Mấy
Khái Niệm Về Thế Giới Hi La
Ðế quốc Rôma thay đế quốc Hi Lạp
Thế giới Hi La vào đầu kỷ nguyên Kitô Giáo là gia tài trực tiếp của đế quốc Hi lạp do Alécxan Ðại Ðế xây dựng. Dưới lớp sơn Rôma, ta vẫn gặp lại cùng một lối cai trị tỉnh thành, cùng những điều kiện sống tập thể và cá nhân, tắt một điều là cùng một nền văn hóa, ngôn ngữ chung vẫn còn là tiếng Hi Lạp.
Nhìn qua bản đồ đế quốc Rôma, ta sẽ thấy rõ ràng đế quốc ấy rộng bao nhiêu, hơn là nhờ việc đan cử từng nơi một. Ðế quốc ấy rộng rãi ngang với thế giới. Và mỗi ngày quyền bính càng nên vững chắc hơn, nhờ thu hẹp những khác biệt địa phương và chống lại với ảnh hưởng các người Man Rợ (Giécmanh, Páctơ...)
Ðế quốc là thành quả do nhiều cuộc chinh phục, nên qui tụ những miền đất có qui chế khác nhau: Ai Cập là lãnh thổ riêng của Hoàng Ðế, nên ngài đặc phái Toàn Quyền Phó Vương cai trị xứ ấy. Những xứ bảo hộ là những nước còn giữ các thể chế cổ truyền của họ. Và các tỉnh. Trong các tỉnh này, người ta phân biệt các tỉnh thượng nghị (Asia= Tiểu Á) và các tỉnh hoàng đế, trong đó quân đội Rôma còn chiếm đóng và quyền bính do các trấn thủ thi hành. Các vị này chỉ lãnh trách nhiệm trước một mình hoàng đế (Syri). Những miền có đặc tính riêng, thì do các tổng trấn cai trị (Giuđê).
Hệ thống quản trị này chỉ để cho các miền có vẻ tự trị bên ngoài (Hội Ðồng Hàng Tỉnh) đây, bảo đảm cho mọi người được bình an tương đối, nhưng có thật, mà nhất là cho các thành thị thuộc xứ Asia, nhờ các trao đổi do trật tự ấy giúp thể hiện. Ðàng khác, được hưởng tự do phần nào, vì do đại hội (Ekklesia) toàn dân và nhất là hội đồng kỳ lão quản lý. Các nghiệp đoàn cũng đóng vai trò lớn trong đời sống xã hội.
Quyền công dân Rôma
Mỗi người là công dân thị trấn mình, lại có thể được hưởng quyền "công dân Rôma": đặc ân này có thể do gia truyền (như trường hợp Thánh Phaolô), do mua với giá vàng hoặc do ban để thưởng công. Người Công Dân Rôma được miễn chịu nhục hình thể xác (Cv 22,25-29) và có quyền nại đến tòa hoàng đế (Cv 25,10tt).
Thần thánh hóa và tôn thờ Hoàng Ðế
Ít lâu trước kỷ nguyên Kitô Giáo, người ta bắt đầu coi các hoàng đế như những vị thần, là con của thần minh và là chính thần minh. Tiến trình này, ảnh hưởng lớn do các tin tưởng các dân Ðông Phương (Ai Cập, Ba Tư), tương ứng với lẽ đương nhiên của các sự vật: đế quốc là một, thì phụng tự phải tỏ ra nền tảng duy nhất của đế quốc. Các vua Tibêri, Cơlauđi, Vétpađiên, chỉ ưa khuyến khích thờ các vị tiên đế mà thôi, còn các vua Caligula, Nêrôn và Ðomixiên, thì để cho người ta thờ các ông. Và thực ra, Rôma không buộc người ta phải theo tôn giáo ấy: hoàng đế cứ việc để cho lòng nhiệt thành, tri ân... hoạt động, hoặc để cho các tỉnh các thành hay các nghiệp đoàn có cơ hội tâng bốc nhà vua. Ðó là lý do giải thích vì sao việc thờ hoàng đế này thịnh vượng lạ lùng như vậy (nguyên thành Êphêsô đã có nhiều đền dành cho việc ấy), đi đôi hoàn toàn với những hình thức tôn giáo khác. Các thượng tế đều chọn trong số quan lại địa phương. Ðây là một nhiệm vụ phí tổn, nhưng bảo đảm cho kẻ thi hành thực sự có tầm ảnh hưởng chính trị, vì tôn giáo và hành chánh quá liên hệ chặt chẽ với nhau.
Kitô hữu chạm trán với việc thờ hoàng đế
Tình trạng này sẽ đặt cho Kitô hữu đầu tiên nhiều câu hỏi đáng ghê sợ: làm sao để vẫn là công dân tốt, mà không chấp nhận cho mình bị lôi kéo vào việc tôn thờ hoàng đế? Nhiều đoạn văn Thánh Phaolô nên sáng tỏ, khi ta đọc theo ánh sáng này: đây chính là từ chối một vũ trụ quan. Các thị kiến sách Khải Huyền năng trở lại vấn đề nóng bỏng này.
Cả cuộc sống hằng ngày thấm nhuần tôn giáo công nhiên
Khối quần chúng bám vào nhất là việc tôn thờ thần minh gia tộc, che chở, gần gũi với những mối lo âu hằng ngày, nhưng chính các việc thờ phụng bình dân cùng với việc thờ hoàng đế đây, mới tỏ ra rõ ràng hơn hết đặc tính cốt yếu của tôn giáo đương thời: tất cả đời sống hằng ngày đều thấm nhuần tôn giáo, mà lại là một tôn giáo công nhiên. Mọi giai đoạn trong đời sống con người, xét theo tư cách cá nhân hay phần tử một xã hội nào (bất luận gia đình, chi tộc, nghiệp đoàn hay thành phố), đều được tôn giáo đánh dấu sâu xa. Như vậy, chức vụ công khai nào cũng bao hàm việc dự phần tích cực vào sự thờ cúng.
Tôn giáo muôn màu sắc và hoàn toàn nghi thức
Ðây là một thứ tôn giáo có nhiều màu sắc rất khác nhau (các thần minh đông vô vàn vô số), nhưng việc phụng thờ chỉ hoàn toàn nghi thức mà thôi. Vì thế, tôn kính thần minh và dâng của lễ cho các ngài đúng theo qui định: đó là lòng đạo đức.
Các lễ nghi gồm có kinh nguyện phụng thờ (kêu cầu, xin vị thần nhận của lễ, và ban ơn huệ) và hiến tế hiểu là của lễ dâng tiến thần minh, thường là lương thực. Một phần của lễ được hỏa thiêu, và phần còn lại thì tư tế địa phương hay các tín đồ sẽ ăn, hoặc đem ra chợ bán. Vì thế mà có những vấn đề đặt ra cho Kitô hữu nào mua các thứ thịt này hay được mời dự các bữa ăn như thế (1C 8).
Con người diễn tả lòng biết ơn các vị thần minh bằng nhiều đồ dâng cúng, như các thứ người ta lại tìm thấy trong các cuộc đào bới bồ chiên tại Giêrusalem (ở đây có một cung thánh ngoại giáo dâng hiến cho vị thần chữa bệnh).
Các đạo có lễ nghi huyền bí dễ lan rộng
Sự khuấy trộn các tư tưởng và các hạng người, hiển nhi6n là giúp cho các hình thức phụng thờ bắt nguồn tự Ðông Phương và có tính cách bớt sà sà mặt đất này, dễ lan rộng. Ví dụ các việc phụng thờ thần Isít, trong đó những thử thách liên tiếp của một lễ nghi nhập đạo dẫn con người tới chỗ nên đồng hoá với thần Osirít, là vị thần đã chết, rồi được những bùa ngải của thần Isít làm cho sống lại. Người ta loan truyền trong đó sự chắc chắn được trường sinh bất tử.
Các huyền bí có liên lạc mật thiết với việc thờ phụng công dân và vẫn duy trì những liên hệ địa phương, cả khi nó, vì nổi tiếng, mà lan rộng khắp đế quốc. Ðây là những nghi lễ thánh, người ta chuẩn bị lâu dài, trong bầu khí mà ý niệm bí mật đôi khi chiếm địa vị lớn. Thường thường đó chỉ là những nghi lễ theo mùa nhằm bảo đảm cho việc sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng chủ trương ban cho tín đồ được bảo đảm về đời sống, sau lúc qua đời (luôn luôn chỉ nhờ sức nghi lễ mà thôi; còn giáo huấn và tín lý, thì không có vai trò nào hết). Ví dụ như các huyền bí thần Êlêusít, thần Ðiony, trong đó diễn tả cách dã man, nhu cầu thoát ly, bằng sự xuất thần và cuồng loạn thánh, nhân dịp những cuộc chạy điên rồ và ăn thịt còn đang mấp máy. Một vị thần đã cho phép tín đồ tạm thoát ly các điều kiện cuộc sống đời này, thì không thể bỏ rơi tín đồ, sau khi họ chết.
Ðó là mấy đặc tính chính của thế giới, trong đó Kitô hữu sắp sinh hoạt bằng cách tuyên xưng đức tin của mình: không phải hoàng đế, nhưng chỉ có một mình Ðức Kitô mới là Chúa Tể. Nên phải vâng phục Người, dù có liều mình chạm trán với khung cảnh tôn giáo bao hàm cả đời sống. Người ta chỉ có thể tôn thờ Người, trong một đời cung hiến, tức là một cách ăn nết ở, do tình yêu cảm ứng cho. Ðó là Tình Yêu được Chúa Kitô chứng kiến và bao hàm bảo chứng là sẽ được sống muôn đời.