Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư 1 & 2 Gửi Tín Hữu Thê-sa-lo-ních

Ðức Ki-tô Tái Lâm Vinh Hiển

 

Thành Thê-sa-lo-ních và việc sáng lập Giáo đoàn

Chính vào năm 50, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, T. Phao-lô đã tới Thê-sa-lô-ních, là Thủ đô tỉnh ma-kê-đoan thuộc đế quốc Rô-ma. Ðây là thị xã đầu tiên T. Phao-lô bước chân vào tại châu Âu. Thành này sáng lập vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và đã mau kíp trở nên quan trọng. Nhờ vị trí địa lý ở đáy vịnh Théc-mai-cơ mà thành này trở nên cửa biển chắc chắn. Vì ở trên đường Via Egnatia nối biển Ê-giê với biển A-đi-a-tích, nên là nơi thông quá và là nơi tiêu thụ tự nhiên cho một cánh đồng giàu có và cho cả nội xứ. Bị Ma-kê-đoan rồi đế quốc Rô-ma đô hộ, thành này đã đóng vai trò chính trị trọng yếu, nhất là kỳ khởi loạn năm 149 trước Công nguyên, để thoát ách thực dân Rô-ma ngày càng trở nên nặng nề. Sau đó ít lâu, Ma-kê-đoan thành một tỉnh Rô-ma và Thê-sa-lo-ních là thành đông dân cư hơn hết được chọn làm thủ đô. Năm 42 trước Công nguyên, thành được hưởng qui chế thị xã tự do, và chính quyền Rô-ma đặt một quan tổng tài ở đấy. Thành đã phát triển thêm, mở rộng các thiết bị trên cửa biển. Thời kỳ T. Phao-lô vào đó, thành đã trở nên thị xã thương mại phồn vinh, có nhiều ngoại kiều sống ở đấy và trong số này, có một đoàn kiều dân Do-thái quan trọng.

Theo sách Công vụ, ta biết rằng: T. Phao-lô từ thành Phi-líp tới đó, và đi theo ngài có ông Si-la và ông Ti-mô-thêu (Cv 17,1-10). Thời gian ngài lưu trú tại Thê-sa-lo-ních có lẽ không quá vắn vỏi như sách Công vụ xem ra gợi ý cho ta hiểu (ba ngày hưu lễ Cv 17,2). Vì ngài đã có thì giờ để làm một nghề (1Th 2,9), để nhận nhiều lần đồ tiếp tế của người Phi-líp (Ph 4,16) và đem các người Do-thái, kẻ tân tòng và nhất là dân ngoại vâng theo Tin Mừng (x. 1Th 1,9). Nhưng công việc ngài làm đã bị gián đoạn một cách tàn khốc do phản ứng của đoàn kiều dân Do-thái bắt ép ngài phải trẩy đi vội vàng. Vì những người Do-thái đã gây rối loạn, cáo mấy nhà giảng thuyết là hành động trái sắc chỉ hoàng đế và lôi kéo mấy người ki-tô hữu ra trước quan tòa (Cv 17,5-9). Các anh em tại Thê-sa-lo-ních đã  liệu cho mấy vị thừa sai ban đêm trẩy sang thành Bê-rê, là nơi các người Do-thái tại Thê-sa-lo-ních lại đến để chống đối lời rao giảng của T. Phao-lô.

Thế là T. Tông đồ bỏ một cộng đồng vừa mới thành hình. Nên ta hiểu vì sao ngài lo âu về các người ki-tô hữu tân tòng ấy, nay bị lẻ loi một mình trong cơn bắt bớ. Ðó cũng là lý do giải thích vì sao khi nói với tín đồ về người Do-thái, ngài dùng giọng hung hăng kịch liệt (1Th 2,15-16).

 

Thư Thê-sa-lo-ních thứ nhất

Ðiều khiến độc giả lưu ý trước tiên trong Thư 1 Thê-sa-lo-ních, là giọng điệu khác xa mấy Thư khác của T. Phao-lô. T. Tông đồ không bận tâm vì vấn đề giáo lý nào quan trọng. Ngài muốn trước tiên bày tỏ những tâm tình sâu đậm liên kết ngài với một cộng đồng ngài vừa mới lập xong và đã lìa bỏ được ít lâu rồi. Sau một lúc âu lo, T. Phao-lô đang vui mừng hồ hởi vì những tin mừng đã nhận được. Vui vì thấy Giáo đoàn trẻ tỏa chiếu đức tin sơ sinh, nên ngài diễn tả niềm vui ấy trong lời tạ ơn thật dài (c. 2-10 ch. 1 là câu duy nhất kéo dài). Ngài không cần điều chỉnh những sai lầm; vì ngài biết là anh em tại Thê-sa-lo-ních đang ở trong đường chính, đã chống lại với thử thách gian nan. Ðiều duy nhất ngài khuyên nhủ họ là kiên tâm bền chí theo con đường ấy và càng tiến bộ thêm. Ðã hẳn, T. Phao-lô sốt ruột muốn trở lại với người Thê-sa-lo-ních, hầu bổ túc thêm những gì còn thiếu nơi đức tin trong họ (3,10), nhưng ngài không lo lắng, vì họ trung thành, họ biết từ nay mình phải sống làm sao, gần như ngài không cần nhắc lại cho họ nữa (4,9; 5,1). Sống trong niềm hi vọng nhắc tới nhiều lần (1,10; 2,19; 4,16), hi vọng Ðức Ki-tô sắp tái lâm vinh hiển, Giáo đoàn Thê-sa-lo-ních là một bằng chứng cho thấy rằng dù gặp mọi thứ trở lực, Tin Mừng vẫn luôn luôn tiếp tục công trình tiến tới.

Sự vui mừng, niềm tin cậy và lòng sốt sắng đó, T. Phao-lô diễn tả trong lời văn giản dị và trực tiếp. Vì thế Thư 1 Thê-sa-lo-ních là như sứ điệp săn đón và thân tình một người cha gởi cho con cái (x. 2,11-12), biết rõ con cái cần vượt lên trên những khó khăn nào. Vào lúc bình minh lịch sử Giáo Hội, ta được cùng với Thư này sống lại niềm hăng hái của cuộc đấu tranh tiên khởi và ngọn lửa nhiệt thành của những cuộc chiến thắng đầu tiên. ta gặp thấy nơi đây lòng quảng đại quen đánh dấu những cuộc bắt bớ đầu thời danh.

 

Ngày tháng

Thực thế, Thư 1 Thê-sa-lo-ních không những là bước đầu tiên của T. Phao-lô, lại cũng là bản văn cổ nhất trong Tân Ước. Hẳn là T. Tông đồ đã gởi đi vào đầu năm 51 (hai mươi năm sau khi Chúa Giê-su qua đời), ít lâu sau khi ngài tới Co-rin-tô, là nơi ông Ti-mô-thêu từ Thê-sa-lo-ních đến đem những tin mừng cho ngài. Hẳn là vào lúc đó, các tập truyền Phúc Âm đã thành hình, nhưng chưa biên soạn mấy cuốn Phúc Âm như chúng ta hiện có bây giờ. Có những bản văn khác trong Tân Ước kể lại cho ta những tập truyền cổ kính hơn, nhưng về phương diện văn chương, thì Thư 1 Thê-sa-lo-ních là bút tích đầu tiên của Ki-tô giáo.

 

Thư Thê-sa-lo-ních thứ hai

Ý kiến phổ thông công nhận 2 Thê-sa-lo-ních là Thư T. Tông đồ gởi ít lâu sau Thư thứ nhất. Tuy nhiên dù hai Thư mang cùng một chữ ký và Giáo Hội cổ thời công nhận là Thư của T. Phao-lô Tông đồ, nhưng có mấy vấn đề đặt ra liên quan tới tính chính tông của Thư 2 Thê-sa-lo-ních. Sự kiện có mươi danh từ nơi Thư thứ hai người ta không gặp lại nơi nào khác trong các bản văn T. Phao-lô không phải là một vấn đề quan trọng, vì Thư 1 Thê-sa-lo-ních còn có nhiều hơn những danh từ như thế. Sự kiện trong Thư thứ hai một ít danh từ có nghĩa không phù hợp với ý nghĩa ta gặp thấy nơi các Thư khác của T. Phao-lô, cũng không phải là đầy đủ để không nhìn nhận T. Phao-lô đã viết Thư này. Nhưng nếu so sánh cẩn thận hai Thư, ta sẽ đi tới hai nhận xét quan trọng hơn sau này:

1. Những tương đồng văn chương giữa hai Thư thật là đặc sắc. Có những kiểu nói hay là trọn cả những câu trong 2 Thê-sa-lo-ních hình như đã lấy lại từ Thư thứ nhất, và có đúng như vậy trong ba chương của Thư thứ hai, nhưng phải trừ lời giáo huấn riêng ở 2Th 2,1-12. Muốn nhận định điều ấy, ta có thể xếp song song mấy bản văn sau này:

1Th 1,2-3 và 2 Th 1,3

1Th2,12 và 2Th 1,5

1Th 3,13 và 2Th 1,7

1Th 3,11-13 và 2Th 2,16-17

1Th 2,9 và 2Th 3,8

1Th 5,23 và 2Th 3,16

1Th 5,28 và 2Th 3,18

Người ta thường cố giải thích đặc tính song song này là do tác giả đã đọc hai Thư trong thời hạn thật vắn nên mới có sự cố gắng giống nhau chặt chẽ như vậy. Nhưng nếu thời hạn giữa việc gởi hai Thư quả vắn như vậy, thì cần giả thiết sự đột ngột chuyển hóa tình hình tại Thê-sa-lo-ních, mà trong Thư thứ nhất không có gì cho ta thấy trước điều này. Nên vẫn còn khó giải thích vì sao, nói với cùng một nhóm người trong khoảng mấy tuần lễ, mà T. Tông đồ lại từ giọng tha thiết và cảm động trong Thư 1 Thê-sa-lo-ních chuyển sang giọng nói long trọng và văn thể công phu khiến người đọc Thư thứ hai phải ngạc nhiên.

2. Giáo huấn trong 2 Thê-sa-lo-ních liên quan tới những biến cố ngày tận thế (x. mục tiếp theo) không qui chiếu vào điều đã viết trong 1Th 5,1-6 về việc Ngày của Chúa đến bất ưng. Sự kiện ấy càng kỳ lạ hơn nữa, vì 1 Thê-sa-lo-ních dạy rằng: sẽ từ sự bình an bề ngoài chuyển sang đổ nát, không có thời kỳ quá độ, còn Thư thứ hai lại mô tả các giai đoạn kế tiếp nhau trong lịch sử loài người, trước khi mặc khải sự vinh quang Ðức Ki-tô. Có thể đáp lại rằng lối văn khải huyền vẫn quen xen lẫn đề tài biến cố bất ưng với đề tài các dấu chỉ tiên báo, như ta thấy trong chính bản văn Tin Mừng (x. Mc 13 và ss). Tuy nhiên, dù T. Phao-lô đã nhân dịp để ban giáo huấn về ngày tận thế (1Th 4,13-5,3; 1C 15,20-24), nhưng ngài không nói chi về thời kỳ chối đạo và việc xuất hiện của một tên phản ki-tô. Rõ ràng là đã viết Thư thứ hai cốt yếu để trình bày chuyện phim khải huyền ấy (2Th 2,1-12). Nếu cần xác định hay điều chỉnh một giáo huấn đã ban khi trước, thì sao lại trình bày như thể nhắc suông lại điều giáo huấn thành văn hay truyền khẩu đã nhấn mạnh vào việc Ngày của Chúa đến bất ưng "như kẻ trộm ban đêm"?

Vậy vấn đề vẫn còn đặt ra đó và hẳn là không có tầm quan trọng chủ yếu, vì tập truyền cổ không lưu ý tới chút nào. Chắc chắn 2 Thê-sa-lo-ních đáp ứng tình hình xác định của những cộng đồng ki-tô hữu đó đã lo âu vì không thấy Ngày của Chúa đến mau như người ta tưởng. Rất có thể là một nhà văn ki-tô giáo, một người phụ trách một cộng đồng, hiểu sâu xa giáo huấn của T. Phao-lô, đã tưởng mình có nhiệm vụ nhờ T. Tông đồ bảo trợ, để điều chỉnh lối giải thích sai lạc và nguy hiểm về đợi trông Ðức Ki-tô tái lâm. Như vậy sẽ giải thích ổn thỏa được nguồn gốc những điểm khó khăn về sự ăn khớp với nhau như đã ghi chú trên này. Phương thức ấy không phải do tinh thần ngụy tạo, như quan niệm kim thời chúng ta về văn chương có thể làm cho người ta nghĩ thế. Vì văn chương Do-thái giáo và Ki-tô giáo thường dùng phương thức ấy để xác định hay là đào sâu một giáo huấn cổ truyền. Dù sao, 2 Thê-sa-lo-ních đã đóng vai trò quan trọng lịch sử Giáo Hội, và mặc dầu có những ám chỉ khải huyền tối nghĩa, nhưng Thư này đã chặn đứng mọi hình thức thoát ly trốn tránh trách nhiệm, xa cái thực tại của cuộc đấu tranh mà ki-tô hữu phải đương đầu ở giữa thế gian và nhắc cho mọi người nhớ rằng niềm hi vọng ki-tô hữu không thể nào tách rời với sự tỉnh thức hằng ngày.

 

Kinh nghiệm thừa sai của T. Phao-lô

Ở 1 Thê-sa-lo-ních, nhất là trong ba chương đầu, T. Phao-lô dùng thì hiện tại, nhưng vẫn liên lỉ quay về quá khứ. Nơi mỗi khúc quanh bản văn ngài, ta đều gặp những động từ như "nhớ" hoặc "biết" theo nghĩa là "ôn lại việc nọ việc kia" (1,3.4.5; 2,1.2.5.9.11; 3,3.4.6; 4,2; 5,2). Chính vì những tương quan hiện thời giữa T. Tông đồ với những kẻ ngài viết Thư cho chỉ có ý nghĩa căn cứ trên những gì đôi bên đã từng chung sống mấy tháng trước đây. Những tương quan ấy ăn rễ sâu vào kinh nghiệm chung cho T. Phao-lô và các anh em, từ ngày phát sinh cộng đồng ki-tô hữu nhờ vị thừa sai công bố Tin Mừng. Chính nhờ việc nhắc lại quá khứ này, mà hiện nay ta có được một bằng chứng rất là quí giá, vì có lẽ không bao giờ T. Phao-lô đã trao những lời tâm sự tuyệt vời quí báu và hoàn toàn cá nhân liên hệ tới nhóm người đầu tiên chấp nhận tin vào Ðức Ki-tô Tử nạn Phục Sinh.

Nhờ nghe loan báo Tin Mừng, người Thê-sa-lo-ních đã thay đổi đời sống; vì từ đây họ mong chờ Ðức Giê-su đến, mong chờ Chúa Con đã được Chúa Cha Phục sinh từ trong cõi chết. Bởi thế T. Phao-lô có thể tạ ơn vì niềm tin, lòng yêu mến và sự kiên tâm bền chí của họ (1,3). Việc đổi đời triệt để này trước tiên xuất phát từ cùng một sáng kiến của Chúa Cha, từ cùng một lòng yêu thương lựa chọn đã làm cho dân I-ra-en thành dân ưu tuyển (1,4; 2,12). Và T. Phao-lô biết rõ ngài không thể gán việc ăn năn trở lại ấy cho lời nói phàm nhân của ngài. Ðàng khác, ngài đã không tìm thành tựu cá nhân, đã không muốn đẹp lòng người thế (2,3). Thực sự, lời ngài chính là Lời Thiên Chúa và là chính Quyền năng Thiên Chúa đã muốn làm cho những người Hi-lạp ấy có khả năng "bỏ tà thần để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật" (1,9). Vậy lời ấy đâu có phải là bài giảng do một người phàm có điều chi để nói về Thiên Chúa. Nhưng đó chính là Lời Thiên Chúa, là việc Thiên Chúa can thiệp nhờ Thánh Linh của ngài, để giúp các người nghe T. Tông đồ rao giảng. Và lòng tin của các tín đồ tỏ ra hiệu năng của việc can thiệp này (2,13).

Lời ấy, T. Phao-lô cũng gọi là Phúc Âm (về Chúa Cha) (2,4.9). Thật thế, danh từ này không chỉ điều chi khác, nhưng chính là sứ điệp của T. Tồng đồ, là Tin Mừng chày kíp thánh nhân sẽ nhắc lại cho người Co-rin-tô (1C 15,1tt) và có lẽ 1Th 2,9-10 là định thức cựu trào hơn hết. Khi công bố việc Phục sinh của Ðức Giê-su, T. Tông đồ trở nên cộng tác viên Thiên Chúa (3,2), vì nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa tác động mạnh mẽ trong chính lời công bố ấy (1,5). Ðó là cách T. Phao-lô tự giải thích một biến cố hết sức lạ lùng như việc đón nhận Lời Chúa "trong niềm vui Thánh Linh" (1,6), giữa bao gian nan thử thách và những cơn bách hại do lòng tin vào Chúa Giê-su vốn lôi kéo theo (2,14). Và tác động ấy không nguyên hạn chế vào việc phát sinh cộng đồng tín hữu mà thôi; vì ngay giữa mọi gian nan thử thách không hề thiếu đối với các người mới tin theo Chúa Ki-tô này, tiếng gọi vẫn không ngừng vang lên, để kêu mời họ tiến sâu vào niềm tin hoạt động hơn, vào tình yêu mến biết tận hiến hơn, vào lòng trông cậy không hề nao núng bao giờ.

Thế nghĩa là gì, nếu không phải là Quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su phục sinh, từ đây vẫn tác động trong lời giảng của T. Tông đồ? Việc Phục sinh của Ðức Giê-su không phải chỉ là nội dung một câu nói trao cho lòng xác tín và tài hùng biện của vị thừa sai nhận lấy làm của mình. Ðiều quả quyết trong việc công bố - tức Quyền năng Thiên Chúa toàn thắng sự chết để làm cho sống - tỏ bày ra trong chính việc biến hóa những kẻ thờ thần thành những tôi tá Chúa Trời hằng sống. Hơn nữa, Quyền năng ấy còn thể hiện trong mình họ chính điều đã thể hiện trong Ðức Giê-su. Ðó là lý do khiến cho trong 1 Thê-sa-lo-ních T. Phao-lô đã hết sức tự do nói lên sự hiên ngang dạn dĩ, niềm mãn nguyện sâu xa, lòng xác tín vững vàng (x. 3,7). Ngài đi xa tới mức coi sự hiện hữu của cộng đồng Thê-sa-lo-ních là niềm hi vọng, hân hoan của ngài, là sự tự hào hãnh diện sẽ nên phần thưởng ngài trước Tôn Nhan Chúa Giê-su trong ngày Chúa quang lâm (x. 2,19). Trong những dịp khác, ngài sẽ thú nhận ngài chỉ có một mối tự hào là Thập Giá Chúa Giê-su Ki-tô hoặc nói suông là chính "Ðức Giê-su Ki-tô" (1C 5,7). Thế mà 1 Thê-sa-lo-ních tỏ ra cho ta thấy T. Phao-lô, vì hi vọng, mà đồng hóa cộng đồng trong đó Ðức Ki-tô đang làm việc với bản thân Ðức Ki-tô. Còn vinh quang ngài đang đợi từ Vương quốc tương lai (2,12), ngài đã được tiên hưởng rồi; vì khi kích khởi niềm tin trong lòng người thế, Thiên Chúa dường như đã tôn vinh công tác viên Thiên Chúa: "Thật chính anh em là vinh hiển và niềm hoan lạc chúng tôi" (2,20).

Vậy trong hoạt động thừa sai, T. Phao-lô thể nghiệm được tính hiện thời của huyền nhiệm Ðức Ki-tô Tử Nạn Phục Sinh: vì đó không phải nguyên là một biến cố thuộc về quá khứ mà thôi. Các cộng đồng ki-tô hữu và bản thân ngài đụng đầu với cơn thử thách, xưa đã là cơn thử thách của Chúa Giê-su (1,6; 2,14). Và chính trong lịch sử mà sự chết đang làm việc đó, ngài đã thấy vọt ra sự sống và vinh quang của Chúa Phục sinh.

 

Giáo huấn cánh chung

A. Thư thứ nhất: Tuy ba chương đầu 1 Thê-sa-lo-ních nhất là có ý nhắc lại quá khứ và tuy giọng điệu làm cho bản văn ấy, như ta đã thấy, thành một lá thư riêng, nhưng ta cũng gặp ở đấy một giáo huấn theo kiểu đặc biệt về cánh chung, tức là về những biến cố ngày tận thế, Giáo huấn này không hạn chế vào huấn thị chính xác ở 4,13-5,3, vì hi vọng Ðức Ki-tô tái lâm là một điều xác tín gõ nhịp cho cả lá Thư (x. 1,10; 2,19; 3,13) và là nền tảng cho cách ăn nết ở người ki-tô hữu: vì ki-tô hữu là người sống niềm trông đợi ấy. Ngày của Chúa do Cựu Ước báo tin, tức là ngày Thiên Chúa sẽ tự tỏ mình là thẩm phán kẻ lành và kẻ dữ, T. Phao-lô hiểu là Ngày của Ðức Ki-tô, Ngày Ðức Ki-tô sẽ đến trong vinh quang của Người là Con Ðức Chúa Cha, cho tín đồ được cứu thoát và ác nhân phải diệt vong. Ngày ấy, ki-tô hữu phải được Chúa thấy họ không có gì đáng trách.

Hơn nữa, người ta trông đợi ngày ấy trong một thời hạn khá vắn (4,15): chúng ta, những người còn sống, còn sót lại tới ngày Chúa quang lâm. Thế hệ ki-tô hữu đầu tiên (và T. Phao-lô cùng với họ) tưởng là Chúa họ gần tái lâm. Chính nhân dịp một vấn đề riêng mà T. Tông đồ phải xác định tư tưởng ngài. Số phận các ki-tô hữu qua đời trước khi Ðức Ki-tô tái lâm sẽ thế nào? Họ không được thấy Chúa ngự đến vinh quang, thì có thua thiệt hơn các người ki-tô hữu còn sống chăng? Ta thấy là vấn đề này phải đặt ra khá sớm trong các cộng đồng ki-tô hữu. Sự không biết chắc đúng ngày Ðức Ki-tô tái lâm làm cho mỗi tín đồ đứng trước mối nguy chính mình phải chết trước ngày bấy lâu trông đợi, T. Tông đồ đánh tan những mối lo sợ của các người ngài viết Thư cho (4,13-18). Niềm hi vọng vẫn còn nguyên, vì căn cứ trên việc Phục sinh của Ðức Ki-tô và trên Quyền năng Thiên Chúa Ðấng đã Phục sinh Ðức Giê-su. Một ki-tô hữu không phải là một kẻ chết vĩnh viễn. Chúa Phục sinh sẽ không quên một ai trong những kẻ thuộc về Người và hết thảy mọi người sẽ thông phần vào Ngày đại thế và vào sự Vinh quang. Trước tiên các ki-tô hữu đã qua đời sẽ sống lại vào đúng lúc, rồi cùng với ki-tô hữu còn sống, họ sẽ đi đón Chúa, để ở lại với người luôn mãi.

T. Phao-lô giáo huấn như vậy qui chiếu vào một lời Chúa phán (x. 4,15) và dùng các hình ảnh cổ truyền của lối văn khải huyến do-thái (tiếng tổng lãnh thiên thần và loa Thiên Chúa loan tin điều Thiên Chúa quyết định). Sự kiện giàu ý nghĩa, ấy là T. Tông đồ không ngưng lại để xác định về ngày giờ, nhưng ngài nhấn mạnh về tính đột nhiên của ngày ấy sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta sẽ tưởng mình được bình yên, thì chính là lúc điêu tàn đổ xuống trên họ (5,2-3). Ðiều duy nhất ki-tô hữu phải chăm lo là luôn luôn sẵn sàng đón nhận Thầy mình, là không ngừng tỉnh thức.

B. Thư thứ hai: Trong 2 Thê-sa-lo-ních, mối lưu tâm tác giả hoàn toàn khác. Một ít người ki-tô hữu, vì xác tín về việc Ðức Ki-tô sắp quang lâm, nên sống dường như Ngày của Chúa đã ở đấy rồi, thậm chí họ còn dựa vào uy tín một giáo huấn của T. Tông đồ mà họ đã hiểu sai (2Th2,1-2). Những phần tử cộng đồng sống buông tuồng (3,6), có lẽ là bỏ những gò bó trong cuộc sống hằng ngày và bỏ không lao động (3,10-12). Những điều xác định ở ch. 2 về các biến cố phải đi trước Ngày Chúa đến, chính là đáp ứng tình hình ấy. Mục tiêu là chặn trước mọi lối tiên hưởng Ngày ấy một cách sai lầm, và tấn công mọi điều không tưởng. Thực thế, Ðức Ki-tô phải đến phạt kẻ không tin và cho tín hữu thông phần vào sự Vinh quang của Người (1,8-10). Nhưng Người chỉ có thể đến sau một chuỗi đảo lộn như các bản văn khải huyền do-thái vẫn luôn luôn quả quyết về hồi tận thế và như chính Ðức Giê-su đã loan báo, chiếu theo lời Phúc âm tường thuật (x. Mc 13 và ss). Ta có thể tóm tắt về diễn tiến các biến cố như thế này:

1. Sa-tan đã làm việc ở thế gian này. Những cuộc bắt bớ ki-tô hữu phải chịu là một dấu chỉ điều ấy và việc phân chia thế giới thực hiện trước tiên giữa tín đồ và kẻ không tin. Nhưng sự không tin này sẽ ngày càng tiến triển, dối trá và bất công lan tràn. Những quyền huấn dụ (ảo tưởng) sẽ là mối nguy tê nhất: người ta liều mình lấy giả làm thật và lấy bất công làm công bình.

2. Rồi tới thời kỳ chối đạo, khi vào lúc ấn định, nhân vật tên là Vô đạo sẽ tỏ mình ra: đó là Phản ki-tô, sẽ là như hiện thân của mọi quyền năng Ác thần. Các dấu kỳ phép lạ nó sẽ làm, cuối cùng sẽ khiến cho những kẻ không đón nhận tình yêu chân lý phải sa vào lầm lạc (2,10). Nó sẽ kiêu căng tới mức tự coi mình là bản thân Thiên Chúa và chễm chệ ngồi ở trong Ðền thờ!

Sở dĩ tên vô đạo ấy chưa xuất hiện vào thời kỳ viết Thư này, chính là vì có một ai và một cái gì còn cầm giữ nó (x. 2,6-7), mà không thể biết đúng là lời ấy có ý chỉ ai. Hẳn là người nhận Thư được coi là hiểu lời ám chỉ ấy. Dù sao, hiển nhiên là đối với tác giả, một thời kỳ vô định - và liên hệ với trở lực huyền bí đó - còn phân cách thời gian tác giả viết Thư với thời gian tên Vô đạo sẽ đường đường tỏ quyền lực sa-tan của nó.

3. Chỉ sau khi tên Vô đạo ấy xuất hiện, thì Chúa mới tự tỏ mình ra và sẽ tiêu diệt tên thù nghịch đó.

Vậy các người tại Thê-sa-lo-ních tưởng là có thể sống như Ngày của Chúa đã ở đấy rồi, đều đã quên lời giáo huấn của T. Tông đồ (2,3). Họ lầm lạc vì đã sống trong tình trạng khoan khoái thảnh thơi và có lỗi vì bỏ qua những cuộc đấu tranh và rối loạn trong hồi tận thế. Trước cuộc toàn thắng sau cùng của Ðức Ki-tô, ta cần phải tranh đấu cam go hơn bội phần, nên sự tỉnh thức và trí phân biệt càng cần hơn bao giờ hết. Ðã hẳn Tin Mừng đã kêu gọi ki-tô hữu thông phần vào vinh quang của Ðức Ki-tô (2,14), nhưng trước khi được vinh quang, phải chịu bắt bớ và đau khổ (1,4-5) là những cái người ta chỉ có thể trải qua nhờ tấn tới trong lòng yêu mến, niềm tin và sự kiên tâm bền chí.

Vậy sự gần ngày tận thế rõ ràng là tương đối đối với Thư 1 Thê-sa-lo-ních. Còn đối với 2 Thê-sa-lo-ních, thì chính vì người ta đang sống vào buổi đầu thời khải huyền, nên cần chống lại sự đảo lộn vội vàng đối với trật tự hiện hữu trong cộng đồng và trong xã hội (khước từ lao động). Cần xa tránh (3,6) những người muốn sống trong dáng vẻ một cuộc chiến thắng bây giờ chưa thể hiện và nếu cần, thì cắt đứt mọi giao tiếp với họ (3,14). Chính màn chót trong vở kịch sẽ biến hóa tình hình, nhưng người ta chưa tới màn áp chót đâu. Ta thấy 2 Thê-sa-lo-ních là bản văn đầu tiên đã gặp như thế vấn đề mà ki-tô giáo sẽ đặt trãi qua các thế hệ, bao lâu ki-tô giáo còn suy tư về niềm tin và lòng trông cậy của mình trong khuôn khổ hình ảnh khải huyền.

Cả hai Thư Thê-sa-lo-ních đều là những bằng chứng cốt yếu về Giáo Hội cổ thời, và về lòng cậy trông của Giáo Hội. Sự thiếu quảng diễn dài về tín lý không làm cho hai thư ấy thành những bản văn hạng nhì đâu. Vì mặc dầu tương đối đơn sơ, nhưng chúng nhắc lại tất cả những gì là niềm tin chung cho các ki-tô hữu trong thế hệ đầu và là kinh nghiệm của các vị thừa sai tiên khởi. Ðó là lòng yêu thương Thiên Chúa ban ơn kêu gọi, chủ quyền tối cao của Ðức Ki-tô là Ðấng người ta nhiệt liệt mong Người tái lâm, tác động tràn đầy của Thánh Linh trong lời công bố Tin Mừng và trong đời sống các cộng đồng, niềm xác tín về việc phục sinh, sự kiên tâm bền chí khi phải gian nan bắt bớ, tình huynh đệ làm cho các ki-tô hữu và các cộng đồng liên đới với nhau... Có lẽ nào ki-tô hữu không kiên lỉ quay về với nguồn mạch ấy? Có lẽ nào họ không luôn luôn tìm thấy ở đây lời kêu mời họ sống ngay trong thời đại mình, cùng một niềm cậy trông, sống một cách nhiệt thành hăng hái như các ki-tô hữu thuở đầu?

 


Back to Home Page