Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Môi Trường Tân Ước

Xứ Palêtin bị quyền lợi tư tưởng ngoại lai chi phối

Kitô Giáo xuất sinh ở trong lòng một dân tộc trải qua một lịch sử đầy biến động. Sau thời kỳ đau đớn lưu đày tại Babylon đã đánh dấu quyết liệt vào lương tâm Do Thái, dân Iraen đã tạm định cư lại ở Palêtin. Nhưng khi đã về Ðất Hứa rồi, người Do Thái phải xác nhận là thời kỳ đã đổi thay, và từ đây không còn vấn đề sống ở đây y hệt như trước nữa. Vì hơn khi trước, xứ Palêtin đã trở nên mối tranh giành cho những quyền lợi vượt quá sức mình, và cũng hơn trước, còn bị lệ thuộc vào các ảnh hưởng quỉ quyệt và bền bỉ của những luồng tư tưởng ngoại lai, tức là ngoại giáo, ngày càng xung đột gắt gao hơn mãi với các tập truyền Do Thái, mà họ cố gắng duy trì bất chấp mọi khó khăn trở ngại. Trải qua nhiều tháng năm, cuộc chạm trán giữa đạo Do Thái và thế giới xung quanh tiến hoá tới những hình thức ngày càng bạo động hơn.

 

Nôi thuộc Hi Lạp, rồi La Mã

Từ ngày Vua Alécxan Ðại Ðế qua đời năm 323, xứ Palêtin phải thuộc vào các vua Hi Lạp. Các vua này, đối với người Do Thái, có những thái độ rất khác nhau, từ chỗ khoan dung đại lượng tới những mưu toan đồng hóa hết sức điên cuồng. Tên vua Antiôcô IV Êpiphan (175-164) vẫn còn liên kết với một trong những cố gắng dữ tợn hơn hết, để dùng võ lực tiêu hủy óc địa phương Do Thái, bắt trở lại theo nếp sống Hi Lạp. Ðiểm cao nhất là dâng hiến đền thờ Giêrusalem cho thần Giupitê Olympiên. Những biến cố này còn ghi lại trong các sách Macabê, đưa tới hậu quả là toàn thể mọi người Do Thái đạo đức (hay là Hátxiđim) hoặc phải nổi lên làm loạn, hoặc phải chống đối thụ động. Cuộc khởi nghĩa quân sự, do các anh em Macabê chỉ huy, đã chinh phục lại được quyền độc lập tương đối về chính trị và tôn giáo trong khoảng một thế kỷ. Vì dòng vua Hátmoniên, do một tổ tiên của ông Giuđa Macabê, đã cai trị xứ Palêtin cho tới khi xứ này bó buộc phải phục quyền người Rôma. Ông Pompê can thiệp, để chấm dứt những cuộc tranh giành nội bộ giữa các đại diện chót của nhà vua Hátmoniên, và chiếm cứ thành Giêrusalem vào năm 63 trước Công Nguyên.

 

Bị dòng vua Hêrođê thống trị

Thời kỳ Rôma của lịch sử Palêtin ban đầu bị dòng vua Hêrođê thống trị. Vua Hêrođê Cả (Mt 2,1) làm vua cai trị, thường bằng khủng bố, từ năm 40 đến 4 trước Công Nguyên. Vì nhà vua gốc bởi dòng Êđôm và do đó, không phải thuộc dòng vua Ðavít, lại thêm tính dữ tợn, nên bị dân Do Thái thù ghét không đội trời chung. Khi vua qua đời, ba người con chia nhau nước vua. Hêrođê Antipa thừa kế xứ Galilê (Lc 3,1) và xứ Parê và làm vua cai trị từ năm 4 trước Công Nguyên tới năm 39 sau Công Nguyên. Vua nổi tiếng vì sai giết ông Gioan Tẩy Giả và đóng một vai trò trong vụ án Ðức Giêsu (Lc 23,6-16). Còn ông Akêlao (Mt 2,22) đã thừa kế xứ Giuđê và Samari với ông Philíp thừa kế vùng đất ở phía bắc xứ Pêrê (Lc 3,1), thì Phúc Âm chỉ nhắc đến tên mà thôi.

 

Do các quan Tổng Trấn cai quản

Tuy nhiên, quyền chính trị thì do các quan tổng trấn hay toàn quyền rôma thi hành. Tân Ước đã ghi lại tên nhiều vị quan đó: Ponxiô Philatô, là vị thứ năm, đã thi hành nhiệm vụ cách độc ác từ năm 27 đến năm 37; Phêlịch là người dữ tợn và xấu nết (nếu tin theo lời sử gia Taxít) làm toàn quyền từ năm 52 đến 60, đã góp phần rộng rãi vào việc gây nội chiến trong vùng đất ông cai trị. Thánh Phaolô sẽ phải ra trước tòa ông tại thành Xêsarê (Cv 23,23-24,26); kế vị ông là Phéttô (Cv 25-26). Trước tòa án quan này, Thánh Phaolô đã chống án, nại tới tòa Hoàng Ðế (Cv 25,11-12).

 

Phá hủy Giêrusalem với Ðền Thờ

Quyền cai trị các quan tổng trấn đã gián đoạn, do một kỳ phục hưng vắn, với quyền làm vua của dòng Hêrođê, do vua Aghíppa I, là cháu nội vua Hêrođê Cả. Theo Tân Ước, vua Aghíppa I nổi tiếng là một trong các người đầu tiên bắt bớ Giáo Hội sơ khai (Cv 12,1-23). Trong thời kỳ gián đoạn này (39-44), tình cảnh xứ Palêtin cũng chẳng khá hơn gì. Những rối loạn chính trị càng mở rộng thêm dưới thời các tổng trấn sau hết, và cuối cùng vào năm 66, đã biến thành cuộc nổi loạn thật sự. Người Rôma đàn áp mạnh mẽ, tới năm 70 kết thúc bằng việc phá hủy thành Giêrusalem với Ðền Thờ trong đó. Ðền Thờ bị phá rồi, người Do Thái không còn có thể cử hành phụng tự. Thế là cả hệ thống chính trị tôn giáo và quốc gia của đạo Do Thái bị sụp đổ, trong tai ương thảm khốc nhất của lịch sử mình.

Hình như trước khi xảy ra những biến cố thảm thê này, cộng đoàn nhỏ Kitô hữu đã bỏ Giêrusalem, đi ẩn lánh tại Penla ở miền Thập Tỉnh.

 

Người Do Thái tản cư sinh hoạt ở Hội Ðường

Từ năm 70, lịch sử đạo Do Thái, trong thực tế, chỉ còn là lịch sử hàng triệu người Do Thái, từ bao thế kỷ, đã tản cư rải rác khắp lưu vực biển Ðịa Trung, trong xứ Mêsopôtam, và mãi cho tới xứ Ba Tư, tùy thuộc vào những cơn biến động chính trị đã làm rung chuyển cả miền Trung Ðông. Những cộng đoàn đông nhất của người Do Thái tản cư này đóng tại các thành Alécxanđi, Antiêukia và Rôma. Người Do Thái tại đó được hưởng một pháp chế riêng, cho phép họ duy trì một hình thức cai trị tôn giáo và dân sự, căn cứ trên luật Môisen. Một tinh thần bàisêmít ẩn tàng của dân chúng giúp vào việc cô lập hóa mấy cộng đoàn này, đối với môi trường xã hội xung quanh, nhưng họa lắm mới nổ bùng dưới hình thức cố ý bạo động. Ðời sống tôn giáo và văn hóa của người Do Thái tản cư tập trung ở Hội Ðường, là thể chế đồng thời đóng vai trò trường học, trung tâm văn hóa và nơi phụng thờ. Phụng tự này cốt yếu ở tại cầu Kinh, đọc sách Luật và nghe giải thích.

Vào thời Ðức Giêsu, đạo Do Thái có một hệ thống xã hội tôn giáo đồng nhất, căn cứ trên lòng tin vào Chúa là Ðấng Toàn Năng và Duy Nhất, và lòng tôn trọng một tiêu chuẩn tuyệt đối là Lề Luật. Từ hai yếu tố căn bản này, tư tưởng Do Thái có thể biến hóa rất là tự do, vì được hưởng, nhất là từ phía giáo quyền, một sự khoan dung rộng rãi.

 

Thông giáo chú giải Luật: điển chế Luật truyền khẩu

Tất cả đời sống Do Thái diễn tiến nhờ ánh sáng Thiên Chúa trong Lề Luật soi cho. Luật này hoàn hảo vì xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên cần phải cắt nghĩa hầu có thể áp dụng vào các vấn đề cụ thể và cá nhân. Việc cố gắng minh nhiên hóa này theo đuổi suốt bao nhiêu thế kỷ, đưa tới chỗ làm cho phát triển xung quanh Luật thành văn cả một Luật truyền khẩu, người ta gọi là "tập truyền Cổ nhân" và được coi là do một chuỗi tôn sư không hề gián đoạn chuyền lên tới ông Môisen. Tân Ước dùng chữ thông giáo để gọi các nhà văn sĩ Do Thái làm thông ngôn cho Lề Luật đó. Vào thời Ðức Giêsu, họ có uy tín nhiều trong lòng dân chúng và cách riêng trong những tầng lớp trung lưu. Ðóng vai trò thần học gia và luật sĩ trong xã hội, nên họ chiếm địa vị lớn trong đời sống người Do Thái. Từ thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, các tôn sư khởi sự ghi lại thành văn toàn bộ tập truyền các nhà thông giáo, cho tới bấy giờ vẫn còn theo lời khẩu truyền. Công trình vĩ đại này đưa tới chỗ lập thành cuốn Misơna (Mishna: nhắc lại Lề Luật, chú giải), rồi chính cuốn này lại đi vào bộ Tanmút (Talmud: giáo huấn).

 

Sinh hoạt ở Ðền Thờ Giêrusalem: giai cấp tư tế, lêvi

Thái cực thứ hai trong đời sống Do Thái, hồi thế kỷ thứ nhất, chắc chắn là Ðền Thờ Giêrusalem mà mọi tâm tình tôn giáo và quốc gia của toàn dân đều hướng về đó. Vì đền thờ được coi là trung tâm thế giới, là nơi Thiên Chúa phải tỏ mình ra trong ngày sau hết. Mọi người nam Do Thái trưởng thành đều coi là một nghĩa vụ, cho khỏi nói là một niềm vui thú, việc nộp đúng mức một đồng tiền thuế Ðền Thờ, để phụ cấp cho các nhu cầu cung thánh. Vai trò phụng tự do các tư tế chu toàn. Các tư tế này thường được chọn trong vòng con cháu dòng họ Aaron. Có những người lêvi phụ tá. Như thế có cả một giai cấp tư tế xoay quanh cung thánh Giêrusalem. Giai cấp ấy chia thành phẩm trật nghiêm minh, dưới quyền tối cao một thầy Thượng Tế, là vị chủ tọa cho cả Công Nghị là hội đồng gồm 70 hội viên, tư  tế và giáo dân, quán xuyến vấn đề dân sự và tôn giáo.

 

Bè Sađốc và Biệt Phái chống đối nhau

Ðồng thời sự chống đối ngày càng tăng, giữa các người thông giáo và các đại diện này của giai cấp tư tế. Sự chống đối này là một trong những khía cạnh của sự đối lập giữa Ðền Thờ với Hội Ðường hay giữa bè Sađốc và Biệt Phái. Hai khuynh hướng lớn này tạo nên cái người ta thường gọi là đạo Do Thái công nhiên.

Vào thời Ðức Giêsu, bè Sađốc đã thấy uy tín mình bị chống đối mãnh liệt rồi. Vì, về mọi phương diện, họ là người bảo thủ và bênh trật tự, dù là trật tự Rôma, là cái bảo đảm cho bổng lộc của họ. Vì thế, họ bị dân chúng tình nghi là hợp tác, thậm chí còn thông đồng với quyền thế dân ngoại đang chiếm đóng. Dù sao, họ đã mất hết ảnh hưởng đối với dân. Còn dân thì thích theo đối phương của họ là hàng Biệt Phái. Vì dân coi Biệt Phái là những nhà ái quốc, trung thành vói Chúa và Lề Luật, thậm chí còn là con cháu của dòng vua nổi tiếng, là nhà Hátxiđim, đã hợp tác với cuộc nổi lên chống vua Antiocô Êpiphan, vào thời anh em Macabê. Năm 70, khi phá hủy Ðền Thờ đã làm sụp đổ luôn bè Sađốc hoàn toàn lệ thuộc vào Ðền Thờ đó. Từ đấy đạo Do Thái công nhiên chỉ còn có khuynh hướng Biệt Phái làm đại diện mà thôi.

Ngoài hai bè phái ấy, vào thời Ðức Giêsu, còn có nhiều đảng phái, mà có mấy đảng đáng ta lưu tâm, vì giúp hiểu môi trường xuất sinh Kitô Giáo.

 

Ðảng Ái Quốc: phe cực đoan trong Biệt Phái

Về đảng Ái Quốc, ta chỉ có mấy chỉ dẫn lẻ tẻ và khó giải thích. Hình như đó là phe cực đoan trong hàng Biệt Phái. Các đảng viên nhất quyết bắt tôn trọng các điều trong Lề Luật, bằng mọi phương thế, gồm cả võ lực. Ðôi khi người ta giới thiệu họ là bọn cướp đường thô tục, nhưng đúng hơn, đó là những người cuồng tín tôn giáo, khăng khăng đối lập với mọi quyền bính không trực tiếp do Lề Luật phát sinh. Vì thế, họ không ngần ngại xử tử các người họ coi là đã lỗi phạm nặng nề đối với Lề Luật, và cách riêng là những người hợp tác với quyền thế dân ngoại đang chiếm đóng. Có thể là một số môn đồ của Ðức Giêsu hay cả Thánh Phaolô, trước khi trở nên Kitô hữu, đã có liên lạc với đảng Ái Quốc này.

 

Nhóm Êxêniên tại Qumrân

Ðứng ngoài lề hơn cả nhóm Ái Quốc đây, và từ ngày tìm ra các thủ bản Biển Chết tại Qumrân, thì ta được biết rõ hơn, đó là nhóm Êxêniên. Phần nhiều họ là những đan sinh, nhưng một số ít người có thể ở ngoài đan viện trung tâm tại Qumrân và gây ảnh hưởng lớn trên dân chúng tại Palêtin. Nhóm Êxêniên rất nghịch với Giáo Quyền Do Thái đương thời và nhất là đối với chức Thượng Tế. Nhóm Êxêniên là người Do Thái rất nghiêm nhặt. Nhưng họ cũng đón nhận các tư tưởng ngoại lai và đem thích nghi vào với thần học của họ. Hẳn là vì thế, mà do ảnh hưởng các người iran, họ đã phát triển một giáo lý rất rõ ràng nhị nguyên, căn cứ trên sự đối lập triệt để giữa hai năng lực, là Lành và Dữ, đang chiến đấu với nhau không hề thương xót, mãi cho tới ngày cánh chung, thì sẽ thấy Vua Ánh Sáng toàn thắng trọn vẹn trên Thần Tăm Tối.

 

Nhóm Êxêniên ảnh hưởng trên Kitô Giáo sơ khai

Tân Ước không khi nào nhắc tới nhóm Êxêniên. Cũng không bao hàm dấu hiệu nào về ảnh hưởng trực tiếp của phái Êxêniên trên Kitô Giáo. Tuy nhiên, phải nhận là các nhân vật như ông Gioan Tẩy Giả, Ðức Giêsu, các môn đồ tiên khởi, đều tùy thuộc vào môi trường những "phe phái" Do Thái của thế kỷ thứ nhất, hơn là tùy thuộc vào đạo Do Thái công nhiên. Mà tùy theo ta có thể biết được, hết thảy các môi trường này đều có thiện cảm ít nhiều với các tư tưởng nhóm Êxêniên. Nên rất có thể là Kitô Giáo thuở đầu đã dành một chỗ nào đó cho các tư tưởng ấy, và một não trạng, một cách ăn ở giống như nhóm Êxêniên đã có thể thịnh hành ở ngay trong lòng cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, ít nữa trong một thời gian nào đó.

 

Niềm tin khải huyền: đợi Chúa sắp can thiệp

Nhóm Êxêniên đã phải góp phần tích cực vào cuộc khởi nghĩa chống lại người Rôma. Họ biến khỏi sân khấu lịch sử trong cơn biến động năm 70.

Các biến cố đưa tới việc phá hủy thành Giêrusalem làm chứng là khối quần chúng Do Thái bị phục quyền các tổng trấn độc tài rôma, đã nổi giận lên tới cực độ. Sự nổi giận này đã được các thành phần Ái Quốc khai thác thật là rộng rãi, và cũng được dưỡng nuôi tại nguồn của mọi niềm tin khải huyền đã phát triển rất nhiều tại xứ Palêtin từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Vì càng ngày mọi ý thức Do Thái càng thâm tín rằng: Thiên Chúa không trì hoãn việc chấp sự thách đố của dân ngoại có mặt trên Ðất Thánh, và Ngài sắp tái lập sự công bình của Ngài, đồng thời với các đặc ân của các người Ngài đã chọn, bằng cách lập Nước Ngài dưới thế gian một cách lẫy lừng.

 

Quan niệm cánh chung Do Thái

Việc Thiên Chúa can thiệp đây, phải đánh dấu sự chấm dứt các gian nan khốn khó hiện thời, một trật với việc mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó sự ác và điều vô đạo sẽ bị loại trừ. Sau cùng, cái loan báo biến cố này, là sự tăng gia những tai ương hoạn nạn, đi theo việc sụp đổ hoàn toàn của các kẻ thù Thiên Chúa. Toàn bộ các tin tưởng ấy làm thành cái gọi là những quan niệm cánh chung của đạo Do Thái lê dân.

 

Mong vị Thụ Hấn thiên cung đến giải phóng

Vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, những hy vọng cánh chung cấu thành một toàn thể mạch lạc hẳn hoi. Nhưng đúng hơn, đó là nhiều tư tưởng khá hồ đồ, mọc lên như nấm, khiến người ta khó làm chủ được. Tuy nhiên có thể xác định rằng: gần tới kỷ nguyên Kitô Giáo, thì những quan niệm ấy càng trở nên triệt để cách rõ ràng hơn, ít ra ở trong một số môi trường. Các tai họa Iraen từ nay quá sâu xa, nên không còn lý lẽ nào hi vọng là một vị Cứu Tinh nhân loại và lịch sử ngày kia sẽ có thể làm cho dân ưu tuyển phục hồi phẩm cách nguyên sơ của mình. Từ nay, mỗi ngày người ta càng chỉ cậy vào một mình Thiên Chúa đổi thay tình thế, và sự biến hóa người ta trông đợi bấy lâu chỉ có thể thành hình trải qua cuộc đảo lộn hoàn vũ, nhường cho một thế giới hoàn toàn mới xâm nhập. Trong cảnh trí khải huyền này, vị trí của Ðấng Thụ Hấn không phải bao giờ cũng quan trọng lắm đâu. Khi đề cập tới Người, các tác giả hình như không còn coi Người như xưa, cốt yếu là Vị Thụ Hấn trần gian, vị được Ðức Giavê xức dầu. Nói khác đi, Người không còn là một ông vua bởi dòng vua Ðavít, đảm nhận các vai trò cốt yếu là chính trị và quân sự, hầu nhờ Thiên Chúa giúp, bảo đảm cho việc gaỉi phóng và cho sự phồn vinh của toàn dân. Ðấng Thụ Hấn từ đây, ngày càng hướng tới hình ảnh một nhân vật siêu nhiên, được kết liên cùng Thiên Chúa hơn là với loài người. Trong một số sách khải huyền, Người được xưng là Con Người. Nhưng vẫn còn là một chân dung cốt yếu thuộc về thiên cung, không giao tiếp thực sự với loài người và không thể chịu đau khổ. Toàn thể các quan niệm khải huyền về Ðấng Thụ Hấn đây, sẽ cung cấp một số chất liệu, người ta sẽ căn cứ vào đó để soạn thảo Kitô học cho người Kitô hữu. Tuy nhiên, việc lưu tâm đến số mệnh đau thương của Ðức Giêsu đã bắt Kitô hữu đặt một nội dung hoàn toàn mới cho cái khung cảnh tạo nên do chủ nghĩa thụ hấn và quan niệm khải huyền của người thời ấy.

 


Back to Home Page