Dẫn
Vào Phúc Âm Nhất Lãm
Phúc Âm, theo nghĩa danh từ Hi Lạp, trước tiên có nghĩa là Tin Mừng cứu độ (x. Mc 1,1), là lời rao giảng Tin Mừng ấy. Ðó là nghĩa Thánh Phaolô hiểu, khi ngài nói đến Phúc Âm ngài giảng: tức là lời ngài loan báo ơn cứu độ nơi Bản Thân Ðức Giêsu là Ðấng Kitô. Vậy Phúc Âm hay Tin Mừng, đầu tiên không phải là một cuốn sách, một tác phẩm văn chương hay là lịch sử. Sở dĩ gọi là Phúc Âm hay Tin Mừng, bốn cuốn sách gán cho Thánh Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan chính vì mỗi cuốn này đều công bố Tin Mừng ấy, trong thiên tường thuật các lời nói việc làm của Ðức Giêsu, cũng như kể lại cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Người.
Ðộc giả hiện đại ưa tìm sự chính xác. Họ luôn luôn tra cứu những sự kiện phân minh, kiểm chứng rõ ràng. Vì thế họ ngạc nhiên khi đọc bản Phúc Âm này, thấy lời văn rời rạc, lược đồ thiếu liên tục với nhau. Nhất là khi họ thấy sách ấy bao hàm nhiều mâu thuẫn xem ra không thể nào giải đáp, lại không thể trả lời cho mọi vấn đề họ đặt ra. Phản ứng như thế thật là may mắn, nếu giúp độc giả nêu lên những vấn đề chân chính và trước hết là vấn đề thể văn của bốn Tin Mừng. Các người biên soạn Phúc Âm, không phải là nhà văn làm việc nơi bàn giấy, theo các tài liệu đã kiểm kê đầy đủ, cũng không phải là những người viết lịch sử về Chúa Giêsu Nadarét, từ lúc sinh ra cho tới lúc qua đời. Cách biên soạn Phúc Âm, thì khác hẳn. Chúa Giêsu đã nói, đã loan báo Tin Mừng Nước Chúa, đã qui tụ các môn đồ, chữa lành các bệnh nhân, hoàn tất những hành vi bao hàm nhiều ý nghĩa. Sau đó Người đã qua đời và phục sinh vinh hiển. Vì tin vào Chúa Phục Sinh, nên các môn đồ, rồi các vị giảng thuyết, đã loan báo việc Người Phục Sinh, nhắc lại các lời Người đã nói, kể lại các việc Người đã làm, tùy theo nhu cầu đời sống các Giáo Ðoàn liên hệ. Trong khoảng bốn mươi năm, những truyền khẩu đã hình thành, đã ghi lại và lưu truyền, bằng lời rao giảng, bằng phụng tự, bằng việc dạy giáo lý, tất cả các tài liệu, mà ngày nay ta gặp thấy trong sách Tin Mừng. Ðàng khác, có thể là một số trong các tài liệu trên, trong tiến trình lịch sử ấy, đã được ghi lại thành văn. Ví dụ như các định thức dùng trong phụng tự, các lời tuyên xưng đức tin, những tập ghi chép các lời Chúa Giêsu đã nói, hay bản kể sự tích Thương Khó của Người. Hẳn là sự Thương Khó Chúa Giêsu đã sớm làm thành những tích truyện sắp xếp rõ ràng phân minh.
Vậy các nhà biên soạn Tin Mừng đã làm việc theo các tài liệu cổ truyền ấy. Trong đời sống đầy biến động của các Giáo Ðoàn đầu tiên, những tài liệu cổ truyền này đã thành hình nhiều cách khác nhau. Vì Tin Mừng, trước khi cố định thành bản văn, đã là lời rao giảng sống động. Chính lời giảng này nuôi dưỡng đức tin cho Kitô hữu, giáo huấn cho các tín đồ, thích nghi theo những môi trường khác nhau, đáp ứng nhu cầu của các Giáo Ðoàn, linh động hóa lời kinh phụng tự, diễn tả một suy nghĩ về Thánh Kinh, sửa chữa lại mấy điểm sai lầm, có khi còn giải đáp lại lý chứng của đối phương.
Thế là các Phúc Âm gia đã thu thập và ghi chép, theo viễn ảnh riêng mỗi người, những tài liệu các ngài gặp thấy trong lời truyền khẩu. Nhưng không phải các ngài chỉ sao chép lại thôi. Chính các ngài cũng biết mình có nhiệm vụ phải loan báo Tin Mừng cho những kẻ đương thời, phải giáo huấn và giải đáp các vấn đề do các Giáo Ðoàn nêu lên. Sau này ta sẽ thấy viễn ảnh riêng cho mỗi phúc âm gia. Ở đây xin nhấn mạnh tới sự kiện cốt yếu. Những công trình nghiên cứu trong mấy thế hệ gần đây, về lịch sử của tập truyền và của sự hình thành các cuốn Tin Mừng, khiến cho sự kiện ấy thành hiển nhiên, không ai phi bác được. Ðó là nhiều chi tiết đặc biệt trong sách Tin Mừng, diễn tả đức tin và đời sống các cộng đoàn kitô hữu đầu tiên. Sau đây là mấy đoạn văn giúp làm sáng tỏ điều quả quyết ấy. Ví dụ mấy bản văn kể lại bữa tiệc ly của Chúa Giêsu. Ta có bốn bản dịch khác nhau (Mt, Mc, Lc, 1C), nhưng thực sự chia làm hai mẫu: một bên là Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, một bên là Thánh Luca và Thánh Phaolô. Nhưng hai mẫu này, khác nhau về nhiều điểm, chỉ là ghi lại mấy mô thức cổ truyền đã trở nên cố định trong thói quen phụng tự. Thánh Phaolô lưu truyền điều ngài đã nhận lãnh. Các phúc âm gia, không thuật lại mọi chi tiết trong bữa tiệc ly, nhưng tập trung vào mấy cử chỉ và lời nói của Thầy Chí Thánh, như Giáo Hội vẫn quen nhắc lại trong khi cử hành phép Sùng Ân. Như vậy, kiểu nói: chúc tụng, do Thánh Mátthêu và Máccô dùng, có lẽ ghi lại thói quen ở xứ Palêtin (theo kinh Chúc Tụng của người Do Thái). Còn Thánh Luca và Phaolô dùng chữ tạ ơn (hi lạp là eucharistéô), thì gợi nhớ môi trường hi lạp. Những ví dụ khác về hai dị bản ghi lại cùng một tập truyền như kinh Lạy Cha (Mt 6,9-15; Lc 11,2-4) hay các Chân Phúc (Mt 5,3-12; Lc 6,20-26) giúp ta vừa thấy được bản chất các tập truyền ghi lại, vừa biết tư tưởng riêng của từng phúc âm gia.
Việc đi qua truyền khẩu cũng giải thích vì sao nhiều tích truyện có vẻ như là những đoạn văn nhỏ, tập trung vào một lời nói hay một việc làm của Chúa Giêsu, mà không xác định đã xảy ra khi nào hoặc nơi nào. Nguyên mấy kiểu nói mở đầu trông trống, đã nêu rõ điều ấy rồi: trong những ngày ấy (Mt 3,1; Mc 8,1); Khi ấy (Mt 11,25), sau đó (Lc 10,1). Mỗi tích truyện này ban đầu đã ghi lại và lưu truyền biệt lập với nhau. Còn việc sắp xếp vào chỗ nọ chỗ kia thường là do các phúc âm gia. Trong việc dùng các tập truyền, có khi người ta còn đem những kỷ niệm thường hay kể đi kể lại ấy đóng khung vào mấy lối văn cố định: ví dụ như mấy tích truyện đóng khung cho một lời Chúa Giêsu đã nói, mấy cảnh tranh luận, chữa lành hay là làm phép lạ. Nhiều khi ta có thể dễ nhận ra mấy thứ tích truyện này đều theo một lối trình bày riêng.
Vậy phải coi những tập truyện ấy làm sao, nếu chúng đã được quen dùng đến thế, trước khi trở nên cố định trong sách Tin Mừng? Phải dành cho chúng ngần nào uy tín? Chúng có liên lạc thế nào với lịch sử Chúa Giêsu? Muốn trả lời mấy câu hỏi ấy, ta có thể nói rằng: các tài liệu ở đây, chính là bấy nhiêu chứng tích về niềm tin vào Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Vì thế, chúng muốn giúp ta gặp gỡ chính Ðức Kitô, nhờ sự ta tin và nhìn nhận Người. Vậy Tin Mừng là một lời rao giảng và các phúc âm gia, kể cả Thánh Luca là người quan tâm về lịch sử, đã muốn trước tiên là chứng tá Tin Mừng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là các ngài dửng dưng đối với đặc tính lịch sử của mấy sự kiện mình kể lại. Nhưng các ngài chú tâm tới việc làm cho nổi bật ý nghĩa của sự kiện, hơn là diễn lại đúng y nguyên từng chữ các lời Chúa Giêsu (x. những hình thức khác nhau của các Chân Phúc, của Kinh Lạy Cha, của định thức Sủng Ân), hay các hoàn cảnh và chi tiết những việc Người làm. Chúng diễn lại một tập truyền này đã là một lối giải thích. Nhờ nghiên cứu tỉ mỉ các bản văn, ta mới thấy được lời này lời khác hay tích nọ tích kia là những điểm chắc chắn diễn lại lịch sử về sứ vụ Chúa Giêsu; các sử gia có sẵn nhiều phương pháp, để cố diễn lại các điểm này.
Ở đây có thể xác định về hai điểm:
- Chắc chắn là ta không thể nhờ qua tập truyền, mà kiểm chứng bằng lịch sử, tất cả nội dung các cuốn Tin Mừng. Nhưng qua tập truyền, có nhiều dấu hiệu làm sáng tỏ thêm phần còn lại trong các bản văn, giúp ta biết được rằng: niềm tin vào Ðức Kitô Phục Sinh đã bắt nguồn sâu xa nơi cuộc sống và các hành vi tại thế của Ðức Giêsu Nadarét.
- Ta chỉ biết được các lời nói việc làm của Chúa Giêsu nhờ qua các "bản dịch", do các tập truyền cổ và biên soạn của phúc âm gia. Việc phiên dịch từ tiếng Aram sang tiếng Hy Lạp là khía cạnh rõ ràng nhất trong việc lưu truyền này. Vì như vậy, ta có thể diễn lại những gì Chúa Giêsu đã nói bằng tiếng bản xứ của Người, cũng như các hoàn cảnh chính xác, khi Người giảng dạy hoặc chữa bệnh nhân. Tuy nhiên, những cố gắng này, trong chi tiết, chỉ có thể đúng ít nhiều mà thôi. Những giới hạn của việc kiểm chứng lịch sử này, xuất phát từ chính bản chất của Tin Mừng. Niềm tin vào Ðức Kitô hằng sống làm sáng tỏ những kỷ niệm về Ðức Giêsu tại thế, Không thể diễn tả niềm tin ấy bằng cách nào khác, nếu không phải bằng một chứng từ sống động. Mà chứng từ sống động lại vốn bao hàm nhiều đặc tính, như tường thuật từng câu từng khúc nhắc đi nhắc lại nhiều lần, điều chỉnh, do chính chứng nhân hay người kể truyện can thiệp vào. Nhưng chính vai trò và quyền năng của các bản văn này là kêu mời độc giả đem lòng tin cậy.
Thế là việc nghiên cứu phê bình các cuốn Tin Mừng, giúp ta vượt qua sự đọc Tin Mừng một cách ngây thơ và đi sâu vào chính viễn ảnh Tân Ước. Dù có thể đi xa trong tiến trình tra cứu này, ta vẫn phải đặt ra câu hỏi: Ðức Giêsu là ai? Ðộc giả nào muốn đọc Tin Mừng theo viễn ảnh này, nhất là vừa đọc vừa nghiên cứu và đối chiếu các bản văn, ắt sẽ không thấy mình bấp bênh trơ trụi, mà còn luôn luôn khám phá thêm được nhiều điểm hơn điều mình ước tính lúc đầu. Vì mỗi cuốn Tin Mừng có nhiều yếu tố giải đáp và có lối hiểu riêng về các sự kiện trong tập truyền, nên sẽ giúp độc giả kiểm chứng và làm cho thêm phong phú sự mình hiểu biết về Chúa Giêsu. Vì nhờ đấy, mà có thể luôn luôn đi từ Ðức Giêsu tại thế tới niềm tin của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên từ lòng xác tín của các chứng nhân tới chính Ðấng là nguồn phát sinh sự xác tín này.