Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư 2 Thánh Phê-rô

Ðức Ki-tô Ðấng Ban Thiên Tính

 

Loại văn

Sau lời chào thường quen (1,1-2), tác giả nhắc lại đặc tính của ơn kêu gọi ki-tô hữu (1,3-11). Sống hiệp thông với Bản tính Thiên Chúa, ki-tô hữu được kêu gọi nên thánh. Vì thế họ phải trung tín với lời các Tông đồ và ngôn sứ (1,12-21). Vì lời giảng Ki-tô giáo không căn cứ trên những biến ngôn hoang đường (1,16), nhưng trên lời chứng các tông đồ và trên lời sứ ngôn do Thánh Linh cảm hứng (1,21).

Rồi tác giả kịch liệt tấn công một cách hết sức linh động các giáo sư giả, tố cáo họ băng hoại cả về giáo lý cả về luân lý (2,1-22). Họ không thể nào thoát ly hình phạt, như các thiên thần phạm tội ngày xưa và các dân thành Sô-đô-ma và Go-mo-ra (2,6).

Sau đợt tấn công dài đó, lại tiếp phần quảng diễn khơi mào ở ch. 1 với vấn đề Chúa chậm trễ Quang lâm (3,3-13): Chúa nhịn nhục chờ, nhưng Ngày của Người sẽ đến (3,9).

Thư kết thúc bằng lời kêu gọi tỉnh thức (3,14-18).

Bản văn này giống với một "Chúc thư" hơn là một bức thư thường. Chúc thư là lối năng gặp trong các tập truyền do-thái đời ấy. Một bài giảng từ biệt do nhân vật nào thời danh nói trước khi qua đời, giúp ông quảng diễn một số điểm giáo lý cần nhắc lại cho cộng đoàn.

Bức thư dáng vẻ đặc biệt này có đáng chiếm địa vị trong Tân Ước chăng? Ðộc giả kim thời lo đối thoại khi đứng trước những lời lăng mạ và sỉ vả (chương hai), có thể tự đặt câu hỏi đó.

 

Thần học

Nhưng bức Thư đem lại những xác định mới đối với việc giải thích và cảm hứng Thánh Kinh, cũng như sự hình thành qui điển. Các lời sứ ngôn Cựu Ước và lời chứng tông đồ đều được sắp trên cùng một bình diện là làm căn cứ cho một niêm tin vững chắc (1,19; 3,2). Không nơi nào trong Tân Ước quả quyết rõ ràng hơn về tính linh hứng của Thánh Kinh "Không lời sứ ngôn nào ở trong Kinh Thánh nên giải thích theo ý riêng mình. Vì không bao giờ một lời sứ ngôn lại do ý người phàm đã nói, nhưng chính vì được ơn thúc đẩy của Thánh Linh, nên mới có số người đã nói nhân danh Thiên Chúa" (1,20-21).

Trong Thư ta lại thấy lần đầu tiên nhắc đến một tuyển tập các Thư T. Phao-lô (3,15-16), mặc dầu không tất nhiên bao hàm toàn bộ các văn thư của T. Tông đồ, nhưng cũng được coi là thành phần làm trọn Thánh Kinh.

Sau hết Thư này còn một hứng thú khác là cương quyết đặt vấn đề Chúa chậm trễ Quang lâm: "Lời Người hứa Quang lâm đâu rồi? Từ ngày các Tổ phụ đã từng khuất núi, thì mọi sự vẫn còn y nguyên như mới tạo thành" (3,4)? Tác giả kịch liệt tố cáo sự thiếu niềm tin đó và cố gắng trả lời: cơn hồng thủy xưa là hình bóng việc phán xét cuối cùng, mà tác giả dùng các phạm trù thời ấy để diễn tả (3,6). Thế giới cũ, lửa sẽ thiêu hủy đi, hầu nhường chỗ cho "trời mới đất mới là nơi cư ngụ cho ơn công chính" (3,10-15). Và nhất là đối với Chúa, không có ý niệm thời gian: đối với Chúa, "một ngày như thể ngàn năm và ngàn năm như thể một ngày" (3,8). Nói là Người chậm trễ, nhưng chỉ là sự Người yêu thương và nhịn nhục chờ. Người muốn cho ai nấy có thời giờ ăn năn trở lại. Vì thế, ngay tự bây giờ, mọi người phải lo sống thánh thiện. Nhờ giáo huấn cánh chung này, tác giả nhắc lại một chiều kích quan trọng trong đời sống ki-tô hữu.

 

Các đối phương

Tác giả tố cáo những quân "vô đạo" lẻn vào trong Giáo Hội (2,1). Họ là ai? Ðã trở lại đức tin Ki-tô giáo, nhưng họ đã chối bỏ rồi và giờ đây họ liều mình làm hại Cộng đoàn nữa, vì hứa cho sự tự do giả dối (2,19). Bè rối họ chủ trương, vừa có tính thần học, vì họ chối bỏ Chúa đã cứu chuộc mình và khinh dể các thiên thần 2,10-11), vừa có tính luân lý, vì họ sống buông tuồng và phạm tội không bao giờ chán (2,14).

Muốn xác định họ là ai, người ta đã nói đến phái "ngô đạo". Tự đắc là mình hiểu biết cao hơn và tự do hoàn toàn, khinh rẻ xác thịt, nhưng họ vẫn sống buông tuồng, phóng túng. Ðó là lý do giải thích khía cạnh vừa luân lý vừa thần học của các điều họ sai lầm. Cũng vì thế mà tác giả nhấn mạnh tới sự "hiểu biết" Ki-tô giáo đối lập với sự thông minh giả các người rối đạo (1,2.3.5.8.12.16; 2,20.21; 3,17-18).

Còn việc họ khinh dể các bậc "Vinh quang" (2,10), thì khó biết rõ là ám chỉ cái gì. Phải chăng, theo tác giả nhận xét, tội chúng phạm là gọi tên các thiên thần? Vì trong Do-thái giáo, và cách riêng là nơi phái Ê-xê-niên, ta thấy cấm làm như thế, vì tôn kính các thiên thần và sợ dùng tên các ngài theo mục tiêu ma thuật. Hay trái lại, chúng coi các ngài thực sự không có hay là không trổi vượt chi? Và như thế là họ vượt quá tư tưởng T. Phao-lô chỉ nhấn mạnh là các thiên thần thua kém Ðức Ki-tô (Ep 1,21; Co 2,15). Thật là khó xác định, vì trong chuỗi dài các lời lăng mạ (chương hai) tác giả dùng những kiểu nói thường quen và mô tả một bức chân dung chớp nhoáng về tên vô đạo.

 

Các người nhận Thư

Các người nhận Thư quen với Thánh Kinh và các tập truyền khải huyền do-thái, mà tác giả ám chỉ nhiều lần, nhưng không bao giờ trích dẫn minh nhiên (trừ ở 1,17). Ðó là các thiên thần phạm tội (2,4) hồng thủy (2,5), thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra (2,6-7); ông Ba-la-am con ông Bô-sô (2,15) và các tập truyền về thế giới bắt nguồn từ nước và bị lửa hủy đi.

Thư này, nhất là ở 2,1-3,3, có liên hệ hiển nhiên và chặt chẽ với Thư T. Giu-đê (Gđ). Ta gặp lại trong đó những quan niệm rất giống nhau, thường diễn tả bằng danh từ in nhau ít dùng trong toàn bộ Tân Ước. Hình như cả hai Thư đều theo một dòng hướng dẫn. Ví dụ như bút chiến chống lại các giáo sư giả mà cả hai Thư đều gọi là "bọn người chuyên diễu cợt hoài nghi" (2P 3,3; Gđ 18), ba hoa những lời lố lăng trống rỗng (2P 2,18; Gđ 16), chè chén say sưa trơ trẽn (2P 2,13; Gđ 12), ví tội của chúng như tội của thiên thần sa đọa, của thành Sô-đô-ma và Go-mo-ra, của ông Ba-la-am.

Trừ khi hai Thư 2P và Gđ cùng cảm ứng một cách biệt lập theo một bản văn cổ hơn, có vẻ chắc là Thư 2P tùy thuộc vào Thư Gđ. Nơi nhiều đoạn, bản văn 2P xem ra tùy tòng. Xét chung tác giả làm sáng sủa hơn những đoạn song song ở Thư Gđ, bỏ qua mấy yếu tố kỳ dị đối với độc giả ít quen các tập truyền ngụy thư, như cuộc chiến đấu tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e (Gđ 9), các thiên thần đồi bại (Gđ 6), lời dẫn sách Hê-nóc (Gđ 14). Phải chăng 2P dè dặt đối với các ngụy thư? Thật khó xác định.

Ðàng khác 2P nêu vấn nạn Chúa chậm trễ Quang lâm, trong khi Gđ không đặt vấn đề.

Các dị biệt trên đây tỏ ra một môi trường ăn rễ chắc vào các tập truyền do-thái, trễ hơn môi trường Thư Gđ; lại cởi mở hơn với văn hóa hi-lạp. Bằng chứng là ngoài những bỏ qua đã nêu trên này, còn có lời văn thanh nhã, thậm chí không loại trừ chút vẻ cầu kỳ trong việc lạm dụng các danh từ kép ít dùng, người ta đã đếm được 56 chữ chỉ dùng trong một mình Thư này mà thôi. Ðó là tỉ lệ cao nhất trong Tân Ước. Phải chăng Thư này là một cố gắng mục vụ để dung hòa các khuynh hướng địa phương tỏ hiện trong Thư Gđ với những trào lưu cởi mở hơn như thấy diễn tả trong các Thư T. Phao-lô? Phải chăng là muốn tổng hợp các khuynh hướng khác nhau trong lòng Hội Thánh sơ khai?

Ðàng khác, vì Thư này được Giáo đoàn A-léc-xan-đi công nhận và bị Giáo đoàn Sy-ri chống đối, nên có lẽ là xuất phát từ môi trường ki-tô hữu gốc do-thái tản cư giữa người hi-lạp.

 

Tác giả

Tác giả tự đồng nhất với ông Sy-mê-on Phê-rô Tông đồ (1,1). Thư thứ nhất được nhắc đến ở 3,1, nên tự nhiên người ta hiểu đó là Thư 1 T. Phê-rô. Ðàng khác, tác giả nhắc lại mình có mặt khi Chúa biến hình (1,16); sau khi ngài loan báo mình sắp qua đời (1,14).

Sự đồng nhất hóa luôn luôn bị người ta chống đối đây, gây nhiều thắc mắc. Một đàng không nên hiểu sát quá mấy chỉ dẫn về tiểu sử tác giả dùng để tự đồng nhất với T. Tông đồ. Ðó là những chi tiết thuộc loại văn "Chúc thư".

Ðàng khác, trong hai Thư có nhiều dị biệt về lời văn: 599 chữ khác nhau đối với 100 chữ chung nhau. Vấn đề liên quan tới cánh chung không phải cùng là một. Sự khác nhau này giả thiết là có một khoảng cách thời gian khá dài giữa hai Thư.

Tác giả xem ra không thuộc về thế hệ ki-tô hữu đầu tiên đã qua đi rồi (3,4). Thư này có sau Thư Giu-đê, thường được coi là biên soạn vào những thập niên cuối thế kỷ 1. Sau hết và nhất là, như chúng ta đã thấy, Thư rõ ràng nhắc đến qui điển Thánh Kinh: có một tuyển tập các Thư T. Phao-lô, dù chưa đầy đủ, nhưng được kể vào bộ "Thánh Kinh" cũng như các văn thư tông đồ và ngôn sứ khác.

Ðàng khác, vì không thể lùi quá xa việc soạn bức Thư thấm nhuần rất sâu các tập truyền ki-tô hữu gốc do-thái như vậy, nên ta có thể đề nghị thời kỳ biên soạn vào khoảng năm 125, do đó Thư không thể bắt nguồn trực tiếp từ T. Phê-rô.

Tuy nhiên, phải chăng có thể nói tới một "trường phái T. Phê-rô", trong đó, chiếu theo giáo huấn của T. Tông đồ, người ta đã biên soạn Thư này dưới hình thức một chúc thư linh thiêng, để nhắc nhớ là cần phải giữ gìn đức tin? Về điểm này, xin nhắc lại là, theo một tập truyền của tác giả Êu-sê-bơ (Lịch sử Giáo Hội II,16,1), T. Mác-cô một thời đã là cộng tác viên của T. Phê-rô (x. 1P 5,13), thì về sau đã loan báo Tin Mừng tại A-léc-xan-đi, là môi trường công nhận Thư này trước hết.

 

Tính qui điển

Cùng với sách Khải huyền, Thư này là cuốn trong Tân Ước đã gặp nhiều khó khăn hơn hết trước khi được công nhận vào qui điển. Vì chính nhờ Giáo đoàn A-léc-xan-đi mà Thư này đã từ từ thấu vào toàn thể các Giáo đoàn. Không có mặt trong qui điển Mu-ra-to-ri (ít lâu trước năm 200), lần đầu tiên Thư này được ông O-ri-giên (sinh năm 185/6, qua đời năm 254) trích dẫn mà nói là Thư bị chống đối. Ông Êu-sê-bơ (qua đời năm 340) còn xếp Thư này vào số bản văn đang tranh luận. Mãi tới thế kỷ 5 Thư mới được đa số Giáo đoàn công nhận, thế kỷ 6 được công nhận ở Sy-ri. Tuy nhiên, vào khoảng năm 200 đã gặp thấy Thư này trong một bản dịch Tân Ước bằng tiếng Ai-cập và khoảng cuối thế kỷ 3 trong bản chỉ cảo số 72.

 


Back to Home Page