Tiểu Dẫn Thư 1 & 2 Gửi Ti-mô-thêu
Thư Gửi Ti-tô
Ðức
Ki-tô Chủ Chăn Hội Thánh
Trong bộ Thư T. Phao-lô, hai Thư Ti-mô-thêu và Thư Ti-tô làm thành một khối đồng nhất cả về phương diện văn chương lẫn giáo lý. Ðàng khác, đừng kể Thư Phi-lê-mon, thì chỉ có mấy Thư này là gởi cho những người đích danh. Từ khi các ông D. N. Béc-đốt và P. An-tôn, đầu thế kỷ 18, đặt tên cho là "Thư mục vụ", thì tên ấy đã trở nên lưu truyền, vì nêu rõ đặc tính riêng mấy bản văn bao hàm nhất là các chỉ thị gởi cho những vị "mục tử" các Giáo đoàn.
Các người nhận Thư
Ông Ti-mô-thêu
Về ông Ti-mô-thêu ta có những tài liệu trực tiếp do T. Lu-ca trong sách Công vụ và do chính T. Phao-lô.
Lần đầu tiên T. Phao-lô gặp con người về sau sẽ trở nên "phụ tá" (Cv 19,22) tuyệt vời cho ngài, là ở Ly-tra, một thành thuộc xứ Ly-cao-ni, là thuộc địa Rô-ma, do vua Âu-gút-tô lập khoảng năm 6 trước Công nguyên. Ông Ti-mô-thêu thuộc thành phần tư sản trong thị xã. Thân phụ là người Hi-lạp (Cv 16,1). Thời bấy giờ người ta gọi là hi-lạp để đối lập với các người bản xứ nói tiếng thổ âm Ly-cao-ni và không có danh tiếng gì đáng kể. Người ta cũng coi ông ấy là người dân ngoại, vì ông Ti-mô-thêu đã không chịu cắt bì ngày thứ tám theo luật Do-thái. Thân mẫu ông là bà Êu-ni-kê gốc Do-thái đã theo Ki-tô giáo Cv 16,1) và cụ bà tên là Lôi-đa có đức tin "ngay thẳng" (2Tm 1,5) đã dạy ông từ nhỏ cho biết Thánh Kinh (2Tm 3,15).
Khi bắt đầu làm việc với T. Phao-lô, ông Ti-mô-thêu còn tương đối trẻ. Chừng mười lăm năm sau, T. Tông đồ còn có thể viết thư cho ông rằng: "Chớ để người nào khinh con vì còn trẻ tuổi" (1Tm 4,12; x. 5,1; 2Tm 2,22). Dáng vẻ nhút nhát và dè dặt (x. 1C 16,10; 2Tm 1,8), sức khỏe mỏng giòn, nên ông hay bị yếu. Ta biết lời T. Tông đồ thân ái trách ông về điều ấy: "Con đừng uống nguyên nước lã thôi, hãy dùng chút rượu nho, vì dạ dày con yếu và vì con thấy trong người mỏi mệt" (1Tm 5,23). Muốn cho khỏi gặp khó khăn với nhóm Do-thái hóa, T. Phao-lô làm phép cắt bì cho ông (Cv 16,3). Tới một ngày tháng ta không biết rõ, ông Ti-mô-thêu được đoàn kỳ lão đặt tay cho (1Tm 4,14; 2Tm 1,6).
Hoạt động truyền giáo của môn đồ đã in dấu vết sâu xa của hoạt động truyền giáo ông thầy. T. Phao-lô thân thiết gọi ông là "người anh em chúng ta, cộng tác viên Thiên Chúa trong việc giảng Tin Mừng về Ðức Ki-tô" (1Th 3,2). Ngài thường đem ông đi theo trong các cuộc hành trình truyền giáo (x. Cv 17,14-15; 18,5; 20,4; 2C 1,19). Ta gặp ông Ti-mô-thêu bên cạnh T. Phao-lô khi ngài viết Thư 1 và 2 Thê-sa-lo-ních (1Th 1,1; 2Th 1,1), Thư 2 Co-rin-tô (2C 1,1), Thư Rô-ma (Rm 16,21), Thư Phi-líp (Ph 1,1), Thư Co-lo-xê (Co 1,1), Thư Phi-lê-mon (Plm 1). T. Phao-lô cũng trao cho ông nhiều sứ mạng riêng tại Ma-kê-đoan (x. Cv 19,22), đặc biệt là đối với người Thê-sa-lo-ních luôn luôn vẫn lo âu về Ngày quang lâm, hầu "giúp họ vững bền và phát triển niềm tin" (1Th 3,2.6). Ngài còn sai ông đến với người Co-rin-tô, hầu nhắc lại cho họ nhớ những qui tắc về cách ăn nết ở trong Ðức Ki-tô đúng như lời ngài giảng dạy khắp nơi, trong mọi Giáo đoàn (1C 4,17; x. 16,10). Những bằng chứng ta may mắn được các bản văn Tân Ước cho ta biết này giúp ta đoán biết sự cộng tác giữa T. Phao-lô và ông Ti-mô-thêu trong việc truyền giáo rất là chặt chẽ.
Tình nghĩa thiết T. Phao-lô đối với ông Ti-mô-thêu thật là trung kiên. Khi lý hình sẽ đứng trước cửa ngục vào cuối đời ngài, T. Phao-lô ước ao gặp lại một lần chót (2Tm 4,9-21) con người ngài gọi là "con thật của cha trong đức tin" (1Tm 1,2).
Ông Ti-tô
Ta chỉ có ít tài liệu về ông Ti-tô, vì T. Lu-ca không nhắc đến tên ông bao giờ trong sách Công vụ. Ông sinh bởi gia đình "Hi-lạp", tức là ngoại giáo (Ga 2,3). Rồi ăn năn trở lại hẳn là nhờ chính T. Phao-lô (x. Tt 1,4), được ngài đem theo đi Hội nghị Giê-ru-sa-lem (Ga 2,1-3). Ngài không bắt ông chịu phép cắt bì (x. Ga 2,3) như trường hợp ông Ti-mô-thêu. Hành động của ông đã quyết liệt trong việc dàn xếp vụ Co-rin-tô. Ông đã xoay lại tình thế, làm cho Giáo đoàn ủng hộ T. Phao-lô (x. 2C 7,7) và biết cách làm cho người Co-rin-tô yêu mến mình. Khi viết thư cho họ, T. Phao-lô làm chứng khen ông thể này: "Anh đã kể cho chúng tôi được biết: nào anh em khao khát mong chờ, nào anh em phàn nàn hối hận, nào anh em nhiệt thành với tôi, khiến cho tôi vui mừng hơn nữa... Nên anh càng có cảm tình gấp bội đối với anh em, khi nhớ rằng tất cả anh em đều đã vâng lời, đã run sợ xiết bao khi tiếp rước anh (2C 7,7.13.15).
T. Phao-lô quí trọng tài năng và lòng yêu mến của ông, vì đã ủy cho ông hoàn thành việc tổ chức các cộng đoàn ki-tô hữu tại Cơ-rê-ta (Tt 1,5). Theo 2 Tm 4,10 có lẽ ông đã ở với T. Phao-lô một thời gian tại Rô-ma, khi ngài bị tù lần thứ hai, rồi ông trẩy đi xứ Ðan-mát.
Ngày tháng và nơi biên soạn
Thư Ti-mô-thêu thứ hai
Chúng tôi bắt đầu bằng Thư Ti-mô-thêu thứ hai có lẽ là hay nhất. Xem ra đây là lá Thư mục vụ sau cùng. Vì trong đó T. Phao-lô viết rằng: "Cha chạy đua đã tới cuối đường" (4,7). Nên có lẽ là viết ngay trước khi T. Phao-lô qua đời.
Phải chăng ta có thể đem sự kiện ấy vào dòng lịch sử, mà xác định ngày tháng T. Phao-lô tử đạo? Người ta đề nghị hai giải pháp:
- Một là nhận các Thư mục vụ chính tông là của T. Phao-lô và do đó giả thiết ngài bị giam lần nữa (ở tù lần thứ hai). Ngài bị bắt vào thời bách hại của vua Nê-rôn (khoảng giữa năm 64 và tháng sáu năm 68), rồi tử đạo vào thời kỳ ấy, có lẽ là năm 67 (x. bằng chứng ông Êusêbơ Lịch sử Giáo Hội II, XXV, 5). Vậy có lẽ là biên soạn Thư 2 Ti-mô-thêu vào ngày tháng đó.
- Hai là không nhận toàn thể các Thư mục vụ là của T. Phao-lô và cho là đã biên soạn vào thời kỳ trể hơn nhiều, khoảng cuối thế kỷ thứ nhất hay đầu thế kỷ thứ hai.
Nguyên phân tích bản văn, thì không thể quyết chắc đằng nào trúng. Nên dù theo chủ trương nào, sự khôn ngoan cũng đòi phải coi là có lẽ như vậy thôi.
Ðây là những nguyên tố của vấn đề: Thư 2 Ti-mô-thêu xem như đã biên soạn tại Ro-ma (1,17), trong thời bị tù đặc biệt nghiêm khắc. T. Phao-lô "phải mang xiềng xích như một tên gian ác" (2,9); ngài coi việc bị tù này có tính cách ô nhục: hai lần ngài xin ông Ti-mô-thêu đừng xấu hổ vì ngài (1,8.12), nhưng nên bắt chước anh O-nê-si-phô đã không xấu hổ vì ngài bị xiềng xích (1,16), lại còn "sốt sắng" kiếm tìm và gặp thấy ngài tại thủ đô Rô-ma. Ðàng khác T. Tông đồ không ảo tưởng về kết cuộc vụ án ngài. Ngài biết giờ ngài khởi hành đã gần đến, biết ngài đã được hiến dâng làm lễ quán (4,6). Ngài tự cảm thấy cô đơn một cách ghê sợ: anh Ðê-mát "vì yêu thích thế gian" nên đã bỏ ngài, anh Kê-sen thì đi Ga-lát, anh Ti-tô lại đi Ðan-mát (4,10). Chỉ có một mình anh Lu-ca ở lại với ngài. Ngài xin ông Ti-mô-thêu mau mau về với ngài (4,9), trước mùa đông (4,21).
Ðây là T. Phao-lô bị tù tại Rô-ma (cứ cho là bị tù lần thứ nhất) vào khoảng năm 61-63, theo sách Công vụ 28,30. Nhưng các hoàn cảnh lần bị tù thứ nhất này không ăn khớp với Thư 2 Ti-mô-thêu. Vì khi ấy T. Phao-lô ở tại một nhà tư ngài đã thuê và được tự do tiếp những kẻ đến gặp ngài. Vậy hoặc phải chấp nhận là có lần bị tù thứ hai trong đó ngài đã biên soạn Thư này và sách Công vụ không đề cập tới, hoặc phủ nhận các sự kiện lịch sử trong Thư và coi là không phải do T. Phao-lô đã viết Thư này.
Còn một dấu chỉ khác nữa. T. Phao-lô xin ông Ti-mô-thêu đem về cho ngài chiếc áo choàng ngài đã để lại ở Trô-át tại nhà ông Các-pô, cũng như mấy cuốn sách, nhất là sách giấy da (4,13). Nhưng không thể đồng nhất hóa cuộc lưu trú này ở Trô-át với cuộc lưu trú T. Lu-ca đề cập đến ở Cv 20,5. Vì theo Cv 28,30, thì cuộc lưu trú này xảy ra năm năm trước khi kết thúc lần bị tù (thứ nhất). Không thể giả thiết là T. Phao-lô đã để lại áo choàng mùa đông trong vòng năm năm tại nhà ông bạn Các-pô.
Một ghi chú cuối cùng nữa là T. Phao-lô ký nhận ngài đã để anh Trô-phim đau ốm ở lại Mi-lê (4,20). Sự kiện này không ăn khớp với sự kiện ở Cv 21,29, vì ở đây ta thấy anh Trô-phim mạnh khỏe, đi ra phố tại Giê-ru-sa-lem với T. Phao-lô, trước khi ngài bị tù lần thứ nhất.
Vì những lý do trên, ta không thể lẫn cuộc lưu trú của T. Phao-lo tại Rô-ma chiếu theo 2Tm với cuộc lưu trú T. Lu-ca đề cập tới ở Cv 28,30. Bởi đó một số người chủ trương giả thuyết T. Phao-lô bị tù lần thứ hai tại Rô-ma.
Thư Ti-mô-thêu thứ nhất và Thư Ti-tô
Hai Thư này dùng một số dụng ngữ và bàn một số vấn đề như Thư Ti-mô-thêu thứ hai. nên phải thuộc về một thời kỳ như nhau. Các sự kiện có thể giúp xác định hơn về thời gian, thật là mong manh. Chỉ có thể nói rằng đã biên soạn hai Thư ấy không phải trước hoặc trong cuộc hành trình truyền giáo thứ ba, cũng không phải sau Thư Ti-mô-thêu thứ hai.
Theo 1Tm 1,3, T. Phao-lô trẩy đi Ma-kê-đoan và để ông Ti-mô-thêu lại Ê-phê-sô để điều khiển cộng đoàn. Không thể chấp nhận là cuộc lưu trú của ông Ti-mô-thêu tại Ê-phê-sô này xảy ra trong cuộc hành trình truyền giáo "thứ ba", vì trong suốt thời kỳ đó, ông vẫn ở liền bên cạnh T. Phao-lô. Ðàng khác, những lầm lạc đã lan vào trong cộng đoàn và T. Phao-lô đã nói trước trong bài giảng từ biệt ban kỳ lão (Cv 20,29) khiến ta giả thiết là Giáo đoàn Ê-phê-sô đã được thiết lập trước đó một thời gian rồi. Nên ta lại phải đặt một trong hai giả thuyết này: hoặc phủ nhận sử tính của mấy sự kiện trên, hoặc giả thiết là T. Phao-lô, sau lần bị tù tại Rô-ma chấm dứt vào năm 63, đã tiếp tục công trình truyền giáo và biên soạn Thư này sau năm 63 và trước Thư Ti-mô-thêu thứ hai.
Ta cũng có thể theo giả thuyết ấy đối với Thư Ti-tô. Theo Tt 1,5, T. Phao-lô đã để ông Ti-tô ở lại Cơ-rê-ta, hầu tổ chức cho xong Giáo đoàn ngài đã sáng lập tại đó. Ngài viết thư cho ông trong một cuộc hành trình (Tt 3,12) và bảo ông đến với ngài tại Ni-cô-po-li để nghỉ đông. Nếu các sự kiện này đúng sự thật, thì hoạt động truyền giáo phải xảy ra vào những năm sau khi T. Phao-lô được tha về, khoảng năm 63-67.
Nội dung
Các Thư Mục vụ và Giáo lý T. Phaolô
Thường người ta không đặt vấn đề về tính đồng nhất của các Thư Mục vụ. Nhưng về mối tương quan giữa thần học các Thư Mục vụ và Giáo lý của T. Phao-lô, thì lại khác. Khi so sánh hai đàng với nhau, ta nhận thấy những tương đồng rõ rệt cũng như những dị biệt đáng kể và chính lối giải thích sự kiện này lại gây nên những ý kiến hoàn toàn đối lập với nhau.
Những tương đồng
Có thể nói rằng "trong bút tích không thuộc về T. Phao-lô không nơi nào lại thấy giáo lý T. Phao-lô xuất hiện rõ ràng như trong các Thư Mục vụ". Mà thực sự ta gặp lại trong các Thư này nhiều lời xác quyết quan trọng của T. Phao-lô: nào lòng thương xót Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi Ðức Giê-su Ki-tô là Ðấng đã đến cứu chuộc tội nhân (1Tm 1,12-17); nào con người được cứu do ân huệ nhưng không (Tt 3,7) và nhờ đức tin (1Tm 1,16; 2Tm 3,15); nào không thể nhờ các việc làm để nên công chính (Tt 3,5; 2Tm 1,9); nào ơn cứu độ loài người thể hiện đúng theo qui hoạch muôn đời của Thiên Chúa (tức "huyền nhiệm" bây giờ được bày tỏ ra 1Tm 3,16). Ngoài ra, còn phải thêm nào các lời khuyên nhủ nói với nô lệ (1Tm 6,1-2) và liên quan tới thái độ phải theo đối với những kẻ cầm quyền (1Tm 2,1; 3,1); nào nhấn mạnh là các đau khổ T. Tông đồ có ích lợi cho tín hữu (2Tm 2,10); nào nhắc lại các tâm tình của T. Tông đồ (ví dụ như lòng khiêm tốn: 1Tm 1,12-14, hay là tình yêu đối với ông Ti-mô-thêu: 1Tm 1,2.18; 5,23; 2Tm 1,2; 1,4; 4,9.21; v.v.); nào sự tế nhị cần phải tỏ ra đối với những ai lầm lạc (2Tm 2,25). Bảng liệt kê các điểm tương đồng trên đây cũng đủ dài, khiến ta phải công nhận (ít nữa) là các Thư Mục vụ đã được biên soạn trong môi trường thuộc ảnh hưởng T. Phao-lô.
Những dị biệt
Tuy nhiên, những dị biệt giữa thần học và các Thư Mục vụ với Giáo lý T. Phao-lô cũng có thật, không kém chi những tương đồng. Tuy có gặp thấy trong các Thư Mục vụ những lời quan trọng T. Phao-lô quả quyết về ơn cứu độ, nhưng thường lại diễn ra bằng từ ngữ khác. Ðức tin, thay vì xét trước tiên là mối liên kết tín đồ với Ðức Ki-tô, thì lại coi là việc chấp nhận và trung thành với giáo lý đã cố định rồi (1Tm 4,1; 6,21), với giáo lý lành mạnh" (1Tm 1,10; 2Tm 4,3) hay là với "của gởi" đã lưu truyền cho các người như ông Ti-mô-thêu (1Tm 6,20; x. 2Tm 2,2). Người ta đã ký nhận là các Thư này nhấn mạnh tới các "việc lành" (1Tm 2,10; 5,10.25; v.v.) và có một quan niệm luân lý gọi là "trưởng giả" đối lập với các đòi hỏi triệt để hơn trong các Thư lớn của T. Phao-lô: "địa vị cốt yếu của đức tin hình như bây giờ dành cho "lòng đạo", "lòng sùng hiếu", là một danh từ thấy liên lỉ nhắc đi nhắc lại trong các Thư Mục vụ, nhưng lại hoàn toàn xa lạ với từ ngữ T. Phao-lô quen dùng". Lòng yêu mến cũng hướng tới chỗ trở nên một nhân đức giữa bao nhân đức khác, thay vì là chính nhân đức chỉ huy mọi nhân đức (1Tm 4,12). Còn Thánh Linh, thì chỉ nhắc tới một cách phụ thuộc mà thôi và ơn thánh cũng chỉ xét theo một viễn ảnh có phần hạn chế (Tt 2,11-12). Sau hết, người ta nhận thấy sự giảm sút trong việc chờ đợi cánh chung, vì nhấn mạnh tới sự cần thiết của đời sống đạo đức hiện thời (Tt 2,11-14). Mọi nét đó chứng minh là người ta đã tới một thời kỳ trễ hơn, không còn phải là lúc đặt nền tảng đức tin, nhưng là lúc cần phải lo củng cố và tổ chức Giáo Hội đứng trước nguy cơ của nhiều bè rối.
Tổ chức Giáo Hội
Vào lúc phần đông các T. Tông đồ đã qua đời, thấy nhấn mạnh tới trách nhiệm người chỉ huy các Giáo đoàn, tức là giám quản và kỳ lão (hay trưởng lão). Về phương diện này, tình trạng do các Thư Mục vụ phản ảnh là tình trạng cuối thế kỷ thứ nhất: ở đây chưa phải là đặt chức giám mục theo lối quân chủ, như mãi sau này, vì giám quản và kỳ lão trong thực hành đã thể hiện các chức năng như giám mục (x. 1Tm 3,1). Cả hai đàng đều có trách nhiệm trung tín thông truyền giáo huấn mình đã lãnh nhận và phải nêu gương sống thánh thiện kèm thêm vào lời giảng thuyết (1Tm 3,1-7; Tt 1,5-9). Các vị ấy phải lo củng cố tín đồ trong đức tin, đương đầu với các tuyên truyền của những giáo sư lầm lạc. Còn những tá viên, họ cũng phải nêu gương sống thánh thiện (1Tm 3,8-13) và phụ trách cách riêng việc phục vụ các người yếu đau và nghèo khó. Ðiều đáng lưu tâm là những thừa tác vụ ngôn sứ hay đoàn sủng bị cho xuống hàng nhì, có lẽ là do những rối loạn giống như ta đã thấy xảy ra trong Giáo đoàn Co-rin-tô. Xét chung thì các thừa tác vụ chưa thấy phân định giới hạn rõ ràng; đó chỉ là bắt đầu một trào lưu tổ chức mà tập truyền sau này sẽ xác định thêm.
Các bè rối
Các bè rối mà các Thư mục vụ luôn luôn chống lại và khiến cho cần nại tới giáo lý trung kiên, ta chỉ thấy nêu lên một cách tổng quát, nên không thể đồng hóa chúng với phái ngộ đạo xác định rõ ràng thuộc thế kỷ thứ hai. Các giáo sư lầm lạc dường như hoạt động ngay trong lòng Giáo Hội, chịu ảnh hưởng chính yếu bởi các thuyết do-thái hóa: đó là những người Do-thái (Tt 1,10) muốn làm giáo sư Luật pháp (1Tm 1,7), mở ra những cuộc tranh luận về luật pháp (Tt 3,9) và nại tới những thần thoại do-thái (Tt 1,14), những chuyện hoang đường và gia phả (1Tm 1,4). Nhưng có thể nhận ra trong Giáo huấn của họ bắt đầu đề cập tới thuyết nhị nguyên của phái ngộ đạo: ví dụ như cấm hôn nhân và ít nhiều kiêng cữ khác về đồ ăn (1Tm 4,3), mặc dầu mấy kiêng cữ này có thể phát xuất từ các môi trường do-thái. Lời quả quyết về việc Phục sinh đã xảy ra rồi (2Tm 2,18), cũng có thể là gốc từ phái ngộ đạo. Các bè rối này đi đôi với sự bê trễ về đàng luân lý (x. nhiều bảng liệt kê các tính mê nết xấu trong các Thư mục vụ. Tuy nhiên phải ký nhận rằng những bảng liệt kê ấy rất quen thuộc trong giới khắc kỷ: chúng đã qua các môi trường của giới Tản cư có liên lạc với triết lý khắc kỷ, để đi vào các Thư mục vụ. Về phương diện này ta thấy đặc biệt rõ ràng các Thư mục vụ chịu ảnh hưởng thuyết khắc kỷ)
Lời tán dương trong các Thư mục vụ
Tuy nhiên, nếu chỉ tranh luận về nội dung các tước hiệu giám mục hay kỳ lão hoặc về mấy bè rối các Thư mục vụ muốn tố cáo mà thôi, thì chưa nêu rõ giá trị thần học của các Thư này. Ta còn phải biết nghe thấy vang dội ở đó những lời tán dương trong phụng tự của Giáo Hội thời cổ. Lời tán dương ấy đặc biệt rõ ràng trong những đoạn thánh thi tiên khởi còn ghi lại nơi các Thư mục vụ (1Tm 2,5-6; v.v.), và cả trong nhiều đoạn văn ca tụng tính cao cả Ðức Ki-tô và sự nghiệp của Người (1Tm 1,12-17).
Tính chính tông
Các Giáo đoàn ki-tô hữu quả quyết các Thư mục vụ thuộc về qui điển. Nghĩa là cộng đoàn ki-tô hữu được Thần Linh Ðức Giê-su hướng dẫn, nhìn nhận lời Thiên Chúa trong các Thư này. Nhưng vấn đề chính tông vẫn còn bỏ ngỏ, tức là có đúng T. Phao-lô đã biên soạn các Thư ấy hay chăng? Thực sự như chúng tôi đã chứng tỏ trên này, sở dĩ người ta đã phân vân nhiều như thế về ngày tháng biên soạn, chính vì ngày tháng đó liên kết với vấn đề chính tông. Có nhiều lý do khiến người ta phải phân vân như vậy.
Trước tiên là những lý chứng của khoa phê bình hình thức. Theo một số người các lý chứng rất có giá trị để bênh vực tính chính tông. Ông Cơ-lê-men Rô-ma, T. Po-ly-cáp Mýc-na, T. I-nha-xi-ô An-tiêu-kia đã biết và trích dẫn các Thư mục vụ. Như thế có nghĩa là tập truyền các Giáo đoàn Rô-ma, Mýc-na và An-tiêu-kia đã coi các Thư này thuộc về qui điển. Qui điển Mu-ra-to-ri, thiết lập vào năm 180, sắp các Thư này vào bộ văn thư T. Phao-lô. Ông Cơ-lê-men A-léc-xan-đi trích dẫn hơn bốn mươi lần, T. I-rê-nê minh nhiên gán cho T. Phao-lô những lời ngài trích dẫn trong các Thư mục vụ. Thế nghĩa là vào sau nửa thế kỷ thứ hai, người ta đã biết và nhìn nhận các Thư ấy là của T. Phao-lô và thuộc về qui điển y như mười Thư khác vậy.
Kết luận như thế có lẽ hơi vội. Dù sao lý chứng rút ra từ những tương đồng giữa các Thư mục vụ với các Thư T. I-nha-xi-ô và T. Po-ly-cáp sẽ bớt quyết liệt đi nhiều, nếu ta giả thiết là hết mọi bản văn ấy đều lệ thuộc vào một tập truyền chung có trước các Thư mục vụ. Còn qui điển Mu-ra-to-ri, thì ta có thể đem đối lập với qui điển Mác-xi-ô vào giữa thế kỷ thứ 2, không chấp nhận các Thư mục vụ vào qui điển. Vẫn hay rằng bè rối Mác-xi-ô đã bỏ toàn bộ Cựu Uớc, nên không ưa gì các Thư mục vụ, bởi các Thư này vừa luận phi với các bè rối, vừa ca tụng Cựu Ước.
Trên bình diện phê bình nội dung, tình trạng cũng hồ đồ như vậy. Trước hết đây là vấn đề đặt ra do từ ngữ không đồng nhất. Trên tổng số 902 tiếng dùng trong các Thư mục vụ có 305 tiếng không gặp thấy nơi nào khác trong văn thư của T. Phao-lô, và 175 tiếng không gặp thấy nơi nào khác trong Tân Ước. Như vậy là nhiều lắm. Tức là theo tỉ lệ một lần đối với 1,55 câu trong các Thư mục vụ, còn trong 1C, thì tỉ lệ một lần đối với 5,33 câu và trong 2C là tỉ lệ một lần đối với 3,66 câu. Vậy nên kết luận thế nào?
Không nên quá đề cao tầm quan trọng của những con số ấy. Trong các lần tỉ lệ đó, có lần không nhắm ý nghĩa nào đặc biệt. Ví dụ mấy tiếng thuần tuý chỉ là nhân dịp như dạ dày (1Tm 5,23), bà (2Tm 1,5), giấy da (2Tm 4,13), hoặc các thành ngữ la-tinh như sống cuộc đời (1Tm 2,2), tên gian ác (2Tm 2,9), mà lý do là tại T. Phao-lô đã sống ở Rô-ma. Cũng cần nhắc đến những tiếng Thánh Kinh Cực Ước dùng trong bản dịch hy-lạp và những ai đã làm quen với bản dịch ấy đều dùng tới một cách hết sức tự nhiên.
Ðó là những lần tỉ lệ không có ý nghĩa đặc biệt. Nhưng các lần có nghĩa đặc biệt thì sao? Chẳng có thể do đề tài bàn đến hoặc do tác giả.
Ðề tài bàn đến ở đây thì đặc biệt: phải làm sao để điều khiển Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa. T. Phao-lô chưa bao giờ xét đề tài theo chiều kích bao la như vậy. Tình trạng mới đòi dụng ngữ mới. Người ta đã ghi chú là có 50 lần tỉ lệ liên quan tới giáo lý lầm lạc, 29 lần liên quan tới các tư cách thừa tác viên cộng đoàn, 61 lần liên quan tới các vai trò và đức tính của ông Ti-mô-thêu và ông Ti-tô, và 90 lần liên quan tới việc tổ chức chung trong Giáo Hội.
Tác giả cũng vậy, từ thời các Thư lớn tới nay đã thay đổi rồi. Một tư tưởng cường tráng như của T. Phao-lô đương nhiên là thoát ra ngoài vòng cứng ngắc và con người đã tiến hóa, thì cũng in dấu vết vào dụng ngữ họ dùng. Ðiều ấy không phải riêng cho các Thư mục vụ, nhưng còn gặp thấy trong cả tiến trình hình thành bộ văn thư của T. Phao-lô nữa. Ngay việc chứng minh Thư 1 Thê-sa-lo-ních và Thư Co-lo-xê đều do cùng một người đã viết Thư 1 Co-rin-tô, đã không phải dễ dàng gì.
Ðàng khác, T. Phao-lô đã già đi. Lời văn trở nên chậm rãi và tẻ nhạt, ưa thiên về dạy luân lý: vì trong 2Tm có tới 30 động từ mệnh lệnh cách! T. Phao-lô đã quên những tiếng kêu dồn dập ở 2C, những lời nổ tung ở Ga. "Ðây là một T. Phao-lô ước lệ dùng lối văn hiền từ và dễ dãi nói với một ông Ti-mô-thêu giả tạo" (Loisy). Vì muốn rõ ràng và thứ tự, nên thích tiếng chuyên môn ít dùng. Cuộc tiến hóa về ngôn ngữ như vậy là cái bình thường đối với một văn sĩ khi về già. Ta cũng cách nhau về thời gian như Pơ-la-tông và Sếch-pia.
Sau hết, người ta đã nêu tầm quan trọng của thơ ký trong việc biên soạn các Thư này. Ông Giê-rê-mi-át cho là lý chứng này có giá trị đặc biệt. Sự các tù nhân chồng chất lên nhau, sự dơ nhớp và thiếu ánh sáng trong các nhà tù, sự khó viết theo kỹ thuật người xưa, - đối với 2Tm thì đã phải làm việc nhiều ngày, - khiến ta giả thiết là thơ ký góp phần rất lớn. Bên cạnh những đoạn văn do chính T. Phao-lô đọc, ví dụ như 2Tm 4,6-18, có lẽ thơ ký đã viết những khúc dài căn cứ theo giáo lý của T. Tông đồ và những lần đầu đàm đạo với Thánh nhân. Cũng do sáng kiến riêng của thơ ký đã xen vào trong Thư những đoạn thánh thi như 1Tm 1,17; 3,16; 6,15-16 và 2Tm 2,11-13 lấy ở trong phụng tự. Còn mấy điểm khác liên quan tới tính chính tông, ta có thể xét qua vắn tắt. Như ta đã thấy trên này, có những dị biệt quan trọng giữa các Thư mục vụ và giáo lý T. Phao-lô. Vậy có thể coi đó là lý chứng quyết liệt chống lại tính chính tông của các Thư này hay không? Có người đã tưởng như thế. Nhưng cũng có thể nhận là T. Phao-lô viết các Thư ấy khi đã về già, vào thời ngài phải đương đầu với những vấn đề khác không giống như trong các Thư buổi đầu.
Người ta còn muốn coi sự kiện các Thư này đấu tranh chống với "phái ngộ đạo" (bè rối này làm chứng một ngày biên soạn lùi lại mãi về sau) là một lý chứng, để không nhận là do T. Phao-lô viết. Nhưng mấy bè rối các Thư này ám chỉ không có những nét riêng chính xác của phái ngộ đạo thuộc thế kỷ thứ 2, mà chỉ gồm mấy nét chung với đạo Do-thái. Các trào lưu đề cập đến trong Thư rất có thể đã xuất hiện ngay từ khi T. Phao-lô tông đồ còn sống.
Còn việc tổ chức Giáo Hội, có thể là đã đạt tới mức phát triển mà các Thư khác của T. Phao-lô chưa biết đến. Các chỉ thị liên quan tới việc ấy rất có thể là phản ảnh mối ưu tư của T. Phao-lô trước khi qua đời. Ở đây cũng vậy, không thể đưa ra lý chứng nào quyết liệt chống lại tính chính tông.
Chúng tôi chưa nói tới sự khó điều hòa khuôn khổ lịch sử ta gặp thấy trong các Thư mục vụ với các sự kiện do sách Công vụ tông đồ cung cấp. Thực ra, việc T. Phao-lô bị tù "lần thứ hai" là một giả thuyết, nêu lên với mục tiêu duy nhất là tạo nên một khuôn khổ lịch sử, trong đó đời sống T. Phao-lô chiếu theo các Thư mục vụ, có thể ăn khớp vào. Nói thế không phải là không có việc bị tù lần thứ hai. Vì cuối sách Công vụ kể lại chuyện bị tù lần thứ nhất, không tất nhiên hàm ý là T. Tông đồ không còn sống nữa. Ta thấy lý chứng này có phần khó hiểu. Theo nguyên tắc, lẽ ra lý chứng này phải khiến cán cân nghiêng về phía những sự kiện do các Thư mục vụ nêu lên, vì nếu không có những lý do nghiêm chỉnh, thì không được phép nghi ngờ ai thiếu sự thật thà.
Vậy phải kết luận làm sao? Những người chối cũng như những kẻ bênh tính chính tông của các Thư mục vụ đều có những lý do đúng đắn. Những người khác lại cho rằng nếu theo lập trường chết trung, công nhận tính chính tông phân diện, có lẽ là giải pháp hay hơn hết. Ta có thể giả thiết là một người thán phục T. Phao-lô đã tìm cách thiết lập, để đáp ứng các nhu cầu Giáo Hội đương thời những gì người ấy coi là chúc thư linh thiêng của T. Tông đồ. Còn mấy chi tiết cụ thể (như áo choàng và sách giấy da để quên tại Trô-át) có thể do những Thư chính tông T. Phao-lô viết, rồi sau lấy một phần xen vào các Thư mục vụ.