Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư Gửi Phi-lê-mon

Ðức Ki-tô

Khiến Chủ Tớ Thành Anh Em

 

Trong tất cả các Thư T. Phao-lô còn lưu truyền tới chúng ta, Thư Phi-lê-mon là vắn nhất. Nhưng đấy không phải là cái vé thường, vì trong đó T. Phao-lô giữ đủ nghi thức thư từ quen dùng thời ấy. Ðây cũng là Thư có tính cá nhân hơn cả, lại là Thư duy nhất tự tay ngài viết từ đầu đến cuối (c. 19). Nhưng không chắc đây chỉ là một lá "thư riêng". Vì T. Phao-lô cũng gởi Thư ấy "cho Giáo đoàn hội họp nơi nhà ông Phi-lê-mon" (c. 2). Lý do sâu xa của sự kiện này, phải chăng là trong Thân Thể Ðức Ki-tô, việc cá nhân không còn phải thuần là việc tư riêng nữa?

Xưa nay Thư này vẫn làm cho mọi người cảm động vì những tâm tình tế nhị diễn tả trong đó. Không bao giờ T. Phao-lô thận trọng cho bằng ở đây, để uy tín ngài không đè nặng trên các môn đồ mình. Ngài kêu xin, ngài gợi ý, chứ không bắt buộc. Thật ông Mâu-rít Go-gu-en đã có lý để gọi cái vé này "đúng là kỳ công của bốn tế nhị".

Hẳn là T. Phao-lô đã viết Thư này tại Rô-ma hay tại Xê-sa-rê. Dầu sao Thư này cũng đồng thời với Thư Co-lo-xê; T. Phao-lô khi ấy đang bị tù (Co 4,3.10.18; Plm 9.10.13.18) và bên cạnh ngài có những bạn đồng nghiệp (Co 4,7-14; Plm 23-24). Ta không nhờ nơi khác mà biết rõ hơn người nhận Thư. Hình như ông ấy là một người quan trọng trong Giáo đoàn Co-lo-xê, dùng tài sản và ảnh hưởng mà giúp đỡ Giáo đoàn (c. 5-7). Ðó là người T. Phao-lô đã giúp ăn năn trở lại: ngài dè dặt nhắc cho ông điều ấy (c. 19). Ngài quí trọng ông lắm, nên gọi ông là "cộng sự viên chí ái" (c. 1).

 

Hoàn cảnh

Chúng ta chưa biết rõ hoàn cảnh viết Thư này. Nhưng căn cứ vào nhiều câu T. Phao-lô ám chỉ trong đó, ta có thể phỏng đoán một cách khá đúng sự thật.

Anh O-nê-sim là nô lệ của ông Phi-lê-mon đã bỏ chủ nhà trốn đi, có lẽ sau khi làm điều chi lầm lỗi (c. 18). Nhân gặp T. Phao-lô, trong những hoàn cảnh nào không biết, anh quyến luyến ngài và ăn năn trở lại (c. 10). T. Phao-lô cũng quyến luyến anh và cho anh cộng tác với ngài. Trong Thư gửi cho Giáo đoàn Co-lo-xê, ngài gọi anh là người "anh em trung thành quí mến" (4,9). Vì thế T. Phao-lô giữ anh ở lại với ngài. Tuy nhiên, nếu kéo dài mãi ra, tình trạng có lẽ biến thành khó xử: ông Phi-lê-mon có thể nghi ngờ T. Phao-lô tự tiện giám nhận cho giúp việc ngài một tên nô lệ bỏ trốn, mà không được ông đồng tình, lại không báo tin cho ông biết nữa. Ðàng khác, theo luật pháp hiện hành, giữ bên mình một tên nô lệ bỏ trốn, chính là tòng phạm vào điều lỗi nặng đối với quyền lợi tư nhân. Sau hết, chính anh O-nê-sim cũng liều mình bị bắt và bị giam, trước khi bị lôi cổ về nhà chủ, rồi có thể bị chủ phạt nặng nề. Vì thế, ta hiểu vì sao T. Phao-lô quyết định gởi anh O-nê-sim về với chủ. Nhưng ngài không gởi về suông. Ðồng thời ngài lại gởi cho ông Phi-lê-mon cái vé này, xin ông đón nhận tên nô lệ mình, chẳng những như "một người anh em thân mến" (c. 16) mà hơn nữa, như là "bản thân" T. Phao-lô vậy (c. 17). Ngài không rõ ràng xin ông giải phóng cho anh O-nê-sim, nhưng ngài chắc chắn là ông Phi-lê-mon còn làm quá sự ngài xin nữa (c. 21). Chính ông Phi-lê-mon phải hiểu cái "hơn nữa" đây bao hàm những gì. Dù sao T. Phao-lô ngỏ ý hết sức rõ ràng là ngài mong anh O-nê-sim, bất luận có được giải phóng hay không, sẽ được gởi lại cho ngài để anh giúp việc truyền bá Tin Mừng.

 

Giá trị giáo lý

Ðôi khi người ta bở ngỡ vì một là Thư "riêng", ít liên quan tới tín lý như vậy, lại có thể được đưa vào qui điển Thánh Kinh. Nhưng Giáo Hội cổ thời há không giữ lại cái vé này, vì được nghe trong đó một cái chi về thái độ ki-tô hữu đối với bậc nô lệ, mà không sao gặp thấy nơi nào khác nữa đấy ư? Giả thuyết ấy xem ra ít nữa là chấp nhận được. Ðã hẳn không nên biến lời chú giải lá Thư vắn tắt này thành một thiên bàn về "nô lệ theo quan điểm Tin Mừng". Khi viết Thư, T. Phao-lô chỉ xét tới một trường hợp cụ thể, tư riêng, nhưng có lẽ chính vì đây là một nố riêng mà ngài đã nói được với ta, về những mối tương quan giữa chủ và nô lệ, nhiều hơn là trong các Thư có tính cách giáo lý hơn của ngài.

Những đoạn khác nhau T. Phao-lô đề cập đến những mối tương quan giữa chủ và nô lệ trong các Thư ngài, có vẻ như là nhút nhát (1C 7,20-24; Ep 6,5-9; Co 3,22-4,1). Ðã hẳn khi nghe mấy câu này, các nô lệ cổ thời đã gặp thấy lời quả quyết làm cho thẳng thốt ngạc nhiên về nhân phẩm họ. Nhưng T. Phao-lô không triệt để phản đối thể chế nô lệ xét là thể chế. Lại cố nhiên là T. Phao-lô táo bạo quả quyết rằng "trong Ðức Ki-tô, mọi giới hạn đều tiêu hủy, không còn nô lệ hay người chủ nữa" (Ga 3,28). Thậm chí ngài có thể viết cho ki-tô hữu Rô-ma, là chủ và nô lệ rằng: "Tình huynh đệ phải liên kết anh em yêu mến lẫn nhau" (Rm 12,10). Nhưng tuy ngài quả quyết là "trước Tôn Nhan Thiên Chúa", "trong Ðức Ki-tô", bên trong nhóm huynh đệ và cách riêng trong khung cảnh các buổi họp phụng tự, mọi tín hữu đều bằng nhau và là anh em với nhau, mà hình như ngài không rút ra bình diện pháp lý bên ngoài, tức là trên đời sống dân sự.

Cố nhiên là T. Phao-lô phân biệt hai bình diện: "trước Tôn Nhan Thiên Chúa" và "trước mặt người ta", nhưng Thư Phi-lê-mon không cho phép ta giải thích theo lối nhị nguyên nghĩa chặt như người ta quen làm đối với tư tưởng ngài. Vì tuy không nơi nào T. Phao-lô trực tiếp chủ trương là cần bãi bỏ thể chế nô lệ rất lan tràn thời đó, nhưng người ta không thể nói là ngài bảo nô lệ cứ làm nô lệ, cứ ở lại địa vị mình trong xã hội, dường như địa vị ấy là bởi Chúa đã một lần dứt khoát chỉ định cho mình. Như ông Thê-ô Prê-ít nêu rõ: "Thực sự T.Phao-lô không sắp lại gần nhau đâu: đúng hơn chính là tình huynh đệ, sự hiệp nhất trong Ðức Ki-tô xâm nhập vào mối tương quan giữa chủ và nô lệ, mà bẻ tan nó đi và làm cho nó nên hoàn tất trên bình diện hoàn toàn khác. Anh O-nê-sim sẽ được coi, chẳng những là như một kẻ ngang hàng, một phần tử khác trong Giáo Hội, mà sẽ là phần tử trong gia đình ông Phi-lê-mon, sẽ là anh em một cách trọn vẹn. Vậy không còn chút lề nào cho tình cha chủ, vì đó là tình huynh đệ hoàn toàn". T. Phao-lô nhấn mạnh: đó là vì ông Phi-lê-mon sẽ phải đón nhận anh O-nê-sim "vừa theo tư cách anh là người, vừa theo tư cách anh là ki-tô hữu" (c. 16).

Vậy ta được phép cùng với ông Thê-ô Prê-ít kết luận rằng "tuy Tân Ước không cách mạng theo nghĩa kim thời, nhưng Tân Ước càng không bảo thủ: tất cả trật tự xã hội đều được tháo ra thực sự, và qua đi làm một với cơ cấu của thế gian này".

 

Chính tông

Tính chính tông của cái vé này, họa lắm mới có người hoài nghi. Vì ta không thấy người nào khác với T. Phao-lô có thể viết được Thư này: đó là ngôn ngữ, lời văn và tâm hồn ngài (C. Bơ-noa). Tuy nhiên, những người tưởng mình phải chống lại tính chính tông của Thư Co-lo-xê, cũng bó buộc phải hoài nghi cả tính chính tông của Thư này nữa. Vì hai Thư này, như ta đã thấy, quá liên hệ chặt chẽ với nhau, nên người ta không thể có hai ý kiến khác nhau về chúng.

 


Back to Home Page