Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Bốn Tin Mừng Và Mối Liên Hệ Với Nhau

 

Tin Mừng đến với ta dưới hình thức bốn cuốn sách. Ðọc lần đầu tiên, ai nấy đều nhận thấy: Tin Mừng thứ tư có những nét đặc sắc riêng biệt, mặc dầu vẫn còn có liên hệ với ba cuốn kia (x. tiểu dẫn vào Tin Mừng Thánh Gioan). Mấy cuốn này là những chứng từ biên soạn trước Tin Mừng Thánh Gioan. Tin Mừng Thánh Máccô hình như là gốc ở Rôma, có thể là đã biên soạn vào khoảng năm 65-70. Tin Mừng Thánh Mátthêu và Thánh Luca biên soạn sau đó chừng 15 tới 20 năm, không phản ảnh cùng những môi trường và có ý nhắm vào những độc giả khác xa. Nhưng chúng mang hình thức giống nhau tới mức có thể gọi cả ba cuốn là Tin Mừng Nhất Lãm, do tên một cuốn sách phát hành vào cuối thế kỷ 18, đề là Nhất Lãm (tức là nhìn một trật) trình bày các bản văn Thánh Mátthêu, Máccô và Luca trên ba cột song song, cho dễ dàng đối chiếu với nhau. Sự kiện ấy đặt ra một vấn đề đặc biệt.

 

a) Sự kiện Nhất Lãm

Các dị đồng giữa ba Tin Mừng Nhất Lãm liên quan tới: các tài liệu đã dùng, thứ tự sắp xếp các tài liệu ấy, sau cùng là cách diễn tả.

- Về tài liệu, thì sau đây là phỏng chừng số những câu chung cho cả hai hoặc cả ba cuốn Tin Mừng.

Chung cho cả ba Tin Mừng - Mt: 330; Mc: 330; Lc: 330.

Chung cho Mt và Mc - Mt: 178; Mc: 178.

Chung cho Mc và Lc - Mc: 100; Lc: 100.

Chung cho Mt và Lc - Mt: 230; Lc: 230.

Riêng cho mỗi Tin Mừng - Mt: 330; Mc: 53; Lc: 500.

Thế là bên cạnh những phần chung nhau, còn có những nguồn tài liệu riêng cho mỗi Tin Mừng.

- Về thứ tự sắp xếp, thì các tích truyện gom thành bốn phần lớn:

A. Chuẩn bị cho sứ vụ Chúa Giêsu.

B. Sứ vụ ở xứ Galilê.

C. Lên thành Giêrusalem.

D. Sứ vụ tại Giêrusalem. Tử Nạn và Phục Sinh.

Bên trong bốn phần lớn này, Thánh Mátthêu phân phối các tích truyện theo một thứ tự riêng cho tới chương 14, rồi từ đó trình bày các tích truyện chung với Thánh Máccô và theo cùng một thứ tự như ngài. Thánh Luca, thì xem các tích truyện riêng vào một toàn thể y hệt như của Thánh Máccô (như Lc 6,20-8,3 hay 9,51-18,14). Tuy nhiên phải ký nhận rằng: bên trong sự hòa hợp toàn thể này có sự khác biệt nhau, đôi khi trong chính những đoạn chung nhau (v.d. như ở Lc việc kêu gọi các môn đồ hay cuộc viếng thăm Nadarét).

- Về cách diễn tả, ta cũng nhận thấy các bản văn giống nhau chặt chẽ: ví dụ như cùng một chữ họa hiếm (aphientai) dùng ở Mt 9,6 = Mc 2,10 = Lc 5,24; hoặc chỉ có 2 trên 63 chữ khác nhau ở Mt 3,7b-10 = Lc 3,3,7b-9. Ðằng khác, thấy đột ngột khác nhau, trong những đoạn xét chung thì rất giống nhau hoặc kết cấu y như hệt, nhưng chữ dùng khác nhau, hoặc chữ dùng y hệt, nhưng kết cấu lại rất khác nhau.

 

b) Giải thích sự kiện Nhất Lãm

Khi nào nhận định đồng thời cả những nét giống nhau và cả những nét khác nhau, thì sẽ giải quyết được vấn đề do sự kiện Nhất Lãm đặt ra.

Các phê bình gia đồng ý về mấy điểm này:

- Trước hết là về nguồn gốc Tin Mừng. Hai nhân tố đã gây nên tình trạng hiện thời các bản văn: một là vai trò của cộng đoàn đã tạo nên tập truyền hoặc truyền khẩu, hoặc thành văn. Hai là vai trò nhà văn đã sắp đặt các tập truyền ấy. Những biến đổi trong mấy giả thuyết đều tùy thuộc cốt yếu vào tầm quan trọng tương đối, do các phê bình gia dành cho cả hai nhân tố này: hết mọi điểm khác nhau có thể giải thích bằng công trình biên soạn của các nhà văn, hay đòi nại đến những tương đồng có sẵn trước khi biên soạn?

- Về phương pháp phải theo, thì có sự đồng ý phần nào. Những thêm bớt tài liệu hay những đổi thay kiểu nói, có thể giải thích, đúng ít nhiều, bằng những "chủ ý" khác nhau của người biên soạn. Vì những lối giải thích sự kiện này, dễ bị thiên về độc đoán, nên không có thể giải quyết vấn đề trên bình diện các tài liệu hay là kiểu nói. Chỉ có cách nghiên cứu sự xếp đặt các tài liệu mới giúp ta giải quyết một cách vững vàng. Muốn giải thích những giống nhau giữa các đoạn văn dài, cần nại đến sự lệ thuộc vào bản văn (chứ không nguyên lệ thuộc truyền khẩu mà thôi), hoặc trực tiếp (tức là lệ thuộc vào một nguồn tài liệu chung). Muốn giải thích những đoạn khác nhau, có người nhấn mạnh tới vai trò của cộng đoàn trong thời kỳ tiền-nhất-lãm, người khác lại nhấn mạnh tới vai trò soạn giả. Chính xác hơn, các phê bình gia đồng ý chung chung về hai nguyên  tắc này: Thánh Máccô không lệ thuộc vào Thánh Matthêu và Luca, còn Thánh Matthêu và Luca thì lệ thuộc lẫn nhau. Lý do là vì mỗi khi Thánh Matthêu hoặc Luca không còn theo thứ tự của Thánh Máccô nữa, thì hai đàng lại khác nhau; đàng khác, Thánh Matthêu hoặc Luca có những đoạn chung với Thánh Máccô mà Thánh Luca hoặc Matthêu đã không lặp lại (Mt: 178 câu; Lc: 100 câu).

Các phê bình gia còn chưa đồng ý lối giải thích về mối liên hệ giữa Thánh Máccô với hai Tin Mừng Nhất Lãm kia. Những điểm giống nhau giữa Thánh Matthêu và Máccô hoặc giữa Thánh Luca và Máccô, phải chăng là vì lệ thuộc trực tiếp vào Tin Mừng Thánh Máccô, hay vì lệ thuộc vào một bản văn chung tiền-nhất-lãm. Sau đây, xin tóm tắt hai mẫu giả thuyết, do các phê bình gia hiện thời chủ trương.

 

1. Một số phê bình gia nhạy cảm về những khác nhau hơn là những giống nhau, muốn khước từ sự kiện các Tin Mừng Nhất Lãm trực tiếp lệ thuộc vào nhau.

a) Có những người nại đến nhiều tài liệu: các phúc âm gia đã lợi dụng nhiều tuyển tập dài hay vắn, gom góp ngay từ đầu (có lẽ là để dùng trong lời giảng thừa sai của Hội Thánh), nhiều bản ghi chép các sự kiện và các châm ngôn (tập ghi nhiều phép lạ, ghi nhiều châm ngôn...). Ðó là lý do có thể giải thích vì sao Thánh Mátthêu và Luca có nhiều điểm vắn tắt giống nhau, mà lại khác với Thánh Máccô, nên hai vị ấy không lệ thuộc vào ngài. Ðiều ấy còn giải thích những thay đổi, mà ta khó có thể gán cho công trình biên soạn hay cho những mục tiêu thần học khác nhau.

b) Những phê bình gia khác, tuy vẫn trung thành với tính mềm dẻo giả thuyết trên đây, nhưng lại nghĩ là tập truyền Nhất Lãm bắt nguồn từ hai tài liệu lớn, ngoài những tập truyền riêng. Ta phải công nhận rằng: thứ tự sắp xếp có khác nhau, tùy theo là phần giữa (rao giảng tại Galilê: Mt 4,13-13,58 và ss) hay là hai phần đầu và cuối (Mt 3,1-4,12 và ss; Mt 14,1-24,51 và ss). Sự giống nhau chặt chẽ chi phối hai phần đầu và cuối này chứng minh là có một tài liệu căn bản đồng nhất cho cả ba cuốn Tin Mừng. Trái lại, sự khác nhau trong phần giữa (sứ vụ ở Galilê), chứng tỏ một tình cảnh chưa tiến xa trong việc tổ chức các tập truyền. Như thế, nguồn gốc Tin Mừng Nhất Lãm, đừng kể những tập truyền riêng, lại còn có hai tài liệu chính: một cái đã kết cấu chặt chẽ rồi và một cái còn trong tình trạng lỏng lẻo, khi các phúc âm gia xử dụng, tuy rằng việc chung đúc cả hai tài liệu ấy lại với nhau, khi ấy đã tiến hành được ít nhiều rồi.

 

2. Tuy nhiên, đa số các phê bình gia đều theo hệ thống Hai Nguồn Tài Liệu. Theo giả thuyết này, Thánh Mátthêu và Luca trực tiếp lệ thuộc vào Thánh Máccô, cũng như vào một nguồn tài liệu chung biệt lập (quen gọi là Q do chữ đầu của tiếng Ðức Quelle). Ngoài những tài liệu riêng cho mỗi Tin Mừng, thì Tin Mừng Thánh Máccô và tài liệu ấy có lẽ là hai nguồn tài liệu chính của Thánh Mátthêu và Thánh Luca. Giả thuyết này có thể tóm vào lược đồ sau đây:

Mc (Tài liệu chung) - - - > (Mt riêng - Lc riêng)

Hiện nay người ta trình bày giả thuyết này một cách dè dặt hơn nhiều. Cái lợi lớn của nó là giúp nghiên cứu công trình biên soạn của Thánh Mátthêu và Thánh Luca. Như thế công trình biên soạn sẽ giải thích được những thêm bớt và đổi chỗ, ta gặp thấy trong sự kiện nhất lãm. Tuy nhiên, nên nhớ rằng: ngày nay người ta không dám giải quyết dứt khoát vấn đề: tài liệu chung cho Thánh Mátthêu và Luca đó, là một tài liệu thành văn hay là truyền khẩu, hoặc bản văn Thánh Máccô các ngài đã xử dụng, là bản văn hiện thời của ta hay là bản văn nào khác.

Tóm lại, dù chấp nhận giả thuyết phê bình nào, để giải quyết vấn đề Nhất Lãm, ta vẫn cần phải làm việc công phu tỉ mỉ, mới xác định được bản chất các viễn ảnh của từng phúc âm gia. Xin thêm là việc nghiên cứu các nguồn tài liệu, không phải là điều duy nhất và có lẽ không phải là điều quan trọng hơn hết, giúp am hiểu các Tin Mừng. Các nguồn tài liệu, khẩu truyền, ảnh hưởng môi trường xuất phát và việc các soạn giả cuối cùng dùng các nguồn tài liệu: đó là những yếu tố ta cần phải lưu tâm, theo cùng một cách như nhau, nếu ta muốn nhận thức toàn thể hiện tượng đầu tiên, tức là bản văn Tin Mừng. Cái nhìn tổng quan vắn tắt trên này, có thể sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn viễn ảnh của từng phúc âm gia, như sẽ nêu lên trong tiểu dẫn riêng cho Thánh Mátthêu, Máccô và Luca dưới này.

 


Back to Home Page