Tiểu Dẫn Thư Thánh Gia-cô-bê
Ðức
Ki-tô Bần Nhân Thiên Chúa
Thoạt nhìn, không thấy Thư Gia-cô-bê có gì huyền bí. Bắt đầu là một định thức thư tín kiểu thông thường có nhắc tên tác giả, rồi chỉ cho thấy đó là một ki-tô hữu có phần quan trọng. Lời văn hi-lạp rất hay của Thư này, mấy khúc quảng diễn ngắn nơi ch. 2 và 3 soạn theo lối văn "trào phúng" linh động, triết lý bình dân quen dùng, sự tác giả xem ra luôn luôn không dùng bản văn hi-bá, nhưng dùng bản dịch hi-lạp Bảy Mươi, mỗi khi dẫn Thánh Kinh Cựu Ước: đó là bấy nhiêu dấu chỉ nguồn gốc hi-lạp của Thư này. Ðoạn bút chiến sôi nổi nơi ch. 2, c. 14-26, chống lại cách giải thích lạm dụng giáo lý T. Phao-lô về ơn cứu độ nhờ đức tin không có việc làm, cho phép ta xác định chắc chắn bức Thư biên soạn vào khoảng ít lâu sau giữa thế kỷ 1, là thời kỳ thành công lớn của công trình truyền giáo T. Phao-lô. Ðàng khác vì không thấy ám chỉ về chính trị và nhắc tới Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem, nên hình như phải loại thời kỳ người Do-thái khởi loạn từ năm 66 đến 70 và thập niên theo sau đó. Sau hết, Thư T. Gia-cô-bê không có những đoạn vừa hấp dẫn, vừa khó hiểu trong các Thư T. Phao-lô hay T. Gioan. Trong Thư chỉ dạy về luân lý, đôi khi tầm thường và dù sao cũng mượn rất nhiêu ở nền luân lý hi-lạp thời ấy.
Mấy vấn đề
Nhưng dưới vẻ trong suốt ấy, lại ẩn tàng những vấn đề khó khăn. Tập truyền về sau đã cảm thấy thế, vì đã năng ngần ngại gán cho Thư T. Gia-cô-bê cùng một uy tín như cho các Thư T. Phao-lô. Trong khi Thư 1 T. Phê-rô và Thư 1 T. Gio-an đã được mọi người công nhận là Kinh Thánh ngay từ thế kỷ thứ 2, thì Thư T. Gia-cô-bê chỉ có chân trong Tân Ước rất từ từ, khởi sự vào đầu thế kỷ thứ 3. Mãi cuối thế kỷ thứ 4, sau nhiều cuộc tranh luận lâu dài, Thư mới được uy tín qui điển bên Tây, còn bên Ðông đã gần như đồng thanh công nhận rồi. Ta biết là ông Lu-tê-rô đã lại tung cuộc tranh luận chung quanh Thư này, vì ông cho là quá ít vẻ "tông đồ", tới mức đôi khi ông dám chủ trương đó là một bản văn do-thái, nên phải gạt ra ngoài qui điển Thánh Kinh. Tuy người khác không theo ông, nhưng nguyên một việc người ta đã khó công nhận bức Thư T. Gia-cô-bê trải qua các thời đại, đã là một điều mang nhiều ý nghĩa. Lý do là vì tác phẩm đứng ở ngoài các trào lưu thần học lớn của Ki-tô giáo thế kỷ 1.
Việc cổ truyền gán Thư này cho T. Gia-cô-bê, anh em với Chúa cũng gây một vấn đề. Mặc dầu không coi là đồng nhất với ông Gia-cô-bê, con ông An-phê và là phần tử trong nhóm Mười hai (x. Mc 3,18 và ss), nhưng nhân vật rất quan trọng của Giáo đoàn Giê-ru-sa-lem này (x. Ga 1,19; 2,9.12; Cv 12,17; 15,13-21; 21,18-25) hình như là người Pa-lê-tin thuần túy, không quen biết bao nhiêu văn hóa hi lạp (xem cách riêng Êu-sê-bơ, Lịch sử Giáo Hội II, 23,4-18). Làm sao có thể tưởng tượng ông đã viết một tác phẩm rõ ràng là hi-lạp đến thế? Vậy nếu hiểu việc gán này theo nghĩa đen, thì không có thể đúng sự thật. Tuy nhiên việc gán này quá cổ truyền và tổng quát, nên không thể gạt phăng đi. Vì thế ta cần nhận thức là trong Thư T. Gia-cô-bê tất cả không phải hoàn toàn hi-lạp: ngữ vựng và ngữ pháp gồm mấy thành ngữ sê-mít, hẳn là ta không thể gán tất cả cho ảnh hưởng do bản dịch Bảy Mươi. Việc sắp lại gần nhau những châm ngôn vắn tắt chỉ liên lạc với nhau nhờ mấy chữ mốc mà thôi, trong phần cốt yếu của ch. 1 và 4-5, chắc là không hợp với qui tắc văn chương hi-lạp. Một chút họ hàng với sách Huấn ca, gợi cho ta thấy là có liên lạc với các sách Khôn ngoan do-thái. Còn tầm quan trọng dành cho mấy đề tài cánh chung, cách riêng là đề tài phán xét (2,12-13; 4,12; 5,9-12), khiến ta liên tưởng tới Do-thái giáo ở Pa-lê-tin và giáo huấn của Chúa Giê-su. Vậy rất có thể là T. Gia-cô-bê, anh em với Chúa, đã in dấu vết ngài trên Thư này. Một số người công nhận là ngài đã ủy cho một thơ ký nói tiếng hi-lạp soạn bức Thư theo các lời ngài chỉ dẫn. Người khác cho rằng đúng hơn, nên nhận là đã có một tập truyền các lời T. Gia-cô-bê, phần nào sánh được với tập truyền nhất lãm, rồi một nhà văn đã lợi dụng tập truyền theo thói quen văn chương thời ấy, và đặt tác phẩm mình dưới uy tín một đấng bảo trợ thời danh. Trong trường hợp này, bức Thư sẽ biên soạn vào khoảng các năm 80-90.
Các nhà chú giải hiện đại nhắm vào vấn đề tế nhị khác, đặt ra đối với Thư Gia-cô-bê. Gởi cho "Mười hai chi tộc Tản cư", tức là, nếu hiểu từ ngữ theo nghĩa đen, gởi cho các người Do-thái, Thư này chỉ nhắc đến Danh hiệu Giê-su Ki-tô có hai lần (1,1 và 2,1) và một cách lướt qua, nên một số phê bình gia đã coi đó là thêm vào về sau, để ki-tô hóa một bản văn thuần do-thái. Ðây là giả thuyết phiêu lưu, cần phải gạt đi, vì cuộc tranh luận sau T. Phao-lô của 2,14-26 làm cho không còn thể bênh vực giả thuyết này. Nhưng vấn đề thật vẫn còn y nguyên: một tác giả ki-tô hữu đã có thể gởi cho ai một tác phẩm, trong đó bản thân Chúa Ki-tô đóng vai trò quá lu mờ đến thế? Hẳn là cho ki-tô hữu thuộc nền văn hóa hi-lạp còn giữ tương quan với các hội đường trước kia họ đã là phần tử. Nhưng cũng rất có thể là cho các người Do-thái hi-hóa, có lẽ theo khuynh hướng Ê-xê-miên, mà tác giả trông thu phục nhờ nhấn mạnh tới những gì ki-tô hữu cùng có chung với họ: đó là nhiệt tâm với luật luân lý, lý tưởng khó nghèo, mãnh liệt đợi trông ngày cánh chung và niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất đã được mặc khải trong Cựu Ước.
Vị trí bức Thư
Hơn mọi nguyên tố khác, chính nền luân lý họ cùng thực thi, là cái làm cho những ki-tô hữu và do-thái ấy gần nhau. Vì thế mà Thư dành tầm quan trọng nổi hơn cho các vấn đề luân lý, cũng như cho việc điều hòa chặt chẽ với nhau các lý do hi-lạp và các lý do do-thái, làm cho bài luân lý của T. Gia-cô-bê giống với nền luân lý của Do-thái giáo hi hóa. Nhưng lời tác giả dạy luân lý không thu hẹp nguyên vào việc nhắc lại mấy câu tầm thường mọi người đều công nhận cả. Bài dạy còn gồm những khía cạnh độc đáo, giúp ta đặt cho đúng hơn vị trí Thư này. trước tiên đó là ba khúc quảng diễn từ ch. 2,1 đến 3,13 liên quan tới việc cử hành phụng tự: chỉ chỗ ngồi (2,1-13), thứ tự phục vụ (3,1-13), phải thực thi tình huynh đệ đã sống trong giờ phụng tự (2,14-26). Ba đoạn bút chiến này nhắm khá mạnh vào những thói xấu, có khi đã thành quen trong một số Giáo đoàn T. Phao-lô, cũng là các Giáo đoàn đoạn tuyệt hoàn toàn với Do-thái giáo. Nét độc đáo thứ hai của nền luân lý T. Gia-cô-bê là tấn công cực kỳ nghiêm thẳng đối với người giàu (1,9-11; 2,5-7; 4,13-17; 5,1-6), tấn công quả chính xác và quá mãnh liệt, nên không phải chỉ là thuần văn chương. Hai ba nét trong mấy đoạn này khiến ta nghĩ là các lời chỉ trích dữ dội này ít nữa một phần nhắm vào các kỳ hào Do-thái (2,6-7; 5,6).
Vậy hình như tác giả Thư T. Gia-cô-bê đấu tranh trên hai trận tuyến, một là chống lại các Giáo đoàn mến nhớ T. Phao-lô một cách quá nô lệ, hai là chống lại các người Do-thái giàu. Làm như thế, ông hi vọng sẽ liên kết được với nhau những ki-tô hữu khác và những Do-thái địa vị bình thường mà ông cho là họ cùng nhau làm thành "Mười hai chi tộc Tản cư". Một công trình như thế có thể quan niệm được vào khoảng các năm 60-65, nhưng đúng hơn có lẽ cần sắp vào sau năm 80, trước khi các hội đường tản cư dứt khoát liên minh với quan niệm biệt phái về Do-thái giáo. Thư nhắm tới toàn thể các người Tản cư nói tiếng hi-lạp, nhưng có thể là đã biên soạn ở một thành hi-hóa tại Pa-lê-tin như Xê-sa-rê hay là Ti-bê-ri-át.
Một độc giả thế kỷ 20, đã quen phân biệt rõ ràng Do-thái giáo, và Ki-tô giáo, sẽ phần nào khó hiểu não trạng cho là có thể làm việc liên kết này. Tuy nhiên, vào thời buổi "đối thoại hiệp tâm" và thanh toán vụ án giữa Do-thái giáo và Ki-tô giáo bây giờ, vào thời đại kinh tế dư dật và các quốc gia vô sản, chắc chắn là Thư T. Gia-cô-bê có bài học để giáo huấn ta. Vì thế, thật là may phúc vì phía Tin Lành, người ta không còn khinh bỉ coi là bức "Thư rác rến" (Lu-tê-rô) và trách vì Ki-tô học và Cứu thế học trong Thư có nhiều khiếm khuyết, còn về phía Công giáo, người ta đã hiểu rằng cần phải làm gì hơn là chỉ dùng Thư này để biện minh cho Bí Tích Bệnh nhân (x. 5,14-15), hoặc tệ hơn nữa, là để bút chiến với quan niệm tin lành về ơn cứu độ nhờ đức tin (x. 2,14-16).
Các phần Thư
Không thể tìm thấy trong Thư một lược đồ chính xác, ngoài lược đồ có thể do việc thay đổi lời văn gợi ý cho ta ở 2,1 và 3,13. Phần trung tâm, ở giữa hai điểm ấy, bao hàm ba đoạn quảng diễn khá mạch lạc, có liên kết với nhau vì chỉ trích cùng một đối tượng chung, là phụng tự cử hành trong một số Giáo đoàn theo tập truyền T. Phao-lô và vì sử dụng các phương thức tu từ thường quen trong lối văn "trào phúng", như hỏi và gọi độc giả, tranh luận với người đối thoại giả tưởng, v.v. Nhưng chương một chỉ là một chuỗi dài những châm ngôn vắn tắt không có thứ tự rõ ràng, ngoài một "chữ móc" nối cuối câu trên với đầu câu dưới: như "kiên nhẫn" ở c. 3-4, "thiếu" ở c. 4-5, "thử thách" và "cám dỗ" (cùng một gốc trong tiếng hi-lạp) ở c. 12-13, "lòng đạo" ở c. 26-27 v.v. Còn phần thứ ba kể từ 3,14 lại còn rời rạc hơn nữa, và xen lẫn vào nhau đoạn quảng diễn hơi dài một chút (4,1-10.13-17; 5,1-6.7-11) với những châm ngôn lẻ tẻ. Trong bài dạy luân lý thường hay lộn xộn như thế. Nhưng tác giả vốn biết dùng những phương thức hành văn hết sức tài tình như điệp vận, cước vận, các phần câu nhịp nhàng v.v. Ðàng khác, có thể là sự lộn xộn ấy phản ảnh đặc tính của tập truyền tác giả dùng, ít nữa là đối với một số phần trong Thư. Dù là lời của Chúa Giê-su, vì có rất nhiều đoạn song song giữa Bài giảng trên Núi, và Thư T. Gia-cô-bê, hay tuyển tập các lời của T. Gia-cô-bê, tuyển tập ấy hẳn là không có cấu trúc văn chương gì, và tác giả chúng ta không cảm thấy cần bắt các lời ấy phải theo một cấu trúc. Ông đã phải nghĩ rằng đối với bản văn loại này, chỉ cần cảm tưởng toàn bộ và phẩm tính từng chi tiết mà thôi, nên lược đồ cẩn thận hơn sẽ là cái dư thừa. Ðàng khác, sự lộn xộn theo như tác giả duy trì, không phải là thiếu sức mạnh mẽ hay thiếu mặn mà đâu.