Tiểu Dẫn Thư 1, 2 & 3 Thánh Gio-an
Ðức
Ki-tô Nguồn Sống Tin Yêu
Hoàn cảnh biên soạn
Các Thư T. Gio-an ít nữa hai Thư đầu, trong thực tế không bao hàm chi tiết về hoàn cảnh biên soạn và về bản thân tác giả. Nhưng xét chính bản văn thì có thể biết đủ chắc chắn về tình trạng các người nhận Thư và những lý do thúc đẩy tác giả biên Thư cho họ.
Từ giọng bút chiến của nhiều đoạn văn, ta có thể kết luận là các cộng đoàn được gởi Thư đang trải qua một cơn khủng hoảng. Việc tuyên truyền những giáo thuyết không thể dung hòa với mặc khải Ki-tô giáo đang đe dọa làm mất sự tinh tuyền của đức tin. Ai là những người đã rao truyền giáo thuyết ấy? Họ được mệnh danh là phản ki-tô (1G 2,18.22; 4,3; 2G 7), là ngôn sứ giả mạo (1G 4,1), là người dối trá (2,22), là tên dụ dỗ (2G 7); họ thuộc về thế gian (1G 4,5) và để cho thần tà thuyết hướng dẫn mình (4,6). Mới đây họ còn thuộc cộng đoàn (2,19; x. 2G 9); nhưng bây giờ họ tìm cách mê hoặc các tín đồ còn muốn sống trung thành (2,26; 3,7) đem tới cho tín đồ một giáo thuyết không phải của Ðức Ki-tô (2G 10).
Tà thuyết ấy ở tại điều nào? Vì lầm theo một thần bí kiểu ngộ đạo, họ tự đắc là biết Thiên Chúa (1G 2,4) xem thấy Thiên Chúa (3,6; 3G 11), sống hiệp thông với Ngài (1G 2,3), ở trong ánh sáng (2,9), mặc dầu giáo thuyết và cách ăn nết ở rõ ràng là mâu thuẫn với mặc khải Ki-tô giáo. Nhất là họ theo lập trường tà thuyết trong vấn đề Ki-tô học: họ không nhìn nhận Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô (2,22) và là Con Thiên Chúa (4,15; 2G 7); họ chối bỏ việc Nhập Thể (4,2; 2G 7) và "chia rẽ" Ðức Giê-su, vì họ tách rời nơi Người Ðức Giê-su lịch sử với Con Thiên Chúa và phủ nhận Con Thiên Chúa đã đến thực sự bằng nước và máu (1G 4,3l 5,6). Ðời sống luân lý của họ cũng đáng trách như vậy: theo một khuynh hướng rõ ràng ngộ đạo, họ tự đắc là mình không có tội (1,8.10) và không lo giữ các lệnh truyền (2,4) cách riêng là lệnh truyền anh em phải thương nhau (2,9).
Từ lâu người ta đã tìm cách hiểu xem các giáo sư dối trá này cụ thể là ai. Theo lời chứng của T. I-rê-nê, thì Tin Mừng T. Gio-an nhắm vào tà thuyết Xê-rinh-tô. Ta rất dễ hiểu là các Thư cũng nhắm vào giáo huấn của ông. Thực vậy, giáo huấn này xem ra có nhiều điểm hòa hợp với lý thuyết của các giáo sư bị Thư này tố cáo. Vẫn theo T. I-rê-nê, ông Xê-rinh-tô đã dạy rằng: lúc sinh ra, Ðức Giê-su chỉ là một người như bao nhiêu người khác, khi thụ tẩy, Ðức Ki-tô trên trời mới xuống kết hiệp với Người, nhưng khi Tử nạn, thì lại rút lui (có lẽ x. 1G 2,22; 5,6). Nhưng nhiều điểm giáo lý khác được gán cho ông Xê-rin-tô, không còn để lại dấu vết nào nơi các Thư T. Gio-an. Dù xác định lịch sử này đúng hay không, thì trào lưu các Thư nhắm vào có lẽ giống với phong trào do-thái hóa "tiền ngộ đạo", mà các Thư viết khi bị tù cũng như các Thư Mục vụ đều đã lo chống lại và về sau sẽ đưa tới những hệ thống lớn của phái ngộ đạo thế kỷ 2.
Nhưng mục tiêu tác giả không muốn tấn công các người theo tà thuyết ấy. Ngài trực tiếp nói với chính ki-tô hữu kia. Ngài muốn giúp họ đề phòng các chủ trương của phái ngộ đạo và chứng minh rằng chính họ, là các tín đồ, mới thực sự hiệp thông cùng Thiên Chúa (1G 1,3). Ðấy cũng là điều nói trong phần kết bức Thư: "Ðó mấy lời tôi viết cho anh em, để anh em đã tin vào Danh Con Thiên Chúa, cũng biết rằng anh em có Sự Sống muôn đời" (5,13). Lại vì thế mà tác giả nhắc đi nhắc lại, như là điệp khúc, câu: "đây là dấu cho ta nhận biết... (1G 2,3.5; 3,19.24; 4,2.6.13; x. 3,10; 2G 6.7.9; 3G 3.12). Ngài muốn nhờ đấy chỉ cho biết phải cứ dấu nào để nhận ra tín đồ chân chính. Các tiêu chuẩn ấy là sự trung thành với đức tin ki-tô giáo được rao giảng từ đầu (v.d. 1G 2,22-24) và sự tuân theo các lệnh truyền, nhất là lệnh truyền anh em phải thương yêu nhau. (v.d. 2,3-6.9-11).
Tác giả
Hẳn chắc chắn là cả ba Thư đều do một người viết. Hai Thư đầu phản ảnh cùng một cơn khủng hoảng, và cả Thư thứ ba cũng vậy, tuy một cách gián tiếp. Tư tưởng, ngữ vựng và lời văn trong ba Thư quả giống nhau, nên khó có thể gán cho nhiều tác giả khác nhau. Ðây là mấy định thức đặc sắc hơn: "có nhiều tên dụ dỗ (hay ngôn sứ giả mạo) đã hiện ra ở thế gian này" (1G 4,1; 2G 7); "sống theo (ngv: bước đi trong) sự thật" (2G 4; 3G 3); "chân thành yêu mến" (2G 1; 3G 1; x. 1G 3,18); lệnh truyền yêu mến không phải là "lệnh truyền mới", nhưng là mệnh lệnh "chúng ta vốn có từ đầu" (1G 2,7; 2G 5); "có Cha và Con" (2G 9) hoặc "có Cha nữa" (1G 2,23).
Nhưng tác giả đó là ai, thì đó lại đặt ra vấn đề. Trái với T. Phao-lô, không nơi nào tác giả nêu tên mình. Ở 2G 1 và 3G 1, ngài tự xưng là "Kỳ lão": tước hiệu này không chỉ người thủ lãnh theo phẩm trật của cộng đoàn, nhưng theo thói quen các Giáo đoàn bên Ðông (ông Pa-pi-a, T. I-rê-nê), thì chỉ một người thuộc nhóm các môn đồ Chúa hoặc đã quen biết với các vị này. Vậy đó là một người có uy tín lớn, theo tư cách chứng nhân ban đầu của tập truyền các tông đồ. Ðàng khác, tác giả lại tự giới thiệu là đã chứng kiến cuộc đời Ðức Giê-su (1G 1,1-3; 4,14). Mấy chỉ dẫn này ủng hộ ý kiến cổ truyền nhìn nhận tác giả là T. Tông đồ Gio-an. Vì đối với Thư thứ nhất, các chứng từ cổ đều đồng thanh gán cho ngài. Nhưng hai Thư nhỏ kia thì khác, vì chính là do tước hiệu "kỳ lão", nên thế kỷ 3 và 4, có mấy nơi coi tác giả là một ông Gio-an "Trưởng lão" (nghĩa là: Kỳ lão) khác với Gio-an Tông đồ. Nhưng tập truyền tại Ê-phê-sô chỉ biết có một ông Gio-an là môn đồ Chúa.
Ðề tài văn chương và giáo lý
Thoạt nhìn, tưởng Cựu Ước không ảnh hưởng bao nhiêu tới các Thư, vì T. Gio-an chỉ dẫn minh nhiên Cựu Ước có một lần (x. 1G 3,12). Tuy nhiên không thiếu gì từ ngữ Thánh Kinh: "trung thành công chính" (1G 1,9), "biết Thiên Chúa" (2,3-4.14, v.v.), "hi sinh đền tội" (3,2; 4,10), "tội làm cho chết" (5,16), v.v. Nhưng phải tìm hiện diện của Cựu Ước nơi Thư đầu, nhất là trong đề tài trung tâm Thư này quảng diễn, tức đề tài hiệp thông cùng Thiên Chúa và "biết" Thiên Chúa: theo nhiều đoạn văn, "biết Thiên Chúa" đây hình như đồng nhất với sự biết Thiên Chúa mà ngôn sứ Giê-sê-mi trình bày như dấu chỉ phân biệt Giao Ước Mới (x. các chú giải về 1G 2, 3.13.20.27; 3,9; 5,20.21).
Nhưng xét theo ngữ vựng, thì tác giả tương đồng hiều hơn hết với Do-thái giáo tại Pa-lê-tin, nhất là các phong trào do bút tích Qum-rân đại diện. Mấy chữ hay kiểu nói như "sống theo (ngv: bước đi trong) sự thật" (1G 1,6) "thần chân lý" (4,6), "làm điều bất chính" (3,4), cũng như sự nhấn mạnh vào cái tương phản giữa Thiên Chúa và thế gian (4,4-6), giữa ánh sáng và tối tăm (1,6-7; 2,9-11), giữa sự thật và dối trá (2,21-27), ta cũng gặp thấy trong Qui luật Qum-rân. Thuyết nhị nguyên nơi T. Gio-an, không phải là thứ nhị nguyên siêu hình và hoàn vũ, như trong phái ngô đạo, nhưng là thứ nhị nguyên luân lý và cánh chung, vì nó ở trong nội tâm con người, tuy yếu đuối và tội lỗi, nhưng có khả năng ăn năn trở lại và do đó kết hiệp cùng Thiên Chúa. Do tầm quan trọng lớn dành cho sự hiểu biết, các Thư đứng vào trào lưu do thái giáo khải huyền và khôn ngoan, lưu ý đặc biệt tới sự mặc khải cac huyền nhiệm. Nhưng mấy định thức mượn trong Do-thái giáo này, tác giả vẫn hằng đích thân giải thích lại theo đường hướng Ki-tô học.
Một ảnh hưởng khác, nổi bật hơn, đã nên sáng tỏ đặc biệt nhờ các công trình nghiên cứu gần đây. Ðó là tập truyền Ki-tô giáo sơ khai, cách riêng là tập truyền dạy giáo lý về phép Thanh tẩy. T. Gio-an nhấn mạnh vào việc xin độc giả nhớ "các điều họ đã nghe" (1G 1,3.5; 2,7.18.24; 3,11; 4,3; 2G 6), nhiều khi còn nhắc rõ tới cái "từ đầu" nghĩa là giáo huấn khai tâm cho ki-tô hữu (1G 1,1; 2,7.13.14.24; 3,11; 2G 5.6). Ngài đợi trông ki-tô hữu xưng thú tội mình (1G 1,9), ngài kêu gọi họ tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giê-su là Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm (1G 2,2.3; 4,2.15; 2G 7): đó là những đề tài về phép thanh tẩy. Tuy nhiên, mọi đề tài do-thái hay ki-tô giáo này, tác giả đều lấy lại và hiện thời hóa, để mô tả hiện trạng các tín đồ, trong cuộc đấu tranh khiến họ đối lập với thế gian.
Thư đầu
Loại văn của Thư này thật khó xác định. Vì thiếu lời gởi và lời kết, lại không nhắc đến tên ai, nên khó coi được là bức Thư thường, dù là Thư gởi cho một cộng đoàn địa phương (như phần nhiều các Thư T. Phao-lô). Tuy nhiên, tác giả gọi độc giả mình là "các con yêu dấu của cha ơi" (x. 2,1), ngài năng nhắc họ nhớ niềm tin chung và khuyên họ nắm giữ trung thành; vậy ngài có thi hành quyền tông giáo trên họ. Hình như đã gởi Thư này cho một số Giáo đoàn bị cùng một tà thuyết đe dọa. Có lẽ đây là các Giáo đoàn trong Tỉnh Tiểu Á, như cổ truyền ghi lại. Bản văn T. Gio-an gởi cho họ là một loại Thư mục vụ, có ý nâng đỡ và soi sáng họ trên đường chiến đấu vì đức tin.
Về cấu trúc Thư này, thì các ý kiến chia rẽ với nhau. Vấn đề càng phiền phức hơn, vì trong Thư rất ít phụ ngữ dùng để nối. Nhưng một hiện tượng đầu ý nghĩa giúp ta có thể phân biệt trong đó một lược đồ. Ðó là sự kiện tác giả nhiều lần nhắc đi nhắc lại cùng những đề tài theo cùng một thứ tự. Tư tưởng quảng diễn theo một tiến trình trôn ốc, chung quanh một đề tài trung tâm, là sự chúng ta hiệp thông cùng Thiên Chúa. Ta thấy nêu rõ đề tài này ngay trong tự ngôn (1,3), rồi lại diễn tả tương đương ở trong câu kết thúc (5,13). Tác giả muốn truyền thông cho ki-tô hữu một niềm xác tín: họ là tín đồ, thì đã có Sự Sống muôn đời. Chống với phường tà thuyết, ngài chứng minh cho họ thấy cần những điều kiện nào để được nhận lãnh, và có thể theo những tiêu chuẩn nào để nhận ra Sự Sống ấy. cả bức Thư chẳng qua chỉ là bài mô tả các tiêu chuẩn và các điều kiện của đời sống ki-tô hữu chính tông, bằng một chuỗi bức họa song song, rõ rệt là càng thêm tiến triển.
Tự ngôn: (1,1-4): nêu đề tài căn bản.
I. Trình bày về các tiêu chuẩn hiệp thông cùng Thiên Chúa (1,5-2,28).
Ở đây xét sự hiệp thông là dự phần Ánh Sáng Thiên Chúa. Các tiêu chuẩn cho sự hiệp thông là:
1. Bước đi trong Ánh Sáng, sau khi khỏi tội (1,5-2,2).
2. Giữ lệnh truyền yêu mến (2,3-11).
3. Niềm tin của tín đồ đối diện với thế gian và các phản ki-tô (2,12-28).
II. Trình bày hai về các tiêu chuẩn hiệp thông cùng Thiên Chúa (2,29-4,6).
Lần này tả sự hiệp thông bằng danh từ làm con. Các tiêu chuẩn giúp nhận ra con Thiên Chúa là:
1. Thực thi công chính và không phạm tội (2,29-3,10).
2. Thực thi bác ái theo gương Con Thiên Chúa (3,11-24).
3. Phân biệt các thần nhờ tin vào Ðức Giê-su Ki-tô (4,1-6).
III. Trình bày ba về các tiêu chuẩn hiệp thông cùng Thiên Chúa (4,7-5,12).
Không còn nhắc tới tiêu chuẩn tiêu cực là khước từ tội lỗi. Hai tiêu chuẩn tích cực là yêu mến và tin, thì tác giả lần lên tới ngọn nguồn: trên này mới xét tình yêu theo khía cạnh luân lý (2,3-11) và ki-tô học (3,11-24), thì bây giờ xét theo khía cạnh thuộc riêng về Thiên Chúa (x. 4,7-9.16); trong hai đoạn trên, mới diễn tả đức tin xét là nếp sống Giáo đoàn, tuyên xưng đức tin (x. 2,22-25; 3,23; 4,2-6), bây giờ trình bày đức tin xét là thực tại thần khoa, tin vào (Danh) Con Thiên Chúa (5,5.10; x. 5,13):
1. (Bỏ qua việc khước từ tội lỗi).
2. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và ăn rễ sâu vào đức tin (4,7-21).
3. Niềm tin vào Con Thiên Chúa là cội rễ lòng bác ái (5,1-12).
Lời kết: (5,13-21)
Theo một số nhà phê bình, nếu phân tích Thư, ta sẽ nhận ra có nhiều tầng văn chương. Thậm chí có người còn tách một bản văn sơ khởi bắt nguồn từ thuyết ngộ đạo hay nhóm Qum-rân, ra khỏi những quảng diễn luân lý do tác giả thêm vào. Nhưng lời văn khác nhau không chứng minh có nhiều nguồn gốc. Ðặc tính năng về giáo lý hơn của đoạn văn nào đó rất có thể là do ảnh hưởng bài giáo lý về phép thanh tẩy. Và chính sự đều đặn của cấu trúc lá Thư là một dấu chỉ bênh vực cho sự nhất trí văn chương.
Tuy nhiên có một đoạn, xưa kia đã gây cuộc tranh luận thời danh, chắc chắn là không chính tông. Ðó là khúc xen vào ở 5,6-8, quen gọi là "câu T. Gio-an" (các chữ trong ngoặc đơn): "Vì chứng tá có ba (trên trời: Cha, Ðạo Ngôn và Thánh Linh và thảy đều nhất trí cả ba; lại có ba chứng tá dưới đất) Thánh Linh với nước và máu và thảy đều nhất trí cả ba". Khúc này ghi lại trong bản Phổ thông Sít-tô Cơ-lê-men nhưng không gặp thấy trong các thủ bản hi-lạp trước thế kỷ 15, trong các dịch văn cổ và thủ bản tốt nhất của bản Phổ thông. Có lẽ đó chỉ là một câu lề chú, rồi sau mới đưa vào chính văn trong quá trình lưu truyền văn bản ấy bên Tây.
Thư hai
Khác với 1G, 2G và 3G là hai bản văn vắn tắt có đủ mọi đặc tính của một lá Thư chân chính.
Thư hai gởi cho "Bà được chọn và con cái Bà". Ðó là tước hiệu Vị Kỳ lão dùng để gọi một trong các Giáo đoàn Tiểu Á, thuộc quyền ngài, nhưng ta không biết rõ ở đâu. Niềm tin của ki-tô hữu trong cộng đoàn ấy lâm nguy do hiện diện của mấy người quyến rũ phủ nhận việc Nhập Thể (c. 7) và không trung thành với giáo lý Ðức Ki-tô (c. 9). T. Gio-an muốn đề phòng các tín đồ cho khỏi giáo huấn ấy (c. 8.10-11): họ đã biết Sự Thật (c. 1), thì cũng phải sống theo (ngv: bước đi trong) Sự Thật (c. 4), phải yêu thương nhau (c. 5), nhờ sống trong Ánh Sáng của mệnh lệnh xuất phát từ Cha và lưu truyền trong Giáo Hội từ đầu (c. 4-6). Ðó là mấy đề tài ta thấy quảng diễn dài hơn trong Thư đầu.
Thư ba
Thư ba về lời văn thì giống Thư hai cách lạ lùng (so sánh 2G 1.4.12-13 với 3G 1.3.13-15). Nhưng lại có đặc tính cá biệt hơn nhiều. Thư viết cho một người tên là Gai-ô, mừng cho ông ấy bước đi trong Sự Thật (c. 3; x. 2G 4). Giọng có hơi bút chiến là vì cơn khủng hoảng đã nổ ra giữa các tín đồ. Vị Kỳ lão trước đây đã viết một lá Thư cho cộng đoàn. Nhưng ông Ði-o-trê-phê, có lẽ là thủ lãnh cộng đoàn ấy, không nhìn nhận quyền của ngài (c. 9). Vậy Vị Kỳ lão buộc lòng phải viết thơ lần này cho ông Gai-ô một trong nhóm ki-tô hữu còn trung thành. Tự Giáo đoàn nơi ngài cư trú, Vị Kỳ lão chỉ huy một nhóm giảng viên lưu động, phụ trách việc làm cho chư dân biết Danh Thánh Ðức Giê-su Ki-tô (c. 7). Việc cấp dưỡng cho nhóm ấy ở mọi nơi đều do ki-tô hữu đảm nhiệm, nhờ thế, tín đồ chứng tỏ mình cộng tác với công trình truyền bá Sự Thật (c. 8). Nhưng ông Ði-o-trê-phê không muốn tiếp nhận nhóm ấy, thậm chí còn đuổi ra khỏi Giáo đoàn bất cứ ai giúp đỡ các vị thừa sai (c. 10). Mục đích Thư này là khuyên ông Gai-ô tiếp tục nâng đỡ các vị thừa sai đó.
Vậy bề ngoài, Thư này chỉ có tính mục vụ, không ám chỉ gì các bè rối như hai bức Thư kia. Tuy nhiên, việc ông Ði-o-trê-phê kịch liệt chống đối công trình thừa sai do Vị Kỳ lão chỉ huy, việc từ chối nghe Vị này, tức là nét đặc trưng của thần tà thuyết (1G 4,6), lời Vị Kỳ lão quả quyết rằng Ði-o-trê-phê đã không xem thấy Thiên Chúa (3G 11) - ám chỉ điều bè rối tự đắc là xem thấy Chúa (1G 3,6; x. 2,4) -, sau hết niềm vui Vị ấy nói lên, vì thấy ông Gai-ô bước đi trong Sự Thật (3G 3,4), tức là cách ăn ở được xem ra đối lập với thái độ những tên quyến rũ (2G 4,7): tất cả bấy nhiêu sự kiện cho ta giả thiết là Ði-o-trê-phê phần nào liên lụy cùng tà thuyết.
Thứ tự ba Thư
Không có dấu chỉ nào chính xác cho phép quyết chắc là ba Thư đã viết ra theo thứ tự nào. Có mấy tác giả cho là 1G đã viết sau cùng. Ý kiến này có vẻ đúng sự thật, vì vào lúc viết Thư này, đã có một nhóm phản ki-tô tác rời khỏi cộng đoàn (2,19), điều ấy hình như chứng tỏ là bè rối đã phát triển và củng cố thêm; cách tác giả nói về bè rối xem ra hàm ý là mối nguy đã thành mối nguy chung. Vậy sau khi viết riêng cho một cộng đoàn địa phương ở 2G và 3G, bây giờ tác giả buộc lòng phải nhắc lại cùng những đề tài ấy trong một Thư chung, lần này gởi cho các Giáo đoàn Tiểu Á thuộc quyền ngài.
Thần học của Thư một
Ở đây không có ý phân tách đầy đủ về thần học của Thư, nhưng chỉ nêu lên điều giáo huấn căn bản trong Thư ấy: Chủ ý tác giả được diễn tả rõ ràng trong lời kết: Ðó là mấy lời tôi viết cho anh em, để anh em đã tin vào Danh Con Thiên Chúa, thì cũng biết rằng anh em có Sự Sống muôn đời" (5,13). Trong cảnh hoang mang do các tà thuyết gây nên, T. Gio-an muốn cho Ki-tô hữu được xác tín rằng: chính họ, chớ không phải nhóm ngôn sứ giả dối kia, được có Sự Sống Thiên Chúa. Trong những câu chót, niềm xác tín này nổ vang như tiếng kêu chiến thắng của đức tin thắng trận thế gian!" "Chúng ta biết rằng ai từ nơi Thiên Chúa sinh ra, thì sẽ không phạm tội... Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều do Ác thần thống trị. Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa... đã ban trí hiểu cho ta, để chúng ta biết Ðấng Chân Thật. Và chúng ta ở trong Ðấng Chân Thật này, tức trong Con của Ngài là Ðức Giê-su Ki-tô" (5,18-20). Chống lại phái ngộ đạo kiêu căng tự đắc, ki-tô hữu phải cố gắng phát triển và củng cố nơi mình thứ "ngộ đạo", thứ "biết Chúa" rất chân chính này, tức là niềm xác tín của đức tin: "Ki-tô hữu hoàn toàn không còn giữa tối tăm, nhưng ở trong Ánh Sáng và biết rõ như vậy!" (J. Mu-ru).
Ðề tài lớn của Thư là sự các tín đồ hiệp thông cùng Thiên Chúa đó là "thông hiệp với Cha và với Con của Ngài là Ðức Giê-su Ki-tô" (1,3), nhưng biểu lộ ra giữa ki-tô hữu bằng sự thông hiệp với nhau (1.3.6). Trong T. Gio-an, không gặp thấy chữ thông hiệp này ở nơi nào khác, nhưng chính thức tại chữ này mô tả, thì thấy nói lên trong cả bức Thư bằng nhiều định thức gần như tương đương với nhau, làm sáng tỏ tất cả nguồn phong phú của Sự Sống Thiên Chúa này. Tín đồ là kẻ "thuộc về Thiên Chúa" (2,5; x. 5,20), "kẻ ấy ở lại trong Thiên Chúa" hoặc "trong Con và trong Cha" (2,6.24.27; 3,6), "kẻ ấy ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong kẻ ấy" (3,24; 4,15.16), "kẻ ấy do Thiên Chúa sinh ra" (2,29; 3,9; 4,7; 5,1.4), kẻ ấy là "con Thiên Chúa" (3,2.10; 5,2), "kẻ ấy có Cha và Con" (2,23; 5,12.13; x. 2G 9), "kẻ ấy có Sự Sống" (5,12). Thêm vào đó lại còn kiểu nói "biết Thiên Chúa" nữa (2,3.4.14; x. 3,1; 4,6.7.8). T. Gio-an nhấn mạnh rất nhiều để nêu rõ sự hiệp thông này chỉ có thể đạt tới nhờ và trong việc môi giới của Ðức Giê-su, là Con Thiên Chúa, mà các chứng tá đầu tiên đã tai nghe mắt ngắm (1,1-3); sở dĩ ta "biết Ðấng Chân Thật" chính là vì ta ở "trong Con của Ngài là Ðức Giê-su Ki-tô", vì chính Ðức Giê-su Ki-tô", vì chính Ðức Giê-su Ki-tô" là Ðấng Chân Thật, là Thiên Chúa và là Sự Sống Muôn Ðời" (5,20).
Vì họ biết Thiên Chúa (4,6-7), nên ki-tô hữu chân chính luôn luôn khám phá cách toàn hảo hơn Thiên Chúa là Ðấng thể nào. T. Gio-an chỉ ba khía cạnh làm cho huyền nhiệm Thiên Chúa nên hiển hiện với tín đồ: Thiên Chúa là Ánh Sáng, Thiên Chúa là Ðấng Công Chính, Thiên Chúa là Tình Yêu.
Ngay từ đầu Thư, T. Gio-an công bố cho ki-tô hữu sứ điệp cao cả mà ngài sẽ tỏ ra cho họ thấy tất cả ý nghĩa dồi dào: Thiên Chúa là Ánh Sáng (1,5). Ở đây cũng như trong Do-thái giáo, chữ ánh sáng có nghĩa là mặc khải, chữ ấy nhắc lại đề tài trong tự ngôn: nơi Ðức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa đã mặc khải cho ta Sự Sống muôn đời, nghĩa là Sự Sống của Chúa Cha và Sự Sống con thảo của Ðạo Ngôn vốn qui về Cha (2,2). Từ khi Ðức Ki-tô xuất hiện, Ánh Sáng thật của Mặc Khải chiếu soi cho mọi người (2,8). Ðối với họ, từ đây Ánh Sáng ấy là sứ điệp của Tình Yêu Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi họ sống trong Tình Yêu. Mọi kẻ muốn ở lại trong Ánh Sáng của Thiên Chúa này, đều yêu thương các anh em mình (2,10) và sống thông hiệp với nhau (1,7).
Một ưu phẩm khác của Thiên Chúa có nhắc lại hai lần trong Thư là: Thiên Chúa là Ðấng Công Chính (1,9; 2,29), nhưng cũng hai lần áp dụng tước hiệu này cho Ðức Ki-tô (2,1; 3,7), vì Thiên Chúa mặc khải cho thế gian biết sự Công Chính Ngài ở trong công trình cứu độ. Trong mỗi đoạn văn trên, ưu phẩm công chính này của Thiên Chúa được đối chiếu với ý niệm tội lỗi: nhờ sự Công Chính của Ngài, Thiên Chúa cứu ta khỏi tội, nhờ đấy tỏ ra lòng Ngài thương yêu ta (x. 2,1-2 và 4,10). Nhờ mặc khải ơn Công Chính cứu độ của Thiên Chúa này, tín đồ cảm thấy phấn khởi thêm để chính mình cũng thực thi công chính nữa (2,29; 3,7), để cố gắng nên trong trắng như Ðức Giê-su vốn trong trắng vậy (3,3).
Lời thứ ba T. Gio-an xác định về Thiên Chúa là câu thời danh hơn cả; lời ấy thực ở vào trung tâm mặc khải Tân Ước: Thiên Chúa là Tình Yêu (4,8.16). Ðối với T. Gio-an, Tình Yêu vừa là hiến thân, vừa là thông hiệp. Trong Thiên Chúa, Tình Yêu kết hiệp Cha và Con. Nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa này tự mặc khải và thông ban: mọi Tình Yêu đều do Thiên Chúa (4,7). T. Gio-an coi toàn thể công trình cứu độ do Chúa Con hoàn tất là như mặc khải tuyệt vời hơn hết về Tình Yêu Chúa Cha (3,16; 4,9-10.16). Tất cả chúng ta đã biết sứ điệp này trong đức tin, chúng ta đều được ơn kêu gọi, theo tư cách là ki-tô thuộc, để cho Tình Yêu Thiên Chúa này nên hoàn tất trong ta (2,5; 4,12.17.18), bằng cách thương yêu các anh em ta (4,20), nhưng cũng thương yêu họ vì bản chất thực của họ là con Thiên Chúa (5,2). Do mặc khải này, tất cả đời sống tín đồ đều là sống "trong Sự Thật và trong Tình Yêu" (2G 3). Ðời sống tin yêu này là điều kiện trực tiếp làm cho ta biết Thiên Chúa.
Nhưng T. Gio-an không quên rằng các giáo sư gian trá cũng tự đắc là mình "biết Thiên Chúa". Vì thế ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lời căn dặn, để nêu lên những tiêu chuẩn cho đời sống ki-tô hữu chính tông. Có thể chia làm hai loại. Trước là các tiêu chuẩn thuộc phạm vi luân lý: tránh phạm tội (3,6); đừng yêu chuộng thế gian (3,15); bước đi trong Ánh Sáng (1,7); thực thi công chính (2,29; 3,10); tuân giữ các lệnh truyền (2,3-5; 3,24; 5,2), nhất là lệnh truyền anh em phải thương yêu nhau (2,9-11; 3,10.18-20; 4,13.20; 5,1). Sau là tiêu chuẩn về giáo lý: ở lại trong lời giáo huấn đã nghe từ đầu (2,24); lắng nghe những kẻ trong Giáo đoàn rao giảng Sự Thật (4,6); tin và tuyên xưng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô Con Thiên Chúa (2,23; 4,2; 5,1.10). Còn việc ban Thánh Linh (3,24; 4,13), đúng ra không phải là tiêu chuẩn, nhưng là sức mạnh bên trong kích khởi đức tin và tình huynh đệ.
Việc thông hiệp chính tông cùng Thiên Chúa và anh em này sẽ sinh ra những hậu quả nào? Tác động lời Thiên Chúa và sức mạnh đức tin làm cho ki-tô hữu chiến thắng sự tội và thế gian (2,13.14; 4,4; 5,4-5); ai sống cho viên mãn đời sống làm con Thiên Chúa, thì nói được là không thể nào phạm tội (3,6.9; 5,18). Kẻ ấy hoàn toàn vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, nên loại trừ mọi điều sợ hãi ra khỏi tâm hồn (4,18), và được hân hoan giữ niềm tin con thảo trước Tôn Nhan Vị Thẩm Phán Tối Cao (2,28; 3,21; 4,17) và trong khi cầu nguyện (5,14), nên chắc chắn được nhậm lời (3,21-22; 5.14-15). Vì thế, sự các tín đồ hiệp thông, đối với họ, sẽ là nguồn bình an (2G 3) và làm phấn khởi trong họ niềm vui ki-tô hữu (1G 1,3).
Kết luận
Các Thư T. Gio-an trình bày một tổng hợp vê đời sống ki-tô hữu chính tông. Sống hiệp thông cùng Thiên Chúa, nên thể hiện viên toàn Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và Nhân loại, như hàng ngôn sứ đã loan báo cho thời kỳ cứu độ. Giao Ước này là mới, trước hết là vì mặc khải Ðức Giê-su Ki-tô đã đem lại cho ta - mặc khải về Tình Yêu của Cha - nhưng cũng vì tác động Thánh Linh làm cho Chân lý này được nội tâm hóa. Như vậy, niềm tin và lòng yêu mến trở nên luật mới cho các môn đồ của Ðức Ki-tô. Muốn giúp cho Mặc Khải này sinh hoa kết quả hoàn toàn hơn nữa, T. Gio-an nhấn mạnh tới sự cần phải có một tập truyền luôn luôn qui chiếu về nguồn gốc; ngài cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự phân biệt các thần, tới sự xức dầu nội tâm (chrisma), và kinh nghiệm đức tin của các tín đồ: đó là bấy nhiêu điểm giáo lý sau này người ta sẽ nhắc lại và quảng diễn dài hơn trong các môn thần khoa linh đạo, và huyền bí ki-tô giáo.
Tuy các Thư này bao hàm giáo huấn về sự hiệp thông cùng Thiên Chúa, cũng như một nền luân lý và một thần khoa huyền bí, nhưng cũng đề nghị với ta một giáo lý về cánh chung. Vì ta không thể nào lại không lưu ý tới tầm quan trọng của viễn ảnh cánh chung về ngày tận thế trong Thư này. T. Gio-an nói: đây là giờ chót. Chúng ta là ki-tô hữu, thì chúng ta ở vào vị trí đối lập với thế gian. Nhưng chúng ta biết la thế gian này qua đi. Vì thế, chúng ta được kêu mời đặt nền tảng tất cả niềm trông cậy chúng ta vào Ðức Giê-su: khi Người hiện ra, ta sẽ xem thấy Người như Người hiện có.
Tính thời sự của sứ điệp này đối với thời đại chúng ta và bất cứ thời đại nào, đó là điều quá hiển nhiên. Ngày nay, cũng như trong các thời đại khác, đức tin lâm cơn khủng hoảng, ki-tô hữu muốn biết chân lý đức tin nằm ở đâu. Họ đi tìm những tiêu chuẩn giúp nhận ra Thánh Linh Thiên Chúa. Ðối với những tín đồ đã biết Chân lý đây, T. Gio-an chỉ xin họ kiên tâm bền chí trong giáo lý của Ðức Giê-su Ki-tô và lấy chính cuộc đời yêu mến của họ để làm chứng họ tin vào Con Thiên Chúa.