở đầu cho tường thuật về đời sống công khai của Ðức Giêsu (1-2) và trong phần kết thúc cho Phúc Âm ngài (28,16-20), khi Chúa Phục Sinh hiện hình một lần duy nhất: "Thầy đã được mọi quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi, thâu nạp lấy môn đồ ở khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh CHA và CON và THÁNH LINH, lo dạy bảo người ta vâng giữ hết mọi điều Thầy đã truyền dạy các con. Còn Thầy, Thầy ở với các con, hết mọi ngày tới khi tận thế." Trong bản "tuyên ngôn" của Chúa Phục Sinh này, có hai điểm chính yếu ta cần nhấn mạnh: đó là quyền bính của Ðức Kitô và vai trò của các môn đồ.

1. Phúc Âm Thánh Mátthêu, cũng như ba Phúc Âm kia, kể lại đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng ngài nêu rõ giáo lý ban đầu về Ðức Kitô theo từng lối riêng của ngài và một cách rõ rệt hơn. Ðấng Emmanuen, tức "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (1,23) như Thiên Thần đã loan tin cho Thánh Giuse, sẽ còn hiện diện theo tư cách là "Thầy Dạy và Giáo Sư", như Người đã làm khi còn tại thế và tiếp tục làm nhờ qua các môn đồ Người, với uy quyền viên mãn Người lãnh nhận bởi Ðức Chúa Cha, chứ không phải do Satan (4,8-10), vì Ðức Chúa Cha đã trao phó mọi sự cho Người (11,27).

Ðúng theo lời Thánh Kinh, Ðức Giêsu đã bị người Do Thái khước từ, và vì thế Tin Mừng có thể loan báo cho dân ngoại. Ðó là điều đã chứng minh vắn tắt trong tự ngôn. Vì tự ngôn này không có ý kể những biến cố thời hài nhi của Chúa Giêsu, cho bằng căn cứ vào những cổ truyền, để diễn tả ý nghĩa đời sống trần gian của Ðấng đã từ cõi chết phục sinh. Thánh Giuse đã nhân danh toàn thể Iraen và dòng họ vua Ða Vít đón nhận Hài Nhi, tượng thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra bởi Ðức Maria Trinh Nữ. Rồi mấy nhà Ðạo Sĩ đại diện cho dân ngoại được Tin Mừng mời gọi đi lãnh ơn cứu độ. Nhưng sau đó, cả thành Giêrusalem, các thượng tế và vua Hêrôđê đã không hay biết gì, hoặc từ khước và bắt bớ Người nữa. Thay vì đến thờ lạy Người, vua Hêrôđê lại còn muốn giết Người làm một với các hài nhi tại Bêlem. Nhưng Chúa Giêsu thoát khỏi tay vua, và trốn sang xứ Ai Cập, rồi về ẩn cư tại Galilê là tượng trưng cho đất dân ngoại. Thế là cuộc Tử Nạn Phục Sinh được tiên báo trong lịch sử bi đát này, lịch sử cuối cùng sẽ đưa tới việc công bố Tin Mừng cho chính người dân ngoại.

Vậy Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử Iraen. Thánh Mátthêu còn dùng cách khác để chứng minh điều ấy: đó là dẫn lời Thánh Kinh. Thánh Mátthêu trưng rải rác nhiều lời Thánh Kinh, vì muốn chứng tỏ rằng: cách Chúa Giêsu ăn ở luôn luôn được sáng tỏ nhờ lời Kinh Thánh: "Thế là ứng nghiệm lời Chúa dùng ngôn sứ nói rằng" (1,22m). Vậy các người từ bỏ Chúa Giêsu đã hiểu sai về bản thân Người: Ðức Giêsu quả thật là Ðấng Mêxia người Do Thái hằng trông đợi.

2. Chúa Giêsu đây đã lấy quyền sai nhóm Mười Một đi loan báo Tin Mừng và liệu cho khắp muôn dân nên môn đồ Người. Việc loan báo ấy, trước tiên là loan báo "Nước Trời", theo kiểu nói đặc biệt của Phúc Âm thứ nhất và cũng là hướng theo tập truyền do thái về Triều Ðại nước Chúa. Vì Thiên Chúa là Vua hằng hiện diện với Dân Ngài. Vào những giờ phút xác định, Ngài lấy uy quyền can thiệp vào dòng lịch sử. Cách nói về Thiên Chúa như vậy hẳn một phần là do chính thể quân chủ Iraen trải qua các thời đại. Việc người Rôma chiếm đóng càng khơi mạnh thêm niềm mong mỏi việc Thiên Chúa dùng quyền tối cao để can thiệp vào. Người Do Thái đương thời ưa nói: Thật chỉ có một mình Thiên Chúa là Vua chúng tôi. Nhưng Chúa Giêsu giữ kiểu nói "Nước Trời", song Người không hiểu theo nghĩa giải phóng chính trị. Thánh Mátthêu càng không hiểu theo nghĩa ấy, vì ngài kể lại các lời này, sau khi Chúa Giêsu tử nạn, nên ngài không thể trông thực hiện điều ước mơ như thế.

Trong Thánh Mátthêu, kiểu nói Nước Trời đã thành tiếng chuyên môn, để chỉ việc Thiên Chúa nắm quyền thống trị dân Ngài, lại có khi còn dùng nguyên chữ Nước mà thôi, như khi Chúa Giêsu loan báo "các huyền nhiệm về Nước" (13,11). Nơi khác, trong Thánh Luca và Gioan, thường hay giải thích lại kiểu nói ấy và có nghĩa là: sự sống muôn đời, thiên đàng. Vì thế, trong Thánh Mátthêu, kiểu nói ấy có hai nghĩa. Nên thường phải dịch là "triều đại, vương triều", hay "triều đại nước", nhưng đôi lần phải dịch là "Nước, Vương quốc", đó là khi có động từ chỉ nghĩa "vào trong" đi trước (3,2). Như vậy kiểu nói ấy không nhắm nguyên vào tương lai, nhưng nhắm cả vào hiện tại. Các dụ ngôn về Vương Triều nêu lên các đặc tính của Vương Triều ấy: khai mạc bằng cử chỉ người gieo giống, Vương Triều phải sinh hoa kết quả cho tới mùa gặt cuối cùng, một cách huyền nhiệm, và bất chấp mọi thất bại trải qua. Vì viễn ảnh cánh chung này, Triều Ðại Nước Chúa không thể là đồng nhất với Giáo Hội,  cho dù tiếng "Giáo Hội" (16,8; 18,18) chỉ cộng đoàn các môn đồ loan báo Triều Ðại và sản xuất các dấu chỉ Triều Ðại ấy. Cộng đoàn này sống theo qui luật phục vụ lẫn nhau (18,12-14), và cùng với Thánh Phêrô nắm giữ chìa khóa Nước Trời (16,9;18,19). Tuy biết là Triều Ðại Nước Chúa đã khai mạc rồi, nhưng Giáo Hội vẫn còn và luôn mãi cầu nguyện: "Xin Cha liệu cho Triều Ðại Nước Cha mau đến!" (6,10).

 

Kết cấu văn chương

Thánh Mátthêu đã làm việc căn cứ vào các nguồn tài liệu chung với Thánh Máccô hay Luca. Nhưng trong khuôn khổ tương đồng tổng quát này, ngài giới thiệu một bản tường thuật khác xa Thánh Máccô, hoặc xét theo số lượng và tính phong phú các yếu tố riêng của ngài (v.d. 1-2; 5-7; 11,1-30; 24-30.36-52; 18,10-35; 28,9-20), hoặc xét theo cách ngài tự do xử dụng các tài liệu ngài có chung với Thánh Máccô (v.d. so sánh Mt 4,1-11 với Mc 1,12-13; Mt 8,23-27 với Mc 4,35-41; Mt 9,9-13 với Mc 2, 13-17; Mt 14,13-21 với Mc 6, 32-44; Mt 16,13-20 với Mc 8,27-30; Mt 21, 18-19 với Mc 11, 12-24; Mt 21,33-46 với Mc 12,1-12; Mt 24,1-36 với Mc 13,1-37), hoặc xét theo ngài có toàn bộ những yếu tố, có lẽ là lấy trong một tuyển tập các lời Chúa Giêsu, mà Thánh Luca hẳn là cũng lợi dụng (v.d. 3,7-10; 7,7-11; 11,4-6; 12,43-45). rất khó xác định các nguồn tài liệu ấy đã cấu thành những tuyển tập rộng rãi hơn tới mức nào, nhưng nhờ đối chiếu với Thánh Máccô và Luca, ta có thể xác nhận cách biên soạn của Thánh Mátthêu.

1. Những tiếng nối chỉ giờ, trừ ra ở 4,17 và 16,21, thường không có giá trị gì (x. 3,1). Các chỉ dẫn về địa lý quá trống và không thể giúp ta thiết lập hành trình chi tiết; nhưng nhờ đấy, độc giả thấy mình đứng trước một đời sống lịch sử, chứ không phải một số cảnh gom lại mà thôi. Thánh Mátthêu còn ưa dùng lối "đóng khung", tức là lấy cùng một tiếng, để mở đầu và kết thúc cho một tích truyện hay một châm ngôn (6,19 và 6,21; 7, 16 và 7,20; 16,6 và 16,12). Ngài ưa dùng kiểu song song đồng nghĩa hay là phản nghĩa, ví dụ như dưới hình thức hai câu chuyển hoán (16,25). Ngài không sợ nhắc đi nhắc lại cùng một định thức (8,12; 22,13; 25,30), dùng cùng một kiểu nói,  để chỉ cùng một thực tại (8,2 và9,18; 9,4 và 12,25) hoặc cùng một lời nói nơi miệng nhiều nhân vật khác nhau (3,2; 4,17; 10,7). Ðặc điểm các tích truyện của ngài là vắn tắt: tính cách giai thoại của Thánh Máccô biến mất, nhường chỗ cho lối trình bày giáo lý gọn gàng và có khi còn đượm vẻ oai nghiêm (so sánh tích truyện chữa bà gia Thánh Phêrô ở Mt 8,14-15 và Mc 1,29-31).

Thánh Mátthêu rất ưa tập hợp lại từng chuổi theo số đếm (như số 7, 3, và 2, thì ngài ưa đặc biệt) hoặc dùng mấy chữ móc (như 18,4-6). Máccô và Luca chỉ sắp các tài liệu lại gần nhau, còn Thánh Mátthêu góp lời nói và tích truyện (như 8,5-13 sánh với Lc 7,1-10 và 13,28-29), để tạo nên một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ngài thích gom các lời giáo huấn tương tự lại với nhau: ví dụ như xem kinh "Lạy Cha" vào một toàn thể đã kết cấu đàng hoàng (6,7-15 trong 6,1-18). Ngài soạn những "bài giảng" để trình bày cho thấu đáo hơn (như 10,17-42; 13,35-53; 25). Thánh Mátthêu thêm vào chuỗi phép lạ ở 8,1-17, hai chuỗi phép lạ khác nữa (8,23-9,8 và 9,18-34); sau ba lời tiên báo về số phận Con Người, ngài lại thêm những lời quảng diễn giáo huấn của Chúa Giêsu (như 18,5-35; 19,1-20,16).

Sau hết và nhất là ta nhận thấy, cũng trong phạm vi kết cấu văn chương này, có năm toàn bộ, vì không có tiếng nào đúng hơn, nên người ta quen gọi là "bài giảng" của Chúa Giêsu. Ðó là những tập hợp các lời Chúa Giêsu làm thành như giềng mối của Phúc Âm này, và sau mỗi bài lại chấm kết bằng câu: "Khi Ðức Giêsu nói hết bấy nhiêu điều ấy" (x. 7,28). Các bài giảng ấy lần lượt trình bày "sự công chính của Triều Ðại Nước Chúa" (5-7), các người rao giảng Triều Ðại Nước Chúa (10), các huyền nhiệm của Triều Ðại Nước Chúa (13), con dân của Triều Ðại Nước Chúa (18), sự tỉnh thức và trung thành cần phải có, trong khi chờ Triều Ðại Nước Chúa xuất hiện cánh chung (24-25).

2. Căn cứ vào các đặc tính hiển nhiên về văn thể này, độc giả tìm cách làm những tập hợp rộng rãi hơn. Nhưng bấy giờ không còn phải là Thánh Mátthêu đòi hỏi điều ấy, nhưng chính là độc giả đề nghị. Vì thế, ấn bản này không muốn bắt buộc Phúc Âm phải chia ra những phần lớn. Dù vậy, ở đây chúng tôi thiết tưởng là nên ghi lại ba mẫu phân chia, theo như các phê bình gia quen đề nghị về "lược đồ" Phúc Âm Thánh Mátthêu.

a) Lược đồ giản đơn hơn hết là lược đồ theo địa lý, tương tự như lược đồ người ta nghĩ là mình gặp thấy nơi Thánh Máccô. Sứ vụ Chúa Giêsu tại xứ Galilê (4,12-13,58), hoạt động của Chúa Giêsu ở miền biên giới Galilê, rồi lên đường đi Giêrusalem (14,1-20, 34), sau hết Chúa Giêsu giáo huấn, chịu thương khó, chịu chết, rồi phục sinh tại Giêusalem (21,1-28,20). Ðiểm khó là do sự kiện: chưa ai có thể chứng minh là Thánh Mátthêu đã có chú ý thần học nào, khi nhắc đến những nơi chốn khác nhau ấy. Vì thế, việc phân phối theo địa lý, chẳng qua chỉ là cái khung, để sắp xếp các tài liệu vào.

b) Người khác soạn lược đồ theo năm "bài giảng", mà Thánh Mátthêu đã chấm kết mỗi bài bằng định thức nhắc đến trên này. Thực ra đó là năm khối lượng gom góp phần cốt yếu trong lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Nhưng có phải vì vậy mà ta được phép phân phối các tài liệu thành tích truyện và bài giảng luân phiên nhau? Sự tương ứng người ta chủ trương là nhận thấy trong đó, chỉ có thể chứng minh dễ dàng đối với mấy chương 11-12 và 13. Nhưng trong trường hợp này, phải chăng ta có thể gọi ch. 11-12 là tích truyện, vì hai chương này gồm một chuỗi bài giảng vắn tắt, khó xác định là Chúa đã giảng khi nào và ở đâu. Còn mấy toàn bộ kia, thì ta không thể nêu mối tương quan chặt chẽ giữa ch. 3-4 và 5-7, hay giữa ch. 14-17 và 18. Nhưng nếu muốn liên kết ch. 8-9 với 10 hay 19-23 với 24-25, thì chính là gò ép bản văn. Phúc Âm Thánh Mátthêu không phải là cuốn giáo lý kèm những ví dụ để làm sáng tỏ thêm, nhưng trình bày một đời sống lịch sử bao hàm một giá trị giáo lý.

c) Vì thế, người khác lại nghĩ là Thánh Mátthêu đã muốn dựa trên giềng mối địa đồ, để tường thuật vở bi kịch đời sống Chúa Giêsu. Nếu lưu tâm đến những bản "toát lược" (4,12-17; 12,15-21...), đến những đoạn nối kết (12,15-21 và 3,13-17; 11,1-12, 50 và 8,1-9,34), đến những ghi chú về địa lý nổi bật tên (8,1-9, 34; 14,1-16,20; 20,29-28,20) hay bị mờ đi (11,1-12, 50; 16,21-20,28), đến nhiều loại thính giả khác nhau, nhất là dân chúng (8,1-9,34), các kẻ thù (11,1-25,46), thì ta có thể phân chia toàn thể thành hai phần chính.

Trong phần thứ nhất (3,1-13,58) Chúa Giêsu xuất hiện, nhưng dân Do Thái từ chối, không tin vào Người. Vì có Toàn Năng trong việc làm cũng như lời nói, (4,12-9,34) Người sai các môn đồ đi loan báo Tin Mừng (9,35-10,42). Bấy giờ người ta phải lựa chọn theo hay là chống lại Chúa Giêsu: các thính giả được kêu mời phân biệt những gì xảy ra, nhân dịp các phép lạ Chúa đã làm khi trước (11-12) hay lời giáo huấn mới bằng dụ ngôn (13). Sau hết Chúa Giêsu bị dân Người từ bỏ (13,53-58).

Trong phần thứ hai (14-38, Chúa Giêsu trải qua con đường dẫn Người đi qua Thánh Giá để tới Phục Sinh vinh hiển. Tường thuật này chia ra hai mục: trước hết là trên căn bản địa lý (14,1-16, 20), rồi trên căn bản giáo lý (16,21-20,34). Chúa Giêsu có dịp ban bố cho cộng đoàn Người một giáo huấn đặc biệt. Mục sau, thì xảy ra tại Giêrusalem, Chúa Giêsu khởi sự vào thành Giêrusalem cách trọng thể, rồi chiếm hữu Ðền Thờ (21,1-22); sau đó Người chạm trán với các kẻ thù: Người dùng ba dụ ngôn bày tỏ ý định Ðức Chúa Cha (21,28-22,14), rồi vinh thắng mấy cuộc tranh luận và cạm bẫy giương ra tìm cách bắt bẻ Biệt Phái (23). Sau đó Người loan báo cuộc phán xét toàn thể thế gian (24-25), rồi Người để cho thiên hạ xét xử và lên án Người (26-27). Sau cùng, Ðức Chúa Cha cho Người Phục Sinh (28).

Như thế, Thánh Mátthêu kể lại một vở kịch. Chúa Giêsu đã đòi dân Do Thái phải liên kết tron vẹn vào Bản Thân Người. Người loan báo việc nhận dân ngoại vào trong Nước Trời. Sự gặp gỡ này, lẽ ra phải làm cho dân Chúa được nên hoàn tất, nhưng vì người Iraen khước từ, nên mới biến thành phân rẽ, xót xa. Vì thế cộng đoàn các môn đồ, trung tín theo giáo huấn Chúa Giêsu phục sinh, từ đây là dân thật của Chúa. Dân này được thoát ly quyền lực những kẻ làm vườn nho khởi loạn và phải sinh hoa két quả như Ðức Chúa Cha trông đợi (21,43).

 

Cộng đoàn Thánh Mátthêu

Do cách lựa chọn và cả lối dàn xếp các tài liệu, Tin Mừng Thánh Mátthêu bày tỏ những mối lưu tâm của môi trường, trong đó Tin Mừng xuất hiện. Xin nêu ba khía cạnh sau đây:

1. Thánh Mátthêu là phúc âm gia nhấn mạnh hơn hết tới Lề Luật, Thánh Kinh và các phong tục Do Thái. Ðây là ba ví dụ: ngài chấp nhận ba kỷ luật lớn của lòng đạo do thái (tức là chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện, giữ chay); Khác với Thánh Máccô (7,3-4), ngài không cảm thấy cần giải thích các phong tục này. Sau hết, Chúa Giêsu ưu tiên giảng cho dân Người (10,6; 15,24). Nhưng để điều chỉnh sự nhấn mạnh đó, thì Tin Mừng lại nêu bật lên sự hoàn tất mà Lề Luật cần biết đến và Thánh Kinh bày tỏ ra nơi chính bản thân Chúa Giêsu, và sau cùng nêu rõ các lạm dụng do các tập truyền biệt phái gây nên. Tất cả đều cần giải thích lại triệt để, như ta nhận thấy nơi mấy câu "đối chất" trong bài giảng trên núi ở ch. 5. Thánh Mátthêu nhấn mạnh tới việc chuyển Tin Mừng sang dân ngoại: vậy điều ngài lưu ý, chính là Tin Mừng phải nổ tung ra theo kích thước toàn thể thế gian này; Con Người sẽ kêu gọi hết mọi người đều chịu phán xét (25,31-46), hết mọi dân thiên hạ đều được kêu mời nhận lãnh giáo huấn của Chúa Giêsu (28,19).

2. Trong Thánh Mátthêu, khác với Thánh Máccô, các môn đồ không phải là người đần độn và thiếu khả năng hiểu biết; các ngài chiếm địa vị độc nhất vô song trong chế độ mặc khải. Ðó là những ngôn sứ, những người khôn ngoan và thông giáo trong Luật mới (13,52; x. 23,34). Nhưng, khi làm lu mờ bộ mặt lịch sử các ngài, Thánh Mátthêu cố ý biến các ngài thành những kiểu mẫu lâu dài. Vì thế các ngài tượng trưng cho cách ăn nết ở mọi môn đồ về sau, cả khi các ngài xuất hiện là người kém lòng tin cũng vậy (8,26; 14,31; 16,8; 17,20).

3. Sau hết, chân dung Ðức Kitô chịu ảnh hưởng cộng đoàn Kitô hữu, nơi Thánh Mátthêu đã sống. Chúng tôi đã nêu lên cách Chúa Giêsu hoàn tất lời Kinh Thánh, biện minh cho ý định của Ðức Chúa Cha và làm nền tảng cho khóa minh giáo đạo Chúa Kitô sau này. Ðàng khác, Thánh Mátthêu có cách nhấn mạnh riêng để trình bày Chúa Giêsu là Thầy dạy, là Vị Giáo Huấn tuyệt luân (5,2.19; 7,29; 21,23; 22,16; 4,23; 9,35; v.v.). Trong Thánh Máccô, danh từ này có nghĩa chung như trong thế giới cổ thời. Trong Thánh Luca, người ta thấy Chúa Giêsu dạy các môn đồ cầu nguyện (Lc 11,1). Trong Thánh Gioan, giáo huấn Chúa Giêsu liên quan tới nhất là bản thân Người (G 8,20.28). Còn trong Thánh Mátthêu, điều chính yếu, Thầy Chí Thánh giảng dạy, là sự "công chính" mới, tức là sự trung thành mới đối với Lề Luật Thiên Chúa (5, 19-20; 7,29; 15,9; 28,20). Người là Vị Thông Ngôn "cánh chung", có sẵn "uy quyền" tối cao của Ðức Chúa Cha, để vừa giúp thính giả quyết định bỏ các "tập truyền nhân loại", mà hàng thông giáo là người gìn giữ (15,9) vừa giảng dạy cho họ biết về sự hoàn thiện mới (5,48; 19,21).

Ngay từ đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu đã là Ðấng Kitô, Con cháu vua Ðavít, và là Con của chính Ðức Chúa Cha. Theo tư cách là Con của Ðức Chúa Cha và là Ðấng Kitô, Chúa Giêsu là "Thầy Dạy", là Vị Thông Ngôn có quyền quyết định về thánh ý Ðức Chúa Cha. Thế mới hiểu vì sao môn đồ, hệt như một kitô hữu, đã xưng Người là "Chúa", và Thánh Mátthêu bỏ qua những nét mô tả cơn thịnh nộ hay niềm âu yếm thiết tha của Chúa Giêsu trong Thánh Máccô, vì nơi đây, Chúa Giêsu xuất hiện trang nghiêm tề chỉnh một cách vững bền hơn trong Thánh Máccô (so sánh Mt 13,35 với Mc 6,3; Mt 15,33 với Mc 8,4...).

 

Ðộc giả, ngày tháng biên soạn, tác giả

Ðối với các giáo phụ cổ thời, sự việc rất là đơn giản: Phúc Âm thứ nhất do tông đồ Mátthêu viết "cho các tín hữu gốc Do Thái" (Origiên). Nhiều người nay vẫn còn nghĩ như vậy, mặc dầu khoa phê bình hiện đại chú ý hơn tới sự phiền phức của vấn đề. Nhiều nhân tố giúp ta xác định nơi xuất phát Phúc Âm thứ nhất. Hình như hiển nhiên là bản văn hiện thời phản ảnh các tập truyền aram hay là hi bá: ngữ vựng đúng là theo kiểu palêtin (buộc, cởi: 16,19, ách phải mang, Triều Ðại Nước Trời...), những kiểu nói Thánh Mátthêu xét là nên giải thích cho độc giả mình, những thói tục khác nhau (5,23; 12,5; 23,5.1523). Ðàng khác, hình như cũng không phải là bản dịch từ nguyên bản aram, nhưng làm chứng là một biên soạn bằng tiếng hi lạp. Tuy Phúc Âm này đặc biệt thấm nhuần các tập truyền Do Thái, nhưng không thể quả quyết là xuất phát từ Palêtin. Thường thường người ta cho là đã biên soạn ở Syri, có thể là tại Antiêukia (Thánh Inhaxiô qui chiếu vào đó, khoảng đầu thế kỷ thứ 2), hoặc tại Phêniki, vì có nhiều người Do Thái sống trong các miền này. Sau hết, ta có thể thoáng nhìn thấy cuộc tranh luận chống đạo Do Thái Hội Ðường chính thống của hàng Biệt Phái, theo đúng như thấy xuất hiện nơi hội nghị hội đường tại Giamnia vào khoảng những năm 80. Chiếu theo những điều kiện ấy, nhiều tác giả cho là Phúc Âm thứ nhất đã biên soạn vào khoảng những năm 80-90, có lẽ sớm hơn ít nhiều; người ta không thể nào đạt tới sự hoàn toàn chắc chắn về vấn đề này.

Còn tác giả, thì Phúc Âm không nói gì tới. Tập truyền cổ nhất trong Giáo Hội (ô. Papia, giám mục thành Hiarapoli, nửa đầu thế kỷ thứ 2), coi Phuc Âm thứ nhất là của tông đồ Mátthêu-Lêvi. Nhiều Giáo Phụ (ô. Origiên, Thánh Giêrôm, Thánh Êpiphan) cũng theo chiều hướng ấy, và một số tác giả đã muốn suy diễn là ta có thể gán cho Thánh tông đồ này một hình thức đầu tiên, bằng tiếng Aram hay là Hi Bá, của Phúc Âm Thánh Mátthêu hiện thời bằng tiếng Hi Lạp. Nhưng việc nghiên cứu Phúc Âm không kiện chứng cho mấy giả thuyết ấy, mà cũng không làm cho chúng hoàn toàn mất giá trị. Vì thế, đã không biết chính xác được tên tác giả, ta nên bằng lòng với mấy nét ghi lại trong chính Phúc Âm: xem nghề nghiệp, thì biết chủ nhân. Thông thạo Thánh Kinh và các tập truyền Do Thái, hiểu biết, tôn trọng, nhưng cật vấn gắt gao các thủ lãnh tôn giáo của dân mình, nổi tiếng là bậc thầy trong nghệ thuật giáo huấn và làm cho thính giả mình "hiểu" Chúa Giêsu, luôn luôn nhấn mạnh vào các hậu quả thực hành của lời mình giáo huấn: bấy nhiêu nét, có thể đáp lại khá đúng với chân dung một người thông giáo do thái đã trở nên kitô hữu, một "chủ nhà lấy từ trong kho mình ra những cái mới và cái cũ (13,52).

 

Tính cách hiện thời của Phúc Âm thứ nhất

Ngay từ thế kỷ thứ 2, Phúc Âm thánh Mátthêu đã được coi là Phúc Âm của Giáo Hội, có lẽ vì những tập truyền sách ấy ghi lại về "Giáo Hội" (16,18 và 18,18), và đúng hơn, chính vì sự phong phú và cách sắp đặt khéo léo những tài liệu trong sách. Ngày nay, Phúc Âm này cũng còn có thể là như vậy, miễn là ta không đòi hỏi những gì sách ấy không muốn và không thể cung cấp cho ta. Khi cật vấn Giáo Hội, Thánh Mátthêu không lo nhắc lại từng chữ các ngôn từ thời Chúa Giêsu, ngài có tài nên đồng nhất với tiếng nói của Giáo Hội mà chính ngài là phát ngôn viên, tới mức người ta thật khó phân biệt được tiếng nói của một "chứng nhân đã từng mắt thấy tai nghe". Vì thế, ta đừng đến với Thánh Mátthêu, trước tiên để diễn lại lịch sử của thời quá khứ, nhưng phải biết đọc trong đó Phúc Âm của cộng đoàn Thánh Mátthêu. Cách tốt hơn hết, để hiểu Tin Mừng này, là lấy thái độ của tín đồ, theo như Thánh Mátthêu diễn tả. Ðộc giả còn phải tránh, đừng lấy làm khó chịu vì đặc tính sêmít của văn thể ngài, ví dụ như tiếc vì ngài dấn thân vào những câu nặng nề trích dẫn Thánh Kinh. Nếu biết thận trọng như thế, thì Phúc Âm Thánh Mátthêu nói rất hay đối với người Kitô hữu hiện thời.

Bởi là Tin Mừng về việc Iraen nên hoàn tất nhờ Ðức Giêsu, nên cũng tỏ ra Giáo Hội ăn rễ sâu vào tập truyền nguyên thủy. Giáo Hội không phải là một "Iraen mới", nhưng là "Iraen chân thật"; Giáo Hội không kế vị Iraen, nhưng chỉ đường cho Iraen chưa ăn năn trở lại với Chúa Giêsu, biết phải tiến bước theo lối nào, để cho chính mình được nên hoàn tất, và ngược lại, chính Iraen đó là nơi Giáo Hội cần phải khám phá ra chính nguồn gốc của mình.

Vì không đồng hóa Giáo Hội với Nước Trời, Thánh Mátthêu nhắc lại cho Giáo Hội hiện thời nhớ chân dung chân chính của mình. Hẳn là cần thể chế, cho cộng đoàn của Chúa Giêsu sống sót được, nhưng thể chế chỉ là tạm thời mà thôi: chính Nước Chúa và chỉ có một mình Nước Chúa, mới thông cho Giáo Hội ý nghĩa của mình, nhờ đặt Giáo Hội vào đúng vị trí của mình đối với Ðức Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô, đang hoạt động trong lịch sử loài người.

Thánh Mátthêu kêu gọi kitô hữu hiện thời có thái độ các môn đồ thời Chúa Giêsu. Cùng với các môn đồ, kitô hữu có thể nhìn nhận Chúa mình toàn năng, và nghe Chúa trách mình thiếu lòng tin cậy, nhưng cũng có thể lãnh từ nơi Người sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho tới tận cùng thế giới. Thế là hiện thời hóa được mối tương quan giữa tín đồ với Ðức Giêsu là Chúa Tể họ tin.

Trong một thế giới đang biến đổi, Chúa Phục Sinh tỏ ra Người đang hiện diện và mời gọi các tín đồ không ngừng trở lại với các lời giáo huấn Người đã ban bố khi còn sống ở đời: Ðức Kitô Phục Sinh là một với Ðức Giêsu người Nadarét, đã nhờ qua Tin Mừng mà nên hiện diện: đó là chính trung tâm của chứng từ Thánh Mátthêu.

 


Back to Home Page